Ngày 24.02.22, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm “phi phát xít” hóa, “phi quân sự” hóa Ukraine. Cuộc xung đột này đã gây ra tổn thất nghiêm trọng cả về nhân lực và vật lực, buộc các bên tham chiến phải tìm kiếm những biện pháp mới nhằm bổ sung lực lượng tham chiến. Trong bối cảnh đó, việc sử dụng lực lượng lính đánh thuê đã trở thành một trong những ưu tiên của giới lãnh đạo cả hai nước Nga và Ukraine nhằm giảm thiểu tổn thất cho lực lượng quân đội nước mình. Tổng hợp xung quanh vấn đề về sự tham gia của lực lượng lính đánh thuê trong cuộc xung đột Nga - Ukraine nổi lên một số nội dung đáng chú ý:
1. Vấn đề sử dụng lực lượng lính đánh thuê và quan điểm, chủ trương, mục đích của Nga, Ukraine và Mỹ/Phương Tây đối với việc sử dụng lực lượng lính đánh thuê trên chiến trường Ukraine
1.1. Vấn đề sử dụng lực lượng lính đánh thuê trong chiến tranh
- Về khái niệm: Trong lịch sử, thuật ngữ “lính đánh thuê” thường không được định nghĩa trong các hiệp ước và Luật chiến tranh cũng không xác định “lính đánh thuê” có một địa vị riêng biệt với tính cách pháp lý đặc biệt. Trước năm 1977, quy định pháp lý quốc tế về lính đánh thuê chủ yếu giới hạn ở yêu cầu các quốc gia không tạo điều kiện cho việc hình thành các nhóm lính đánh thuê.
Năm 1977, Nghị định thư bổ sung đầu tiên cho các Công ước Geneva (AP I) đã thay đổi đáng kể luật về lính đánh thuê. AP I, Điều 47 chỉ rõ, một người lính đánh thuê sẽ phải từ bỏ “quyền trở thành một chiến binh hoặc một tù nhân chiến tranh”. Trong Nghị đinh này đã định nghĩa lính đánh thuê là những người đáp ứng 06 tiêu chí, gồm: a) Được tuyển mộ đặc biệt tại địa phương hoặc ở nước ngoài để chiến đấu trong một cuộc xung đột vũ trang; b) Trên thực tế, có tham gia trực tiếp vào các cuộc xung đột; c) Có động cơ tham gia vào các hành động thù địch về cơ bản là vì mong muốn lợi ích cá nhân và trên thực tế, được hứa hẹn, bởi hoặc thay mặt một bên trong một cuộc xung đột, về những chi trả vật chất cơ bản vượt quá mức hứa hẹn hoặc trả tiền cho các chiến binh cùng cấp bậc và chức năng tương tự như trong lực lượng vũ trang của bên đó; d) Không phải là công dân của một Bên tham gia xung đột cũng như không phải là cư dân của lãnh thổ do một Bên tham gia xung đột kiểm soát; e) Không phải là thành viên của lực lượng vũ trang của một Bên tham gia xung đột; và f) Không được một Quốc gia không phải là Bên tham gia xung đột cử đi làm nhiệm vụ chính thức với tư cách là thành viên lực lượng vũ trang của Quốc gia đó.
Một vấn đề cần làm rõ là phân biệt giữa khái niệm “lính đánh thuê” và “chiến binh nước ngoài”. Việc phân biệt giữa khái niệm “lính đánh thuê” và “chiến binh nước ngoài” là một vấn đề phức tạp nhưng cần thiết để làm rõ các đặc điểm pháp lý và thực tiễn của hai nhóm này trong bối cảnh xung đột vũ trang. Dù có nhiều điểm tương đồng, chúng vẫn khác biệt về động cơ và vai trò.
Về điểm tương đồng, cả lính đánh thuê và chiến binh nước ngoài đều thường không mang quốc tịch của các bên tham gia xung đột, và sự hiện diện của họ có thể làm kéo dài hoặc phức tạp thêm tình hình chiến sự. Cả hai nhóm đều tiềm ẩn nguy cơ tham gia vào các hoạt động phi pháp như khủng bố, tội phạm có tổ chức và vi phạm nghiêm trọng nhân quyền. Điều này khiến họ thường bị xem là các yếu tố gây bất ổn trong các cuộc xung đột.
Tuy nhiên, họ cũng có nhiều điểm khác biệt, bao gồm: (i) Về động cơ: Lính đánh thuê tham gia vào các cuộc xung đột chủ yếu vì lợi ích tài chính. Họ được tuyển dụng và trả lương cao, thường vượt xa mức thù lao mà binh sĩ thông thường nhận được. Trong khi đó, chiến binh nước ngoài thường bị thúc đẩy bởi lý do ý thức hệ, tôn giáo hoặc chính trị, chẳng hạn như hỗ trợ một nhóm hoặc chính quyền có cùng quan điểm hoặc mục tiêu với họ. (ii) Về tính pháp lý: Lính đánh thuê được định nghĩa cụ thể theo luật quốc tế, đặc biệt là Điều 47 của Nghị định thư bổ sung I (AP I) của Công ước Geneva năm 1977. Theo đó, lính đánh thuê không được công nhận là "chiến binh" hoặc "tù nhân chiến tranh." Trong khi đó, chiến binh nước ngoài thường không có một định nghĩa pháp lý quốc tế chung, nhưng họ có thể được xem xét theo các quy định về "chiến binh hợp pháp" nếu tuân thủ các điều kiện cụ thể trong Công ước Geneva.
Mặc dù có sự khác biệt rõ ràng về động cơ, trên thực tế, động cơ của một cá nhân khi tham gia xung đột có thể là sự kết hợp của nhiều yếu tố, vừa tài chính, vừa ý thức hệ. Điều này khiến việc tách biệt hoàn toàn lính đánh thuê và chiến binh nước ngoài dựa trên động cơ trở nên khó khăn. Hơn nữa, trong một số trường hợp, chiến binh nước ngoài có thể bị xem như lính đánh thuê nếu nhận được thù lao hoặc các lợi ích tài chính đáng kể.
- Vấn đề pháp lý về sự tham gia của lực lượng lính đánh thuê trong cuộc xung đột: Cả Nga và Ukraine đều là các bên của AP I. Do đó, mỗi bên đều bị ràng buộc bởi Điều 47 trong cuộc xung đột vũ trang hiện tại. Ngoài ra, Ukraine là một bên phê chuẩn Công ước Quốc tế năm 1989 về việc tuyển dụng, sử dụng, tài trợ và đào tạo lính đánh thuê. Công ước năm 1989 xác định và định nghĩa các tội hình sự, thiết lập các quy tắc về quyền tài phán và bắt buộc các biện pháp thực thi. Hơn nữa, Điều 1 của Công ước 1989 mở rộng định nghĩa của AP I, Điều 47 về “lính đánh thuê” bằng cách loại bỏ điều kiện một lính đánh thuê cần “tham gia trực tiếp vào các cuộc xung đột”. Không giống như AP I, Công ước 1989 hình sự hóa việc tham gia trực tiếp vào các hành động thù địch của bất kỳ người nào đáp ứng định nghĩa của Điều 1 của Công ước này. Việc Ukraine là một bên phê chuẩn Công ước 1989 đặt ra những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước. Ví dụ, việc Ukraine sử dụng lính đánh thuê trong cuộc xung đột có thể trở thành một hành vi vi phạm pháp luật quốc tế. Để giải quyết vấn đề này, vào năm 2015, Ukraine đã gửi một thông báo lên Tổng thư ký Liên hợp quốc liên quan đến các nghĩa vụ của nước này theo Công ước 1989. Trong văn bản này, Ukraine khẳng định không thể đảm bảo việc áp dụng và thực hiện Công ước ở những khu vực thuộc lãnh thổ của nước này là mục tiêu của các hành động “xâm lược vũ trang” của Nga. Trong khi đó, Nga không tham gia Công ước 1989. Do đó, không giống như Ukraine, Nga không phải tuân theo các nghĩa vụ của Công ước này, như các yêu cầu hình sự hóa các tội đánh thuê (Điều 5), hợp tác ngăn chặn các hành vi phạm tội đó (Điều 6) và thông báo cho Tổng thư ký Liên hợp quốc về các vi phạm tiềm ẩn (Điều 8 và Điều 10).
