Thời gian gần đây, Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện quân sự xung quanh Đài Loan trong nỗ lực “tạo ra một lằn ranh đỏ” với Mỹ và các đồng minh, trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump lên nắm quyền. Tuy nhiên, các hành động hiện nay của Bắc Kinh chỉ dừng lại ở việc khiêu khích, phô trương sức mạnh. Vậy tại sao Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn chưa ra hoặc chưa dám ra chỉ thị đánh chiếm Đài Loan?
“Thiên chưa thời”
Trước hết, hiện chưa phải là thời điểm thích hợp để chiếm Đài Loan, do nền kinh tế của Trung Quốc vẫn đang trong tình trạng bế tắc. Tờ Liên Hợp buổi sáng của Singapore ngày 11/12 nhận định dù Bắc Kinh đã đưa ra nhiều biện pháp để kích thích tăng trưởng, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy kinh tế nước này đang trên đà phục hồi: khủng hoảng bất động sản ngày càng trầm trọng, nợ công của các chính quyền địa phương vẫn ở mức cao, tiêu dùng suy giảm, tình hình xuất khẩu u ám, các doanh nghiệp tiếp tục rời bỏ đất nước. Ngoài ra, theo AFP, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong Quý III/2024 đã rơi xuống mức thấp nhất từ hơn một năm nay.
Thêm vào đó, cường quốc kinh tế thứ hai thế giới còn đang phải chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại tiềm tàng sau khi ông Trump lên nắm quyền. Ngân hàng UBS ước tính việc Mỹ áp thuế hải quan 60% với các sản phẩm của Trung Quốc có thể làm giảm một nửa tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bắc Kinh. Ngoài nguy cơ về chiến tranh thương mại, việc Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung khuyến nghị xoá bỏ quy chế Tối huệ quốc (PNTR) với Trung Quốc sẽ càng gây áp lực lên nền kinh tế của nước này.
Trong bối cảnh đó, nếu còn muốn đánh chiếm Đài Loan, cái giá về mặt kinh tế mà Bắc Kinh phải trả sẽ không hề nhỏ. Eo biển Đài Loan là tuyến hàng hải quốc tế quan trọng, nơi mỗi ngày có từ 400-500 tàu thương mại đi qua, kết nối Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Do vậy, theo nhận định từ chuyên gia quan hệ quốc tế Benjamin Blandin trên tờ The Conversation, bất kỳ hoạt động tấn công quân sự nào cũng sẽ gây gián đoạn nghiêm trọng tới thương mại, dẫn đến sự suy giảm mạnh trong hoạt động kinh tế khu vực, và đương nhiên trong đó bao gồm cả Trung Quốc. Tùy vào thời gian của cuộc xung đột, hoạt động tại các cảng chính ở miền Trung và miền Đông của Trung Quốc có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề, giao thông hàng không cũng sẽ chịu nhiều tác động. Thêm nữa, bất kể kết quả cuộc tấn công Đài Loan ra sao, Bắc Kinh chắc chắn sẽ phải đối mặt với phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế cùng các biện pháp trừng phạt quy mô lớn trong mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, ngoại giao đến công nghệ.
Ngoài kinh tế, sức mạnh quân đội Trung Quốc hiện giờ cũng khó có thể đáp ứng được những yêu cầu của một cuộc chiến xâm lược Đài Loan. Vẫn theo nhà nghiên cứu Benjamin Blandin, hải quân Trung Quốc hiện có khoảng 400 tàu chiến, 60 tàu ngầm, 150 tàu tuần duyên và đội dân quân biển với khoảng 1.000 tàu cá. Thế nhưng, đa số tàu chiến của Bắc Kinh là loại nhỏ, không thích hợp cho các hoạt động xa bờ và chỉ khoảng 35% số tàu thuộc loại hiện đại. Hơn nữa, Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng và duy trì lực lượng hải quân. Với chu kỳ hoạt động bao gồm bảo trì, huấn luyện, chuẩn bị và triển khai, mỗi tàu chiến cần ít nhất 3-4 tàu tương tự để thay phiên. Cho nên, Trung Quốc chỉ có thể triển khai 100-150 tàu hải quân và khoảng 50 tàu tuần duyên trong cùng một thời điểm. Nhưng nhiều tàu trong số này còn bận tuần tra tại các khu vực khác như Hoàng Hải, Biển Đông và vùng Sừng châu Phi.
“Địa không lợi”
Về mặt địa lý, đảo Đài Loan và Đại lục được ngăn cách bởi eo biển Đài Loan, rộng từ 130-180km. Khí hậu nơi đây rất khắc nghiệt, đặc biệt trong mùa bão nhiệt đới kéo dài từ tháng 5-11 hàng năm. Trong thời gian này, các tàu thuyền phải đối mặt với gió lớn, dòng chảy mạnh và sóng cao tới 5 mét, hành trình từ Đại lục tới Đài Loan trong điều kiện thời tiết như vậy có thể kéo dài từ 6-8 giờ đồng hồ.
