Theo tờ “Bưu điện Hoa Nam” ngày 4/12, hai cường quốc quân sự hàng đầu thế giới là Trung Quốc và Mỹ tuy vẫn tập trung vào máy bay chiến đấu truyền thống, nhưng việc Trung Quốc sử dụng một cách sáng tạo thiết bị bay không người lái (UAV) có thể tạo nên sự khác biệt.
Khi Nga tấn công Ukraine cách đây gần 3 năm, một chiến trường hiện đại mới đã xuất hiện, nơi UAV đảm nhận vai trò quan trọng trong giám sát và tấn công, báo hiệu sự thay đổi trong tương lai của sự thống trị trên không.
Trong khi cả Trung Quốc và Mỹ vẫn tiếp tục ưu tiên máy bay chiến đấu truyền thống trong cuộc đua giành ưu thế trên không, thì cả hai nước cũng đã tăng gấp đôi số lượng UAV. Tuy nhiên, cách tiếp cận chiến lược của hai đối thủ lại khác nhau và việc Trung Quốc sử dụng UAV sản xuất hàng loạt dường như đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giữa nước này với Mỹ về công nghệ và năng lực.
Michael Raska, Phó giáo sư tại Chương trình chuyển đổi quân sự thuộc Đại học công nghệ Nanyang ở Singapore, cho biết: “Trung Quốc hiện nhấn mạnh vào sản xuất hàng loạt và giá cả phải chăng, biến UAV thành yếu tố chính trong chiến tranh bất đối xứng. Việc Trung Quốc đầu tư vào công nghệ tự động hóa do AI điều khiển phản ánh mục tiêu áp đảo đối thủ bằng số lượng UAV”.
Trong khi Trung Quốc khai thác khả năng bất đối xứng về số lượng của UAV để đối trọng với sức mạnh không quân của Mỹ, các nhà phân tích cho biết Mỹ đã đầu tư nhiều hơn vào UAV đa năng, cao cấp. Raska nhận định: “Cách tiếp cận của Mỹ thường tích hợp UAV vào chiến lược chiến tranh lấy mạng thông tin làm trung tâm, tận dụng khả năng tích hợp cảm biến và chia sẻ dữ liệu vượt trội”.
Không có chiến lược nào có khả năng cho thấy việc UAV sẽ thay thế máy bay chiến đấu do phi công điều khiển trong vài thập kỷ tới, nhưng các cuộc tranh luận vẫn tiếp tục. Tuần trước, tỷ phú công nghệ Mỹ Elon Musk đã bình luận trong một video về UAV của Trung Quốc rằng “một số kẻ ngốc vẫn đang chế tạo máy bay chiến đấu có người lái như F-35”, đồng thời nhấn mạnh máy bay chiến đấu có người lái đã “lỗi thời”. Lời chỉ trích của ông đối với chương trình F-35 phản ánh mối lo ngại đang diễn ra về các ưu tiên trong ngân sách quốc phòng của Mỹ khi nước này tìm cách duy trì quyền thống trị trên không toàn cầu, trong khi Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tiếp tục hiện đại hóa nhanh chóng. Chương trình máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm - một trong những chương trình tốn kém nhất trong lịch sử Mỹ đã gặp phải nhiều lần trì hoãn và các vấn đề về độ tin cậy và bảo dưỡng.
Trong khi đó, Trung Quốc đã tung ra J-35 - được coi là đối thủ của F-35 tại triển lãm hàng không lớn nhất của nước này vào tháng trước. Triển lãm hàng không Chu Hải đã giới thiệu những tiến bộ trong khả năng sản xuất máy bay chiến đấu phản lực của Trung Quốc bằng cách ra mắt các biến thể mới của máy bay chiến đấu trên tàu sân bay (J-15T, J-15D) và mô hình máy bay chiến đấu tàng hình đa năng hạng nặng 2 chỗ ngồi mới J-20S.
Raska cho biết thêm rằng Mỹ hiện đang nỗ lực kết hợp F-35 với máy bay chiến đấu tự động. Mỹ cũng tập trung nhiều vào các nền tảng đa năng tiên tiến như MQ-9 Reaper và RQ-4 Global Hawk. Nhưng việc sử dụng UAV để thay thế một nền tảng như F-35 sẽ là một nhiệm vụ khó khăn. Ông nhận định: "F-35 không chỉ là một máy bay chiến đấu - mà còn là một hệ thống tích hợp, có khả năng thu thập và chia sẻ thông tin tình báo, thực hiện các nhiệm vụ phức tạp và hoạt động trong không phận có tranh chấp, nơi mà sử dụng UAV vẫn chưa khả thi".
