Trong thời đại mà đặc điểm của các mối quan hệ quốc tế là ngày càng trở nên phức tạp và nhiều bất trắc trong khi khuynh hướng trong nước ngày càng tỏ ra “miễn cưỡng” trong việc dính líu vào các vấn đề bên ngoài, giới lãnh đạo chính trị dường như ngày càng bị hạn chế trong việc lựa chọn các giải pháp quân sự cho các cuộc khủng hoảng đang phát sinh. Tuy nhiên, trong bài viết này, Peter Roberts cho rằng có một thành phần trong các lực lượng vũ trang Anh – lực lượng đổ bộ đường biển – tương đối ít tác dụng với cơ cấu hiện nay. Nếu tổ chức lại thành các đơn vị nhỏ nhưng mạnh hơn và thường xuyên triển khai phía trước thì thành phần lực lượng đổ bộ đường biển có thể tạo cho các nhà lãnh đạo chính trị một khả năng lựa chọn giải pháp đối phó với các tình huống khủng hoảng, đặc biệt là những trường hợp xảy ra ở các vùng ven biển phức tạp.
Các chiến dịch đổ bộ đường biển chủ yếu nhằm đưa một lực lượng quân sự từ ngoài biển lên một vùng bở biển (có thể là) thù địch. Tiến hành các chiến dịch đó là nhiệmvụ phức tạp và nhiều kế hoạch gia quân sự coi đó là công việc rất mạo hiểm. Tuy nhiên, đối với một quốc gia như Vương Quốc Anh, xung quanh là biển cả và khả năng không vận chiến lược hạn chế thì không có biện pháp khả thi nào khác ngoài [biện pháp] phát triển khả năng cơ động chiến lược và chiến dịch [có] hiệu quả. Hiện nay, Đô đốc George Zambellas, Tham mưu trưởng hải quân Anh, được chính phủ giao nhiệm vụ “Tạo cho các lực lượng liên quân khả năng cơ động từ biển lên bờ cùng với xe thiết giáp và đồ tiếp tế bằng trực thăng [cất cánh] từ các chiến hạm chuyên dùng để tung một cụm (liên đoàn cỡ 2 tiểu đoàn) lực lượng biệt kích nhằm tiến hành các hoạt động tác chiến đơn giản và phức tạp trên chiến trường và các vùng ven biển như một thành phần trong một chiến dịch liên quân qui mô lớn”. Mục tiêu này thấp hơn so với khả năng trước đây của nước Anh khi tiến hành các chiến dịch qui mô lớn như đã từng thấy ở Galipôli, Sixin, Noóc măng đi, Manvinát, Cô oét và Irắc, và trong tương lai cũng không có kế hoạch phát triển lực lượng đổ bộ đường biển qui mô lớn hơn, với lực lượng đổ bộ đường biển nhỏ hơn, chắc rằng Vương Quốc Anh không thể tiến hành những chiến dịch đổ bộ đường biển qui mô lớn mà các nước khác tiến hành gần đây như nước Nga (ở Ápganixtan thuộc Grudia năm 2008), Ixraen (ở Ga za, năm 2014), hay S’ri lan ca (các cuộc tiến công đổ bộ đường biển vào các căn cứ của lực lượng nổi dậy xung quanh bán đảo “Jaffna” và “Mullaitivu” từ năm 1996-2009). Có lẽ điều quan trọng hơn là cũng phải đặt câu hỏi phải chăng ở nước Anh còn có ý chí chính trị đủ để tiến hành những chiến dịch đổ bộ đường biển qui mô lớn, tốn kém, và đầy mạo hiểm – như những chiến dịch mà hải quân đánh bộ Mỹ đã tiến hành ở Thái Bình Dương hồi Chiến tranh Thế giới thứ 2 – hay không dù rằng có nhiều triển vọng thành công.
Vì những lý do trên, qui mô “khiêm tốn” của lực lượng đổ bộ đường biển của Vương Quốc Anh hiện nay, và các hoạt động chống nổi dậy gần nước Anh trong một thập kỷ, câu hỏi đặt ra vẫn là vì sao các chính phủ kế tiếp của Vương Quốc Anh vẫn tiếp tục đầu tư đáng kể, dài hạn cho các chương trình mua sắm chiến hạm, vũ khí, hậu cần và cơ sở hạ tầng để đảm bảo khả năng lâu dài của nước Anh trong lĩnh vực tiến hành các chiến dịch quân sự từ biển.
Đề hiểu vì sao các lực lượng đổ bộ đường biển vẫn là trung tâm trong chính sách quốc phòng của nước Anh, bài viết này sẽ xem xét tác dụng của các lực lượng đổ bộ đường biển của nước Anh trong lịch sử và dự báo môi trường quân sự tương lai dựa trên những dẫn chứng thu thập ở Vương Quốc Anh và nước ngoài. Sau đó bài viết sẽ đề xuất phương hướng lựa chọn liên quan đến các lực lượng đổ bộ tương lai trên cơ sở tác dụng của các lực lượng này trong các cấp độ xung đột cùng một số tác động tiềm tàng đối với cơ cấu lực lượng tương lai.
Tác dụng của lực lượng đổ bộ đường biển
Những cuộc đổ bộ “Julius Cacsar” ở “Kent” (một quận ở Đông Nam nước Anh ngày nay. N.D) năm 55 trước Công nguyên và một lần nữa năm 54 trước Công nguyên khiến cư dân trên các đảo của nước Anh lần đầu tiên biết thế nào là hành động xâm lược, sau đó, cho đến thế kỷ thứ 9 và thứ 10 sau Công nguyên mới xảy ra nạn cướp biển của hải tặc “Viking”. Ở các nơi khác trên thế giới, các hoạt động tác chiến đổ bộ đường biển cũng từng được tiến hành ở Châu Á, Nam Mỹ và - ở mức độ thấp hơn – Châu Phi. Tuy điều kiện địa lý thường là lý do đòi hỏi phải sử dụng đường biển để thực hiện những hành động đột kích và xâm lược, nhưng các bộ lạc và dân tộc thời xưa cũng nhận thấy sử dụng đường biển là cách nhanh nhất để tiến công kẻ địch và chiếm các nguồn tài nguyên ở các vùng ven biển – nhanh hơn nhiều so với những cuộc tiến công đầy mạo hiểm và tốn nhiều thời gian qua các vùng lãnh thổ thù địch. Các bên đối địch cũng tiến công bằng đường biển để có thể giành chiến thắng nhờ yếu tố bất ngờ trước những đối thủ mạnh hơn. Những biện pháp đối phó với các cuộc tiến công [đổ bộ đường biển] đó bao gồm phát triển các phương pháp báo động tinh vi với yêu cầu điều khiển tập trung cùng các hệ thống chỉ huy chính qui hơn để tổ chức [lực lượng] và thực hiện những biện pháp đối phó từ di tản [dân thường] đến đánh trả kẻ địch trên bờ biển (nơi mà kinh nghiệm cho thấy đó là cơ hội tốt nhất để đánh bại một lực lượng đổ bộ đường biển). Có nhiều ví dụ về những cuộc tập kích và tiến công đổ bộ đường biển, cũng như các cuộc di tản (như các cuộc tiến công đổ bộ [của quân Anh] chiếm “Louisbung” và “Quebec”, năm 1745-59), trong thời kỳ diễn ra cuộc chiến tranh giành độc lập của người Mỹ (còn gọi là cuộc cách mạng Mỹ 1775-1783) và trong suốt thế kỷ 19.
