Từ nay đến năm 2021, dự tính 23,6% lượng tàu ngầm của thị trường quốc tế sẽ được tiêu thụ trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Sự bùng nổ về mặt số lượng này khiến cho chỉ huy lực lượng tàu ngầm Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, ông Philip Sawyer phải phát đi cảnh báo rằng, việc mở rộng tàu ngầm sẽ làm cho mối nguy hiểm về va chạm giữa các tàu ngầm tăng lên, “tất cả các nước sử dụng tàu ngầm phải quan tâm đến vấn đề này”. Hiện nay, 60% tàu ngầm toàn cầu nằm ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, con số này sẽ còn tiếp thục tăng thêm. Các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương dù mạnh hay yếu cũng đều đang tích cực sản xuất hoặc đặt mua tàu ngầm.
- Nhật Bản, Hàn Quốc đẩy nhanh đổi mới tàu ngầm
Ngày 7.4.2014, Thủ tướng Nhật Bản và thủ tướng Ôxtrâylia đã tiến hành đối thoại về xây dựng khung hợp tác trang bị quốc phòng giữa hai nước và đã đạt được ý kiến đồng thuận. Vấn đề thảo luận trước tiên của hai bên sẽ là vấn đề “thủy động lực học hải dương”, bao gồm phân tích về động cơ đẩy và lực cản của nước xung quanh thân tàu ngầm. Về thiết kế tàu ngầm thông thường, Nhật Bản được công nhận là nước đi tiên phong. Tàu ngầm của họ hiện nay được xếp vào loại tàu ngầm có tiếng ồn thấp nhất thế giới. Trong “Đại cương kế hoạch phòng vệ quốc gia” năm tài khóa 2011 Nhật Bản đã tuyên bố, sẽ tăng số lượng tàu ngầm động cơ diesel từ 16 chiếc lên 22 chiếc.
Trang bị tàu ngầm Nhật Bản có thời gian phục vụ ngắn nhất thế giới, mẫu tàu ngầm mới nhất của Nhật Bản là tàu ngầm lớp Sōryū, có độ giãn nước 2900 tấn, tàu ngầm này có trang bị hệ thống động cơ đẩy độc lập không khí “Stirling” 4V-275R Mk-III, do Công ty Kockums Thụy Điển sản xuất. Hiện nay, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã trang bị 5 chiếc tàu ngầm lớp Sōryū, sau này sẽ tăng tốc độ trang bị từ 1 chiếc mỗi năm lên 5 chiếc mỗi năm.
Hải quân Hàn Quốc đang thực hiện kế hoạch phân thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, sản xuất 9 chiếc tầu ngầm mẫu 209/1200 theo phương thức nhượng quyền sản xuất. Năm 2011, Công ty Sagemcom của Pháp được Hàn Quốc lựa chọn cung cấp hệ thống dẫn đường quán tính SIGMA 40XP cho những chiếc tàu ngầm này. Giai đoạn 2, sản xuất tàu ngầm mẫu 214 của xưởng đóng tàu Hardaway Đức theo phương thức nhượng quyền sản xuất. Lượng giãn nước của loại tàu ngầm này là 1860 tấn, trong đó có 3 chiếc được trang bị ra đa SPHINX của Công ty Thales của Pháp sản xuất đã được đưa vào trang bị. Hải quân Hàn Quốc đang đặt mua 6 chiếc tàu ngầm mẫu 214 khác có trang bị bình chứa nhiên liệu của Công ty Siemens sản xuất, chiếc đầu tiên đã hạ thủy vào tháng 8 năm 2013.
Giai đoạn 3 là tự chủ thiết kế tàu ngầm KSS – III, có độ giãn nước 3000 tấn, loại tàu ngầm này sẽ mang tên lửa hành trình Hyunmoo – 3. Có điều thời gian bàn giao loạt tàu ngầm 9 chiếc KSS – III đã bị kéo dài đến năm 2020. Công ty Samsung Thales đang nghiên cứu phát triển hệ thống quản lý chiến đấu cho tàu ngầm.
Do không thể nhận được tàu ngầm mới, hạm đội tàu ngầm của Đài Loan đang ngày càng yếu đi. Năm 2001, Tổng thống Bush (con) đã từng hứa sẽ cung cấp cho Đài Loan 8 chiếc tàu ngầm, nhưng Mỹ vẫn không thực hiện lời hứa, bởi vì nước Mỹ đã không còn sản xuất tàu ngầm động cơ diesel nữa. Xem xét từ tình hình hiện nay, Đài Loan muốn có được tàu ngầm mới thì chỉ có con đường là tự chủ sản xuất.
