Trọng tâm cuộc xung đột Nga - Ukraine trong tuần vừa qua tiếp tục là mặt trận Kursk, trong khi Quân đội Nga tiếp tục chiếm ưu thế ở mặt trận Donbass. Trong bối cảnh chỉ còn 5 ngày nữa sẽ chuyển giao chính quyền ở Mỹ, quan chức và truyền thông Nga tích cực có các bài phát biểu và phân tích theo hướng “lấy lòng” Trump.
Tình hình chiến sự nổi bật
Tại Kursk, Ukraine tiếp tục nỗ lực tấn công Quân đội Nga, đáng chú ý trong ngày 13/1, Kiev đã phát động 5 cuộc tấn công, nhưng tất cả đều bị đẩy lùi.
Tại mặt trận Donbass, Quân đội Nga giành ưu thế, trong tuần qua đã giải phóng các làng Peschanoye, Terny và làng Neskuchnoye ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk, cũng như cải thiện vị trí chiến thuật trên các hướng khác. Theo Bộ Quốc Nga, kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24/2/2022, Ukraine đã mất tổng cộng 652 máy bay, 283 trực thăng, 40.575 thiết bị bay không người lái (UAV), 590 hệ thống tên lửa phòng không, 20.554 xe tăng chiến đấu và các loại xe bọc thép khác, 1.510 bệ phóng tên lửa đa nòng cũng như 20.706 khẩu pháo và súng cối.
Một sự kiện thu hút sự chú ý truyền thông trong tuần vừa qua là việc Bộ Quốc phòng Nga ngày 13/1 xác nhận Ukraine đã cố gắng tấn công một trạm nén khí của hệ thống đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ gần khu vực Anpa thuộc lãnh thổ Krasnodar của Nga với sự trợ giúp của 9 UAV nhằm chặn nguồn cung khí đốt đến các quốc gia châu Âu. Moskva cáo buộc Mỹ/phương Tây đang kích động Ukraine thực hiện các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng Nga nhằm ngăn chặn việc Nga có kinh phí phục vụ cuộc xung đột. Theo Bộ Quốc phòng Nga, các đơn vị phòng không Nga đã bắn hạ tất cả số UAV này. Một trong số đó đã làm hư hại nhẹ thiết bị của một trạm nén khí ở lãnh thổ Krasnodar nhưng không có thương vong về người, trong khi trạm nén vẫn cung cấp khí đốt cho đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ ở chế độ bình thường, không bị gián đoạn. Để đáp trả hành động khủng bố năng lượng của chế độ Kiev, Quân đội Nga đã sử dụng vũ khí có độ chính xác cao để tấn công các cơ sở hạ tầng năng lượng khí đốt của Ukraine. Theo đó, từ đêm 14/1 cho đến sáng 15/1, các tên lửa đạn đạo Iskander-M và Kinzhal cùng nhiều UAV đã tấn công các cơ sở hạ tầng năng lượng khí đốt quan trọng ở nhiều tỉnh thành của Ukraine. Bên cạnh các cơ sở hạ tầng năng lượng và quân sự trên mặt đất bị phá hủy, một cơ sở dự trữ khí đốt ngầm lớn nhất tại thành phố Stryi ở tỉnh Lvov của Ukraine cũng đã bị tấn công. Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh rằng hoạt động này mang tính chất phòng thủ và được thực hiện nhằm mục đích ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp theo có thể xảy ra vào các cơ sở hạ tầng khí đốt quan trọng của Nga. Theo các chuyên gia quân sự, mục đích tấn công các cơ sở dự trữ khí đốt ngầm lớn ở Ukraine còn để làm cho Kiev khan hiếm dự trữ khí đốt nên phải cho tiếp tục vận hành đường ống dẫn khí đốt từ Nga thông qua lãnh thổ Ukraine. Điều này giúp cho một số nước ở châu Âu phục hồi việc mua khí đốt của Nga như trước đây.
Tín hiệu từ Nga gửi đến Trump
Ngày 14/1 đã diễn ra cuộc họp báo tổng kết năm của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, với sự tham gia của gần 200 nhà báo trong và ngoài nước tham dự, trong đó có cả đại diện của truyền thông phương Tây như Mỹ, Italy, Đức, Tây Ban Nha… Về quan hệ Nga-phương Tây, Ngoại trưởng Nga khẳng định mục tiêu chính của phương Tây là trấn áp, làm suy yếu, ngăn chặn các đối thủ cạnh tranh ở khắp mọi nơi trên thế giới, trong đó có Nga. Ông Lavrov nhận được nhiều câu hỏi nhất về triển vọng cải thiện quan hệ Nga - Mỹ dưới thời Tổng thống Trump. Ngoại trưởng Nga tái khẳng định sẵn sàng tiếp xúc với phía Mỹ trên cơ sở nghiên cứu quan điểm của chính quyền ông Trump về các vấn đề thế giới, trong đó có xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, cho đến nay Nga chưa nhận được đề xuất nào từ phía Mỹ về một cuộc gặp giữa hai lãnh đạo. Ông Lavrov đặc biệt chỉ trích chính quyền Tổng thống Biden luôn thực thi chính sách thu lợi từ các nước khác bằng cách cướp bóc, trong đó có việc phá hoại quan hệ với Nga. Những hành động gần đây của chính quyền Biden (bao gồm việc áp đặt trừng phạt ngành năng lượng Nga; xúi giục Ukraine tấn công đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ; gây khó dễ cho Serbia bằng cách yêu cầu loại bỏ vốn của Nga khỏi ngành dầu mỏ) giống như những hành động “làm hỏng chính quyền tiếp theo, như Barack Obama đã làm 3 tuần trước lễ nhậm chức của Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên, khi ông trục xuất 120 nhân viên ngoại giao Nga”.