Tuy nhiên, dù các chiến dịch đổ bộ đường biển đã được các quốc gia và các nền văn minh tiến hành từ thời người Ai cập Cổ đại, nhưng mãi đến thế kỷ 17-18 mới chính thức trở thành một lĩnh vực đấu tranh chính trị - quân sự khi “Alfred Thayer Mahan” viết cuốn “Ảnh hưởng của sức mạnh hải quân đối với lịch sử” 1660-1783” (The Influence of Sea Power Upon History 1660-1783), xuất bản năm 1890. Tác phẩm của Mahan được các học giả đánh giá là có ảnh hưởng nhất đối với chiến lược hải quân vì ông đề cập một cách súc tích mối quan hệ giữa sức mạnh hải quân với ý chí, lợi ích và ảnh hưởng của quốc gia, và thể hiện mục đích và ý đồ; tác chiến đổ bộ đường biển hiển nhiên là một yếu tố trong những nội dung được đề cập trong cuốn sách, dù rằng, theo Mahan, chỉ là một yếu tổ nhỏ. So với Mahan, người cùng thời với ông là Philip Colomb (Philip Howard Colomb, 1831-1899, Phó Đô đốc hải quân Hoàng gia Anh, người Xcốt len) chú trọng những cuộc viễn chinh trên bộ phát động từ biển hơn; thật vậy, ông đã dành số trang viết trong cuốn “Tác chiến hải quân” (Naval Warfare) xuất bản năm 1891, cho lĩnh vực này. Trong khi giới lãnh đạo hải quân tôn thờ ý tưởng cường điệu của Mahan về tiến hành trận đánh trên biển có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của quốc gia thì giới lãnh đạo liên quân lại coi tác phẩm của Colomb có ý nghĩa thực tế đối với việc tiến hành các chiến dịch trên bộ xuất phát từ căn cứ nổi an toàn trên biển của quốc gia. Năm 1897, “Garnet Wolseley”, Tư lệnh liên quân Anh viết: “Chúng ta vẫn phải thuyết phục hải quân rằng chỉ riêng họ thì không thể giành chiến thắng trong chiến tranh và [rằng] không phải chúng ta đang cố giành giật ngân khoản họ cần phải có mà chỉ muốn làm cho chúng ta thực sự có sức mạnh tiến hành tác chiến đổ bộ đường biển có hiệu quả.
Chính những lời bình luận như thế này đã giúp cho trường phái các nhà chiến lược hải quân hoàn toàn đặt các chiến dịch đổ bộ đường biển trong khuôn khổ rộng lớn hơn khi xem xét sức mạnh hải quân và lợi ích quốc gia. Cả “Julian S.Corbett” và “Charles E.Callwell” đều đã nhiều lần quay trở lại chủ đề này đưa ra những luận điểm về hiệu quả quân sự của đổ bộ đường biển chứ không phải chỉ nhấn mạnh vai trò chính trị và chiến lược của các lực lượng đổ bộ đường biển theo ý tưởng của Mahan. Tính chất của cuộc bàn cãi dẫn đến sự đối lập quan điểm giữa phái thiên về sức mạnh hải quân thuần tuý và phái các nhà lý thuyết quân sự cực đoan đã làm ngừng trệ sự phát triển học thuyết chính thức trong lĩnh vực này và trong khi cả cuộc “chiến tranh của người boer” (Boer war) và các chiến dịch do các nước thực dân Châu Âu tiến hành trước Chiến tranh Thế giới Thứ 1 đều có nhiều ví dụ về các chiến dịch trên bộ phát động từ ngoài biển, những nội dung nghiên cứu ở các trường tham mưu lại chủ yếu tập trung vào những vấn đề đổ bộ các lực lượng lớn binh sĩ và thành phần bảo đảm hậu cần lên các khu vực bờ biển “an toàn” hơn là phát huy khả năng của các lực lượng cơ động bằng đường biển để làm cho kẻ địch bị bất ngờ, chẳng hạn bằng cách đổ bộ vào các vùng hậu phương của chúng. Về cơ bản. Các chiến dịch đổ bộ đường biển được coi là cách đưa một lực lượng quân đội lên bờ hơn là để tự thân các chiến dịch đó tạo ra hiệu ứng quân sự.
Nước Mỹ cũng đã vấp phải những vấn đề tương tự trong việc tìm kiếm vai trò thích hợp cho khả năng này. Hải quân đánh bộ Mỹ được thành lập năm 1775, cùng năm với hải quân đánh bộ của Vương Quốc Anh (tuy có thể nói nó đã được thành lập từ năm 1664 trong vai trò lực lượng cơ động bằng đường biển để tiến hành chiến dịch chống Hà Lan năm đó). Tuy nhiên, sau khi quyết định thành lập quân chủng thứ tư dành riêng cho việc tiến hành các chiến dịch đổ bộ đường biển, các chính quyền kế tiếp nhau - nhất là chính quyền dưới thời Tổng thống Franklin D.Roosevel và Harry S.Truman đã giải thể quân chủng đó và sáp nhập vào liên quân hay hải quân vì chi phí cho việc tăng thêm một hệ thống chỉ huy và hành chính không mang lại hiệu quả tương xứng.
Vì Anh, Mỹ và các nước khác vẫn đang phân vân về vấn đề này nên có lẽ nay là lúc cần nhấn mạnh lại thực tế ngày nay và tác dụng của các lực lượng đổ bộ đường biển – và việc này cần được làm một cách thường xuyên và nghiêm chỉnh. Khi xem xét tác dụng của một công cụ không được sử dụng tức khắc và thường xuyên, không nên chỉ phân tích trong quá khứ nó đã được sử dụng như thế nào mà còn cần phải dự báo nó có thể có tác dụng như thế nào trong tương lai. Tuy nhiên, nên nhớ rằng dù bản chất của việc tiến hành chiến tranh có thể không thay đổi nhưng tính chất chiến tranh thay đổi rõ rệt giữa thời đại trước với thời đại sau. Hình thức và chiến thuật phải luôn thích ứng với những thay đổi của hoàn cảnh, yêu cầu và công nghệ để có thể thực hiện được mục đích. Qui mô, cơ cấu và hoạt động [tác chiến] của các lực lượng đổ bộ đường biển cũng phải linh hoạt để đáp ứng yêu cầu của những thay đổi này.
Tác dụng [của lực lượng đổ bộ đường biển] trong lịch sử
Các lực lượng đổ bộ đường biển của Vương Quốc Anh được phục hồi sức mạnh lần gần đây nhất là vào khoảng thời gian từ 1956 đến 1966 và nổi bật với vai trò của các tàu chở biệt kích (Commando Carrier). Với động cơ chính trị, Thủ tướng Anh Anthony Eden đã khuyến khích việc đầu tư cho khả năng triển khai một “lực lượng biệt kích tự bảo đảm” cùng với thành phần máy bay cánh cố định và trực thăng trước khi xảy ra vụ khủng hoảng kênh Xuyê năm 1956, và được nêu vắn tắt trong Sách Trắng Quốc phòng năm 1957: “Về khả năng cơ động, hải quân Hoàng Gia cùng với hải quân đánh bộ Hoàng Gia góp phần phát huy hiệu quả của sức mạnh [quốc gia] trong việc đối phó với các tình huống khẩn cấp thời bình hay các tình huống xung đột hạn chế”. Những lời lẽ này chủ yếu là của “Uỷ ban con đường phía trước” (Way Ahead Committee) do Đô đốc, Tham mưu trưởng hải quân Anh Louis Mountbatten thành lập năm 1955 nhằm đánh giá lại các lực lượng và phương tiện của hải quân với mục đích đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm theo yêu cầu của Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là Duncan Sandy. Việc này đã có tác động quan trọng đối với hải quân Anh vì sau đó một số tàu sân bay hạng nhẹ từ thời Chiến tranh Thế giới Thứ 2 đã được tân trang thành những chiến hạm có thể chở cả một lực lượng biệt kích cùng với máy bay yểm trợ, và còn có kế hoạch đóng 2 tàu xung kích đổ bộ và 6 tàu đổ bộ bảo đảm hậu cần.
