Việc Donald Trump tái đắc cử có thể đưa cuộc chiến Nga-Ukraine đến hồi kết nhanh chóng, nhưng các điều khoản hòa bình có thể không có lợi cho Ukraine.
***************
Ukraine đã vượt qua ngày thứ 1.000 trong cuộc chiến toàn diện với Nga. Quốc gia này đã cố gắng tồn tại trong cuộc xung đột lớn nhất kể từ Thế chiến II, bất chấp lợi thế vượt trội của Nga về nguồn lực con người và vật chất, cũng như sự hỗ trợ quân sự không ổn định từ các đồng minh phương Tây của Ukraine.
Ngay cả sau 1.000 ngày xung đột, sự bất định vẫn là yếu tố định hình cuộc chiến giữa Ukraine và Nga. Sau khi chiến lược "đánh nhanh thắng nhanh" ban đầu thất bại, Tổng thống Putin đã chuyển sang chiến lược xung đột kéo dài, đặt cược vào việc phương Tây sẽ dần mất đi quyết tâm hỗ trợ Ukraine “chừng nào còn cần thiết”. Theo cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba[1], vấn đề lớn nhất mà Ukraine phải đối mặt là “sự thống trị của khái niệm [tránh] leo thang” trong quá trình ra quyết định của các đối tác phương Tây. Cách tiếp cận thận trọng này đã dẫn đến việc trì hoãn cung cấp vũ khí từ phương Tây và áp đặt nhiều hạn chế đáng kể trong việc sử dụng các vũ khí này, làm trầm trọng thêm vị thế của quân đội Ukraine trên chiến trường.
Thất bại của chiến lược kiềm chế của Biden
Chiến lược kiềm chế được Tổng thống Biden lựa chọn đã không thể làm suy yếu nền kinh tế Nga và cô lập Moscow đủ mức để buộc Putin phải từ bỏ cuộc chiến này. Hơn nữa, Nga đã có thể tái thiết nền kinh tế và ngành công nghiệp quân sự, vẫn nhận được các linh kiện từ phương Tây cho việc sản xuất vũ khí thông qua các nước trung gian thứ ba.
Các mảnh vỡ từ máy bay không người lái và tên lửa của Nga thường xuyên được tìm thấy tại Romania, Moldova và Ba Lan, nhưng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn chưa dám bắn hạ các mục tiêu trên không của Nga, ngay cả khi chúng xuất hiện trên lãnh thổ các quốc gia thành viên.
Mặc dù Tổng thống Biden có thể đã tránh được cuộc xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga, nhưng điều này không loại bỏ được mối đe dọa đối với các nước láng giềng của Ukraine. Việc NATO không hành động cho thấy sự bất lực của phương Tây trong việc đối phó với các thách thức an ninh, đồng thời làm sâu sắc thêm quan hệ giữa Nga, Iran, Triều Tiên và Trung Quốc. Điều này được minh chứng qua sự tham gia của binh lính Triều Tiên[2] trong cuộc chiến.
Cuộc chiến đang gây ra tổn thất lớn về dân thường và thiệt hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế và ngành năng lượng của Ukraine. Điều nghịch lý là gần đây, thế giới ngày càng nhắc đến “sự mệt mỏi vì chiến tranh”, không phải từ phía người dân Ukraine, những người đang kiệt sức vì chiến tranh, mà từ các quốc gia không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc xung đột.
“Sự mệt mỏi” này đã dẫn đến việc cộng đồng quốc tế sẵn sàng hy sinh một phần lãnh thổ của Ukraine để làm hài lòng Putin. “Hòa bình đổi lấy lãnh thổ[3]” đã trở thành một chiến lược lừa dối nhằm chấm dứt xung đột Nga-Ukraine—một quá trình đang được tích cực thúc đẩy trên các diễn đàn quốc tế và trong không gian thông tin toàn cầu. Thực tế, gần ba năm kể từ khi cuộc chiến toàn diện bùng nổ, Ukraine lại một lần nữa đối mặt với vấn đề hòa bình thông qua nhượng bộ, giống như sau khi Crimea và Donbas bị chiếm đóng vào năm 2014[4].
Cuộc chiến sẽ kết thúc nhanh chóng dưới thời Trump
Chiến thắng của Donald Trump làm gia tăng đáng kể triển vọng đóng băng xung đột Nga-Ukraine. Trong chiến dịch tranh cử, ông liên tục tuyên bố rằng có thể chấm dứt cuộc chiến Nga-Ukraine chỉ trong 24 giờ[5]. Tuy nhiên, đối với Ukraine, câu hỏi quan trọng vẫn là các điều kiện mà một thỏa thuận đình chiến như vậy sẽ được thiết lập. Những phát biểu của Trump đã gây lo ngại tại Kyiv, khi ông đe dọa cắt đứt hỗ trợ tài chính và cung cấp vũ khí[6] cho Ukraine như một cách để ép cả hai bên ngồi vào bàn đàm phán[7].
