Nga sử dụng các “troll farm” nhằm tác động tới quá trình ra quyết định của các quốc gia mục tiêu. Đã có thông tin rõ ràng rằng các “troll farm” của Nga và Trung Quốc đang hoạt động trên khắp các nền tảng mạng xã hội. Đặc biệt, Moskva từ lâu đã là chuyên gia hàng đầu thế giới về tuyên truyền, điều này được chứng minh qua việc triển khai các “biện pháp chủ động” trong Chiến tranh Lạnh. Hiện nay, họ vẫn tiếp tục sử dụng mạng xã hội để làm tràn ngập các tài khoản và bình luận giả mạo.
“Troll farm” là một nhóm người hoặc một tổ chức sử dụng các tài khoản giả mạo trên các nền tảng mạng xã hội để tạo và lan truyền thông tin sai lệch, gây rối hoặc thao túng dư luận. Các “troll farm” thường hoạt động với mục đích tác động đến chính trị, xã hội, hoặc văn hóa, chẳng hạn như can thiệp vào các cuộc bầu cử, khuếch đại các cuộc tranh luận chia rẽ, hoặc phục vụ cho lợi ích của một quốc gia hoặc nhóm cụ thể. Những “troll farm” này có thể sử dụng các chiến thuật như đăng các bình luận khiêu khích, chia sẻ thông tin sai sự thật và tạo ra các xu hướng giả để làm thay đổi nhận thức của công chúng.
Ở nhiều nơi trên thế giới, các hoạt động gây ảnh hưởng của Nga đã thành công đến mức thuyết phục được công chúng rằng cuộc chiến của nước này với Ukraine là chính đáng, hoặc ít nhất là khiến họ đồng tình với quan điểm của Điện Kremlin. Sức mạnh của những chiến thuật như vậy nằm ở sự tinh vi của Nga trong việc nghiên cứu và hiểu độc giả, len lỏi vào những mong muốn sâu sắc nhất của các xã hội mục tiêu và chia rẽ họ từ bên trong. Dấu hiệu này được thể hiện rõ trong những nỗ lực của Nga nhằm tác động đến cuộc bầu cử của Mỹ, đơn cử như việc mạo danh những người ủng hộ Tổng thống đắc cử Donald Trump và định hình các cuộc tranh luận trực tuyến gây tranh cãi.
Quá trình “Nga hóa” các chiến dịch truyền bá thông tin của Trung Quốc
Một ví dụ có thể thấy là chiến dịch “Spamouflage” - một hoạt động gây ảnh hưởng lâu đời của Trung Quốc được biết đến rộng rãi nhưng kém hiệu quả. Tuy nhiên, trong năm bầu cử 2024 ở Mỹ, Trung Quốc đã có sự thay đổi về mặt chiến lược đối với “Spamouflage”. Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Đối thoại chiến lược có trụ sở tại London đã đổi tên chiến dịch này thành “MAGAflage” với hàm ý: Trung Quốc đang nỗ lực điều chỉnh các tài khoản phát tán thông tin sao cho phù hợp hơn với đối tượng mục tiêu của chúng, thay vì chỉ đơn giản là truyền bá những quan điểm tiếng Trung được dịch sơ sài và biên soạn một cách cẩu thả như trước. Dựa trên nhiều năm nghiên cứu các hoạt động của Nga trong lĩnh vực thông tin, sự thay đổi hướng đi này có thể được coi là quá trình “Nga hóa” cách tiếp cận của Trung Quốc và nó đang mang lại hiệu quả.
Ví dụ, một trong những tài khoản liên kết với MAGAflage đã lan truyền một đoạn video từ mạng truyền hình nhà nước Russia Today, truyền bá hình ảnh của Kremlin rằng những người theo chủ nghĩa tân phát xít đang chiến đấu ở Ukraine. Đoạn video này đã được Alex Jones, một nhà lý thuyết âm mưu cánh hữu người Mỹ với hàng triệu người theo dõi, đăng lại, khiến chiến dịch do Bắc Kinh dẫn đầu, trước đây vốn thiếu sự tương tác thực sự, giờ đây thu hút được hàng trăm nghìn lượt xem.
Sự tương tác giữa Nga và Trung Quốc trong triển khai các chiến dịch gây ảnh hưởng
Ngoài việc Trung Quốc học hỏi từ chiến lược của Điện Kremlin về các hoạt động gây ảnh hưởng thông qua “troll farms”, sự tương đồng giữa chiến thuật và mục tiêu của Nga và Trung Quốc còn thể hiện ở việc truyền thông nhà nước của hai nước khuếch đại các câu chuyện của nhau.
Thuyết âm mưu của Nga cho rằng Mỹ đang sản xuất vũ khí sinh học không phải là mới và đã xuất hiện ở nhiều thời điểm khác nhau trong những thập kỷ qua, bao gồm cả thời điểm Mỹ bị đổ lỗi là sản xuất ra AIDS hoặc đứng sau các phòng thí nghiệm sinh học gây bệnh tật ở Georgia.
Gần đây, Nga đã lan truyền thông tin sai lệch về các phòng thí nghiệm sinh học được Mỹ tài trợ ở Ukraine, cho rằng họ tạo ra virus corona ở dơi để lây nhiễm cho người Nga và phát tán mầm bệnh qua những loài chim được huấn luyện đặc biệt. Câu chuyện hoang đường này đã được truyền thông nhà nước Trung Quốc tiếp nhận, bao gồm cả Global Times, tờ báo đã đăng tải một số đồ họa thông tin và bài viết giải thích về mối đe dọa được cho là tồn tại. Điều đáng chú ý là câu chuyện về phòng thí nghiệm sinh học xuất hiện trở lại trên phương tiện truyền thông của cả hai nước chỉ vài tuần sau khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine (tháng 2/2022).