Yue Gang, Đại tá quân đội Trung Quốc đã nghỉ hưu, cũng đồng ý với quan điểm trên: "UAV vẫn chưa thể thay thế máy bay có người lái do độ tin cậy và tính tự chủ. Xét từ sức mạnh chiến đấu trên bộ hoặc trên biển đến tải trọng đạn dược và tính đa dạng, UAV vẫn còn kém xa máy bay có người lái”. Trong những tình huống như chiến đấu trên không, đòi hỏi phản ứng tức thời, các thao tác của UAV bị chậm trễ vì chúng ở xa các trạm chỉ huy trên mặt đất. UAV cũng dễ bị nhiễu điện tử hoặc thậm chí là bị hack vì chúng dựa vào mạng lưới liên lạc vệ tinh để điều hướng.
Về mặt chiến lược UAV, chiến thuật “bầy đàn UAV”, tức là sử dụng một nhóm máy bay không người lái để áp đảo các hệ thống phòng không hoặc đạt được các mục tiêu chiến đấu, đã trở thành một thuật ngữ thông dụng cho các chiến trường trong tương lai. Yue Gang nhận định kế hoạch "địa ngục" của Mỹ được thiết kế để phóng hàng nghìn hệ thống không người lái nhằm kéo dài thời gian cho các lực lượng do Mỹ chỉ huy chống lại một cuộc tấn công đổ bộ tiềm tàng của Trung Quốc vào Đài Loan. Nhưng chiến lược này, vốn dựa vào các UAV nhỏ, giá rẻ vẫn phải đối mặt với rất nhiều hạn chế trong chiến đấu và hiện tại mang tính biểu diễn nhiều hơn. Những hạn chế chủ yếu nằm ở lượng đạn mà những UAV có thể mang theo và khoảng cách điều khiển. Ngoài ra, tàu sân bay không người lái Jentank, còn được gọi là Jiutian, mà Trung Quốc ra mắt tại triển lãm hàng không Chu Hải đã cho thấy tiềm năng cho các chiến thuật như vậy.
Máy bay không người lái do Trung Quốc tự phát triển đang đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong các nhiệm vụ thường xuyên của nước này, với các UAV như WL-10, GJ-2 và CH-4 được triển khai để tuần tra khu vực gần Nhật Bản và Eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn nhận thức rõ rằng máy bay có người lái vẫn là xương sống của lực lượng không quân. Vì vậy, thay vì thay thế hoàn toàn các nền tảng có người lái, các nhà phân tích tin rằng UAV sẽ ngày càng bổ sung cho các máy bay chiến đấu có người lái tiên tiến bằng cách mở rộng khả năng của máy bay chiến đấu. Ví dụ, Lockheed Martin F-35 Lightning II có khả năng chỉ huy các nhóm máy bay không người lái từ buồng lái để giảm độ trễ - một thiết kế mà Trung Quốc đã cố gắng sao chép với máy bay chiến đấu J-20S của mình.
Theo Timothy Heath - nhà nghiên cứu quốc phòng quốc tế cấp cao tại tổ chức tư vấn Rand Corporation, trong khi Không quân Mỹ nhấn mạnh vào sự hợp tác giữa con người và máy móc, PLA đã thể hiện sự quan tâm đến việc mở rộng chiến lược này. Ông bày tỏ: “Mỹ đang phát triển các máy bay không người lái chuyên dụng mà Trung Quốc đã thành thạo, chẳng hạn như máy bay không người lái lơ lửng trong một khu vực cho đến khi chúng phát hiện ra mục tiêu có thể tấn công”. Cả hai nước cũng đang tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào quá trình phát triển UAV - công nghệ có thể cải thiện hiệu suất của máy bay có người lái trong các tình huống như không chiến.
Theo Tống Trung Bình, nhà phân tích quân sự Trung Quốc và cựu huấn luyện viên PLA, UAV hiện tại vẫn thiếu "khả năng tự học và nhận thức tình huống". Ông nhấn mạnh rằng "sẽ mất 10, 20 năm hoặc thậm chí lâu hơn nữa để AI hoàn toàn tích hợp với UAV. Chỉ khi AI trong UAV có khả năng riêng về ý tưởng, khả năng chịu lỗi và khả năng thích ứng, thì nó mới có thể thay thế hoàn toàn máy bay có người lái".
Trung Quốc đã phát triển các mô hình AI tạo sinh cho UAV, bao gồm một mô hình ngôn ngữ lớn vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, tương tự như ChatGPT, có khả năng chỉ huy UAV được trang bị vũ khí tác chiến điện tử để tấn công radar máy bay địch hoặc hệ thống liên lạc. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng việc phụ thuộc vào AI sẽ tạo ra nguy hiểm cho các cuộc tấn công mạng và khó khai thác điểm yếu của đối thủ, đồng thời cũng làm dấy lên viễn cảnh về các vấn đề đạo đức khi con người cho phép máy móc đưa ra quyết định gây chết người./.