Gần như ngay sau khi được đưa vào làm nhiệm vụ, các tàu chở biệt kích mới này đã được sử dụng rộng rãi trong hoạt động kết giao quốc phóng ở mọi cấp độ, các hoạt động cảnh sát, các nhiệm vụ răn đe, gây sức ép và can thiệp. Trong gấn một thập kỷ, các chiến hạm này đã trở thành lực lượng “liên tục” làm nhiệm vụ cho các chính quyền kế tiếp nhau như có mặt ở vùng vịnh [Péc-xích] năm 1961, Inđônêxia năm 1962, Malaixia và Inđônêxia năm 1963 và Tanganyika (nay là phần lục địa của Tanzania) năm 1964. Trong những chiến dịch này, lực lượng biệt kích trở thành cầu nối với các lực lượng địa phương và đóng vai trò cung cấp tin tình báo về tình hình địa phương, duy trì sự có mặt và là lực lượng triển khai phía trước, hỗ trợ cho các nhà lãnh đạo chính trị của nước Anh trong các cuộc thương lượng ngoại giao. Đó không chỉ là lực lượng luôn cần thiết cho các chiến dịch quân sự mà còn là lực lượng mà các đại sứ khác nhau từ Iran đến Inđônêxia thường xuyên yêu cầu - để thực hiện các nhiệm vụ từ bảo vệ ngoại giao đến phô trương sức mạnh – như một phần trong nỗ lực của cơ quan đối ngoại nhằm rút ra khỏi khu vực phía đông kênh Xuyê mà không mất thể diện.
Tuy nhiên, ngay sau đó, lực lượng này không còn được sử dụng nhiều trong vai trò một công cụ chính trị. Sau khi rút khỏi khu vực phía đông kênh Xuyê hồi cuối những năm 1960, các lực lượng đổ bộ đường biển của Anh chuyên được sử dụng trong vai trò quân sự ở Bắc Na uy, tăng cường bảo vệ sườn phía Bắc của NATO. Sự thay đổi vai trò, từ một lực lượng sẵn sàng phục vụ cho các mục đích chính trị thành một lực lượng hoàn toàn làm nhiệm vụ quân sự ở một khu vực địa lý nhất định trùng hợp với việc huỷ bỏ chương trình đóng chiếc tàu sân bay CVA-01 - chiếc đầu tiên trong số 3 chiếc dự định đóng – trong Sách Trắng Quốc phòng năm 1966 vì (lý do nêu trong Sách Trắng) các chiến dịch đổ bộ đường biển sẽ chỉ được tiến hành với sự yểm hộ của máy bay cất cánh từ các căn cứ trên đất liền của các nước NATO. Mối đe doạ chủ yếu từ Liên Xô đã chi phối tư duy quốc phòng của Anh trong thời kỳ này và tuy chiến dịch Manvinát năm 1982 của không lực, nhưng vai trò của các lực lượng đổ bộ đường biển vẫn tiếp tục bị lu mờ chứ không phải là được phục hồi như thời ký nó được coi là lực lượng triển khai phía trước, thể hiện quyết tâm chính trị và ý chí quốc gia của nước Anh.
Nhiều tài liệu lịch sử chi tiết đề cao vai trò quân sự của các lực lượng đổ bộ đường biển, nên dẫn chứng về những trường hợp đạt hiệu quả lớn gấp bội so với qui mô lực lượng bằng cách khai thác yếu tố bất ngờ và hiệu ứng “gây sốc”. Để gây dược tác động đó, đặc biệt là khi tác chiến độc lập ở những nơi xa xôi, binh sĩ của lực lượng đổ bộ đường biển phải được huấn luyện kỹ lưỡng và có sức chịu đựng bền bỉ. Trong tác chiến qui ước, đó là khả năng cần thiết để vượt qua giai đoạn dễ bị thương vong khi chuyển từ biển lên bờ và đè bẹp các lực lượng phòng thủ tại chỗ và bất kỳ lực lượng tăng viện nào của đối phương.
Tuy nhiên, dù những dẫn chứng về vai trò quân sự này là đúng, nhưng phân tích lịch sử cũng cho thấy rõ rằng tác dụng thực sự của các lực lượng đổ bộ đường biển là tác dụng của một công cụ chính trị hơn là một công cụ quân sự thuần tuý. Thật vậy, sự nhấn mạnh trong học thuyết từ năm 1945 về vai trò của các lực lượng đổ bộ đường biển trong việc đánh chiếm các vùng bờ biển thuộc lãnh thổ đối phương hay đang tranh chấp căn bản là một sự nhầm lẫn đã làm sai lệch việc nhận thức và phát triển khả năng này trong 70 năm qua. Trong lịch sử, các chiến dịch đổ bộ đường biển không tập trung vào các vùng bờ biển mà được tiến hành ở các khu vực địa lý rộng lớn hơn thường gọi là các vùng ven biển – các vùng tranh chấp phức tạp những lợi ích chính trị, kinh tế, dân số, môi trường, văn hoá và quân sự - với những nhiệm vụ nhằm gây tác động và ảnh hưởng vượt ra ngoài các vùng bờ biển. Quả thật, với những nhiệm vụ này, các chiến dịch đổ bộ đường biển nhằm gây tác động đối với tinh thần của giới lãnh đạo chính trị của đối phương hơn là chỉ nhằm đánh chiếm lãnh thổ. Nhận thức này giúp cho việc tổ chức tiến hành những chiến dịch đó với mục đích duy nhất là trực tiếp gây hiệu ứng chính trị vì vậy, không nên coi các chiến dịch đổ bộ đường biển chỉ đơn giản là một cuộc tiến công lên bờ biển – đang tranh chấp hay thuộc lãnh thổ của một nước nào đó – và là những phương tiện giúp cho việc đưa binh sĩ từ biển lên đất liền.
Các quốc gia khác đang bắt đầu hiểu ra điều này. Học thuyết của nước Mỹ gần đây cho rằng hiệu quả của các lực lượng đổ bộ đường biển là ở khả năng “khai thác yếu tố bất ngờ và lợi dụng điểm yếu của kẻ địch bằng cách “tung” sức mạnh chiến đấu đúng lúc và vào đúng chỗ có lợi nhất”. Tuy nhiên, ngay cả sự chú trọng hiệu ứng tâm lý rộng lớn hơn này cũng vẫn quá hạn chế. Theo một định nghĩa thích hợp hơn nhiều của Oxtraylia thì các lực lượng đổ bộ đường biển “tạo cho chính phủ một giải pháp lựa chọn có hiệu quả so với chi phí trong việc định hướng và gây tác động đối với môi trường địa chính trị”. Các lực lượng đổ bộ đường biển là công cụ chủ yếu của một quốc gia để tuỳ ý tiến hành các hoạt động phục vụ cho các mục đích chính trị và quân sự, trong môi trường ven biển phức tạp và có tranh chấp.