- Các nước Đông Nam Á cạnh tranh mua về tàu ngầm mới
Xingapo đã xác nhận, tháng 12.2013 đã ký một bản hợp đồng với Công ty hệ thống tàu thuyền ThyssenKrupp, đặt mua 2 chiếc tàu ngầm 218SG. Điều này đối với một Hải quân Xingapo chuyên sử dụng lại tàu ngầm của Thụy Điển trong thời gian dài, thì bản hợp đồng này tượng trưng cho một khởi đầu mới. Hai chiếc tàu ngầm mới này do Đức sản xuất sẽ được bàn giao bắt đầu từ năm 2020, có điều quy cách chi tiết của tàu ngầm lại không được tiết lộ. Sau khi đưa về tàu ngầm mới, 3 chiếc tàu ngầm cũ lớp Archer của Hải quân Xingapo sẽ có thể được cho ra khỏi biên chế. Tàu ngầm mới nhất được trang bị cho Hải quân Xingapo là 2 chiếc tàu ngầm lớp Shooter có độ giãn nước 1500 tấn. Hai chiếc tàu ngầm này đã qua cải trang hiện đại hóa, kéo dài thân tàu 12 m, lắp đặt hệ thống động cơ đẩy độc lập không khí.
Công ty đóng tàu hải dương Daewoo là công ty xuất khẩu tàu ngầm lớn nhất Hàn Quốc đang đóng cho Inđônêxia 3 chiếc tàu ngầm loại 209/1200. Hai chiếc đầu tiên sẽ được hoàn thành việc sản xuất vào năm 2017, dùng để thay thế cho 2 chiếc tàu ngầm loại 209/1300 của Inđônêxia đã được đưa vào phục vụ từ những năm 70 của thế kỷ trước. Jakarta luôn hy vọng có thể sản xuất chiếc tàu ngầm thứ 3 loại 209/1200 từ xưởng đóng tàu PT PAL trong nước. Quan chức Inđônêxia lạc quan dự tính rằng, chiếc tàu ngầm thứ 3 loại 209/1200 sẽ được hoàn tất việc sản xuất vào năm 2018, nhưng tờ báo Denfence Weekly lại cho rằng phải đến năm 2022 thì dự tính đó sẽ càng trở nên hiện thực hơn. Inđônêxia đã cử 206 nhân viên đến Hàn Quốc, làm việc tại Công ty đóng tàu hải dương Daewoo. Nga đã từng đề xuất cung cấp cho Inđônêxia tàu ngầm lớp Kilo đã sử dụng, tuy nhiên Inđônêxia đã từ chối lời đề nghị của Nga. Inđônêxia dự tính cuối cùng sẽ có 12 chiếc tàu ngầm, đồng thời hy vọng không phải dựa vào nhập khẩu để tránh bị ảnh hưởng bởi cấm vận.
Tháng 12.2009, Việt Nam đã chi 3,2 tỷ USD để đặt mua từ Nga 6 chiếc tàu ngầm lớp kilo 636. Hai chiếc tàu ngầm đầu tiên đã được bàn giao vào đầu năm 2014, còn 3 chiếc sẽ được bàn giao trong năm 2015, 1 chiếc cuối cùng sẽ được bàn giao vào năm 2016. Tàu ngầm của Việt Nam được trang bị tên lửa hành trình tấn công đối đất 3M 14 E, có tầm bắn 300 km. Ngoài ra, dưới sự giúp đỡ của Nga, Việt Nam đang tiến hành sửa chữa căn cứ tàu ngầm chiến lược tại Vịnh Cam Ranh.
- Ấn Độ tham vọng rất lớn, song sự cố tàu ngầm vẫn chưa có hồi kết
Hải quân Ấn Độ đang chờ việc bàn giao 6 chiếc tàu ngầm lớp Scorpence, thời gian bàn giao những chiếc tàu ngầm này đã kéo dài quá lâu. Trong đó chiếc tàu ngầm đầu tiên đáng lẽ có thể trang bị cho bộ đội vào năm 2016. Sau khi 6 chiếc tàu ngầm này được đưa vào trang bị, Ấn Độ sẽ còn trang bị 6 chiếc tàu ngầm động cơ diesel cỡ lớn mang tên “Công trình 751” được sản xuất từ công nghệ nước ngoài. Tháng 12.2013, Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ đã xác nhận, có 4 chiếc tàu ngầm “Công trình 751” sẽ do doanh nghiệp quốc doanh trong nước phụ trách sản xuất, trong đó Công ty đóng tàu Mazagon (Ấn Độ) sản xuất 3 chiếc, Công ty đóng tàu Hindustan (Ấn Độ) sản xuất 1 chiếc. Hải quân Ấn Độ đã gửi mời thầu đến Cục đóng tàu ngầm của Pháp, Công ty Navantia của Tây Ban Nha, Cục thiết kế Ruby của Nga và Công ty đóng tàu Hardaway của Đức. Dự tính tàu ngầm của Ấn Độ trong tương lai sẽ trang bị tên lửa hành trình siêu âm thanh “BrahMos”.
