Theo tạp chí “Tuần san châu Á” (Hong Kong) số 49/2024, Thái Lan và Campuchia đang đàm phán về tranh chấp chủ quyền vùng biển, nhưng phe đối lập ủng hộ quân đội Thái Lan đã đặt câu hỏi về thỏa thuận được ký giữa Thaksin và Hun Sen năm đó, đồng thời nhân cơ hội công kích con gái của Thaksin là Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra.
Koh Kut là khu nghỉ dưỡng nằm ở phía Đông vịnh Thái Lan và bờ biển phía Tây Campuchia, cũng là hòn đảo lớn thứ 4 ở Thái Lan, gần đây trở thành tâm điểm dư luận do tranh chấp chủ quyền vùng biển giữa Thái Lan và Campuchia. Kể từ khi Bản ghi nhớ về thăm dò dầu khí trong khu vực có yêu sách chồng lấn (OCA) đối với vùng biển Thái Lan-Campuchia được ký vào năm 2001 khi Thaksin còn là Thủ tướng, phe đối lập ủng hộ quân đội Thái Lan phản đối Thaksin đã chỉ trích rằng bản ghi nhớ khiến Thái Lan mất chủ quyền trên vùng biển và yêu cầu chính phủ hiện tại, do con gái ông Thaksin đứng đầu là Paetongtarn Shinawatra, hủy bỏ bản ghi nhớ này. Bề ngoài, phe đối lập lấy cớ bảo vệ chủ quyền quốc gia nhưng mục đích đằng sau là lợi dụng thời cơ để tấn công lực lượng của Thaksin.
Vấn đề chủ quyền ở vùng biển này lại nổi lên khi Thái Lan và Campuchia sẽ khởi động lại đàm phán về phân định ranh giới biển và kế hoạch thăm dò dầu khí vốn bị đình trệ nhiều năm, đồng thời đàm phán sẽ được tiến hành dựa trên bản ghi nhớ đã ký năm 2001. Khi đó, hai nước đã nhất trí đàm phán về cách phân định biên giới và khai thác khu vực rộng 26.000 km2 ở vịnh Thái Lan, khu vực này có thể chứa khoảng 11.000 tỷ feet khối khí đốt tự nhiên và 300 triệu thùng dầu thô trị giá khoảng 600 tỷ USD. Cùng với nhu cầu năng lượng của Thái Lan ngày càng tăng, nếu khai thác thành công, dầu khí ở lô này sẽ giúp Thái Lan đối phó với tình trạng thiếu năng lượng có thể xảy ra. Điều này cũng đã trở thành một trong những mục tiêu chính sách của chính quyền Paetongtarn.
Khu vực này được phát hiện giàu dầu khí ngay từ những năm 1970 và các công ty dầu khí nước ngoài bao gồm Chevron và Shell thậm chí còn giành được quyền khai thác. Tuy nhiên, kế hoạch khai thác không thể thực hiện do Thái Lan và Campuchia đang vướng vào tranh chấp chủ quyền và không thể đạt được thỏa thuận.
Tranh chấp lãnh hải giữa Thái Lan và Campuchia bắt nguồn từ Hiệp ước Pháp - Xiêm ký năm 1907 giữa Thái Lan và Pháp, và không xác định rõ ràng ranh giới trên biển. Năm 1972, Campuchia cho biết, theo hiệp ước, ranh giới trên biển của nước này là đường từ cuối ranh giới đất liền ven biển đến điểm cao nhất của Koh Kut và tuyên bố chủ quyền đối với nửa phía Nam của hòn đảo. Thái Lan cho biết toàn bộ đảo Koh Kut thuộc sở hữu của nước này theo thỏa thuận với Pháp. Năm 1973, để đáp lại yêu sách của Campuchia, Thái Lan đã đưa ra yêu sách đối với Koh Kut và phần lớn vịnh Thái Lan ở phía Tây Nam nước này.
Năm 2001, Chính phủ Thái Lan do Thủ tướng Thaksin đứng đầu và Campuchia đã đạt được biên bản ghi nhớ về OCA, quy định trong khi đàm phán thỏa thuận OCA, việc chia sẻ lợi nhuận tài nguyên cần được thảo luận. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán trong nhiều năm đều bế tắc và không đạt được thỏa thuận nào.