Môi trường tác chiến tương lai
Tương lai đầy bất trắc, không thể đoán trước, và chắc chắn là nhiều hiểm hoạ đối với tất cả các quốc gia là điều mà nhiều học giả đã dự báo. Đối với Vương Quốc Anh, những thách thức này có thể còn phức tạp hơn do truyền thống áp dụng một “đại chiến lược” dựa trên khả năng tài chính hơn là một sự bảo hiểm khôn ngoan. Điều này thể hiện rõ trong “cách đối phó với chiến tranh” (Way of war) mà Hew Strachan (Hew Francis Anthony Atrachan – sinh ngày 01/3/1949, sử gia quân sự người Xcốt-len) nổi tiếng với tác phẩm viết về chủ đề quản lý liên quân Anh và lịch sử “Chiến tranh Thế giới Thứ 1” .N.D) đã nhìn nhận lại là dựa trên các lực lượng thường trực sẵn có chỉ đủ để thực hiện những hành động trì hoãn trong trường hợp bị tiến công trong khi chờ đợi tiến hành các bước động viên. Tuy nhiên, ngày nay, các quyết định của nước Anh về quốc phòng và an ninh vẫn tiếp tục vấp phải những vấn đề còn phức tạp hơn do vẫn còn những cam kết lịch sử đối với những lãnh thổ và thuộc địa cũ trên khắp thế giới. Ngoài ra còn phải kể đến tàn dư của văn hoá chiến lược can thiệp (dù cảm nhận của công chúng nói chung ngày nay có lẽ đã giảm đi so với quá khứ), và khát vọng duy trì tiếng nói có ảnh hưởng lớn trên trường quốc tế về các mặt kinh tế, ngoại giao và quân sự.
Có lẽ các lực lượng hạn chế sẵn có của Quân đội Anh ngày nay phải có khả năng phản ứng trước các hoạt động tiền xung đột (như huấn luyện các lực lượng của nước ngoài), đối phó với các cuộc xung đột liên quan đến các hoạt động [tác chiến] pha tạp, đánh thay [gọi là chiến tranh] thế hệ thứ tư và chống nổi dậy, cũng như những hành động gây sức ép và tác chiến mang tính qui ước hơn. Ngoài ra còn cần phải làm nhiệm vụ được đặt tên lại là kết giao quốc phòng (trước đây gọi là ngoại giao quốc phòng) và kết giao với công chúng. Các khuynh hướng dân số và trào lưu xã hội cũng có tác động đối với việc xác định những nơi cần phải tiến hành những hoạt động này. Các học giả đã nhận định những khuynh hướng liên quan đến các điều kiện địa lý, xã hội và dân số cho thấy những khu vực có thể xảy ra xung đột tương lai sẽ là trong và xung quanh các siêu đô thị ven biển và những nơi tập trung các nguồn tài nguyên. Về mặt quân sự, điều này sẽ đòi hỏi phải quan tâm hơn đến những khu vực địa lý gọi chung là [các vùng] “ven biển”. Nó cũng sẽ đòi hỏi một sự thay đổi tương ứng trong cách thực hiện các mục tiêu và mục đích của các lực lượng chiến đấu trên chiến trường ngày nay và, có lẽ, [phải] tránh nhìn mọi cuộc xung đột đơn giản qua con mắt của người lính bộ binh.
Thách thức thực sự ở vùng ven biển
Ở vùng ven biển, các lực lượng đổ bộ đường biển hiện được tổ chức, trang bị và huấn luyện chủ yếu cho mục đích đánh chiếm hoặc thâm nhập các khu vực bờ biển để tạo thuận lợi cho các lực lượng liên quân thê đội hai tiến vào chiến trường. Tập trung chủ yếu cho mục đích đó là không thoả đáng vì có nhiều dạng địa hình và nhiều loại nhiệm vụ mà các lực lượng đổ bộ đường biển có thể phải thực hiện ở các vùng ven biển trên toàn cầu, như tăng cường khả năng bảo vệ các sứ quán trong những tình huống xảy ra bạo loạn ở địa phương hay thu thập thông tin “mắt thấy tai nghe” trong khu vực giúp cho các nhà lãnh đạo chính trị ra quyết định đúng đắn hơn về việc “tung” thêm lực lượng qui mô lớn hơn. Kinh nghiệm tác chiến cho thấy nếu các lực lượng đổ bộ đường biển chỉ tìm cách sử dụng những con đường biển huyết mạch cho mục đích thực hiện hành động tập kích hạn chế thì có lẽ chỉ cần các phương tiện dùng làm “tàu con thoi” – tàu, thuyền (xuồng) và trực thăng – và lòng dũng cảm là đủ. Tuy nhiên, nếu là những nhiệm vụ nhằm thực hiện những mục đích lớn hơn thì cần có lý thuyết, huấn luyện, trang bị thủ pháp và kỹ năng riêng cho việc tiến hành tác chiến đổ bộ đường biển ở mọi cấp độ. Sẵn sàng tung một đơn vị chiến đấu tham gia các hoạt động tác chiến thâm nhập không nhất thiết tạo thêm khả năng sẵn sàng tiến hành mọi hoạt động tác chiến ven biển mà không gây mạo hiểm đáng kể. Một lực lượng lớn gồm binh sĩ, máy bay và chiến hạm, tiến công [đổ bộ] lên bãi biển có thể gây sức ép lớn, nhưng ít có tác dụng trợ giúp việc kiểm soát các đường sông nội địa, cũng không giúp cho các cơ quan khác của chính phủ tham gia các hoạt động nhạy cảm hơn để phục vụ cho những lợi ích công nghiệp của nước Anh.
Chiếm bãi biển làm nơi tập kết các lực lượng xung kích đổ bộ hay lực lượng tiếp ứng từ trước đến nay luôn là một biện pháp mạo hiểm, và những tiến bộ công nghệ trong các lĩnh vực phát triển các phương tiện cảnh giới, hoả lực chính xác từ xa, và chống tiếp cận/ngăn chặn khu vực càng làm tăng mức độ mạo hiểm. Thay cho biện pháp đó, các lực lượng đổ bộ đường biển có thể tập trung chủ yếu vào việc tạo khả năng cơ động chiến dịch trực tiếp tiến công từ căn cứ trên biển – nói cách khác là vòng tránh bãi biển cả trên lý thuyết và thực tế. Trong các hoạt động tác chiến hiện đại và phi qui ước, ngoài trình độ huấn luyện và quyết tâm còn cần phải sẵn sàng ở mức độ cao để có thể hành động nhanh nhằm bảo vệ và di tản cả con người và tài sản của nước Anh hoặc phá vỡ thế bố trí lực lượng của quân nổi dậy. Kinh nghiệm rút ra ở Sri lanca cho thấy các toán lực lượng tập kích nhỏ cần được yểm trợ ngay trong trường hợp các chiến dịch thất bại.
Yêu cầu tạo khả năng sẵn sàng có mặt phía trước và khả năng cơ động chiến dịch cần thiết trong tất cả các môi trường tác chiến ven biển đòi hỏi phải xem xét lại nhiều mặt về thiết kế và cơ cấu lực lượng hiện thời, một việc mà tất cả các quốc gia khác đều tiến hành.
[Các] cách tiếp cận của các nước trên thế giới
Điều quan trọng nhất là các đối thủ cạnh tranh kinh tế và chính trị đang ngày càng quan tam đến khả năng [tác chiến] đổ bộ đường biển của họ. Chỉ kể một số nước như Ôxtrâylia, Tây Ban Nha, Nhật, Bra xin, Ấn Độ, Mêhicô, Canađa, Hàn Quốc và Nam Phi - tất cả đều đang đầu tư các nguồn lực cho việc thành lập, phát triển hoặc mở rộng khả năng của họ trong lĩnh vực này. Những nỗ lực phát triển này thể hiện đặc biệt rõ ở Mỹ, Xingapo, Ôxtrâylia và Nhật.