Trong bối cảnh đó, trên thực tế, việc áp dụng các quy định của luật pháp quốc tế về “lính đánh thuê” trong cuộc xung đột ở Ukraine là rất khó thực thi. Trước hết, sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi áp dụng các tiêu chí trong định nghĩa của AP I, Điều 47 đối với các “lực lượng tình nguyện” tham gia cuộc xung đột, đặc biệt là tiêu chí, tham gia vào cuộc chiến “về cơ bản là vì mong muốn lợi ích cá nhân”. Nga và Ukraine có thể phủ nhận các cáo buộc liên quan đến chiến binh nước ngoài tham gia cuộc chiến được thúc đẩy bởi lợi ích cá nhân và khẳng định, những người này tham gia cuộc chiến vì các lý do như: Lòng yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo, nghĩa vụ quốc gia, lòng căm thù và thành kiến. Ngoài ra, Chính phủ Ukraine đã chính thức hợp nhất Quân đoàn Phòng thủ Quốc tế Ukraine vào các lực lượng vũ trang của nước này. Do đó, gần 20.000 thành viên nước ngoài, trong đó có 3.000 người Mỹ, tham gia chiến đấu nhằm phục vụ lợi ích của chính quyền Tổng thống V. Zelensky sẽ không bị coi là “lính đánh thuê” nếu căn cứ theo AP I, Điều 47. Ngoài ra, cũng gặp nhiều khó khăn khi xác định việc thành viên của các công ty quân sự tư nhân (PMC), như các thành viên của Nhóm Wagner/Nga, tham gia cuộc xung đột tại Ukraine, có thể bị coi là “lính đánh thuê” theo các tiêu chí trong định nghĩa tại AP I, Điều 47 hay không. Rõ ràng, các PMC được thành lập trước khi cuộc xung đột quân sự này nổ ra, do đó, các thành viên của các công ty này sẽ không phù hợp với tiêu chí “Được tuyển mộ đặc biệt tại địa phương hoặc ở nước ngoài để chiến đấu trong một cuộc xung đột vũ trang”. Ngoài ra, nhiều trường hợp, nhân viên của các PMC được các bên tham gia cuộc chiến thuê để thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện quân sự, hậu cần kỹ thuật và thu thập thông tin tình báo, do đó, cũng khó đáp ứng tiêu chí “trên thực tế, phải tham gia trực tiếp vào các cuộc chiến”.
Trong bối cảnh gặp nhiều phức tạp, khó khăn để xác định các đối tượng là lính đánh thuê, cả Nga và Ukraine đều cho thấy sẽ không ưu tiên tuân thủ các tiêu chí theo quy định tại AP I, Điều 47 để xác định một chiến binh nước ngoài tham gia cuộc xung đột hiện nay là lính đánh thuê. Thực tiễn cho thấy, Nga và Ukraine đều coi những chiến binh nước ngoài tham gia cuộc chiến nhằm ủng hộ lợi ích của đối phương là lính đánh thuê và những người này khi bị bắt sẽ không được hưởng tư cách tù binh chiến tranh. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố cứng rắn, “không thương xót những người lính đánh thuê ở bất cứ nơi nào họ được tìm thấy trên lãnh thổ Ukraine”.
1.2. Quan điểm, chủ trương, mục đích của Nga, Ukraine và Mỹ/Phương Tây đối với việc sử dụng lực lượng lính đánh thuê trên chiến trường Ukraine
1.2.1. Quan điểm, chủ trương, mục đích của Nga
- Về quan điểm, chủ trương của Nga: Sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc, đặc biệt là sau cuộc chiến tại Gruzia năm 2008, giới lãnh đạo quân sự Nga cho rằng, các cuộc chiến tranh hiện đại đã thay đổi về cơ bản cả về tính chất và lực lượng. Trong đó, quân đội Nga đang và sẽ phải đối mặt với các thách thức sau: (i) Đối thủ mà lực lượng vũ trang Nga phải tác chiến sẽ thường xuyên là các tác nhân phi nhà nước (lực lượng du kích, khủng bố, cướp biển) trong phạm vi của các chiến dịch chống nổi dậy; (ii) Các nhiệm vụ và thách thức mới mà các lực lượng vũ trang phải đối mặt, đòi hỏi các hành động nhanh chóng và không theo chuẩn mực truyền thống, bao gồm các nhiệm vụ hoàn toàn không liên quan đến hành động quân sự, nhằm thúc đẩy các mục tiêu địa chiến lược của Nga ở nước ngoài; (iii) Vấn đề thương vong của binh lính xảy ra trong các cuộc chiến tranh (như thất bại Nga gặp phải ở Afghanistan (1979-1989) và Chechnya (1994-2000) sẽ gây bất mãn ngày càng tăng trong xã hội và làm xói mòn lòng tin vào giới lãnh đạo chính trị.
Để giải quyết những thách thức Nga đang phải đối mặt trong giai đoạn mới, ngay sau cuộc xung đột quân sự với Gruzia (năm 2008), Nga đã thực hiện kế hoạch cải cách quân sự mạnh mẽ với mục tiêu loại bỏ những yếu tố không còn phù hợp với thực tế chiến tranh hiện đại. Ngoài những nội dung cải tổ về cơ cấu, tổ chức lực lượng, điểm đáng chú ý trong đường lối quân sự của Nga là đã coi việc sử dụng lực lượng lính đánh thuê thông qua các PMC là một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết các thách thức đặt ra. Nhiều sự kiện thực tế chỉ ra rằng, hoạt động của các PMC Nga tăng đột biến cả về mức độ và không gian hoạt động trong giai đoạn 2013-2014 và đặc biệt là sau khi Nga khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (tháng 02.2022). Nếu như trong sự kiện sáp nhập Crimea (năm 2014) và trong cuộc xung đột tại khu vực miền Đông Ukraine trong giai đoạn tiếp theo, lực lượng lính đánh thuê Nga trong đội hình các PMC chủ yếu đảm trách các nhiệm vụ phụ trợ còn các nhiệm vụ quan trọng nhất sẽ do các đội quân có trình độ cao của Nga thực hiện thì trong chiến dịch quân sự đặc biệt, các nhóm lính đánh thuê ngày càng đóng vai trò quan trọng. Sự thay đổi này bắt nguồn từ 04 yếu tố chính sau:
(i) Sự ủng hộ “yếu ớt” của người dân Ukraine đối với công cuộc nổi dậy chống lại chính quyền Tổng thống V. Zelensky, buộc Nga phải tăng cường lực lượng để kiểm soát các khu vực lãnh thổ đã chiếm đóng; (ii) Nga muốn “bảo vệ” các lực lượng có trình độ cao (như Lực lượng Tác chiến Đặc biệt) trong thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm trên chiến trường; (iii) Giúp Nga có khả năng “phủ nhận hợp lý” các thông tin về các thương vong lớn trong quá trình tiến hành cuộc chiến trước dư luận trong nước và quốc tế, tránh được các thông tin bất lợi từng phải đối mặt tại cuộc chiến ở Afghanistan (1979-1989) và chiến dịch Chechnya đầu tiên (1994-1996); (iv) Sử dụng cuộc xung đột tại Ukraine như khu vực thử nghiệm các học thuyết quân sự mới về “chiến tranh hỗn hợp” của Nga về sự phối hợp giữa các lực lượng quân đội chính quy và lực lượng lính đánh thuê nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra.
- Về mục đích: Nhiều chuyên gia nhận định, việc Nga tăng cường sử dụng lực lượng lính đánh thuê trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine nhằm đạt được nhiều mục đích cả về chính trị, ngoại giao, quân sự… Cụ thể:
+ Về chính trị: Lực lượng lính đánh thuê được Nga sử dụng chủ yếu như một công cụ chính trị. Các nhóm lính đánh thuê thường được sử dụng trong các hoạt động nguy hiểm trên chiến trường Ukraine, do đó, có thể giúp Nga né tránh các báo cáo chính thức về mức độ tổn thất cao đối với lực lượng quân đội chính quy. Việc sử dụng các lực lượng quân sự gần như tư nhân này là một công cụ hữu ích mà Nga có thể triển khai để quản lý rủi ro, sự bất ổn định và bổ sung cho các khả năng của nhà nước Nga. Các nhóm này, thường do các nhà tài phiệt Nga điều hành, được sử dụng trong một loạt các hoạt động hỗ trợ cho các mục tiêu chiến lược của Nga. Chính quyền Nga thể triển khai lực lượng thực hiện các nhiệm vụ mà nếu lực lượng quân đội Nga thực hiện có thể gây bất mãn trong nội bộ người dân địa phương và dư luận phản ứng trái chiều trên trường quốc tế (như: Ám sát, tra tấn...).