Ngay khi Thái Lan và Campuchia chuẩn bị nối lại các cuộc đàm phán, đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân Thái Lan ủng hộ quân đội đã đặt ra các câu hỏi, yêu cầu chính phủ trước tiên hủy bỏ bản ghi nhớ được ký kết giữa Thái Lan và Campuchia vào năm 2001 về vùng biển, cho rằng nếu đàm phán dựa trên bản ghi nhớ, Thái Lan sẽ mất chủ quyền đối với đảo Koh Kut. Khi bản ghi nhớ được ký năm đó, mối quan hệ thân thiết giữa Thủ tướng Thái Lan Thaksin và Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng trở thành một trong những mối lo ngại tiềm ẩn mà những người chống Thaksin nêu ra. Chính phủ hai nước hiện đang do con gái của Thaksin và con trai của Hun Sen điều hành, điều này cũng khiến một số người chống Thaksin lo lắng rằng hai gia đình đang thông đồng.
Trước sự nghi ngờ của phe đối lập, Paetongtarn cho biết cô là người Thái Lan, đảo Koh Kut luôn thuộc về Thái Lan, chính phủ sẽ không từ bỏ bất kỳ tấc đất nào và đảo Koh Kut không thuộc phạm vi bản ghi nhớ, nên Thái Lan không thể đơn phương hủy bỏ bản ghi nhớ. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Anutin Charnvirakul và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Phumtham Wechayachai cũng lần lượt đến thăm đảo Koh Kut để nhấn mạnh hòn đảo này là lãnh thổ của Thái Lan. Tổng cục Du lịch Thái Lan cũng tăng cường nỗ lực quảng bá hòn đảo cực đông của Thái Lan với hy vọng thu hút nhiều khách du lịch hơn.
So sánh với cuộc tranh luận nảy lửa giữa Chính phủ Thái Lan và các đảng đối lập, Campuchia vẫn im lặng. Thủ tướng Hun Manet cho rằng sự im lặng của chính phủ xuất phát từ hai nguyên tắc: sự chín muồi chính trị và trách nhiệm quốc gia. Ông nói: "Chúng ta có nên can thiệp vào công việc của nước khác không? Họ bảo vệ những gì họ cho là của mình, một bên cho rằng đất của bạn đã bị mất và bên kia nói không. Tại sao chúng ta lại mang lửa vào nhà mình một cách không cần thiết? Hành động liều lĩnh có thể gây ra những xung đột không đáng có".
Hun Manet cho biết Campuchia và Thái Lan đã thành lập hai ủy ban để tiến hành thảo luận về biên giới, trong đó có Ủy ban Biên giới chung chịu trách nhiệm về các vấn đề biên giới trên đất liền và Ủy ban Kỹ thuật chung tập trung vào các vấn đề biên giới trên biển. Ông cũng tiết lộ, biên giới đất liền giữa hai nước được đề cập trong Hiệp ước Pháp-Xiêm năm 1907 bao gồm 805 km và 73 mốc biên giới, phải mất 18 năm đàm phán để cuối cùng xác định được 40 mốc, tuy nhiên, hai nước vẫn chưa đạt được thỏa thuận về biên giới trên biển.
Tranh chấp đáng chú ý nhất giữa hai nước là về đền Preah Vihear. Ngôi đền Hindu cổ của người Khmer này đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới ở Campuchia vào năm 2008, làm dấy lên làn sóng phản đối từ người dân Thái Lan và thậm chí gây ra tranh chấp giữa hai nước. Quân đội đụng độ gần ngôi đền, gây thương vong cho cả hai bên. Tranh chấp chủ quyền đảo Koh Kut lần này bị kích động do sự phản đối trong nội bộ Thái Lan, chủ yếu nhắm vào lực lượng ủng hộ Thaksin. Hun Sen đã nhấn mạnh về mối quan hệ hữu nghị giữa Campuchia và Thái Lan và không có ý định đưa vấn đề này ra tòa án quốc tế./.