Trong hải quân các nước trên thế giới, khuynh hướng rõ ràng là không sử dụng đơn vị cấp tiểu đoàn mà sử dụng đơn vị cấp đại đội (khoảng 100-120 binh sĩ) làm đơn vị tác chiến chính. Đơn vị cấp đại đội, với nhiều khả năng linh hoạt theo yêu cầu, bao gồm cả khả năng nắm chắc tình hình và chỉ huy tốt hơn, rất có thể trở thành nòng cốt của lực lượng [sẵn sàng chiến đấu] trên biển để thực hiện các nhiệm vụ trên bờ. Điều này một phần phản ánh tình trạng thiếu chiến hạm, máy bay lên thẳng và bãi đổ bộ, các phương tiện thông tin-liên lạc, các phương tiện dỡ hàng và các tàu con thoi để triển khai, cơ động và bảo đảm cho các đơn vị cỡ lữ đoàn và tiểu đoàn. Tuy nhiên, điều này cũng có hàm ý thừa nhận thực tế là trong các cuộc xung đột ngày nay, khó có thể phát huy mọi khả năng chiến đấu của các đơn vị cấp lữ đoàn và tiểu đoàn nhằm vào các mục tiêu của đối phương.
Thời kỳ tập kết các đơn vị bộ binh hải quân lớn ở căn cứ trong nước rồi cùng một lúc đưa tới khu vực xảy ra chiến sự đã qua rồi. Lý thuyết [tác chiến] mới – mà Bộ Quốc phòng Anh chưa tiếp thu – là các đơn vị triển khai phía trước với các qui mô khác nhau sẽ nhanh chóng tập hợp khi xảy ra khủng hoảng và tổ chức theo nhiệm vụ (tức là thay đổi cơ cấu cụ thể để thực hiện nhiệm vụ được giao) để đạt được hiệu quả tác chiến trước khi trở lại trạng thái phân tán. Có lẽ chỉ còn hải quân đánh bộ Mỹ vẫn duy trì các lực lượng cần thiết để tiến hành các chiến dịch đổ bộ đường biển cấp lữ đoàn trong tình huống ác liệt nhất của phổ xung đột - tức là tiến hành một cuộc tiến công đổ bộ qui mô lớn lên bờ biển có phòng thủ của một đối thủ gần ngang hàng. Tuy nhiên họ [hải quân đánh bộ Mỹ] cũng thừa nhận rằng tỉ lệ thương vong sẽ rất lớn và vì vậy một cuộc tiến công đổ bộ qui mô lớn như vậy sẽ chỉ được tiến hành trong tình huống cực đoan nhất. Đây là một sự thay đổi lớn về chủ trương (nguyên văn: “sự nhấn mạnh”) của nước siêu cường quân sự duy nhất trên thế giới.
Một cách tiếp cận thực dụng và hạn chế hơn đối với việc phát triển và duy trì khả năng đổ bộ đường biển – khác với khả năng đổ bộ đơn vị nhỏ - đang được các nước như Xingapo áp dụng. Theo cách tiếp cận này, các lực lượng vũ trang nói chung được chỉ thị phát triển khả năng vận chuyển một sư đoàn (10.000 binh sĩ) dù không được cấp ngân sách hay huấn luyện để có thể tiến hành một chiến dịch qui mô lớn như vậy. Chủ trương của Ôxtrâylia, công bố năm 2012, cũng chú trọng phát triển phương tiện (tàu) đổ bộ. Nỗ lực đầu tư qui mô lớn cho các phương tiện đổ bộ đường biển (như tàu đổ bộ RFA (Royal Fleet Auxiliary – tàu trợ thủ của hạm đội Hoàng Gia) Largs Bay năm 2012) là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Oxtraylia có ý định đóng vai trò lớn hơn trong khu vực. Tuy thông điệp trước mắt là thể hiện quyết tâm chính trị đóng vai trò lớn hơn trong khu vực, nhưng nỗ lực đầu tư giúp cho việc tăng cường khả năng trợ giúp các nước đồng minh then chốt và làm hậu thuẫn cho các quyết định chính trị bằng sức mạnh quân sự.
Trong khi đó ở Nhật, nỗ lực phát triển khả năng đổ bộ đường biển cho đến nay nhằm mục đích duy nhất: thực hiện hành động xung kích đổ bộ qui mô nhỏ, không do dự, mức độ mạo hiểm cao lên các khu vực mục tiêu như “Quần đảo Senkaku” đang tranh chấp với Trung Quốc. không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy cơ cấu lực lượng đổ bộ đường biển của Nhật hạn chế hơn nhiều và xác định rõ mục đích không phải là để sử dụng một cách linh hoạt hơn trên phạm vi toàn cầu và ở mọi cấp độ chiến tranh.
Các cách tiếp cận khác nhau của các nước trên thế giới đối với việc phát triển khả năng đổ bộ đường biển cho thấy nó gắn với lợi ích riêng của từng quốc gia. Mức độ đầu tư hiển nhiên phù hợp với mục đích mà các quốc gia đặt ra trong môi trường phức tạp ngày nay; hầu hết đều đặt mục tiêu phát triển một lực lượng [đổ bộ đường biển] có khả năng linh hoạt hơn trên cơ sở nhận thức những hạn chế về mục đích có thể đạt được trong môi trường ven biển.
Tác động đối với Vương Quốc Anh
Cũng như các nước khác, khi xác định các yêu cầu phát triển khả năng đổ bộ đường biển, Vương Quốc Anh phải tính toán sao cho cân bằng giữa nhiệm vụ quốc phòng với những cam kết và nghĩa vụ trên toàn cầu về các mặt kinh tế, ngoại giao và quân sự đồng thời có tính đến vị trí địa lý đặc biệt của Vương Quốc Anh. Trên cơ sở những tính toán đó, có thể nói các đơn vị có mặt phía trước của bất kỳ lực lượng liên quân nào của nước Anh đều có thể dược tổ chức trên cơ sở một lực lượng đổ bộ đường biển cân đối, có khả năng thực hiện các nhiệm vụ chính trị bằng cách phát huy tác dụng của tất cả các công cụ quân sự sẵn sàng có của quốc gia cũng như của các nước bạn và đồng minh nhưng chủ yếu là lực lượng chuyên chở bằng đường biển có tầm với toàn cầu và nắm chắc những cơ hội trong các môi trường phức tạp và hỗn loạn.
Tuy nhiên, cách tiếp cận này rõ ràng là không thể giúp cho việc đối phó có hiệu quả với mọi dạng xung đột có thể xảy ra (chẳng hạn những cuộc xung đột trên bộ đòi hỏi phải sử dụng lực lượng thiết giáp qui mô lớn), đồng thời phải thấy rõ mức độ tốn kém, tính phức tạp và những mặt hạn chế về khả năng vận chuyển, bảo đảm quân y, hậu cần cùng các mặt bảo đảm khác, và các chu kỳ triển khai phía trước.
Tuy nhiên, ý kiến chỉ trích phổ biến nhất là nhấn mạnh cái giá phải trả của việc tiến hành các chiến dịch đổ bộ đường biển – ngay cả những chiến dịch thành công – cũng như thất bại khá nặng nề của một số chiến dịch đổ bộ đường biển qui mô lớn trước đây để nêu bật những sự mạo hiểm vốn có trong việc thực hiện ý định đánh chiếm các khu vực bờ biển có lực lượng đối phương chống trả. Tuy những luận điểm đó nhằm nhấn mạnh vấn đề qui mô, những mục đích của bài viết này là ủng hộ việc tái tạo một lực lượng đổ bộ đường biển cân đối có khả năng thực hiện những hành động can thiệp qui mô nhỏ ở mọi cấp độ, và vì vậy nó không nhằm chỉ trích hay có hàm ý gì trong trường hợp này.