Ngoài ra, các nhóm lính đánh thuê thường do các nhà tài phiệt có liên hệ với Điện Kremlin điều hành dưới danh nghĩa các PMC. Do đó, việc điều phối các hợp đồng giữa các PMC có thể mang lại cho Chính quyền Tổng thống Vladimir Putin đòn bẩy để cân bằng các lợi ích chính trị và tài chính giữa các nhà tài phiệt và khai thác tình trạng bán hợp pháp của các PMC để đảm bảo lòng trung thành với Putin.
+ Về mặt ngoại giao: Sử dụng lực lượng lính đánh thuê có thể giúp thể hiện tầm ảnh hưởng và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Mặc dù quân đội Nga có 900.000 binh sĩ và 02 triệu quân dự bị, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn khuyến khích và kêu gọi các chiến binh nước ngoài tham gia cuộc chiến chống lại “chủ nghĩa phát xít mới” và “giúp đỡ những người sống ở Donbass”. Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu tuyên bố, có 16.000 quân đã sẵn sàng hỗ trợ Nga tham chiến. Điều này cho thấy, Nga nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với hành động quân sự của nước này tại Ukraine nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các hành động cực đoan của chế độ chính quyền Ukraine đối với khu vực miền Đông Ukraine.
+ Về quân sự: Thường được tuyển dụng từ các lực lượng an ninh và quân sự, các thành viên của các nhóm lính đánh thuê sở hữu nhiều kỹ năng ưu việt, có thể cung cấp các khả năng chiến thuật quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ chuyên biệt, như: Bắn tỉa, hỗ trợ hỏa lực, phòng không và tác chiến trực tiếp.
+ Về nhiệm vụ trinh sát, tình báo: Các nhóm lính đánh thuê có khả năng xây dựng mạng lưới tình báo tại các khu vực tác chiến, thu thập thông tin chi tiết giúp tham mưu cho các quyết định của chính quyền Nga; thực hiện các nhiệm vụ hành động tình báo, bao gồm các chiến dịch gây ảnh hưởng chính trị, kích động nổi dậy và các hoạt động bí mật khác. Ngoài ra, Nga cũng có thể tận dụng hoạt động của các nhóm lính đánh thuê để nâng cao nhận thức toàn cầu về sức mạnh và tầm ảnh hưởng toàn cầu của Nga, đồng thời tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông những thông tin có lợi cho Nga. Theo Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, các PMC của Nga có liên hệ với cơ quan tình báo Nga, thường xuyên được triển khai trên tuyến đầu của cuộc chiến để “chỉ đạo tốt hơn các cuộc không kích của Nga”; thực hiện các nhiệm vụ xây dựng lực lượng điệp viên, thu thập và phân tích thông tin tình báo.
+ Về vấn đề hệ tư tưởng: Việc kêu gọi và sử dụng lực lượng lính đánh thuê tại Ukraine đóng vai trò như một công cụ để mở rộng quyền lực mềm của Nga, bao gồm các chủ đề về “lòng yêu nước Nga” và bản sắc Slav của những công dân có tư tưởng chủ nghĩa ở các quốc gia thuộc Liên Xô cũ và vùng Balkan.
1.2.2. Quan điểm, chủ trương, mục đích của Ukraine, Mỹ và phương Tây
Mặc dù được thừa hưởng cơ sở ngành công nghiệp quốc phòng và lực lượng vũ khí, trang bị hùng mạnh sau khi giành độc lập năm 1991 nhưng sau hơn 30 năm, lực lượng vũ trang Ukraine nói riêng và các cơ cấu quyền lực nhà nước khác của Ukraine đã xuống cấp trầm trọng. Bên cạnh việc bị thiếu hụt tài chính nghiêm trọng và trì trệ, Bộ Tổng Tham mưu Các lực lượng vũ trang Ukraine cũng bộc lộ sự yếu kém khi không có được các nhà chiến lược quân sự có đủ năng lực và tài năng. Trong bối cảnh trong nước diễn ra nội chiến từ tháng 05.2014, đến thời điểm năm 2022, rõ ràng là các cơ cấu quyền lực của Ukraine đã mất khả năng tổ chức và tiến hành các chiến dịch quân sự. Do đó, chính quyền Ukraine buộc phải nhờ đến sự trợ giúp của lực lượng lính đánh thuê và các PMC từ Mỹ/phương Tây đảm nhiệm vai trò cố vấn cho giới lãnh đạo quân sự và chính trị của Ukraine.
Ngay sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Tổng thống V. Zelensky đã tuyên bố thành lập Quân đoàn Quốc tế để thu hút các “tình nguyện viên nước ngoài” và cam kết miễn thị thực nhập cảnh cho những chiến binh nước ngoài sẵn sàng đến Ukraine tham chiến. Theo Chính phủ Ukraine, các đơn vị chiến binh nước ngoài này chính thức thuộc lực lượng vũ trang chính quy của Ukraine và có nghĩa vụ báo cáo và chịu sự chỉ huy của giới lãnh đạo quaan sự Ukraine. Trên thực tế, sau khi hai khu vực Donetsk và Luhansk tuyên bố độc lập vào năm 2014, một số lượng lớn các chiến binh nước ngoài đã đến Ukraine để gia nhập các nhóm vũ trang phi nhà nước hoặc lực lượng nhà nước. Trong khi nhiều người tình nguyện nhập ngũ vào các lực lượng vũ trang ở Ukraine, những người khác đã thành lập các tiểu đoàn tình nguyện. Đến năm 2015, Ukraine đã hợp nhất hầu hết các lữ đoàn tình nguyện và các chiến binh nước ngoài mà họ có vào Quân đội Ukraine. Ngoài ra, Ukraine đã thông qua luật về việc sửa đổi một số đạo luật nhất định của Ukraine liên quan đến người nước ngoài và người không quốc tịch phục vụ trong các lực lượng vũ trang của Ukraine; cho phép người không quốc tịch và người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Ukraine tự nguyện gia nhập lực lượng vũ trang. Như vậy, với các động thái này từ chính quyền, Ukraine đã hợp pháp hóa chủ nghĩa đánh thuê. Việc chính quyền Tổng thống V. Zelensky thúc đẩy hợp pháp hóa và sử dụng lực lượng lính đánh thuê thực chất là nhằm bổ sung nguồn lực để tăng cường khả năng đối phó với các chiến dịch quân sự của Nga.
Trước lời kêu gọi các chiến binh nước ngoài tham gia cuộc chiến tại Ukraine của Tổng thống V. Zelensky, hàng loạt lãnh đạo các quốc gia phương Tây, tiêu biểu như: Thủ tướng Đan Mạch Mette Fredericksen, Ngoại trưởng Anh Liz Truss… đã tuyên bố ủng hộ ý tưởng này; lập luận rằng, cuộc đấu tranh ở Ukraine là cuộc chiến giành tự do cho “toàn bộ châu Âu”. Trong khi đó, tình báo quân đội Mỹ đã phát động một chiến dịch quy mô lớn nhằm tuyển mộ lực lượng lính đánh thuê từ các PMC để gửi đến Ukraine. Anh, Đan Mạch, Latvia, Ba Lan và Croatia đã cho phép công dân của họ tham gia vào các cuộc chiến trên lãnh thổ Ukraine một cách hợp pháp. Mục tiêu của Mỹ và các quốc gia phương Tây khi khuyến khích công dân và chiêu mộ lực lượng lính đánh thuê gửi tham chiến tại Ukraine nằm trong chiến lược chung là nhằm làm suy yếu Nga. Trong các nước thuộc Liên Xô cũ, Ukraine có vị trí đặc biệt đối với an ninh quốc gia của Nga. Do đó, với việc đẩy mạnh cung cấp tài chính, vũ khí và lực lượng tham gia vào cuộc xung đột này, Mỹ và các quốc gia phương Tây muốn làm suy yếu Nga, khiến Nga phải xa lầy trong cuộc chiến với Ukraine. Ngoài ra, đối riêng với Mỹ, với việc tăng cường cử lực lượng lính đánh thuê tới Ukraine để kéo dài cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, Mỹ còn đạt được mục đích khiến châu Âu suy yếu cả chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Vì thế, chủ trương “châu Âu tự chủ về chiến lược” mà các quốc gia đầu tàu châu Âu như: Đức, Pháp đang tích cực ủng hộ sẽ khó có ý nghĩa thực tế và Mỹ càng có điều kiện buộc châu Âu phải “nhất cử nhất động” theo ý mình. Ngoài ra, việc triệt để ủng hộ mọi mặt cho chính quyền Kiev để đánh bại Nga đã ghi thêm điểm cho chính quyền Tổng thống Joe Biden và đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11.2022. Qua cuộc xung đột Nga - Ukraine, Mỹ hiểu thêm và đánh giá đúng hơn vai trò, vị thế của Nga trên thế giới và mối quan hệ Nga - Trung Quốc trong thời điểm hiện nay.