Đáp lại động thái này, những người có sức ảnh hưởng của Nga đã đưa các chủ đề thảo luận của Trung Quốc về cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan diễn ra vào đầu năm nay trên các kênh của họ. Một báo cáo của Doublethink Labs của Đài Loan, một tổ chức xã hội dân sự, đã phát hiện ra tác phẩm đồ họa có tiêu đề sáng tạo như “CIA thắng cử ở Đài Loan” được lan truyền trên các kênh Telegram phổ biến với hàng trăm nghìn người Nga đăng ký.
Bằng cách ngụ ý rằng chiến thắng của Đảng Dân chủ Tiến bộ ủng hộ quyền tự trị không phải do ý chí của người dân Đài Loan mà là do những kẻ chủ mưu người Mỹ, các tác nhân gây ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc đã tìm cách phá hoại tính hợp pháp của nền dân chủ và chủ quyền của Đài Loan khi cáo buộc rằng Mỹ đang tiến hành nỗ lực ủy nhiệm chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cả Moskva và Bắc Kinh đều muốn lật đổ Mỹ khỏi “ngai vàng” bá chủ toàn cầu. Cả hai đều có lợi khi truyền bá câu chuyện rằng Washington là kẻ khiêu khích trong những xáo trộn địa chính trị ngày nay.
Kênh điều tra The Intercept của Mỹ đã xóa tan mọi nghi ngờ về việc liệu sự trùng hợp giữa các câu chuyện của Trung Quốc và Nga là ngẫu nhiên hay là sự phối hợp có chủ đích. Kênh này đã làm rõ rằng đây không chỉ là sự kết hợp nhất thời vì lợi ích giữa các chiến lược tuyên truyền của Moskva và Bắc Kinh, mà là sự củng cố thực sự mối quan hệ.
Thông qua các email bị hack của đài truyền hình nhà nước Nga VGTRK, các nhà báo tại The Intercept đã phát hiện ra rằng vào năm 2021, Bắc Kinh và Moskva đã ký một thỏa thuận cấp Bộ trưởng về hợp tác truyền thông. Những người ký kết bao gồm người đứng đầu các phương tiện truyền thông nhà nước nổi tiếng nhất của cả hai nước: Bộ Phát triển Kỹ thuật số, Truyền thông và Phương tiện truyền thông đại chúng của Nga, Cục Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Trung Quốc và thậm chí cả gã khổng lồ viễn thông Huawei.
Văn bản nêu rõ nhiệm vụ hợp tác về nội dung và tường thuật trên nhiều nền tảng, bao gồm cả phương tiện truyền thông xã hội. Bản chất tuyên truyền của thỏa thuận được tóm tắt cô đọng nhất trong những câu dịch từ tiếng Nga sau: “Cả hai bên đều quyết tâm và có nghĩa vụ làm việc trong lĩnh vực chia sẻ thông tin, thúc đẩy việc đưa tin khách quan, toàn diện và chính xác về các sự kiện quan trọng nhất thế giới trên phương tiện truyền thông đại chúng của Nga và Trung Quốc, phục vụ khán giả của cả hai quốc gia và không gian thông tin quốc tế”, dẫn đến “sự hợp tác cùng có lợi”.
Thỏa thuận không trực tiếp vạch ra các chiến dịch ảnh hưởng bí mật chung, nhưng việc Trung Quốc và Nga hợp tác khuếch đại các câu chuyện của nhau thực sự đã tạo ra một “phòng âm vang”, với hiệu ứng trải dài trên các phương tiện truyền thông, nền tảng và mạng lưới thông tin. Mục tiêu của các sản phẩm thông tin với sự phối hợp của Trung Quốc và Nga là tạo ra “ảo giác” về sự đồng thuận tự nhiên, xuất phát từ nhiều quan điểm khác nhau, trong khi thực tế, sản phẩm này được sản xuất tại Điện Kremlin và Trung Nam Hải - khu phức hợp của giới lãnh đạo Trung Quốc tại Bắc Kinh, để truyền bá trên toàn thế giới.
Khi Nhật Bản gấp rút làm việc để giải quyết mối đe dọa mà thông tin sai lệch từ Trung Quốc gây ra đối với an ninh quốc gia, việc hiểu rõ cách thức triển khai chiến tranh thông tin của Nga và sự truyền cảm hứng đến chiến lược của Trung Quốc là cần thiết để phát triển một hệ thống phòng thủ tổng hợp vững chắc. Khi Trung Quốc áp dụng các biện pháp triển khai trên thực tế tốt nhất từ việc tinh chỉnh lại chiến lược của Điện Kremlin, hiệu quả của các hoạt động gây ảnh hưởng của họ thậm chí sẽ vượt qua cả Nga vì tác động của nó được củng cố bởi các tài sản khác của Trung Quốc, chẳng hạn như sức mạnh kinh tế.
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida từng có câu nói nổi tiếng rằng “Ukraine ngày nay có thể là Đông Á ngày mai” và không có gì truyền tải viễn cảnh này rõ hơn những gì đang diễn ra trong không gian thông tin. Trong khi chúng ta thường nhìn vào lĩnh vực an ninh thông thường để đánh giá tình trạng quan hệ quốc tế, không gian mạng cũng có thể chỉ ra nơi mà các nỗ lực ngoại giao nên hướng đến. Mặc dù Nga và Trung Quốc chưa ký kết một liên minh chính thức, các hoạt động của họ là một dấu hiệu rõ ràng về mục tiêu chung là “làm mờ” ý tưởng về sự thật bằng cách gây tổn hại đến các hệ thống dân chủ như Mỹ, Nhật Bản và chắc chắn là cả Ukraine và Đài Loan./.