Gần đây, thông tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thị sát Lực lượng hỗ trợ thông tin nhân Ngày Hiến pháp quốc gia đã thu hút nhiều sự chú ý. Đỗ Văn (Du Wen), cựu quan chức Khu tự trị Nội Mông hiện sống ở châu Âu, mới đây đã phân tích rằng việc Tập Cận Bình thị sát Lực lượng hỗ trợ thông tin không chỉ là cuộc diễn tập quân sự, mà còn là màn trình diễn chính trị. Bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến tranh thông tin, Tập Cận Bình đang cố gắng gửi tín hiệu tới cả trong và ngoài nước rằng Trung Quốc sẽ dốc toàn lực trên mạng Internet và các chiến trường dư luận. Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá nhiều vào chiến tranh thông tin phản ánh mối lo lắng sâu sắc của Trung Quốc về những thách thức ở bên trong và bên ngoài.
Theo truyền thông Trung Quốc, Tập Cận Bình đã có bài phát biểu quan trọng trong cuộc thị sát, cho rằng hệ thống thông tin mạng có vai trò quan trọng chưa từng có trong chiến tranh hiện đại, đồng thời yêu cầu các lực lượng thông tin nâng cao khả năng xây dựng hệ thống thông tin mạng và khả năng hỗ trợ dịch vụ cho việc chuẩn bị và chiến đấu. Lực lượng hỗ trợ thông tin trước đây thuộc Lực lượng hỗ trợ chiến lược của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), bao gồm các lực lượng chiến tranh mạng, chiến tranh thông tin và chiến tranh không gian, có nhiệm vụ chính là bảo vệ an ninh cho các hệ thống thông tin quân sự của Trung Quốc và chống lại các cuộc tấn công chiến tranh mạng và điện tử.
Ông Đỗ Văn cho rằng về lâu dài, Trung Quốc phải đối mặt với các vấn đề trong mô hình quản trị, không thể chỉ dựa vào chiến tranh thông tin để giải quyết mâu thuẫn. Mặc dù việc thành lập Lực lượng hỗ trợ thông tin đã cung cấp cho Trung Quốc những phương tiện mới, nhưng nỗi lo lắng về quyền lực và thế đối đầu đằng sau lực lượng này có thể khiến Trung Quốc gặp rắc rối sâu hơn trong các cuộc chiến tranh thông tin quốc tế trong tương lai.
Lực lượng mới nổi trong quân đội hiện đại
Lực lượng hỗ trợ thông tin là binh chủng mang tính chiến lược mới nhất của PLA, đánh dấu bước bố trí lớn của Trung Quốc trong lĩnh vực chiến tranh hiện đại. Chức năng của lực lượng này bao gồm nhiều lĩnh vực như tấn công và phòng thủ mạng, chiến tranh điện tử, thu thập và phân tích thông tin tình báo, hỗ trợ liên lạc và các ứng dụng công nghệ mới nổi. Nhiệm vụ chính của lực lượng này không chỉ là bảo vệ hệ thống thông tin của chính mình khỏi các cuộc tấn công mà còn tấn công các cơ sở mạng của đối thủ để đảm bảo lợi thế thông tin trên chiến trường. Ngoài ra, lực lượng này cũng đang khám phá các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và truyền thông lượng tử, nhằm nâng cao hiệu quả chiến đấu tổng thể của PLA trong các cuộc chiến trong tương lai.
Nhìn từ góc độ chức năng tổng thể, việc hình thành Lực lượng hỗ trợ thông tin bao trùm hầu hết các lĩnh vực then chốt của chiến tranh thông tin hiện đại. Bố cục tin học hóa toàn diện mang lại cho lực lượng này vị trí quan trọng trong hệ thống PLA và đã trở thành tiêu chí quan trọng cho thấy PLA hướng tới tin học hóa và hiện đại hóa.
Ý định sâu xa từ cuộc thị sát
Việc Tập Cận Bình chọn thị sát Lực lượng hỗ trợ thông tin vào Ngày Hiến pháp Quốc gia mang ý nghĩa tượng trưng quan trọng. Ngày Hiến pháp Quốc gia vốn là thời điểm quan trọng để củng cố hình ảnh nhà nước pháp quyền, nhưng Tập Cận Bình đã sử dụng cuộc thị sát để che đậy chủ đề nhà nước pháp quyền. Ý định đằng sau động thái này có thể được tóm tắt như sau:
Thứ nhất, an ninh quốc gia được đặt lên trên pháp quyền. Bằng cách chọn thời điểm cụ thể này, Tập Cận Bình đã gửi đi tín hiệu rằng an ninh quốc gia được ưu tiên hơn pháp quyền. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến tranh thông tin, chỉ ra rằng trong tình hình quốc tế và trong nước hiện nay, việc đảm bảo an ninh và ổn định của chế độ quan trọng hơn pháp quyền. Theo logic này, hiến pháp và pháp luật trở thành công cụ và chỉ phục vụ nhu cầu duy trì quyền lực chính trị.
Thứ hai, ứng phó khủng hoảng dư luận. Trong những năm gần đây, những tin đồn về quyền lực nằm ngoài tầm kiểm soát của Tập Cận Bình tiếp tục lan truyền trên các phương tiện truyền thông nước ngoài. Thông tin này đã được truyền về Trung Quốc qua nhiều kênh, gây ra mối đe dọa tiềm tàng cho sự ổn định của chế độ. Cuộc thị sát của Tập Cận Bình không chỉ là phản ứng trước những tin đồn này mà còn nhằm thể hiện quyền lực thông qua các hành động và ổn định tinh thần của quân đội và người dân. Đồng thời, ông sử dụng Lực lượng hỗ trợ thông tin để nhắm vào những “tin đồn” này nhằm xóa bỏ những nghi ngờ về tính chính hợp pháp của chế độ.