2. Một số đặc điểm về công tác tuyển mộ, huấn luyện, sử dụng lực lượng lính đánh thuê trong “Chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine
2.1. Đối với Nga
- Về công tác tuyển mộ lực lượng lính đánh thuê của Nga: Do hiện nay, về mặt chính thức, các hành vi tuyển dụng, sử dụng, tài trợ và đào tạo lính đánh thuê bị cấm ở Nga. Do đó, hoạt động tuyển mộ lực lượng lính đánh thuê tại Nga thường núp bóng dưới hình thức tuyển mộ nhân viên của các PMC hoặc tuyển mộ quân nhân tình nguyện tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và thường được tiến hành bí mật. Trong đó, các biện pháp thường được sử dụng là:
(i) Tuyển mộ lực lượng thông qua các nhóm chat kín và thông báo trên mạng xã hội: Biện pháp này thường được các PMC tại Nga sử dụng. Theo tiết lộ của một số cựu chiến binh của PMC Wagner/Nga, những người này đã được liên lạc trên một nhóm Telegram kín. Họ được mời tham gia một “bữa ăn ngoài trời ở Ukraine”, nếm món “Salo” (một loại mỡ lợn theo truyền thống ở Ukraine). Thông điệp kêu gọi “những người có tiền án, nợ nần, bị cấm tham gia các nhóm lính đánh thuê hoặc không có hộ chiếu” nộp đơn tham gia. Ngoài các nhóm chat kín, hiện tại trên các mạng xã hội phổ biến của Nga đang có một chiến dịch công khai để chiêu mộ lính đánh thuê núp bóng dưới lời kêu gọi “tình nguyện tham gia chiến đấu” để hỗ trợ người dân khu vực miền Đông Ukraine. Trên nền tảng truyền thông xã hội VK của Nga, đã đăng một quảng cáo trong tuần đầu tiên diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt, trong đó kêu gọi “nhân viên an ninh” từ các quốc gia thuộc Liên Xô cũ nộp đơn xin “ra nước ngoài” (động thái ám chỉ Ukraine). Trước đây, những người bị nghi ngờ về lòng trung thành, sẽ gặp khó khăn khi muốn tham gia lực lượng lính đánh thuê nhưng trong bối cảnh hiện tại, khi cuộc chiến ngày càng diễn ra ác liệt với tổn thất nhân lực ngày càng cao, các hạn chế trên đã được bỏ qua.
Ngoài sử dụng nhóm chat kín và mạng xã hội, ngay sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt nổ ra, PMC Wagner của Nga còn sử dụng các trang web, trên đó chỉ phát tán video tuyên truyền về cách nhóm Wagner gặp nhau vào ngày 08.03.22 tại Palmyra (Syria) với dòng chữ: “PMC Wagner đã ở Ukraine và đang chiến thắng một lần nữa. Bạn muốn ghi tên mình vào lịch sử vẻ vang của quân đội, nhưng không muốn chống lại bệnh quan liêu và bị kiểm soát? Sau đó, có một tin tốt cho bạn: Dàn nhạc cần nhạc công ở Ukraine! Họ đã giải phóng Popasna - hãy tham gia cùng chúng tôi để giải phóng toàn bộ Donbass! Bắt tay vào chiến dịch chiến đấu đầu tiên của bạn với những huyền thoại trong ngành còn sống!”. Những người muốn tham gia được mời điền vào một biểu mẫu hoặc liên hệ với một trong 26 văn phòng khu vực để biết thông tin. Mỗi một văn phòng đại diện (ở Moskva, Lãnh thổ Stavropol, Vùng Kaliningrad… ) đều được kèm theo số điện thoại di động để liên lạc. Các ứng viên phải có độ tuổi từ 22-50 tuổi, thời hạn của chuyến công tác được thỏa thuận khi đến nơi, nhưng tối thiểu là 04 tháng. Về tiêu chí sức khỏe, các ứng viên phải không được mắc bệnh tiểu đường, ung thư, lao, HIV, giang mai, viêm gan B, C (nếu đã được điều trị, phải có giấy xét nghiệm PCR) và không nghiện ma túy. Công ty sẽ không được chấp nhận các đối tượng có tiền án về tội buôn bán ma túy, cướp, khủng bố. Ngoài các yêu cầu đối với các ứng viên được liệt kê ở trên, người tuyển dụng từ chi nhánh PMC Wagner ở Crimea đã bổ sung lệnh cấm ứng cử viên sử dụng các mạng xã hội. Những thành viên của PMC Wagner phải xóa tất cả các mạng xã hội như: VKontakte, Odnoklassniki, Facebook… Ngay cả những tài khoản đã sử dụng cách đây 5-6 năm cũng cần bị xóa.
Về thù lao, mức lương hàng tháng là 240.000 rúp (không bao gồm phí bảo hiểm) cộng với tiền thưởng và chỉ thanh toán bằng tiền mặt. Số tiền này có thể được nhận bằng hai cách: Nhận toàn bộ sau chuyến công tác hoặc viết giấy ủy quyền cho người thân nhận hàng tháng. Tiền thưởng có thể khác nhau, từ 150.000-700.000 rúp, phụ thuộc vào vị trí và mức độ thành công của các nhiệm vụ.
(ii) Tuyển mộ thông qua đăng ký trực tiếp đối với các cơ quan quản lý địa phương dưới dạng “lực lượng tình nguyện”. Theo đó, người dân thuộc Cộng hòa Chechnya có thể ký kết hợp đồng tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine trực tiếp tại văn phòng thị trưởng thành phố Grozny/Chechnya. Theo hướng dẫn, đối tượng được chấp nhận là “những người đàn ông khỏe mạnh về thể chất và tinh thần” có quốc tịch Nga, tuổi từ 20-49 tuổi, sẽ được chấp nhận làm tình nguyện viên. Kinh nghiệm nghĩa vụ quân sự không bắt buộc. Tuy nhiên, cơ quan này sẽ không chấp nhận những người “đang có tiền án, tiền sự hoặc bị quản chế” hoặc những người “không thông báo cho người thân của họ (mẹ, cha, vợ) về kế hoạch tham gia Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine”. Tiền trợ cấp hàng tháng từ 250.000 - 270.000 rúp, thanh toán trước mỗi tháng là 50.000 rúp. Ngoài ra, trong trường hợp bị thương sẽ được trợ cấp 03 triệu rúp, trong trường hợp tử vong - 05 triệu rúp. Về tiền thưởng, khi tiêu diệt lực lượng hoặc phá hủy thiết bị của đối phương, sẽ nhận được một khoản tiền thưởng từ 50.000 - 300.000 rúp, cụ thể: Máy bay (300.000 rúp), trực thăng (200.000 rúp), xe tăng (100.000 rúp), nhân sự lên đến một trung đội (100 nghìn rúp), máy bay không người lái, xe chiến đấu bộ binh, hệ thống phòng không, hệ thống tên lửa phóng loạt, pháo tự hành (50.000 rúp).
Giữa tháng 05.2022, cổng thông tin của cơ quan quản lý dịch vụ việc làm nhà nước của Cộng hòa Karachay-Cherkess thuộc Nga đã đăng tải thông báo rằng, Bộ Quốc phòng Nga đề xuất ký một hợp đồng ngắn hạn đối với các tình nguyện viên tham gia vào chiến dịch quân sự đặc biệt trong thời gian ít nhất 03 tháng. Tình nguyện viên được chấp nhận tham gia nghĩa vụ quân sự sẽ được trợ cấp quần áo, thực phẩm, trả lương kịp thời, đảm bảo xã hội. Cùng thời điểm này, Văn phòng đăng ký và nhập ngũ tại Vùng Permskiy, Nga đăng thông báo trên mạng xã hội về việc tuyển chọn các ứng viên tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, hợp đồng có thời hạn từ 03-12 tháng. Trợ cấp hàng tháng từ 300.000 rúp.
