ổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump thích tỏ ra là một người cứng rắn, và ông không ngại đưa ra những lời đe dọa bóng gió về hành động quân sự chống lại những kẻ thù đã được xác định, coi đó như một công cụ gây ảnh hưởng.
Tuy nhiên, đôi khi ông cũng khá gay gắt trong lời lẽ của mình với cả những nhà sản xuất vũ khí lớn và các đồng minh của họ trong lĩnh vực chính trị, như ông đã từng nói trong bài phát biểu vào tháng 9 tại Milwaukee: “Tôi sẽ trục xuất những kẻ hiếu chiến khỏi cơ quan an ninh quốc gia của chúng ta và sẽ tiến hành một cuộc thanh lọc cần thiết đối với tổ hợp công nghiệp quân sự để ngăn chặn tình trạng đầu cơ chiến tranh và sẽ luôn đặt nước Mỹ lên hàng đầu… Chúng ta sẽ chấm dứt những cuộc chiến bất tận này”.
Các tuyên bố trong chiến dịch hiếm khi được đưa vào các chính sách thực tế, và lời chỉ trích của Trump đối với tổ hợp công nghiệp quân sự có thể cũng không ngoại lệ. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình từ năm 2016-2020, Trump đã đảo ngược hướng đi của các tuyên bố trong chiến dịch tranh cử của mình về các nhà thầu lừa đảo chính phủ để hình thành mối quan hệ chặt chẽ với ngành công nghiệp vũ khí sau khi nhậm chức, đặc biệt là khi nói đến việc nhận công lao cho các công việc được tạo ra bởi các chính sách đáng ngờ như cung cấp vũ khí cho chế độ Saudi Arabia trong cuộc chiến tàn khốc ở Yemen, tiếp tục ca ngợi các giao dịch vũ khí ra nước ngoài cho các quốc gia như Saudi Arabia và tác động kinh tế của các giao dịch này ở trong nước ngay cả sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi thường trú tại Mỹ.
Cho dù Trump có thực sự truy đuổi những kẻ hiếu chiến và thu lợi từ chiến tranh hay không, thì việc ông chỉ trích họ trước công chúng bằng những lời lẽ gay gắt như vậy cũng đáng đưa tin theo đúng nghĩa đen - giọng điệu và nội dung chỉ trích của ông mạnh mẽ hơn nhiều so với bất kỳ tuyên bố nào của bất kỳ ứng cử viên tổng thống Dân chủ nào gần đây. Ít nhất, điều đó có nghĩa là có một sự ủng hộ ở những cử tri của Trump đối với một chính sách đối ngoại ít can thiệp hơn và cứng rắn hơn với các công ty quân sự lớn như Lockheed Martin và RTX (trước đây là Raytheon).
Câu trả lời về việc công ty nào có thể hưởng lợi nhiều nhất từ chi tiêu của Lầu Năm Góc trong chính quyền mới có thể sẽ được xác định bởi bối cảnh chính trị hỗn loạn, chứ không phải là các cuộc tranh luận kín về các ưu tiên chiến lược. Và khi nói đến việc gây ảnh hưởng đến chi tiêu và chính sách của Lầu Năm Góc, cho đến nay, các công ty lớn về quân sự như Lockheed Martin và RTX đang bị các công ty công nghệ quân sự mới nổi tập trung ở trong và xung quanh Thung lũng Silicon qua mặt.
Người bạn tâm giao của Trump và là ông trùm Bộ Hiệu quả Chính phủ - Elon Musk - được hầu hết người Mỹ biết đến nhiều nhất là các dự án dân sự của SpaceX và Tesla, nhưng đế chế của ông ngày càng chuyển sang các hợp đồng quân sự, từ việc phóng vệ tinh quân sự đến việc tạo ra phiên bản quân sự của hệ thống liên lạc Starlink đã được sử dụng để cung cấp dịch vụ internet đáng tin cậy cho quân đội Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga.
Trong tương lai, “con bò sữa” lớn nhất của SpaceX có thể là hệ thống Starship, được thiết kế để đưa lượng hàng lớn vào không gian, một năng lực mà quân đội Mỹ đang tìm kiếm khi họ định hình mình cho một cuộc xung đột tiềm tàng với Trung Quốc. Những lợi ích này có thể khiến Musk muốn từ bỏ các dự án công nghệ quân sự, hoặc thậm chí thúc đẩy để tăng chúng lên, khi cơ quan của ông công bố các đề xuất về việc tái thiết ngân sách liên bang.