Để tăng cường lực lượng tàu ngầm động cơ hạt nhân, Hải quân Ấn Độ đã thuê mượn trong vòng 10 năm 1 chiếc tàu ngầm lớp Akula từ Nga. Tháng 4.2012, chiếc tàu ngầm được mệnh danh là “Chakra” này chính thức gia nhập Hải quân Ấn Độ. Ấn Độ và Nga đang tiến hành khâu đàm phán cuối cùng về việc thuê mượn chiếc tàu ngầm lớp Akula thứ 2 (thời gian thuê 10 năm). Theo được biết, chiếc tàu ngầm lớp Akula thứ 2 mà Ấn Độ thuê mượn có thể là chiếc tàu ngầm “Ibris” chưa được hoàn thành việc sản xuất (dừng thi công vào thập niên 90 thế kỷ trước), Nga sẽ trang bị lên đó một số thiết bị vốn được trang bị trên tàu ngầm lớp Yasen loại mới nhất.
Chiếc tàu ngầm hạt nhân chiến lược tên lửa đạn đạo đầu tiên do Ấn Độ tự chủ nghiên cứu phát triển mang tên “INS Arihant” đã xảy ra sự cố nghiêm trọng vào năm 2013. Hiện nay, chiếc tàu ngầm này đang tiến hành thử nghiệm, dự tính gia nhập phục vụ vào Hải quân Ấn Độ trong năm 2014. Có điều, tháng 3 năm 2014, trong quá trình sản xuất chiếc tàu ngầm lớp INS Arihant thứ 2, trong thời gian thử nghiệm áp lực đã xuất hiện sự cố, làm chết 1 công nhân. Điều này đã gây nên một cú sốc lớn về ý tưởng bộ ba hạt nhân chiến lược của Ấn Độ.
Sự cố xảy ra với tàu ngầm Ấn Độ đã không phải là một điều gì mới. Tháng 6.2013, tàu ngầm lớp Kilo của Ấn Độ mang tên “INS Sindhurakshak” đã phát hỏa và bị chìm tại cảng tàu Mumbai, làm chết 18 người. Trong thời gian huấn luyện đợt 1 tháng 2.2014, một chiếc tàu ngầm lớp Kilo khác của Ấn Độ đã bốc cháy, làm chết 2 sĩ quan. Sau sự kiện này, Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ đã xin từ chức.
Tháng 3.2014, tên lửa đường đạn bắn trên tàu ngầm K- 4 do Bộ quốc phòng Ấn Độ nghiên cứu và tổ chức phát triển đã tiến hành bắn thử dưới nước lần đầu tiên. Tầm bắn của loại tên lửa này đạt 3500 km, dự tính cuối cùng sẽ trang bị loại tên lửa này lên tàu ngầm mang tên lửa đường đạn chiến lược của Ấn Độ. Ấn Độ đã tiến hành thử nghiệm tên lửa đạn đạo bắn trên tàu ngầm “Sagarika” K-15 đối với tầm bắn 750 km. Ngoài ra, tàu ngầm lớp Kilo của Ấn Độ sẽ được nâng cấp tại Nga và trang bị lên tàu tên lửa hành trình tấn công đối đất 3M14E Klub-S.
- Ôxtrâylia đưa ra kế hoạch thay thế 12 chiếc tàu ngầm mới
Sách trắng quốc phòng năm 2009 đã ghi rõ, Ôxtrâylia xác nhận trong tương lai sẽ phải sử dụng 12 chiếc tàu ngầm mới để thay thế cho 6 chiếc tàu ngầm lớp Collins đang được trang bị hiện nay. Chính phủ mới của ông Tony Abbott từ chối xác nhận tin đồn đoán về giảm bớt số lượng tàu ngầm cần thiết. Trên thực tế, chính phủ Ôxtrâylia đang theo đuổi việc cải tiến thiết kế của tàu ngầm lớp Collins hoặc sử dụng thiết kế hoàn toàn mới. Trong sách trắng quốc phòng năm 2015, Ôxtrâylia sẽ sửa đổi yêu cầu đối với tàu ngầm. Bộ trưởng quốc phòng Ôxtrâylia chỉ rõ, tần suất xuất quân có thể của tàu ngầm lớp Collins đã được nâng cao, Hải quân Hoàng gia Ôxtrâylia đang nỗ lực thực hiện mục tiêu có thể xuất trận bất cứ lúc nào với 3 tàu ngầm trước năm 2017./.
- Tác giả: Lưu Lôi
- Nguồn: T/c “Hải quân đương đại” 10. 2014
- Người dịch: Trịnh Văn Huân