- Về số lượng và nguồn gốc lực lượng lính đánh thuê của Nga tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine
Thực tiễn cho thấy, rất khó phân biệt và kiểm chứng cụ thể số lượng lính đánh thuê của Nga tham gia cuộc xung đột tại Ukraine do Nga cố ý che dấu số liệu cụ thể và thường xuyên tuyên truyền về mục đích của số chiến binh tham gia cuộc xung đột này là vì lý tưởng, nhằm trợ giúp người dân Ukraine tại khu vực miền Đông. Thực tế này cũng cho thấy, nguồn gốc lực lượng lính đánh thuê của Nga tại Ukraine rất đa dạng, tuy nhiên, có thể nhận định xuất phát từ các nguồn chủ yếu sau:
(1) Nhân viên của các PMC tham gia cuộc xung đột theo các hợp đồng ký kết với chính quyền Nga hoặc hai nước cộng hòa ly khai. Mặc dù chưa chính thức thừa nhận nhưng các PMC của Nga ngày càng được sử dụng nhằm bảo đảm lợi ích của Nga trên các khu vực trên thế giới. Trong cuộc xung đột của Nga tại Ukraine, dựa trên thông tin từ nguồn mở, đã ghi nhận nhân viên của một số PMC sau đã trực tiếp tham gia vào chiến dịch quân sự đặc biệt. Tiêu biểu là:
(i) Nhóm Wagner: Nguồn gốc của Wagner Group có liên quan đến PMC Slavonic Corps, được Vadim Gusev và Evgenii Sidorov từ Moran Security Group đăng ký tại Hồng Kông vào năm 2013. Theo thông tin của Đội tình báo xung đột (CIT), nhóm này đã đóng vai trò phụ trợ trong hoạt động của Nga ở Crimea và sau đó, tích cực tham gia vào các cuộc chiến ở Donbas. Trong giai đoạn từ sau sự kiện sáp nhập Crimea năm 2014 cho đến trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, nhóm này chủ yếu hoạt động trên lãnh thổ của Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR) tự xưng, nơi nhóm thực hiện các hoạt động đòi hỏi trình độ quân sự tương đối cao, trong đó có các hành vi phạm pháp. Bất chấp việc Điện Kremlin liên tục phủ nhận có mối quan hệ với Nhóm Wagner, bức ảnh của người đứng đầu nhóm này là Dmitry Utkin đứng bên cạnh Vladimir Putin đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Nga, khi ông này được trao Huân chương Dũng cảm (Orden Muzhestva) trong một buổi dạ tiệc ở Điện Kremlin. Ngoài ra, một dấu hiệu khác là căn cứ huấn luyện của nhóm này nằm ở Molkino (vùng Krasnodar), thuộc Lữ đoàn lực lượng đặc biệt số 10 của Tổng cục Tình báo chính (GU), Bộ Quốc phòng Nga. Đồng thời, các loại vũ khí, trang bị mà nhóm Wagner được trang bị (như: xe tăng T-72, hệ thống tên lửa phóng loạt BM-21 Grad, pháo D-30 122mm) và nội dung huấn luyện giống với chương trình được sử dụng để huấn luyện cho thành viên lực lượng đặc nhiệm Spetsnaz của Nga. Những dấu hiệu này cho thấy, nhóm này có mối quan hệ mật thiết với lực lượng tình báo và quân đội Nga.
Các tài liệu của nhóm Wagner nhấn mạnh, công ty này không vi phạm bất kỳ luật nào của Nga, không liên quan đến chủ nghĩa đánh thuê, vì “hoạt động quân sự vì lợi ích của Nga không phải là chủ nghĩa đánh thuê”. Các vị trí tuyển dụng của công ty này rất đa dạng, bao gồm: Xạ thủ (có khả năng sử dụng súng máy, súng phóng lựu), lính bắn tỉa, bác sĩ và nhân viên cứu thương, thợ sửa chữa, lái xe, vận hành tên lửa chống tăng có điều khiển, cối, pháo binh, lính tăng, kíp xe chiến đấu bộ binh, xe bọc thép chuyển quân, người vận hành UAV, lính báo hiệu, chuyên gia chiến tranh điện tử, tình báo điện tử, phi công máy bay chiến đấu, người vận hành vũ khí chống tăng vác vai, tổ lái Pantsir-S và S-300…
(ii) PMC ENOT: Công ty này tập trung vào các hoạt động tuyển mộ, đào tạo lính đánh thuê, cổ súy, thúc đẩy tinh thần yêu nước trong người dân và thực hiện các chiến dịch đấu tranh thông tin chống lại ảnh hưởng của Mỹ/phương Tây. Các nguồn tin Ukraine và các báo cáo điều tra cho thấy, PMC ENOT có quan hệ mật thiết với Aleksander Borodai (cựu Thủ tướng của DNR) và đã tham gia tích cực vào các chiến dịch quân sự chống lại lực lượng Chính phủ Ukraine tại khu vực Donbass. Công ty này cũng là một trong những người đồng sáng lập Liên minh những người tình nguyện Donbass, một tổ chức bất hợp pháp của Nga nhằm tuyển mộ lính đánh thuê tham chiến tại khu vực Donbass. Ngoài ra, công ty này cũng thường xuyên tổ chức các “trại huấn luyện chiến thuật-quân sự cho thanh niên”, tuyển bộ thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 14-23 tuổi, đến từ các quốc gia và khu vực thuộc không gian hậu Xô viết như: Belarus, các nước cộng hòa Donetsk và Luhansk, Transnistria, Montenegro, Bosnia và Herzegovina, cũng như các tình nguyện viên trẻ từ Italia, Bulgaria, Moldova, Armenia và Canada. Ngoài các nội dung về kỹ thuật quân sự, chương trình huấn luyện của công ty này còn tập trung vào giáo dục các tư tưởng bảo thủ, chống lại xu hướng toàn cầu hóa, phong trào đồng tính, chống lại “sự lừa dối xuyên quốc gia”, ủng hộ vai trò, ảnh hưởng của Nga tại khu vực không gian hậu Xô viết nói riêng, trên toàn cầu nói chung.
(iii) PMC Redoubt-Antiterror: Công ty được thành lập vào năm 2008 do một số cựu chiến binh từ các đơn vị trinh sát, tình báo và lính dù của Nga. Theo nhiều nguồn tin, PMC Redoubt-Antiterror cung cấp các dịch vụ gồm: Bảo vệ yếu nhân và các mục tiêu quan trọng, huấn luyện binh sỹ, hộ tống…, đã thực hiện các hợp đồng tại các khu vực như: Syria, Iraq, Afghanistan… Công ty này là một bình phong của Tổng Cục tình báo chính, Bộ Quốc phòng Nga. Các thành viên của công ty này được trang bị các vũ khí trang bị hiện đại, vốn chỉ được biên chế cho các đơn vị đặc nhiệm của Quân đội Nga. Địa điểm huấn luyện của công ty nào ở Kubinka gần Moskva, tiếp giáp với căn cứ của Lữ đoàn Dù số 45. Sau khi diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt tại Nga, các lực lượng của công ty này đã được điều chuyển từ các khu vực khác để tham gia hoạt động tại khu vực miền Đông Ukraine.
Ngoài các công ty trên, tham gia cuộc xung đột tại Ukraine còn có lực lượng của một số PMC khác của Nga như: Moran Security Group, Eagle, MAP, RSB-Group… Nhân viên các PMC này chủ yếu đảm nhận các nhiệm vụ: Bảo vệ, hộ tống, trinh sát, hậu cần kỹ thuật, huấn luyện và thường từ chối tham gia trực tiếp vào các cuộc xung đột trực tiếp.
(2) Cựu quân nhân, thành viên các nhóm đặc nhiệm hoặc công dân các nước cộng hòa thuộc khu vực hậu Xô viết tình nguyện sang chiến đấu tại Ukraine
Sau khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, hệ thống truyền thông của Nga đã tích cực mở các chiến dịch tuyên truyền về tính chính nghĩa của chiến dịch này nhằm lôi kéo người dân các nước, đặc biệt là các quốc gia thuộc không gian hậu Xô viết ủng hộ, tham gia lực lượng tình nguyện chiến đấu tại Ukraine. Đa số những người đăng ký tham gia là các cựu quân nhân, thành viên các nhóm đặc nhiệm đã nghỉ hưu, có trình độ nghiệp vụ, chuyên môn cao, có khả năng đáp ứng các yêu cầu chuyên biệt như: Nhảy dù, trinh sát ngoại tuyến, tác chiến điện tử… Những đơn vị tình nguyện này thường được giao các nhiệm vụ trinh sát, xâm nhập sâu vào hậu phương đối phương để thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, chỉ thị mục tiêu hoặc chuẩn bị lực lượng hỗ trợ cho các đợt tấn công của lực lượng Nga.
