Quan hệ đối tác Nga-Triều Tiên đạt đến mức chưa từng có trong lịch sử. Sự thay đổi lớn trong động lực của mối quan hệ Triều Tiên-Nga được thể hiện rõ qua quyết định của Chủ tịch Kim Jong Un nhằm tăng cường hỗ trợ quân đội của Tổng thống Vladimir Putin với một lực lượng bổ sung gồm 11.000 quân để chiến đấu ở khu vực Kursk của Nga. Triều Tiên chưa từng triển khai một lực lượng lớn như vậy ở nước ngoài, chưa nói đến triển khai quân đội tham gia chiến đấu trực tiếp trên bộ.
Hiện nay, các báo cáo cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị luân chuyển quân đội hiện đang đồn trú tại Nga, với bằng chứng mới xuất hiện cho thấy, kể từ tháng 11/2024, vũ khí đã được chuyển đến không chỉ theo một mà theo cả hai hướng qua biên giới Nga-Triều Tiên. Những gì ban đầu được nhiều người coi là một thỏa thuận đã dần trở nên giống một cam kết chiến lược dài hạn, phản ánh sự liên kết sâu sắc hơn giữa Nga và Triều Tiên.
Trong khi động cơ chính xác đằng sau quyết định triển khai quân đội đến Nga của Triều Tiên vẫn chưa rõ ràng, đặc biệt là khi xét đến rủi ro đào tẩu cao và những tác động lớn hơn đối với sự ổn định của chế độ khi để binh lính Triều Tiên tiếp xúc với thế giới bên ngoài, các báo cáo tình báo khẳng định rằng sáng kiến này đến từ Bình Nhưỡng chứ không phải Moskva. Điều này thách thức các giả định trước đó rằng Nga đã gây sức ép với Triều Tiên để tăng viện nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt ước tính 500.000 binh lính trong bối cảnh nỗ lực huy động quân đang chững lại.
Nếu quyết định này thực sự là của Kim Jong Un, động cơ của ông có thể dựa trên những cân nhắc về chiến lược hơn là kinh tế, bằng chứng là chế độ này sẵn sàng điều động thêm quân bất chấp nỗi lo ngại ngày càng tăng về tình hình bất ổn trong nước liên quan đến việc triển khai quân tới Nga. Lời kêu gọi triển khai thêm quân, chỉ hai tháng sau đợt triển khai ban đầu, có thể xuất phát từ những tính toán hai mặt.
Đầu tiên, binh lính Triều Tiên trước đó được báo cáo đã chịu tổn thất từ 1.000 đến 3.800 người kể từ tháng 11, tương đương với tỷ lệ thương vong từ 9–35%. Tỷ lệ thương vong từ 10–15% thường làm suy yếu sự gắn kết, tinh thần và khả năng tấn công của các đơn vị, trong khi tỷ lệ vượt quá 30% thường khiến binh lính chiến đấu không hiệu quả, đòi hỏi phải rút quân hoàn toàn hoặc tăng cường viện binh. Việc rút quân không chỉ khiến Triều Tiên cảm thấy "xấu hổ" trước quốc tế mà còn tước đi cơ hội có được kinh nghiệm chiến tranh hiện đại có giá trị của binh lính Triều Tiên.
Thứ hai, quyết định triển khai thêm quân có thể phản ánh mục tiêu lớn hơn của Triều Tiên là củng cố liên kết chiến lược sâu sắc hơn với Nga, có thể là động cơ để đảm bảo sự hỗ trợ qua lại trong trường hợp xảy ra khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên. Bằng cách triển khai thêm quân, Bình Nhưỡng có thể đang tìm cách ngăn chặn Nga xích lại gần phương Tây sau khi giải quyết xung đột với Ukraine và giảm nguy cơ cô lập trong tương lai.
Một dấu hiệu khác cho thấy mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Nga và Triều Tiên là quy mô và tốc độ hợp tác quân sự ngày càng tăng. Về phía Triều Tiên, ngoài 20.000 container chứa hơn 6 triệu viên đạn 152mm và 122mm, các lô hàng hiện đã mở rộng để bao gồm 50 pháo tự hành "Koksan" 170mm do Triều Tiên sản xuất và 20 hệ thống pháo phản lực phóng loạt cỡ nòng 240mm. Với việc Nga hạn chế sử dụng các cỡ nòng này, các loại đạn dược đi kèm có thể đã được chuyển giao hoặc dự kiến sẽ được chuyển giao sau đó. Được triển khai với số lượng đủ lớn, các hệ thống này có thể tăng cường đáng kể hỏa lực của Nga, vì pháo hạng nặng của Triều Tiên được thiết kế để bắn những loạt đạn áp đảo có khả năng làm bão hòa và làm tê liệt hệ thống phòng thủ của đối phương.