Ngược lại, ông Lavrov đưa ra những tuyên bố thiện cảm với Tổng thống đắc cử Trump: nhấn mạnh ông Trump đang phải gánh chịu một di sản khó khăn, bao gồm vụ cháy ở California và số tiền đã tài trợ cho Ukraine. Ngoại trưởng Nga đánh giá cao việc ông Trump thừa nhận Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lừa dối khi ký nhiều văn kiện an ninh với các đối tác. Liên quan đến quan hệ với Nhật Bản, Ngoại trưởng Nga khẳng định những tín hiệu từ phía Nhật Bản về việc mong muốn đàm phán, để ký hiệp ước hòa bình với Nga là không xứng đáng, điều ám chỉ việc Nhật Bản vẫn tiếp tục ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga và áp đặt các lệnh trừng phạt chống Nga.
Liên quan cuộc xung đột Nga - Ukraine, Ngoại trưởng Nga để ngỏ khả năng gặp gỡ, điện đàm và đàm phán với chính quyền Tổng thống Trump trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng quan điểm của ông Trump về giải pháp cho cuộc xung đột; mong đợi những sáng kiến cụ thể liên quan đến Ukraine từ chính quyền Trump. Ông Lavrov cũng hoan nghênh quan điểm dựa trên tình hình thực tế trong việc giải quyết vấn đề Ukraine của ông Trump. Ngoại trưởng Nga cũng khẳng định Moskva sẵn sàng thảo luận về việc bảo đảm an ninh cho Ukraine, với điều kiện an ninh của Nga phải được đảm bảo, nhất là các mối đe dọa ở biên giới phía Tây nước Nga phải được loại bỏ.
Dự báo 1 số kịch bản cho cuộc xung đột
Trong tuần vừa qua, nhiều tờ báo Nga đưa ra những đánh giá, phân tích và dự báo về cuộc xung đột Nga-Ukraine như sau:
Thứ nhất, việc lập lại hòa bình ở Ukraine sẽ tương đương với việc kết thúc chế độ Kiev vì Tổng thống Zelensky sẽ không còn lý do để không tổ chức bầu cử. Vì vậy, trong tháng qua Kiev đã có nhiều hành động leo thang căng thẳng, điển hình là dùng các loại tên lửa tầm xa ATACMS và Storm Shadow tấn công sâu vào lãnh thổ Nga như tỉnh Rostov, Belgorod, Bryans... Ý đồ của ông Zelensky là muốn kích động phía Nga để Quân đội Nga đáp trả mãnh liệt, lúc đó Kiev sẽ bù lu bù loa trước thế giới, lôi kéo NATO trực tiếp tham gia xung đột và điều quan trọng là D.Trump sẽ không thể nào đưa ra giải pháp ngừng bắn như ông ta đã nhiều lần tuyên bố.
Thứ hai, Tổng thống Putin hiểu rõ ý đồ này của chế độ Kiev, nên việc đáp trả chỉ gói gọn trong phạm vi những gì trực tiếp làm leo thang căng thẳng, ví dụ như đòn tấn công của các tên lửa Iskander-M và Kinzhal cùng nhiều UAV sáng 15/1, nhằm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng khí đốt quan trọng ở nhiều tỉnh thành của Ukraine để đáp trả vụ tấn công hai hôm trước đó nhằm làm gián đoạn vận hành đường ống khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ. Vì phía Nga khá kiềm chế trong việc đáp trả nên Kiev không có cớ để lôi kéo NATO vào cuộc chiến. Theo một góc nhìn khác, lý do các nước châu Âu không muốn can thiệp trực tiếp vào xung đột ở Ukraine là vì lo ngại tên lửa “Oreshnik” sẽ tấn công thủ đô và các căn cứ quân sự của họ.
Thứ ba, về phía Mỹ, có thể thấy việc NATO trực tiếp tham gia xung đột sẽ đi ngược lại nguyên tắc bá chủ toàn cầu của ông Trump, vì khi đó Mỹ buộc phải chia sẻ trách nhiệm với NATO như là thành viên trụ cột của liên minh. Và như vậy, Tổng thống đắc cử Mỹ sẽ không còn thời gian và sức lực để thực hiện chính sách của mình về Trung Quốc nhằm làm cho Trung Quốc suy yếu cả về kinh tế và quân sự để Mỹ một mình bá chủ toàn cầu và điều khiển trật tự thế giới theo ý muốn của mình.