2.2. Đối với Ukraine
- Về số lượng: Thông tin về số lượng lính đánh thuê tham gia phục vụ chính quyền Ukraine có sự khác biệt lớn và khó kiểm chứng độ chính xác. Theo thông tin của Chính phủ Ukraine, đã có khoảng 20.000 chiến binh nước ngoài đăng ký và tham gia Quân đoàn quốc tế phòng thủ lãnh thổ Ukraine. Trong khi đó, theo Bộ Quốc phòng Nga, kể từ khi Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, đã có khoảng 7.000 lính đánh thuê, đến từ hơn 60 quốc gia, được đưa vào lãnh thổ Ukraine, gồm cả những lính đánh thuê giàu kinh nghiệm từng tham gia nhiều chiến trường cho đến những tân binh chưa có kinh nghiệm thực chiến. Trong đó, có tới 4.866 lính đánh thuê đến từ các nước châu Âu, 1.267 lính đánh thuê xuất thân từ Nam Mỹ, 671 lính đánh thuê người châu Á, 147 đến từ châu Phi và 5 lính đánh thuê đến từ Australia. Lính đánh thuê nhiều nhất là của Ba Lan, Canada, Mỹ, Romania và Anh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, trong số 7.000 lính đánh thuê nước ngoài này, đã có 1.956 lính đánh thuê thiệt mạng, 1.779 lính đánh thuê đã rút khỏi Ukraine, còn 3.221 lính đánh thuê đang nằm trong thành phần các lực lượng quân Ukraine nhưng rõ số phận.
- Về nguồn gốc: Lực lượng lính đánh thuê của Ukraine có nguồn gốc đa dạng, bao gồm thành viên các PMC và chiến binh đến từ các quốc gia phương Tây đến chiến đấu tại Ukraine theo lời kêu gọi ủng hộ của Tổng thống Ukraine và cổ súy của lãnh đạo các nước. Cụ thể:
(1) Lực lượng lính đánh thuê xuất phát từ các PMC: Tại Ukraine hiện nay, các PMC có thể được chia thành hai nhóm: (i) Các PMC do người Ukraine quản lý, tiêu biểu có các công ty sau:
+Omega Consulting Group: Được thành lập vào năm 2011, là một tổ chức hoạt động trong lĩnh vực huấn luyện, nâng cao khả năng chiến đấu của các lực lượng vũ trang, công tác của các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan an ninh nhà nước, chống khủng bố quốc tế. Đồng thời, Omega Consulting Group cung cấp một loạt các giải pháp an ninh cá nhân, bảo vệ các cơ sở quan trọng chiến lược, hàng hóa và dịch vụ quân sự, cũng như hợp tác với các tổ chức thương mại và chính phủ trên toàn thế giới. Các nhân viên của công ty này có nhiều kinh nghiệm trong việc đào tạo, hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho chính phủ và tham gia trực tiếp vào các cuộc chiến ở nhiều điểm nóng trên thế giới từ Nam Mỹ, Châu Phi đến Crimea và Đông Nam Ukraine. Vào năm 2014, nhân viên của công ty “Omega Consulting Group” đã tham gia vào các hoạt động hỗ trợ sơ tán các lực lượng khỏi Cộng hòa tự trị Crimea và Donbass. Hiện tại, công ty này cung cấp lực lượng cho Chính phủ Ukraine các dịch vụ như: Bảo vệ, cung ứng hậu cần, kỹ thuật và trực tiếp hỗ trợ tác chiến cho các lực lượng quân đội Ukraine.
+ Vegacy Strategic Ser vices Ltd (Vega): Được thành lập tại 2012 tại Đảo Síp, bao gồm các cựu chiến binh của các đơn vị hải quân, lục quân và cảnh sát đặc biệt của Ukraine, Nga và Hy Lạp. Vega cung cấp các dịch vụ chủ yếu là: Trinh sát, phát hiện, xác định, chỉ thị mục tiêu; bảo vệ yếu nhân và các mục tiêu có giá trị cao. Công ty này có các văn phòng đại diện chính thức ở Ukraine, Malta và Panama và các đại lý chính thức ở Hy Lạp, Nga, Cộng hòa Séc, Nam Phi, Sri Lanka, Madagascar và nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á, Ấn Độ Dương, Địa Trung Hải.
+ Artan Group: Được thành lập từ năm 2005, bao gồm các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực an ninh, bảo vệ… Nhóm các công ty “Artan Group” cung cấp các dịch vụ đảm bảo an ninh cho các địa điểm và bảo vệ cá nhân. Năm 2010, các PMC Thổ Nhĩ Kỳ gồm Công ty BSK International Military, công ty quốc tế Furkan Defense Industry (FDI) và Công ty TNHH An ninh Đặc biệt, chuyên cung cấp dịch vụ an ninh tại các khu vực có mức độ phức tạp cao đã gia nhập Artan Group, giúp mở rộng thị trường cho các hoạt động của PMC này. Với sự hỗ trợ của Artan Group đã giúp hình thành tổ chức “Tiểu đoàn trừng phạt Aidar”, nhóm ính đánh thuê theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã gây ra nhiều vụ thảm sát, giết hại dân thường trong cuộc chiến ở miền Đông Ukraine.
(ii) Các PMC phương Tây, chủ yếu đến từ Mỹ, Anh, Ba Lan, tiêu biểu có các công ty như: Academi (trước đây là Blackwater), Mozart, Defion Internacional, Aegis, Triple Canopy, G4S, DynCorp, Quân đoàn Lê dương Pháp (FFL).
(2) Lực lượng lính đánh thuê xuất phát từ đội ngũ các chiến binh tình nguyện nước ngoài. Sau khi đến Ukraine, những người này được biên chế vào Quân đoàn Quốc tế Bảo vệ Ukraine (ILDU), do chính phủ thành lập theo lời kêu gọi của Tổng thống V. Zelensky, với phần lớn thành viên đến từ châu Âu và châu Mỹ, cùng số ít từ châu Á, châu Phi và Australia. Tất cả những người được ILDU chấp nhận đều được ký hợp đồng với quân đội Ukraine và được trả lương tương đương với binh sĩ nước này. Hiện nay, ILDU chỉ nhận những người có kinh nghiệm chiến đấu và vượt qua kiểm tra lý lịch, tâm lý, cũng như những cá nhân không có tư tưởng cực đoan, sau thời gian đầu tuyển mộ rộng rãi. Tuy nhiên, những người bị ILDU từ chối thường tìm đến các đơn vị người nước ngoài khác, hoặc tự thành lập các nhóm riêng để ra tiền tuyến.
- Về thù lao: Thông tin cụ thể về số tiền các chiến binh nhận được thường không được công khai, thường không cao hơn số tiền mà chính quyền Ukraine trả cho một người lính Ukraine bình thường. Tuy nhiên, thu nhập thực tế có thể thay đổi đáng kể tùy thuộc vào cấp độ kỹ năng và kinh nghiệm chiến đấu. Giám đốc Trung tâm Hội nhập châu Âu Yuriy Shevtsov chia sẻ, hiện Ukraine đang tích cực tuyển mộ lính đánh thuê từ Syria. Theo đó, lương của một binh sĩ Syria là 30-50 USD/tháng. Các nhà tuyển dụng Ukraine hứa hẹn sẽ trả từ 1.000-2.000 USD/tháng. Tuy nhiên, để đạt được mức lương này, các chiến binh sẽ phải tham gia các hoạt động đòi hỏi mức độ nguy hiểm cao, khắc nghiệt. Theo một số chuyên gia, nguồn ngân sách để chi trả lương cho lực lượng lính đánh thuê nước ngoài có thể do các tổ chức tư nhân hoặc chính quyền Ukraine tài trợ. Ngoài ra, chính quyền Mỹ và một số nước phương Tây cũng hỗ trợ chi trả thông qua các đợt viện trợ quân sự cho Quân đội Ukraine.