Bình Nhưỡng dường như cũng tăng cường cung cấp tên lửa. Cùng với khoảng 100 tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN-23/24 đã được chuyển giao cho Nga, các báo cáo cho thấy khả năng nước này đã chuyển giao ít nhất 5 tên lửa đạn đạo tầm trung KN-15. Mặc dù tình báo Ukraine đã phủ nhận những tuyên bố này, nhưng một động thái như vậy sẽ không có gì bất ngờ khi xét đến việc Nga gần đây đã sử dụng Oreshnik. Giống như Oreshnik, KN-15 có tầm bắn có thể tấn công sâu vào châu Âu, điều này phù hợp với cả những nỗ lực hiện tại của Điện Kremlin nhằm sử dụng những vũ khí như vậy để ngăn chặn viện trợ của phương Tây cho Ukraine và ý định rõ ràng của Triều Tiên là thử nghiệm toàn bộ kho vũ khí quân sự của mình trên chiến trường Ukraine. Một hệ thống khác mà Triều Tiên muốn triển khai là máy bay không người lái cảm tử, được cho là sẽ sớm được chuyển giao cho Nga sau lệnh sản xuất hàng loạt vào tháng 11/2024.
Nếu cho đến nay, Nga chủ yếu là bên nhận trong các cuộc trao đổi với Triều Tiên, thì xu hướng này hiện cũng có vẻ đang thay đổi. Trong hai tháng qua, ngày càng có nhiều báo cáo tình báo cho thấy Nga không chỉ chuyển giao các hệ thống phòng không tiên tiến cho Bình Nhưỡng, nhiều khả năng là S-400, mà còn đạt được thỏa thuận cung cấp cho Triều Tiên các máy bay chiến đấu MiG-29 và Su-27. Mặc dù những nâng cấp này cũng không giúp cải thiện tình trạng Triều Tiên bị tụt hậu rất xa so với năng lực vượt trội của lực lượng Mỹ-Hàn Quốc kết hợp, nhưng những chuyển giao như vậy có khả năng thay đổi động lực an ninh trên Bán đảo Triều Tiên bằng cách loại bỏ lợi thế tuyệt đối hiện tại của Hàn Quốc ở trên không.
Hơn nữa, Triều Tiên gần đây đã công bố tàu chiến lớn nhất từ trước đến nay của nước này, được trang bị thứ dường như là hệ thống phóng thẳng đứng có khả năng triển khai tên lửa hành trình hoặc tên lửa phòng không có điều khiển. Thiết kế của tàu có nét tương đồng đáng kinh ngạc với Dự án Derzky của Nga, làm dấy lên câu hỏi về khả năng hỗ trợ của Điện Kremlin. Mặc dù không có báo cáo nào liên kết trực tiếp Nga với những tiến bộ của hải quân Triều Tiên, nhưng việc Bình Nhưỡng lần đầu tiên tham gia với tư cách là quan sát viên trong các cuộc tập trận hải quân gần đây của Nga cho thấy khả năng hợp tác đang diễn ra hoặc trong tương lai trong lĩnh vực này.
Trong khi những đợt chuyển giao này đã được dự đoán từ lâu, thì những tuyên bố về việc chúng chỉ liên quan đến việc triển khai binh lính Triều Tiên có vẻ như không đúng. Theo hầu hết các ước tính, giá trị của quân Triều Tiên gồm 11.000 người sẽ chỉ vượt quá 314 triệu AUD (197 triệu USD) cho một năm phục vụ – và điều này bao gồm cả tiền thưởng một lần mà Nga thường cung cấp cho những người mới tuyển dụng.
Để so sánh, chi phí cho một hệ thống phòng không S-400 dao động từ 500 triệu AUD (313,8 triệu USD) đến 1,3 tỷ AUD (816 triệu USD), tùy thuộc vào quốc gia tiếp nhận. Ví dụ, Trung Quốc đã trả 500 triệu AUD vào năm 2014, Thổ Nhĩ Kỳ trả 625 triệu AUD (392,3 triệu USD) vào năm 2017 và Ấn Độ trả 1,3 tỷ AUD vào năm 2018. Ngay cả ở mức giá thấp nhất là 500 triệu AUD, giá trị đóng góp của binh lính Triều Tiên đối với Nga vẫn còn kém xa so với chi phí cho một hệ thống S-400. Điều tương tự cũng áp dụng cho chi phí của máy bay chiến đấu.
Dựa trên động lực không tương xứng của các cuộc trao đổi giữa hai nước và khả năng các khoản thanh toán được cấu trúc như một hệ thống trao đổi hàng hóa với một ít tiền, các khoản chuyển nhượng gần đây của Nga dường như là một phần trong một thỏa thuận lớn hơn mà có thể hai bên đã đạt được vào một thời điểm nào đó trong năm 2023, với các sửa đổi có thể có vào năm 2024. Tính đến giá trị của việc triển khai quân và việc mở rộng vũ khí được cung cấp gần đây, cùng với các ước tính trước đó của Quỹ Friedrich Naumann, tổng giá trị của thỏa thuận quân sự giữa Nga và Triều Tiên hiện có khả năng vượt quá 7 tỷ AUD (4,4 tỷ USD). Ngay cả khi không tính giá trị của nguồn cung cấp dầu và thực phẩm, con số còn lại vẫn có thể tính đến các đợt chuyển giao gần đây của Nga.
Nếu hệ thống trao đổi hàng hóa thực sự được áp dụng, điều này có thể giải thích cho các chuyến hàng quân sự lớn của Bình Nhưỡng trong hai năm qua và sự sẵn sàng đột ngột của Nga trong việc chia sẻ các hệ thống tiên tiến đắt tiền./.