Chế độ Kiev biết rõ những bất lợi nêu trên và hệ lụy của chúng. Vì vậy, Chánh Văn phòng Tổng thống Ermak, là người kiến tạo và xác định các chiến lược của chế độ Kiev, trong tuần qua đã tổ chức hai sự kiện để hỗ trợ cho Zelensky. Thứ nhất, đánh tiếng để cựu Tổng tư lệnh Zaluzhny không tham gia tranh cử tổng thống Ukraine vì ông ta là đối thủ tiềm năng nhất của Tổng thống Zelensky, nếu không, Cơ quan An ninh Ukraine sẽ phát lệnh cáo buộc ông Zaluzhny phạm tội hình sự, chẳng hạn như trước đây đã để Kherson lọt vào tay Quân đội Nga. Và một điểm mấu chốt, ai cũng hiểu là cuộc đàm phán cấp cao giữa hai Chính phủ Mỹ - Nga sau này sẽ không có sự tham gia của chính quyền Kiev. Thứ hai, ông Ermak bằng mọi cách tác động để đội ngũ của ông Trump đồng ý cho Tổng thống Zelensky gặp ông Trump ngay sau lễ nhậm chức trước khi ông này tiếp xúc với Tổng thống Putin để những yêu cầu của Kiev được đưa vào nội dung các cuộc đàm phán Mỹ - Nga trong tương lai.
Theo nhận định chung của nhiều nhà phân tích ở Nga và phương Tây, có 3 kịch bản chấm dứt xung đột và lập lại hòa bình ở Ukraine, xếp thứ tự theo khả năng hiện thực của mỗi phương án:
Kịch bản thứ 1: ông D.Trump sẽ cố gắng nhượng bộ để Nga chấp thuận những đề xuất của Mỹ, trong đó có thể có việc Mỹ sẽ hủy bỏ nhiều lệnh trừng phạt Nga được áp dụng dưới thời Biden, và Mỹ sẽ chấp thuận những mục tiêu cơ bản của Nga. Lúc đó, sau vài tháng, Mỹ và Nga sẽ đạt được một thỏa hiệp hòa bình về Ukraine vào Lễ Phục sinh ngày 20/4 tới, và ông Trump sẽ có được uy tín quốc tế là vị cứu tinh giáng thế giúp cả nhân loại tránh khỏi thảm họa chiến tranh hạt nhân và Thế chiến thứ ba.
Kịch bản 2, ông D.Trump không tán thành những mục tiêu cơ bản của Nga được đề ra trong Chiến dịch quân sự đặc biệt. Mặc dù đội ngũ của ông Trump nói rằng sẽ không có đóng băng xung đột, sẽ thỏa thuận kiểu như Minsk-3, nhưng bản chất của chính quyền Mỹ sẽ không khác nhau nhiều dù ai sẽ làm tổng thống. Khi đó, các cuộc đàm phán sẽ kéo dài suốt cả năm 2025, và đến cuối năm hy vọng chính quyền Mỹ và Kiev hiểu rõ hơn quyết tâm của Nga và sẽ chấp thuận phần lớn những yêu cầu của Nga.
Kịch bản 3, ít khả thi nhất nhưng cũng có thể xảy ra - đó là cuộc xung đột ở Ukraine không thể chấm dứt trong năm 2025 này, và sau đó tình hình sẽ còn căng thẳng hơn. Về khả năng này, các quan chức cấp cao của quân đội, tình báo và an ninh Nga đã bàn đến, tất cả đều nhận định rằng, lúc đó sức mạnh quân sự thực tế sẽ là chìa khóa để giải quyết vấn đề Ukraine, và nó có thể kéo dài vài ba năm, thậm chí đến gần chục năm nữa. Đất nước Nga, quân đội và người dân Nga, cũng đã sẵn sàng cho kịch bản này.
Anh – Ukraine ký thỏa thuận “mang tính bước ngoặt” kéo dài 100 năm
Theo Al Jazeera, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev vào ngày 16/1 và đưa ra nhiều sự ủng hộ hơn với thỏa thuận “quan hệ đối tác 100 năm”. Thủ tướng Starmer hứa sẽ hợp tác với Ukraine và các đồng minh để cung cấp cho Kiev các đảm bảo an ninh mạnh mẽ nếu lệnh ngừng bắn được đàm phán với Nga trong một động thái thể hiện sự ủng hộ vài ngày trước khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Theo thỏa thuận, London và Kiev cam kết “thúc đẩy hợp tác quốc phòng” và thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine, công nhận nước này là “đồng minh NATO trong tương lai”. Starmer cho biết chính phủ của ông cũng sẽ cung cấp một “hệ thống phòng không di động” và tăng cường hợp tác hàng hải thông qua các khuôn khổ an ninh mới ở Biển Baltic, Biển Đen và Biển Azov.
Nhiều hiệp ước khác nhau là một phần của thỏa thuận 100 năm dự kiến sẽ được trình lên Quốc hội Anh trong những tuần tới./.