Trong khi chính quyền Biden tuyên bố rằng, chỉ có Ukraine mới có quyền quyết định thời điểm, địa điểm và cách thức để bắt đầu đàm phán, Trump không giấu diếm ý định sẽ khởi xướng quá trình đàm phán này. Rủi ro lớn nhất đối với Ukraine trong bối cảnh này là mong muốn của vị tổng thống Mỹ mới đắc cử nhằm đạt được một “thỏa thuận nhanh chóng”. Những thỏa thuận vội vàng có thể không chỉ dẫn đến các nhượng bộ lớn từ phía Ukraine mà còn tạo ra một lệnh ngừng bắn mong manh, dễ dàng leo thang thành xung đột mới.
Donald Trump vẫn chưa công bố kế hoạch hòa bình của mình, nhưng những ý tưởng[8] từ đội ngũ của ông cho thấy khả năng đóng băng cuộc chiến, hoãn việc Ukraine gia nhập NATO ít nhất 20 năm và tạo ra một vùng phi quân sự dọc theo tuyến đầu. Tất cả điều này sẽ được thực hiện mà không có sự tham gia của nguồn lực tài chính và nhân sự từ phía Mỹ trong quá trình gìn giữ hòa bình. Mong muốn của chính quyền Trump trong việc chuyển giao trách nhiệm về tình hình Ukraine cho các nước châu Âu càng củng cố niềm tin của Moscow rằng tình hình đang diễn biến theo hướng có lợi nhất cho họ.
Gần đây, Moscow đã tăng cường leo thang đáng kể và đang cố gắng chiếm thêm lãnh thổ Ukraine, đẩy lùi quân đội Ukraine khỏi khu vực Kursk của Nga trước khi tân tổng thống Mỹ nhậm chức. Đáp lại việc quân đội Ukraine được phép sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây để tấn công vào lãnh thổ Nga, Điện Kremlin đã phê duyệt một học thuyết hạt nhân cập nhật[9]. Một trong những điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân là khi các tên lửa đạn đạo được phóng vào Nga.
Nâng cao rủi ro trong chiến tranh và toan tính của Putin
Một cuộc chơi có mức độ rủi ro cao đòi hỏi các bên tham gia phải có vị thế mạnh mẽ. Nga đang cố gắng giành ưu thế trong đàm phán bằng cách tăng cường các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào cơ sở hạ tầng, các cơ sở năng lượng và dân sự trên khắp Ukraine. Các cuộc pháo kích gần đây nhằm vào các thành phố của Ukraine diễn ra không ngừng cả ngày lẫn đêm. Riêng Kyiv đã phải hứng chịu[10] 10 cuộc không kích kết hợp chỉ trong năm 2024, với 1.250 vũ khí từ trên không được Nga sử dụng.
Tính toán chiến lược của Putin không phải nhằm đạt được các thỏa thuận chấm dứt chiến tranh và hợp pháp hóa 20% lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng; thay vào đó, ông ta muốn kiểm soát toàn bộ Ukraine. Tổng thống Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng Moscow sẵn sàng[11] đàm phán với Ukraine, nhưng dựa trên những “thực tế” mới (ám chỉ việc Nga giữ lại các vùng lãnh thổ chiếm đóng) và các thỏa thuận đã đạt được ở Istanbul. Ngày 15/4/2022[12], các đại diện của Ukraine và Nga đã sơ bộ đồng ý với một số điều kiện để chấm dứt chiến tranh, trong đó yêu cầu Kyiv chấp nhận vị thế trung lập, giảm đáng kể quy mô quân đội (bao gồm số lượng binh sĩ, máy bay, vũ khí và thiết bị), và ban hành một loạt lệnh cấm, bao gồm cấm các cuộc tập trận chung với các quốc gia khác, cũng như cấm tiếp nhận binh sĩ và vũ khí nước ngoài vào lãnh thổ. Về phía Nga, Moscow cam kết không tấn công Ukraine thêm lần nào nữa và đồng ý với các đảm bảo an ninh toàn diện cùng với Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc.
Tuy nhiên, xét đến sự thất bại hoàn toàn của Bản Ghi nhớ Budapest, vốn không thể bảo vệ Ukraine trước sự xâm lược quân sự của một trong các bên ký kết, thỏa thuận này trông giống như một nỗ lực hạn chế chủ quyền của Ukraine để đổi lấy các đảm bảo an ninh đầy hoài nghi.