Thứ ba, vạch ra hình thức quân đội tương lai. Tập Cận Bình đặc biệt đề cập đến sự phát triển nhanh chóng của mô hình chiến tranh, cho thấy theo ông, cạnh tranh quân sự trong tương lai sẽ không còn giới hạn ở chiến trường truyền thống mà sẽ mở rộng sang lĩnh vực mạng và thông tin. Lực lượng hỗ trợ thông tin được thành lập để đáp ứng xu hướng này và đảm bảo khả năng cạnh tranh của PLA trên các chiến trường trong tương lai bằng cách tăng cường khả năng tấn công và phòng thủ mạng.
Cuối cùng, tăng cường kiểm soát quân đội. Là một lực lượng mới trong PLA, Lực lượng hỗ trợ thông tin đang ở giai đoạn sơ khai. Tập Cận Bình đã sử dụng cuộc thị sát để truyền tải ý nghĩa chính trị rõ ràng vào lực lượng này, đồng thời kiểm tra lòng trung thành của lực lượng này với chính quyền trung ương. Thông qua cuộc thị sát, ông vừa ghi nhận thành tích vừa đưa ra phương hướng cho sự phát triển của đơn vị này trong tương lai.
Giá trị chiến lược và vai trò thực tế của chiến tranh thông tin
Việc thành lập Lực lượng hỗ trợ thông tin không chỉ là đổi mới công nghệ trong quân đội mà còn là công cụ quan trọng của Tập Cận Bình trong ổn định chính trị. Không gian mạng và thông tin đã trở thành chiến trường mới với đặc điểm “không phân biệt hòa bình và chiến tranh”. Trong lĩnh vực này, những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt ngày càng gia tăng.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Lực lượng hỗ trợ thông tin là kiểm soát dư luận trong nước. Tập Cận Bình rõ ràng nhận thức được rằng việc mất kiểm soát dư luận có thể đe dọa trực tiếp đến sự ổn định của chế độ. Vì vậy, lực lượng này được giao nhiệm vụ đảm bảo khả năng kiểm soát dư luận và giải quyết những bất mãn của xã hội thông qua tấn công và phòng thủ thông tin. Đối với một chế độ tập trung cao độ, chiến tranh thông tin không chỉ mang tính phòng thủ mà còn mang tính tấn công, được sử dụng để trấn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến và các lực lượng đối lập.
Tập Cận Bình cũng coi mạng truyền thông xã hội ở nước ngoài là đối thủ chính của Trung Quốc. Một trong những nhiệm vụ của Lực lượng hỗ trợ thông tin là làm suy yếu ảnh hưởng của các nền tảng này thông qua các phương tiện kỹ thuật, từ phong tỏa công nghệ đến tạo dựng dư luận, mục tiêu là làm suy yếu những lời chỉ trích của nước ngoài đối với chính quyền Trung Quốc, đồng thời tuyên truyền những câu chuyện có lợi cho Trung Quốc.
Những năm gần đây, mô hình tranh giành quyền lực trong nội bộ đảng đã gây ra sự bất bình trong xã hội và chiến tranh thông tin đã trở thành một phương tiện quan trọng để Tập Cận Bình đối phó với những thách thức này. Tuy nhiên, kiểm soát thông tin chỉ có thể xoa dịu vấn đề một cách hời hợt chứ không thể giải quyết căn bản cuộc khủng hoảng về tính hợp pháp của chế độ.
Tác động sâu sắc đến quan hệ quốc tế
Việc Tập Cận Bình nhấn mạnh vào chiến tranh thông tin không chỉ ảnh hưởng đến dư luận trong nước mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ quốc tế.
Bằng cách tăng cường các phương pháp chiến tranh thông tin, Trung Quốc đã thể hiện thái độ đối đầu trước những lời chỉ trích từ bên ngoài. Chiến lược này có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước phương Tây, đặc biệt là về quyền tự do thông tin và tự do ngôn luận, điều này có thể làm xấu đi hình ảnh quốc tế của Trung Quốc.
Mặc dù nhà lãnh đạo Trung Quốc gửi gắm nhiều kỳ vọng vào Lực lượng hỗ trợ thông tin nhưng việc quá phụ thuộc vào chiến tranh thông tin cũng đã bộc lộ sự mong manh của mô hình lãnh đạo. Trong thời đại toàn cầu hóa, luồng thông tin mở là không thể ngăn cản, mức độ phong tỏa thông tin ở mức độ cao của Trung Quốc đã bộc lộ nỗi lo ngại về một xã hội cởi mở.
Hạn chế và nguy cơ tiềm ẩn của chiến tranh thông tin
Mặc dù việc thành lập Lực lượng hỗ trợ thông tin đánh dấu sự tiến bộ toàn diện của Trung Quốc trong lĩnh vực chiến tranh thông tin, nhưng chiến lược này cũng có những hạn chế rõ ràng và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ và sự thiếu tin tưởng vào khả năng lãnh đạo là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng bất ổn hiện nay. Việc trấn áp dư luận thông qua chiến tranh thông tin chỉ có thể xoa dịu vấn đề trong thời gian ngắn chứ không thể giải quyết căn bản những mâu thuẫn của chế độ.
Chiến lược chiến tranh thông tin của Trung Quốc có thể gây ra phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt khi can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác hoặc chặn luồng thông tin, có thể dẫn đến các lệnh trừng phạt và tẩy chay nghiêm khắc hơn./.
The trang secretchina.com ngày 6/12