Vào tháng 12, Musk đã nhận được lời khen ngợi từ một số nhà phê bình ngân sách của Lầu Năm Góc vì lời chỉ trích của ông đối với máy bay chiến đấu F-35 gặp sự cố của Lockheed Martin, nhưng ông đã thận trọng nói rằng nó sẽ được thay thế bằng sự phụ thuộc nhiều hơn vào máy bay không người lái do các đồng nghiệp ở Thung lũng Silicon của ông chế tạo. Lập luận của Thung lũng Silicon về việc đổi máy bay có người lái lấy máy bay không người lái được đưa ra dưới dạng chiến lược và ngân sách, bao gồm tuyên bố rằng một lực lượng dựa vào máy bay không người lái sẽ rẻ hơn để xây dựng và bảo trì. Nhưng những tuyên bố về hiệu quả và chi phí này vẫn chưa được chứng minh, vì vậy việc chuyển sang các công nghệ mới nổi có thể hoặc không thể tiết kiệm tiền.
Ngoài Musk, ngành công nghệ quân sự có thể trông cậy vào sự hỗ trợ từ Phó Tổng thống đắc cử J.D. Vance, người đã làm việc 5 năm tại một công ty của Peter Thiel (nhà sáng lập công ty giám sát và xử lý dữ liệu quân sự Palantir) trước khi ông chạy đua thành công vào Thượng viện năm 2022 với hàng triệu USD tiền hỗ trợ tài chính từ Thiel.
Ngoài ra, lựa chọn của Trump cho vị trí thứ hai phụ trách Lầu Năm Góc - một vị trí có liên quan mật thiết đến các hoạt động hàng ngày của bộ - là Stephen Feinberg của Cerberus Capital, một công ty có lịch sử lâu đời trong việc đầu tư vào các công ty vũ khí, bao gồm các công ty công nghệ mới nổi, như đã làm vào đầu năm ngoái khi mua lại các doanh nghiệp hệ thống thử nghiệm siêu thanh và quốc phòng từ TransDigm Group.
Các giám đốc điều hành công nghệ muốn nhiều hợp đồng hơn với Lầu Năm Góc, ít quy định hơn trong việc mua các hệ thống mới và muốn một chính sách đối ngoại dựa vào ưu thế công nghệ để khôi phục sự thống trị quân sự toàn cầu của Mỹ. Theo một số khía cạnh, những yêu cầu này trùng lặp với lợi ích của Lockheed Martin và các nhà thầu lớn khác, nhưng Lầu Năm Góc có thể gặp khó khăn trong việc tài trợ cho các hệ thống cũ như F-35, tàu sân bay và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cùng với các dự án mới đầy tham vọng dựa trên các công nghệ mới nổi. Vì vậy, có thể có một cuộc “ẩu đả” về ngân sách giữa các nhà thầu đương nhiệm với những công ty mới nổi ở Thung lũng Silicon, trong đó bên thắng cuộc sẽ quyết định hình thái lựa chọn mua sắm vũ khí của Mỹ trong nhiều năm tới.
Trong khi đó, Giám đốc Tài chính của Lockheed Martin, ông Jay Malave đã bày tỏ hy vọng rằng đối với Lầu Năm Góc, hiệu quả có thể đi kèm với việc tăng ngân sách của bộ: “Bạn có thể thấy yêu cầu ngân sách cao hơn so với những gì chúng ta đã thấy từ chính quyền trước, nhưng điều đó có thể là kết quả của một số thứ bị cắt giảm hoặc hủy bỏ, và những thứ khác được ưu tiên”.
Quốc hội và công chúng cần theo dõi chặt chẽ cả hai cánh của tổ hợp công nghiệp quân sự dưới chính quyền mới, yêu cầu rằng các quyết định về việc mua vũ khí nào và theo đuổi chiến lược nào phải được đưa ra thông qua các cuộc thảo luận được cân nhắc kỹ lưỡng trước công chúng, chứ không phải theo nhu cầu của các công ty có ảnh hưởng chính trị muốn kiếm lợi từ ngân sách của Lầu Năm Góc để tăng lợi nhuận ròng trong tương lai./.