Putin có thể sẵn sàng đàm phán với tổng thống Mỹ mới nhằm phá vỡ thế cô lập ngoại giao với phương Tây. Tuy nhiên, các ưu đãi mà Donald Trump có thể đưa ra để thuyết phục Putin chấm dứt chiến tranh vẫn còn là điều chưa rõ. Bên cạnh đó, việc Trump có sẵn sàng đáp ứng tất cả các điều kiện của Vladimir Putin hay không, điều này đồng nghĩa với việc từ bỏ lợi ích của Ukraine và làm suy yếu vị thế của Mỹ, vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải.
Có nhiều nghi ngờ về việc Trump đã cân nhắc đầy đủ các rủi ro và trở ngại khi ông tuyên bố một cách vội vàng rằng có thể giải quyết xung đột Nga-Ukraine. Khả năng đạt được một “thỏa thuận lớn” trong quan hệ quốc tế bằng cách sử dụng các khuôn mẫu đàm phán theo phong cách kinh doanh đã không mang lại kết quả đáng kể trong nhiệm kỳ tổng thống trước đó của ông với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Iran và Trung Quốc. Rất có thể, cách tiếp cận này cũng sẽ không hiệu quả với Nga.
Ukraine: Một vị thế linh hoạt hơn và tìm kiếm cách tiếp cận mới trong kỷ nguyên Trump
Trong tình hình hiện tại, Ukraine khó có thể kỳ vọng giải phóng các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và trở lại biên giới năm 1991. Mặc dù chính phủ Ukraine chính thức nhấn mạnh rằng, họ sẽ không nhượng bộ về lãnh thổ, Tổng thống Zelenskyy[13] gần đây đã phát biểu trước quốc hội rằng “Ukraine có thể phải chờ đợi một sự thay đổi ở Moscow để đạt được tất cả các mục tiêu của mình.” Điều này ám chỉ việc giải quyết các vấn đề lãnh thổ thông qua đàm phán ngoại giao sau khi có sự thay đổi trong ban lãnh đạo chính trị của Nga trong tương lai. Trước mắt, ưu tiên của Ukraine là củng cố vị thế đàm phán với sự hỗ trợ từ Mỹ và đạt được các đảm bảo an ninh hiệu quả. Theo Volodymyr Zelenskyy[14], “Đây là một vị thế bất lợi ngay từ đầu đối với Ukraine. Nếu ở thế yếu, không có gì để đàm phán.”
Với sự thay đổi lãnh đạo chính trị tại Mỹ, chính phủ Ukraine cần thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng.
Thứ nhất, phù hợp với cách tiếp cận “giao dịch” của Donald Trump trong quan hệ quốc tế, chính phủ Ukraine phải thuyết phục Trump rằng, việc tiếp tục hỗ trợ Kyiv là có lợi cho Mỹ. Điều này không chỉ liên quan đến vị thế địa chính trị của Washington, vốn có thể bị tổn hại nếu nhượng bộ Putin và dẫn đến nguy cơ tái diễn chiến tranh; Ukraine còn có thể trở thành một đối tác quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế và an ninh của phương Tây. Trong Kế hoạch Chiến thắng[15] của mình, Volodymyr Zelenskyy[16] đã đề xuất rằng, các công ty phương Tây có thể tham gia bảo vệ và khai thác chung các nguồn tài nguyên quan trọng, bao gồm cả kim loại đất hiếm. Ông cũng gợi ý khả năng thay thế một số lực lượng quân đội Mỹ đóng tại châu Âu bằng các đơn vị Ukraine sau khi chiến tranh kết thúc.
Thứ hai, Ukraine cần xây dựng một công thức mới cho sự hỗ trợ dài hạn từ các quốc gia châu Âu, những nước sẽ buộc phải gánh vác trách nhiệm lớn hơn về an ninh trên lục địa châu Âu và tăng chi tiêu tài chính cho quốc phòng. Kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện, EU đã cung cấp sự hỗ trợ đáng kể về chính trị, kinh tế, tài chính và nhân đạo cho Kyiv. Việc hỗ trợ Ukraine là vì lợi ích của các quốc gia châu Âu, bởi theo Đại diện cấp cao của EU Josep Borrell[17], “Thỏa thuận an ninh kéo dài 10 năm mà EU ký với Ukraine vào tháng Sáu vẫn còn hiệu lực. Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine. Chúng tôi làm điều này không phải vì chúng tôi quá thân thiện hay hào phóng, mà vì đó là lợi ích của chúng tôi! An ninh của Ukraine là một phần trong an ninh của chúng tôi.” Nhiều quốc gia châu Âu dành một phần lớn ngân sách quân sự để hỗ trợ Ukraine. Một xu hướng quan trọng khác là sự tham gia của các công ty châu Âu trong việc sản xuất vũ khí chung, đầu tư vào ngành quân sự của Ukraine và địa phương hóa các nhà máy sản xuất vũ khí phương Tây tại Ukraine.