Thật vậy, khả năng đổ bộ đường biển của Vương Quốc Anh tương đối kém, đặc biệt là so với nước Mỹ; điều này khiến người ta nghi ngờ điều khẳng định rằng Vương Quốc Anh vẫn duy trì được khả năng đổ bộ lên lãnh thổ một nước có chủ quyền và do đó có thể tiến hành các chiến dịch qui mô lớn tốn kém đó. Nó cũng đặt ra những câu hỏi cơ bản về khả năng của lực lượng hải quân đánh bộ gồm 1800 binh sĩ của Vương Quốc Anh trong việc đánh chhiếm và kiểm soát một hải cảng đủ lớn để tạo thuận lợi cho các lực lượng thê đội hai tiếp tục tiến vào trước khả năng chống tiếp cận/ngăn chặn khu vực và sự chống trả trên bờ dù không mạnh lắm như của các nước ở Trung Đông. Thay vào đó, khả năng đổ bộ đường biển của Vương Quốc Anh có lẽ có thể phát huy tác dụng tốt nhất bằng cách tổ chức sao cho nó có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ chưa phải là chiến tranh thực sự như giải cứu ton tin, tiến hành hoạt động cứu trợ, ngăn chặn và thu thập tình báo điều này sẽ đòi hỏi phải thay đổi cả lý thuyết và nhận thức của chính phủ anh về tác chiến đổ bộ đường biển để bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng này sử dụng có hiệu quả nhất các phương tiện và công nghệ mới.
Tác chiến đổ bộ đường biển trong chiến tranh ngày nay
Sự quan tâm về quân sự và chính trị của chính phủ Anh vẫn chủ yếu tập trung vào việc thực hiện những hành động can thiệp viễn chinh bằng lực lượng qui mô nhỏ, tác chiến phía trước để ngăn ngừa và chế ngự những mối đe doạ liên quan đến các vấn đề nhân đạo và an ninh. Những hành động can thiệp ở qui mô này phù hợp nhất với mục đích đối phó với những mối đe doạ [bằng lực lượng] không chính qui, thường xuyên phát sinh mà thủ phạm là các phần tử phi quốc gia – như các lực lượng nổi dậy – các lực lượng đánh thay, các phần tử tội phạm, và các cuộc tranh chấp do mâu thuẫn bộ lạc và văn hoá. Ngay cả những trường hợp có vẻ như chiến tranh qui ước giữa quốc gia với - quốc gia như ở Grudia và Ucraina, cũng cho thấy xung đột diễn ra trong tất cả các linh vực chính trị, thương mại, các mối quan hệ liên minh và tài nguyên khiến cho việc thực hiện những hành động phản ứng quân sự trực tiếp trở nên cực kỳ khó khăn.
Trong khi đó, việc ngăn ngừa xung đột từ gốc lại không cần đến các lực lượng quân sự truyền thống qui mô lớn mà đòi hổi phải sử dụng kết hợp các toán nhỏ có trình độ huấn luyện cao để giúp cho việc nâng cao năng lực của các lực lượng bản xứ, có khả năng tiến hành các hoạt động cứu trợ nhân đạo hay can thiệp sớm khi xảy ra khủng hoảng, hành động liên tục và trong thời gian dài. Đối với nước Mỹ, những khả năng này thường đòi hỏi phải sử dụng kết hợp các lực lượng đặc biệt, không lực, các đơn vị viễn chinh hải quân đánh bộ triển khai phía trước, các nước đồng minh khu vực và thậm chí các nhà thầu tư nhân. Trong bối cảnh này, hoạt động kiên trì, hành động trực tiếp của các lực lượng đặc biệt và những đòn tập kích bằng tên lửa nhằm vào những mục tiêu có giá trị cao chỉ còn đóng vai trò nhỏ trong một chiến lược chiều sâu, dài hạn hơn, do hiệu quả chính trị quyết định - một chiến lược đề ra trên cơ sở kết hợp chặt chẽ với các nhà ngoại giao, những người làm công việc [trợ giúp] phát triển và các thành phần khác có nhiệm vụ phối hợp thực hiện các biện pháp toàn diện gần giống như những hoạt động nhằm gây ảnh hưởng hơn là hành động quân sự trực tiếp.
Những hành động can thiệp sớm như vậy thường thường có qui mô nhỏ đến mức không được phép phạm sai lầm. Vì vậy, nguồn lực quan trọng nhất là con người: những chiến binh chuyên nghiệp có tài năng, có khả năng thích ứng, không những có thể chiến đấu và tự bảo đảm trong những nhóm nhỏ trong các tình huống bất trắc mà còn phải có hiểu biết về văn hoá và các mối quan hệ giữa cá nhân với nhau trong chiến đấu.
Lực lượng lựa chọn hiện thời đối với các nhà lãnh đạo chính trị của nước Anh đang phải đương đầu với những cuộc khủng hoảng đang phát sinh là [các] lực lượng đặc biệt mà vì thế thường bị “quá tải” do có nhiều nhiệm vụ cần đến khả năng của họ. Những nhân tố khiến cho các lực lượng đặc biệt luôn dễ được lựa chọn là: khả năng sẵn sàng [chiến đấu] cao; dễ triển khai; không đòi hỏi quân số lớn ở chiến trường; dễ bảo đảm ở cự li xa; trình độ huấn luyện cao; đa năng; dễ rút về; và có khả năng phối hợp và giao tiếp với các lực lượng quốc tế và bản xứ khác. Vì các lực lượng đổ bộ đường biển cũng có nhiều phẩm chất này và quả thật họ đang được sử dụng rộng rãi trong việc ngăn ngừa và sớm can thiệp khi xảy ra khủng hoảng – trong vai trò yểm trợ hay bổ sung cho các lực lượng đặc biệt – nên rõ ràng là họ cũng nên được các nhà lãnh đạo chính trị cân nhắc khi cần phải lựa chọn lực lượng nào để triển khai đối phó với một cuộc khủng hoảng. Đúng là về bản chất thì các lực lượng đổ bộ đường biển của nước Anh rất thích hợp với vai trò này và thay vì chhuẩn bị sẵn một lực lượng cỡ lữ đoàn hay tiểu đoàn biệt kích ở mức độ hạn chế hay không thường xuyên, một lực lượng nhỏ hơn nhưng luôn có mặt phía trước có thể phát triển thành các phân đội có khả năng sẵn sàng thực hiện hành động đổ bộ [đường biển] ở mọi cấp.
Hơn nữa, một lực lượng đổ bộ đường biển “qui mô nhỏ” có thể phát huy tác dụng trong nhiều hoàn cảnh và điều kiện khác nhau giữa hai tình huống cực đoan hoà bình và chiến tranh. Thật vậy, có thể thấy giá trị cơ bản và bền vững của các lực lượng đổ bộ đường biển thể hiện ở thực tế các khả năng độc đáo của nó được sử dụng thường xuyên ở các cấp độ thấp hơn nhiều so với tình huống cực đoan khi cần phải sử dụng một lực lượng cỡ lữ đoàn đánh chiếm mục tiêu mở đường cho các lực lượng thê đội hai tiến vào chiến trường. Vì vậy, khả năng mở đường vào chiến trường - một khả năng có nguy cơ suy giảm (về mức độ sẵn sàng chiến đấu) vì chính phủ đã đặt nó ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu trong thời gian dài - rất có thể là lý do đòi hỏi việc “thiết kế” lực lượng phải dành ưu tiên cho việc tổ chức và triển khai lực lượng qui mô nhỏ cho đến khi các mức độ đe doạ đòi hỏi phải quay trở lại mô hình [tổ chức lực lượng đổ bộ] đường biển mang tính truyền thống hơn.