2.3. Về cách thức, bố trí sử dụng lực lượng
Theo tạp chí Economist/Anh, đối với những chiến binh nước ngoài tình nguyện đến Ukraine chiến đấu, Quân đội Ukraine yêu cầu họ ký hợp đồng không xác định thời hạn, với mức lương hàng tháng chỉ 230 USD. Nếu ký hợp đồng, những người này sẽ phải phục vụ ILDU và chiến đấu cho đến khi chiến tranh kết thúc. Thông thường, những đơn vị lính đánh thuê đều được bố trí chiến đấu tại những khu vực tiền tuyến và thực hiện những nhiệm vụ nguy hiểm, có nguy cơ thiệt mạng cao như: Tấn công mở đầu cầu, trinh sát, chỉ thị mục tiêu sâu trong hậu phương địch.
3. Hiệu quả sử dụng lực lượng lính đánh thuê trong cuộc xung đột Nga – Ukraine và một số vấn đề đặt ra
3.1. Hiệu quả và hạn chế trong sử dụng lực lượng lính đánh thuê trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine
- Về mặt tích cực:
Theo nhận định của giới chuyên gia, việc sử dụng lực lượng lính đánh thuê trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực đối với cả hai bên tham gia cuộc chiến. Cụ thể:
+ Giúp giới lãnh đạo Nga hạn chế các phản ứng tiêu cực của dư luận trong và ngoài nước về số lượng quân nhân thiệt mạng trong cuộc chiến
Đối với Nga, phản ứng tiêu cực của người dân trong nước do thông tin về thương vong của người lính Nga trong các cuộc chiến tranh tại Afghanistan (1979-1989) và Chechnya (1994-2000) đã trở thành một bài học đắt giá đối với lãnh đạo Nga. Thông tin về số lượng quân nhân thiệt mạng đã khiến cho sự bất mãn trong xã hội ngày càng tăng, khiến xói mòn lòng tin vào giới lãnh đạo chính trị. Vấn đề này đã được giải quyết khi Nga sử dụng lực lượng lính đánh thuê tại chiến trường Ukraine do thiệt hại của các lực lượng này cần ít trách nhiệm giải trình hơn từ nhà nước, chi phí thấp hơn nhiều so với đào tạo và trang bị cho lính nghĩa vụ và có ít ràng buộc tiềm ẩn hơn trong nước. Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin liên tục khẳng định, cuộc chiến tại Ukraine chỉ là “hoạt động quân sự đặc biệt” đã cho thấy sự thận trọng rõ ràng của ông trước dư luận phản ứng trong nước Nga. Tuy nhiên, điều này cũng hạn chế Tổng thống Vladimir Putin thực hiện lệnh tổng động viên để tăng cường các nguồn lực của đất nước hỗ trợ cho chiến dịch này. Trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine sẽ tiếp tục kéo dài, nhu cầu về các lực lượng có thể tiêu hao ngày càng tăng lên, việc Nga tăng cường sử dụng lực lượng lính đánh thuê sẽ giúp giải quyết các thách thức về bổ sung lực lượng để duy trì tốc độ chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Ngoài ra, việc sử dụng lực lượng lính đánh thuê từ các PMC như Wagner cũng là một lựa chọn hấp dẫn bởi vì Nga có thể chuyển ít nhất một số gánh nặng chiến tranh ra khỏi nhà nước, đặc biệt là khi các công ty này thực hiện các hoạt động chiến đấu như một doanh nghiệp thương mại.
+ Giúp quảng bá, thu hút sự quan tâm của người dân và dư luận thế giới ủng hộ cuộc chiến của chính quyền Ukraine
Chuyên gia quân sự Vladislav Shurygin nhận định, đối với Ukraine, lực lượng lính đánh thuê rất quan trọng, không chỉ với tư cách là binh lính hay sĩ quan. Với sự giúp đỡ của những người này, chính quyền Ukraine đã truyền cảm hứng cho người dân và quân đội nước này với ý tưởng rằng, cả thế giới ủng hộ cuộc chiến của họ. Những người lính đánh thuê được tuyên truyền như những người anh em dũng cảm, tất cả đều chiến đấu cho tự do của Ukraine. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tuyên bố trên Đài truyền hình Ukraine, cả thế giới ngày nay đều đứng về phía Ukraine, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động. Hơn nữa, sự hiện diện của lực lượng “lính tình nguyện” giúp chính quyền Ukraine có thể tiến hành tuyên truyền ở những quốc gia có lực lượng tình nguyện tham gia chiến đấu tại Ukraine. Các chương trình truyền hình được thực hiện về lực lượng lính đánh thuê này đã khiến các vấn đề của Ukraine trở thành tâm điểm chú ý ở nước ngoài, giúp tuyên truyền những chính sách, đường lối và chính quyền Ukraine cần quảng bá ra thế giới.
+ Sử dụng lực lượng lính đánh thuê giúp quân đội Ukraine bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao, che dấu sự tham gia của các chuyên gia quân sự của Mỹ/phương Tây tham gia hỗ trợ cuộc chiến
Lực lượng chiến binh người nước ngoài tham chiến ở Ukraine không chỉ là những người tình nguyện theo ý thức hệ mà thường là những người lính chuyên nghiệp tham gia chiến đấu để kiếm tiền theo hợp đồng với các PMC. Họ thường là những cựu quân nhân từng phục vụ trong quân đội các quốc gia phương Tây, được huấn luyện bài bản và thường có kinh nghiệm chiến đấu phong phú trên các chiến trường khác như tại: Syria, Iraq, Lybia… Do đó, khi tham gia chiến đấu đã giúp huấn luyện, đào tạo và thực hiện các nhiệm vụ khó khăn, phức tạp cho quân đội Ukraine, tiêu biểu như: Bắn tỉa, trinh sát, chỉ thị mục tiêu cho pháo binh… Ngoài ra, trong một số trường hợp, lực lượng lính đánh thuê còn được sử dụng để ngụy trang cho các chuyên gia chuyên nghiệp trong quân đội Mỹ/phương Tây. Đây là những người có kỹ năng xử lý, vận hành các hệ thống vũ khí công nghệ cao mà Mỹ và phương Tây hỗ trợ cho Ukraine thời gian qua.
- Về mặt tiêu cực, hạn chế: Bên cạnh những hiệu quả mang lại, việc cả Nga và Ukraine tăng cường sử dụng lực lượng lính đánh thuê cũng mang đến một số hạn chế, thách thức sau:
+ Việc số lượng lực lượng lính đánh thuê ngày càng lớn trên chiến trường đặt ra các khó khăn về phối hợp tác chiến, suy yếu sức mạnh và khả năng kiểm soát của lực lượng vũ trang hai bên
Trên thực tế, các lực lượng lính đánh thuê thường không hoạt động độc lập mà thông thường sẽ phối hợp tác chiến với quân đội bản địa. Tuy nhiên, việc chia sẻ thông tin và phối hợp tác chiến giữa những đơn vị xa lạ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trong trận chiến. Thực tiễn trên chiến trường miền Đông Ukraine cho thấy, đã có nhiều vụ đụng độ giữa các lực lượng lính đánh thuê cùng một phe do thiếu thông tin tình báo để xác định địch – ta trong quá trình tác chiến.
Ngoài ra, mặc dù việc sử dụng lính đánh thuê giúp tiết kiệm kinh phí đào tạo, huấn luyện cho quân đội nhưng trong bối cảnh cuộc chiến kéo dài, để có thể thuê một đội quân tinh nhuệ có chất lượng cao, Chính phủ cũng phải bỏ ra một khoản ngân sách lớn, cùng trang bị vũ khí, trang bị. Nếu không được trả đủ lương hoặc không được cung cấp đủ vũ khí trang bị, các lực lượng lính đánh thuê có thể rời bỏ cuộc chiến, hoặc thậm trí đầu quân cho phe đối lập. Thưc tế, sau một thời gian tham chiến tại Ukraine, đã có nhiều lính đánh thuê phương Tây tìm cách trốn khỏi chiến trường do không được đảm bảo về vũ khí, trang bị và tiền lương. Ngoài ra, sự xuất hiện của lực lượng lính đánh thuê có thể làm suy yếu lực lượng quân đội của một quốc gia tại chiến trường. Điều này khiến cho việc kiểm soát tình hình khi có những biến động trở nên khó khăn, vì các lực lượng lính đánh thuê chỉ thực hiện các nhiệm vụ nhất định đã giao ước từ trước.