Thứ ba, Ukraine phải huy động các nguồn lực nội tại của mình. Ngày 18 tháng 11, Tổng thống Ukraine đã công bố một tài liệu khái niệm gồm 10 điểm, Kế hoạch Nội lực[18], với mục tiêu hợp nhất các nỗ lực và nguồn lực cho cuộc chiến lâu dài. Kế hoạch này bao gồm nhiều lĩnh vực như: Duy trì sự đoàn kết, củng cố quân đội và ngành công nghiệp quốc phòng, thay đổi cách tiếp cận ở tiền tuyến, bảo vệ năng lượng và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Trong bối cảnh chiến tranh kéo dài, một chiến lược như vậy là cần thiết để điều chỉnh bộ máy nhà nước và xã hội phù hợp với thực tế mới.
Tổng thống Zelenskyy tuyên bố[19] rằng, những khoảnh khắc quyết định của cuộc chiến này sẽ diễn ra trong năm tới. Mong muốn của Trump trong việc nhanh chóng kết thúc chiến tranh, một mặt, thúc đẩy triển vọng hòa bình cho Ukraine. Mặt khác, điều này làm giảm khả năng đạt được một nền hòa bình công bằng và bền vững mà Ukraine đã kiên trì theo đuổi. Trong tình hình hiện tại, Vladimir Putin nhận thấy điều kiện thuận lợi để đạt được các mục tiêu của mình và đã đưa ra các điều khoản có thể dẫn đến không chỉ sự đầu hàng của Ukraine mà còn là sự mất đi chủ quyền quốc gia của nước này. Tuy nhiên, với tính khó đoán của Trump, việc dự đoán một kết thúc cho cuộc chiến vẫn còn rất bất định.
Tác giả: Nataliya Butyrska là thành viên cấp cao của Trung tâm Châu Âu Mới/Kyiv, Ukraine.
[1] https://www.reuters.com/world/europe/ukraine-says-fear-escalation-among-allies-is-major-problem-2024-08-28/
[2] https://www.defense.gov/News/News-Stories/Article/Article/3968230/north-korean-troops-enter-kursk-where-ukrainians-are-fighting/
[3] https://www.bbc.com/news/articles/czxrwr078v7o
[4] https://war.ukraine.ua/the-histrory-of-russian-aggression-in-ukraine/
[5] https://kyivindependent.com/what-we-know-about-trumps-plans-for-ending-russias-war-against-ukraine/
[6] https://www.cnbc.com/2024/12/08/president-elect-trump-says-ukraine-to-possibly-receive-less-military-aid.html
[7] https://www.reuters.com/world/us/trump-reviews-plan-halt-us-military-aid-ukraine-unless-it-negotiates-peace-with-2024-06-25/
[8] https://www.wsj.com/world/trump-presidency-ukraine-russia-war-plans-008655c0?mod=WSJ_Euronews
[9] http://publication.pravo.gov.ru/document/0001202411190001
[10] https://english.nv.ua/nation/russia-targets-kyiv-with-over-2-500-missiles-and-drones-in-1-000-days-50467616.html
[11] https://www.reuters.com/world/europe/putin-ascendant-ukraine-eyes-contours-trump-peace-deal-2024-11-20/?fbclid=IwY2xjawGqdqlleHRuA2FlbQIxMAABHZlu3n9SL6BdixjsFym5jk5Jl_vGDJUzf5MGyCwUrjsM6yMsdo3UeG1Zlg_aem_93TwNVUN5FGHy9hC
[12] https://www.pravda.com.ua/eng/news/2024/04/27/7453222/
[13] https://unn.ua/en/news/ukraine-may-have-to-outlast-someone-in-moscow-to-achieve-all-its-goals-zelensky
[14] https://global.espreso.tv/ukrainian-negotiations-with-russia-nothing-to-discuss-from-weak-position-zelenskyy-names-conditions-for-ukraine-russia-talks
[15] https://www.president.gov.ua/en/news/plan-peremogi-skladayetsya-z-pyati-punktiv-i-troh-tayemnih-d-93857
[16] https://www.pravda.com.ua/eng/articles/2024/10/16/7479937/
[17] https://spanish.news-pravda.com/world/2024/11/12/304773.html
[18] https://www.president.gov.ua/en/news/volodimir-zelenskij-predstaviv-plan-vnutrishnoyi-stijkosti-u-94505
[19] https://www.president.gov.ua/en/news/haj-nasha-spilna-robota-za-planom-peremogi-yaknajshvidshe-ob-93849