Phương pháp đề xuất trong bài viết này về việc sử dụng lực lượng đổ bộ đường biển qui mô nhỏ, vốn mang tính liên quân theo kiểu phân tán để vừa làm nhiệm vụ bảo vệ, vừa có thể cơ động tác chiến không chỉ phản ánh những bài học lịch sử - như ở Inđônêxia năm 1963 – mà còn là một sự đổi mới trước sự phát triển của công nghệ và sự phát sinh các mối đe doạ mới. Thông qua những gì mà các chuyên gia quốc phòng và an ninh đang xem xét về khả năng sát thương, hoả lực, khả năng bảo đảm, khả năng linh hoạt và mức độ nghiêm trọng của các mối đe doạ, thì thấy đang có khuynh hướng thay đổi cơ bản từ chú trọng các cơ cấu đơn vị và phương tiện sang cơ cấu khả năng độc lập và linh hoạt hơn để đáp ứng yêu cầu thực hiện các mục tiêu của các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự cấp cao. Một sự thay đổi tương ứng từ các cơ cấu đơn vị cố định sang khả năng linh hoạt đáp ứng yêu cầu cũng sẽ làm cho lý thuyết [tác chiến] của Vương Quốc Anh phù hợp với lý thuyết và thực hành [tác chiến] của Mỹ.
Bình luận
Như vậy, dường như đã có bằng chứng khá rõ về sự chú trọng tác dụng của các lực lượng đổ bộ đường biển, nhưng không nên nói đó là giải pháp cho mọi dạng xung đột và chiến tranh mà quốc gia có thể phải đối phó. Chắc chắn là các lực lượng đó không thể thay thế các đơn vị liên quân trong chiến tranh có sử dụng lực lượng thiết giáp hay răn đe các đối thủ ngang hàng, cũng không có kỹ năng của các lực lượng đặc biệt để thực hiện những hành động ám sát bí mật. Khi bàn về các hoạt động tác chiến đổ bộ đường biển nói chung cũng có nhiều mặt quan trọng hơn cần được thừa nhận. Bảo đảm quân y, hậu cần, khả năng bị thương vong, công nghệ, sự trùng lặp về các lực lượng thực hiện nhiệm vụ, và khả năng vận chuyển là những nhân tố quan trọng cần xem xét khi nhận thức về tính cân đối của việc đầu tư [trong] và tác dụng [của] các lực lượng đổ bộ đường biển trong tương lai. Tuy nhiên, những nhân tố này có thể được khắc phục nhờ sự trợ giúp của lực lượng viễn chinh liên quân của Vương Quốc Anh, các mối quan hệ lịch sử với hải quân đánh bộ Mỹ với các phương tiện hiện đại hơn của họ, và cả sự thay đổi trong tư duy của các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự về các khía cạnh liên quan đến các mối đe oạ, chi phí và việc thử nghiệm ứng dụng công nghệ mới.
Kết luận
Các lực lượng hải quân, và đặc biệt là lực lượng đổ bộ đường biển đã từng có vai trò quan trọng cơ bản trong “đại” chiến lược quốc gia của nước Anh trong nhiều thế kỷ. Các nhiệm vụ răn đe, gây sức ép, thuyết phục, cưỡng chế, trừng phạt, trả đũa và bảo vệ lợi ích quốc gia đã được các lực lượng đó thực hiện một cách có hiệu quả so với chi phí và có thể thay thế nhau. Nói chung, những luận điểm truyền thống về tác dụng của các lực lượng đó đều dựa trên ý tưởng cho rằng cần có những khả năng của lực lượng [đổ bộ đường biển] qui mô lớn để thể hiện rõ ý định của quốc gia. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ lưỡng hơn tác dụng lịch sử của các lực lượng đó thì thấy các lực lượng qui mô nhỏ hơn được sử dụng rộng rãi hơn nhiều để thực hiện nhiều mục đích chính trị khác nhau chứ kông phải chỉ để tiến hành chiến dịch đổ bộ đường biển qui mô lớn. Dù sao chăng nữa, các lực lượng đổ bộ đường biển có lẽ vẫn có bốn chức năng chiến đấu chính là công kích, phô trương sức mạnh, di tản và tập kích chứ không phải chỉ để thực hiện tất cả các nhiệm vụ viễn chinh trong các cuộc khủng hoảng phức tạp xảy ra ở các vùng ven biển đòi hỏi những khả năng, liên quân, tích hợp bộ - không - biển độc đáo vốn có của chúng.
Vương Quốc Anh đang ngày càng thấy khó có thể hiểu rõ hay tác động đến các nước, các nền kinh tế khác, và những thoả thuận chính trị trong thế giới ngày nay. Chiến lược của nước Anh đã thể hiện tính tích cực đối phó hơn nhiều; tuy nhiên, những tình huống khẩn cấp trong tương lai xảy ra ở đâu và tính chất như thế nào là điều ngày càng khó đoán trước và dư luận cũng như lợi ích quốc gia đòi hỏi nước Anh phải có hành động đối phó. Để hạn chế tác hại của những vấn đề đó, các lực lượng đổ bộ đường biển có khả năng cơ động chiến lược để đảm bảo thường xuyên có mặt và chiến đấu ở [khu vực] phía trước, khả năng cơ động chiến dịch để đối phó với tình huống khủng hoảng xảy ra ở nơi khác và các phương tiện cơ động chiến thuật ở các vùng ben biển phức tạp, sử dụng các đơn vị có thể thực hiện nhiệm vụ một cách có hiệu quả đồng thời bảo vệ được lực lượng nhờ sử dụng các đơn vị có qui mô tương đối nhỏ, cơ động và bố trí căn cứ phân tán. Hiện thực mới đòi hỏi khả năng đối phó nhanh nhưng ít mạo hiểm dính líu vào môi trường tiền xung đột. Các lực lượng đổ bộ đường biển có khả năng đáp ứng những yêu cầu ngày càng được đề cao này của các nhà lãnh đạo quốc gia.
Phản ứng sớm là hành động nặng về chính trị hơn nhiều so với hành động quân sự, và đặc điểm của nó là chú trọng hơn những khía cạnh nhận thức, hoạt động gây ảnh hưởng và những nhân tố liên quan đến con người so với những phản ứng quân sự trước đây. Các cấp độ hành động đổ bộ đường biển đòi hỏi phải sử dụng các lực lượng đó trong tương lai ở các giai đoạn chưa đến mức sử dụng vũ khí sát thương. Các lực lượng đó, đặc biệt là các lực lượng sử dụng ở giai đoạn đầu của một cuộc khủng hoảng, cần có những kỹ năng và tri thức khác nhau để thực hiện thành công nhiệm vụ được giao. Ngày nay đó không phải chỉ là sử dụng các lực lượng vũ trang để vận động tác chiến, gây thương vong, tàn phá, giết chóc và bắt bớ nữa. Bản chất biệt kích của các lực lượng triển khai phía trước tự bảo đảm, sẵn sàng chiến đấu cao, có khả năng tung ức mạnh tầm xa trong khoảng thời gian hạn chế chỉ có thể có ở các lực lượng đổ bộ đường biển. Vì vậy, họ là lực lượng trọng yếu trong việc tiến hành các hoạt động tác chiến tương lai của nước Anh, và là lực lượng mà các chính phủ trước của Vương Quốc Anh đã nhạy cảm đầu tư nhiều nguồn lực đáng kể.