+ Gặp nhiều khó khăn trong việc loại bỏ những phần tử cực đoan khỏi lực lượng lính đánh thuê tham chiến tại Ukraine
Trong thực tế, trong số những chiến binh tình nguyện tham gia cuộc chiến tại Ukraine, số lượng những người có tư tưởng cực đoan, phân biệt sắc tộc không phải là hiếm. Ví dụ, trong lực lượng ILDU của Ukraine đã phát hiện nhiều lính đánh thuê đến từ Mỹ và bán đảo Scandinavia, thuộc thành viên tổ chức da trắng thượng đẳng Aryan Brotherhood. Ngoài ra, những người này cũng có thể là những kẻ phạm tội đang trốn tranh truy nã tại bản xứ, tìm cách trốn sang Ukraine để chiến đấu. Do đó, trong quá trình thi hành các chiến dịch, rất khó phát hiện hoặc ngăn chặn kịp thời những đối tượng này thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, cực đoan như: Hãm hiếp, cướp bóc, lạm sát dân thường… Ví dụ, các nhóm dân quân ủng hộ chính phủ như tiểu đoàn Aidar của Ukraine đã tham gia vào các hành vi tội phạm chiến tranh như: bắt cóc, giam giữ trái pháp luật, tra tấn, cướp bóc và các vụ hành quyết có thể dẫn đến tội ác chiến tranh. Đối với Nga, thông tin về các hành vi của lính đánh thuê thuộc PMC Wagner đã khiến Nga đối mặt với các cáo buộc thực hiện các hành vi tội ác chiến tranh, khiến hình ảnh của Nga trên trường quốc tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
+ Khiến cho cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine kéo dài, khiến cả hai bên đều phải hứng chịu thiệt hại nặng nề
Andrei Chernobay, nhà phân tích quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Belarus, tin rằng, sự tham gia của lực lượng lính đánh thuê đã làm gia tăng bản chất và mức độ khốc liệt của các cuộc chiến, sẽ làm gia tăng tổn thất cho lực lượng cả hai bên. Đáng chú ý, do không nhận được quy chế tù binh chiến tranh chính thức, trong quá trình chiến đấu, lực lượng lính đánh thuê sẽ cố gắng không thể để rơi vào tay kẻ thù. Vì lý do này, lực lượng lính đánh thuê thường thực hiện nhiều hành vi tàn nhẫn quá mức, kể cả đối với dân thường. Hơn nữa, khi các chiến binh nước ngoài không gắn bó với nhau về mặt cấu trúc và văn hóa thì dễ sử dụng bạo lực hơn đối với người dân địa phương, dẫn đến thương vong dân sự cao hơn. Ngoài ra, sự hiện diện rộng rãi của lực lượng lính đánh thuê cũng cho thấy, cả hai bên đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột quân sự kéo dài.
3.2. Một số vấn đề rút ra
- Đối với Nga, ranh giới giữa lính đánh thuê, quân đội chính quy và “quân tình nguyện” trong cuộc chiến ở Ukraine không rõ ràng và đều có quan hệ mật thiết với Bộ Quốc phòng Nga. Trong đó, trên thực tế, các “tiểu đoàn tình nguyện” tham gia vào cuộc xung đột thực tế là các đơn vị lính hợp đồng được tuyển mộ ở các khu vực của Nga bắt đầu vào mùa Xuân năm 2022. Những đơn vị này đã xuất hiện ở Chechnya, Tatarstan, Bashkiria, Lãnh thổ Perm, vùng Kirov và Nizhny Novgorod, sau đó được cử đến tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine dưới danh nghĩa quân tình nguyện hoặc lính đánh thuê. Tiền lương để chỉ trả cho lực lượng này chủ yếu được tài trợ từ ngân sách của chính quyền địa phương.
- Cuộc xung đột quân sự ở Ukraine và Syria cho thấy, Chính phủ Nga đã sẵn sàng dựa vào lực lượng lính đánh thuê nói riêng và các PMC nói chung để đạt được một số mục tiêu quân sự và chính trị của mình, trong khi cần phủ nhận sự liên quan của yếu tố Nhà nước. Các lính đánh thuê, PMC có thể là công cụ mới của Nga trong thực hiện các cuộc chiến tranh ủy nhiệm tại nước ngoài nhằm bảo vệ các lợi ích của nước này. Bằng cách dựa vào các PMC và các nhóm lính đánh thuê, Nga đã có thể giảm thiểu việc sử dụng quân chính quy, đồng thời duy trì khả năng cơ động cho các hoạt động mặt đất nhỏ hơn. Cuộc chiến tại Ukraine có thể là dấu mốc cho thấy, Nga đang mở rộng sử dụng mô hình PMC trên toàn cầu để thúc đẩy các mục tiêu địa chính trị và kinh tế, đồng thời làm suy yếu lợi ích của Mỹ. Đây có thể cung cấp những bằng chứng sơ lược phương thức của Nga nhằm triển khai kế hoạch cạnh tranh với Mỹ trong tương lai, đặc biệt là ở các quốc gia yếu kém, có vị trí chiến lược và giàu tài nguyên.
Ngoài ra, việc sử dụng rộng rãi lực lượng lính đánh thuê của cả hai phía trong cuộc xung đột tại Ukraine cho thấy, tính chất và đặc điểm của các cuộc chiến tranh, xung đột quân sự trong tương lai đang thay đổi. Theo đó, các cuộc chiến tranh tương lai sẽ mang nhiều tính chất của cuộc “chiến tranh lai” hoặc “chiến tranh hỗn hợp”, trong đó, các bên tham chiến sẽ áp dụng đồng thời các phương tiện quân sự và phi quân sự, với mức độ ưu tiên rõ ràng cho việc sử dụng các yếu tố phi quân sự. Đối với Nga, từ kết quả sử dụng lực lượng lính đánh thuê và các PMC trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Nga đã có thể kiểm tra tất cả các yếu tố của các cuộc chiến tranh hiện đại, với sự tham gia của các yếu tố quân sự truyền thống (tác chiến sử dụng hỏa lực mạnh của hải, lục, không quan, tác chiến điện tử) và các chiến lược tác chiến mới (các chiến dịch thông tin, phát tán tin giả, tác chiến mạng…). Kinh nghiệm của Nga trên chiến trường tại khu vực Donbas đã chứng minh, rằng “việc sử dụng đồng loạt và phối hợp tất cả các biện pháp quân sự và hi quân sự, truyền thống và hiện đại có thể đủ để làm đối phương khiếp sợ và suy yếu, do đó giảm thiểu việc sử dụng các lực lượng vũ trang”.
- Sự gia tăng sử dụng lực lượng lính đánh thuê trong các cuộc chiến đã làm suy giảm vai trò độc quyền của nhà nước trong việc kiểm soát sức mạnh quân sự. Đây là một thách thức nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia trong bối cảnh hiện nay. Trong nhiều năm, các quốc gia trên thế giới đã dựa vào lực lượng vũ trang để thực thi chính sách sức mạnh quân sự. Tuy nhiên, trong các cuộc chiến và xung đột quân sự của thế kỷ 21, vai trò của các nhóm bán quân sự phi nhà nước như lính đánh thuê, các tiểu đoàn dân tộc cực đoan, và các công ty quân sự tư nhân (PMC) ngày càng được mở rộng. Hiện nay, bên cạnh lực lượng vũ trang quốc gia, các công ty quân sự tư nhân và lực lượng quân đội tư nhân đã trở thành những chủ thể hoạt động ngang hàng. Việc sử dụng các lực lượng này đánh dấu một giai đoạn mới trong sự phát triển của phương pháp tiến hành chiến tranh. Các PMC không chỉ cung cấp các dịch vụ quốc phòng và an ninh một cách nhanh chóng, mà còn với chi phí thấp hơn đáng kể so với các cơ quan chính phủ. Điều này cho phép các quốc gia dễ dàng thuê các nhân sự cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, từ đó tăng cường khả năng dự phòng, bất kể mức độ phức tạp hay thời gian của cuộc xung đột.
Trong bối cảnh này, các cấu trúc như PMC sẽ đóng vai trò ngày càng lớn trong các cuộc xung đột vũ trang và chiến tranh. Việc sử dụng các lực lượng này không chỉ giúp các quốc gia đạt được những lợi ích cần thiết mà còn cho phép họ giữ kín sự can dự của mình trong các sự kiện nhạy cảm. Điều này đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên của “chiến tranh lai,” nơi mà sự kết hợp giữa các yếu tố quân sự, kinh tế, và thông tin đóng vai trò trung tâm.