Đối mặt với nhiệm vụ phức tạp và nguy hiểm này, quân đội Trung Quốc hiện nay lại chỉ có hai đơn vị được đào tạo và trang bị chuyên biệt, gồm lực lượng đổ bộ với 36.000 người và lực lượng nhảy dù cùng binh lính không vận với 40.000 người. Trong tình huống thuận lợi nhất, khoảng 15.000 binh sĩ có thể đến được Đài Loan trong 48 giờ đầu tiên của cuộc tấn công. Tuy nhiên, Trung Quốc phải chiếm ưu thế tuyệt đối về không quân trên eo biển và phía Tây Đài Loan, mà khả năng này lại khó xảy ra, do hệ thống phòng không của Đài Loan được bố trí dày đặc trong các khu vực đô thị.
Hơn nữa, ngoài đảo chính, Đài Loan còn bao gồm các quần đảo khác như Kim Môn, Mã Tổ, hay Bành Hồ. Để tấn công đảo chính, Trung Quốc trước tiên cần kiểm soát các đảo gần Đại lục, việc này có thể kéo dài hàng tuần, làm mất yếu tố bất ngờ và các đồng minh của Đài Loan có đủ thời gian để gia tăng hỗ trợ.
“Nhân chưa hoà”
Về yếu tố con người, đây càng không phải thời điểm để Chủ tịch Tập Cận Bình khơi mào cuộc chiến ở Đài Loan. Giới trẻ Trung Quốc đang phải vật lộn với nạn thất nghiệp, tỷ lệ thanh niên không có việc làm cao kỷ lục trong năm ngoái, cộng với đó là chênh lệch giàu nghèo, kinh tế suy thoái càng làm tăng thêm sự bất mãn trong dân chúng.
Điều này được thể hiện phần nào qua sự gia tăng đáng kể các vụ tấn công, trong đó các nghi phạm dường như nhắm vào công chúng một cách ngẫu nhiên chỉ vì bất mãn, căng thẳng trong cuộc sống. Ngày 16/11, đã xảy ra một vụ thảm sát tại Học viện Nghệ thuật và Công nghệ Vô Tích, thành phố Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô, khiến 8 người thiệt mạng và 17 người bị thương, với động cơ gây án là “không hài lòng với mức lương thực tập”. Trước đó, hồi tháng 9, 3 người đã thiệt mạng và 15 người khác bị thương trong vụ tấn công bằng dao tại một siêu thị ở Thượng Hải. Theo phía cảnh sát, nghi phạm đang gặp vấn đề về tài chính cá nhân, nên đã đến Thượng Hải để “trút giận”. Trong tình hình như hiện nay, nếu chính quyền còn thực hiện chiến dịch quân sự, khiến kinh tế càng thêm suy thoái, căng thẳng trong xã hội Trung Quốc còn có thể bị đẩy lên cao đến mức nào?
Trong khi đó, đa số người Đài Loan vẫn phản đối chính sách thống nhất với Đại lục. Đầu tháng này, người dân Đài Loan đã tuần hành 9 ngày đến thành phố Đài Bắc để cổ vũ cho “phòng vệ dân sự” (tức là sự tham gia của người dân vào các hoạt động phối hợp với quân đội, hay với lực lượng cứu hoả, cứu hộ, để sẵn sàng ứng phó trong trường hợp Trung Quốc tấn công hòn đảo). Trước đó, ngày 26/8, Quỹ Dư luận Công chúng Đài Loan đã công bố kết quả một cuộc khảo sát ý kiến người dân trên đảo, theo đó, 7/10 dân Đài Loan có cái nhìn tiêu cực về Đảng Cộng sản Trung Quốc, và 6/10 người thậm chí “ghét” đảng này. Những kết quả đó cho thấy sự cách biệt rõ rệt giữa xã hội Đài Loan và Đại lục, bất kể “đảng phái, thế hệ, giới tính, trình độ học vấn, các nhóm dân tộc, các tầng lớp xã hội và các khu vực địa lý”.
Tóm lại, có thể thấy dù Bắc Kinh không ngừng thực hiện các hành động gây hấn và đe dọa tại eo biển Đài Loan trong thời gian gần đây, nhưng việc xâm chiếm hòn đảo bằng vũ lực trong thời điểm này không phải là quyết định khôn ngoan đối với Trung Quốc. Trong cuộc gặp các quan chức Đại lục đang ở thăm Đài Loan để dự Diễn đàn Thành phố Đài Bắc-Thượng Hải thường niên, Thị trưởng Đài Bắc Tưởng Vạn An ngày 17/12 đã bày tỏ hy vọng thiết lập hòa bình và muốn giảm bớt "tiếng gầm rú của tàu thuyền và máy bay" quanh hòn đảo tự trị, đồng thời nhấn mạnh đối thoại quan trọng hơn đối đầu./.