Dĩ nhiên trước đây Vương Quốc Anh đã coi các lực lượng đổ bộ đường biển là nòng cốt của các hoạt động tác chiến khu vực chính sách đối ngoai – nhưng rõ ràng là có một nhược điểm thực sự khi [nước Anh] chỉ duy trì một lực lượng tiến công mạnh của hải quân để tiến hành tập kích cấp chiến dịch. Điều quan trọng là điều này xuất phát từ sự miễn cưỡng chính trị trong việc mạo hiểm sử dụng một lực lượng có khả năng độc đáo được coi là. Tài sản “quí báu”, và sự miễn cưỡng về mặt quân sự trong việc chia lực lượng đó thành các đơn vị tập kích nhỏ, dễ sử dụng hơn. Về mặt này, một số người có thể cho rằng, ở một số khía cạnh nào đó, lực lượng viễn chinh liên quân ngày nay gần giống như lực lượng công kích của hải quân [Anh] năm 1939-43. Tuy nhiên, mô hình có nhiều điểm đáng xem xét hơn nhiều là mô hình sử dụng các lực lượng đổ bộ đường biển trong vai trò [lực lượng] biệt kích làm công cụ chủ yếu phục vụ cho chính sách đối ngoại của nước Anh ở Trung cận Đông trong thời kỳ từ năm 1956 đến 1966. Sự ra đời của các tàu sân bay mới, máy bay F-35 và nhiều phương tiện C4ISR mới có lẽ báo hiệu khả năng quay trở lại chủ trương chú trọng thành phần đổ bộ đường biển trong lực lượng viễn chinh liên quân.
Những người chỉ trích khả năng đổ bộ đường biển thường nhằm vào khía cạnh hạn chế nhất của nó là mức độ đầu tư lớn cho việc đóng các tàu đổ bộ chuyên dụng để phục vụ cho một lực lượng chỉ có tác dụng hạn chế trong các tình huống chiến tranh có mức độ mạo hiểm cao. Đúng là đổ bộ đường biển bờ biển [đối phương] là hành động sẽ trở nên hiếm khi cần thiết trong môi trường địa chính trị ngày nay, đặc biệt là [đổ bộ] cấp lữ đoàn. Tuy nhiên, các chính phủ kế tiếp đã nhiều lần sử dụng có hiệu quả các lực lượng đổ bộ đường biển qui mô nhỏ cho việc thực hiện nhiều nhiệm vụ chín trị và an ninh khác nhau, và các tàu, trang bị và binh sĩ thuộc lực lượng đổ bộ đường biển mà Vương Quốc Anh đã có cũng luôn sẵn sàng được sử dụng như vậy. Chắc chắn là căn cứ vào kinh nghiệm lịch sử và những thách thức an ninh toàn cầu khác nhau đang phát sinh hàng ngày, nếu tiếp tục cắt giảm các lực lượng đổ bộ đường biển xuống dưới mức hiện đã thấp thì có lẽ là một sự lựa chọn có phần mạo hiểm.
Điều bị chỉ trích hơn nữa là cũng phải thừa nhận rằng lữ đoàn biệt kích 3 trong thập kỷ qua đã làm nhiệm vụ không phải như một đơn vị đổ bộ đường biển mà là một lực lượng hai đơn vị chiến đấu trên bộ, ở Ápganixtan, và từ khi trở về vẫn chưa đổi mới cơ cấu tổ chức hay lý thuyết tác chiến. Các hoạt động triển khai hàng năm bằng lực lượng đổ bộ đường biển qui mô nhỏ mà Vương Quốc Anh đang tiến hành không đáp ứng mong đợi về một khả năng đổ bộ đường biển hoàn toàn có thể triển khai với qui mô cần thiết để gây ảnh hưởng và hiệu quả ở tầm quốc gia. Trên quan điểm này, nếu cố bảo vệ cho tác dụng của khả năng đổ bộ đường biển bằng cách nhắc lại hiệu quả hay lý thuyết sử dụng lực lượng [đổ bộ đường biển] qui mô nhỏ trong lịch sử thì chẳng khác gì biện hộ cho những công cụ đã xếp xó từ lâu và báo trước nguy cơ phục hồi một khả năng một thời phù hợp, nhưng ít có tác dụng thực sự trong môi trường tác chiến. Ngày nay, chủ yếu là những cuộc xung đột nhiều tầng nấc và không có nhiều thời gian chuẩn bị đối phó ở các vùng ven biển đông dân.
Tính chất của các cuộc khủng hoảng và xung đột ngày nay đặt ra những yêu cầu tác chiến cho các lực lượng quân đội. Trong môi trường [tác chiến] ngày nay, có nhiều cơ hội cho các lực lượng đổ bộ đường biển tái cơ cấu và có khả năng phản ứng nhanh đóng vai trò mũi nhọn trong hành động đối phó của nước Anh với những thách thức này; những điều này sẽ đòi hỏi trước hết phải cải tạo họ thành các lực lượng viễn chinh linh hoạt, sẵn sàng chiến đấu ở mức độ cao, có qui mô thích hợp, tinh nhuệ, mưu trí, không cần nhiều lực lượng bảo đảm [hậu cần], có khả năng tác chiến toàn cầu trong điều kiện khắc nghiệt. Các lực lượng đó sẽ bảo đảm khả năng sát thương có trọng điểm mà không cần quân số lớn, và sẽ có khả năng triển khai chiến lược từ các tàu đổ bộ hiện có. Sự chuyển đổi thành các đơn vị nhỏ hơn, triển khai phía trước thường xuyên hơn và có khả năng phản ứng nhanh đối với các cuộc khủng hoảng phát sinh theo lý thuyết tác chiến mới của lực lượng biệt kích sẽ tạo điều kiện cho các lực lượng đổ bộ đường biển thể hiện tác dụng thường xuyên của họ đối với các nhà lãnh đạo quốc gia, hơn nữa, họ sẽ hành động theo cách phù hợp với chủ trương thể hiện ở những tuyên bố mới về chính sách đối ngoại của nước Anh. Như một thành phần trong cơ cấu các lực lượng liên quân tích hợp, các lực lượng đổ bộ đường biển lại có thể trở thành công cụ chính của chínhh phủ để thực hiện cam kết an ninh trong chính sách đối ngoại.
Đúng là những thay đổi đó có lẽ đòi hỏi phải tăng đầu tư đáng kể mới có thể trở thành hiện thực; chẳng hạn việc chuyển đổi các tàu sân bay lớp “Queen Elizabeth thành các tàu chở [lực lượng] biệt kích thực sự sẽ rất tốn kèm. Tuy nhiên, vào lúc các lực lượng vũ trang đang gặp khó khăn về tài chính, có lẽ không cần phải xây dựng một lực lượng hoàn bảo. Với khả năng đổi mới và thích ứng vốn có, các lực lượng đổ bộ đường biển của nước Anh có thể chiến đấu rất có hiệu quả trong điều kiện chưa hoàn hảo. Chỉ riêng điều đó cũng làm tăng tác dụng của họ đến mức không thể đo tính được.
- Tác giả: Peter Roberts
- Nguồn: T/c “RUSI”, số tháng 4-5.2015
- Người dịch: Lê Thế Mỹ
- Từ khóa: Lý luận quân sự; hải quân; tác chiến đổ bộ; đổ bộ đường biển; Anh