Trong tuần vừa qua, Nga tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quân sự ở hướng Kursk nhằm đẩy lùi Quân đội Ukraine hoàn toàn ra khỏi biên giới quốc gia trước khi ông Trump chính thức nhậm chức. Đáng chú ý, chính quyền Biden gần đây liên tục thúc ép Ukraine hạ độ tuổi nhập ngũ để bổ sung lực lượng cho quân đội trước sức ép ngày càng lớn của Nga.
Tình hình chiến sự nổi bật
Trong tuần, Ukraine liên tiếp sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây nhằm vào các mục tiêu ở tỉnh Kursk: ngày 23/11 – Ukraine bắn 5 tên lửa ATACMS nhằm vào vị trí của hệ thống phòng không S-400 đặt ở huyện Lotarevka; hệ thống tên lửa phòng không Pantsir của Nga đã phá hủy 3 tên lửa, nhưng 2 tên lửa đã bắn trúng mục tiêu. Kết quả là trạm radar bị hư hỏng và có thương vong trong số quân nhân ở đó. Ngày 25/11, Ukraine tấn công bằng 8 tên lửa ATACMS nhằm vào sân bay Đông Kursk, tuy nhiên trên sân bay không có máy bay, chỉ có lực lượng phòng không. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, hệ thống S-400 và Pantsir đã bắn hạ 7/8 tên lửa ATACMS, tên lửa còn lại làm 2 quân nhân bị thương nhẹ và cơ sở hạ tầng bị hư hại nhẹ. Cũng trong ngày 25/11, Bộ Quốc phòng Nga thông báo trong 24 giờ qua, lực lượng phòng không Nga còn phá hủy 6 quả bom dẫn đường JDAM do Mỹ sản xuất, đánh chặn 45 thiết bị bay không người lái tấn công. Bộ Quốc phòng Nga thông báo sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình và chuẩn bị cho các cuộc tấn công đáp trả.
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, tính đến ngày 28/11, Ukraine hiện đã mất hơn 40% lãnh thổ vốn chiếm được ở khu vực biên giới Kursk của Nga, từ khoảng gần 1.400 km2 xuống còn dưới 800 km2 như hiện nay. Kể từ khi Ukraine bắt đầu cuộc tấn công vào khu vực Kursk, Quân đội Ukraine đã thiệt hại hơn 36.260 quân, 223 xe tăng chiến đấu chủ lực, 158 xe tăng chiến đấu bộ binh, 122 xe bọc thép chở quân, 1.200 xe chiến đấu bọc thép, 1.044 xe cơ giới, 304 khẩu pháo, 40 bệ phóng tên lửa đa nòng, bao gồm 11 loại HIMARS và 6 loại MLRS do Mỹ sản xuất, 13 tổ hợp tên lửa phòng không, 70 trạm tác chiến điện tử, 13 radar trinh sát pháo binh, 4 radar phòng không…
Theo các hướng chiến đấu khác, Quân đội Nga sử dụng không quân, thiết bị bay không người lái, tên lửa và pháo binh tấn công mạnh mẽ vào các sân bay quân sự và trung tâm điều khiển mà từ đó Ukraine đã thực hiện các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Nga, bao gồm nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Trung bình mỗi ngày, 135 địa điểm có nhân sự và thiết bị công nghệ của Lực lượng Vũ trang Ukraine đã bị tấn công. Đáng chú ý, một tên lửa siêu thanh khác của Nga thuộc loại “Kinshal” (Dao Găm) đã tấn công khu vực Dnipropetrovsk. Tên lửa được bắn từ “máy bay chiến đấu MIG-MI”. Những tên lửa này được trang bị công nghệ tàng hình có thể được bắn bởi máy bay ném bom chiến lược Tu-95 gần thành phố Engels ở vùng Saratov, miền Nam nước Nga. Trong tuần, Quân đội Nga cũng đã giải phóng các làng Kopanki ở tỉnh Kharkov và khu định cư Novaya Ilyinka ở Cộng hòa Donetsk.
Ukraine đau đầu cân bằng giữa tăng quân và ổn định dài hạn
Trong các tuần gần đây, Mỹ đã đề nghị Ukraine hạ độ tuổi nghĩa vụ quân sự xuống 18 tuổi để tăng cường lực lượng chiến đấu, bù đắp tổn thất nhân sự nghiêm trọng trên chiến trường. Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nhấn mạnh rằng động thái này là cần thiết khi quân đội Ukraine đang chịu sức ép lớn từ các đợt tấn công mạnh mẽ của Nga, đặc biệt tại các khu vực trọng yếu như Kursk và Donetsk.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang đối mặt với áp lực từ nội bộ và các đồng minh trong việc duy trì hỗ trợ Ukraine. Đề xuất này không chỉ nhắm đến việc tăng cường khả năng tự vệ của Ukraine mà còn giảm bớt phụ thuộc của nước này vào viện trợ từ bên ngoài. Đề xuất từ Mỹ ngay lập tức gây ra phản ứng mạnh mẽ tại Ukraine. Từ các nhà lập pháp, nhà hoạt động xã hội đến công chúng, nhiều ý kiến đã được đưa ra, bày tỏ lo ngại sâu sắc về tác động của việc hạ độ tuổi nghĩa vụ quân sự.
Một trong những lo ngại lớn nhất là ảnh hưởng tiêu cực đến nhân khẩu học và tương lai dài hạn của Ukraine. Việc huy động những người trẻ tuổi, đặc biệt là nam thanh niên từ 18 tuổi, có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân bằng nhân khẩu học, vốn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chiến tranh. Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng nếu quá nhiều thanh niên trẻ tuổi bị thương vong, Ukraine sẽ phải đối mặt với những hậu quả xã hội và kinh tế trong hàng thập kỷ tới.
Nhà hoạt động quân sự Maria Berlinska đã chỉ trích gay gắt đề xuất này, gọi đó là một quyết định “vô trách nhiệm” và “thiển cận”. Bà cho rằng việc tuyển những thanh niên thiếu kinh nghiệm ra chiến trường không chỉ làm tăng nguy cơ thương vong mà còn gây ra những tổn thất khó bù đắp về nhân lực. Dmytro Litvin, trợ lý truyền thông của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cũng chỉ trích đề xuất của Mỹ. Ông lập luận rằng Ukraine hiện tại không đủ vũ khí để trang bị cho lực lượng hiện có, và việc tuyển thêm lính trẻ sẽ chỉ làm tăng thêm áp lực mà không mang lại hiệu quả chiến lược. Ông Litvin cũng nhấn mạnh rằng việc hỗ trợ kịp thời từ phương Tây, đặc biệt là việc giao vũ khí đúng hạn, sẽ quan trọng hơn nhiều so với việc tăng số lượng binh sĩ. Ông kêu gọi các đồng minh phương Tây tập trung vào việc thực hiện các cam kết viện trợ thay vì đưa ra các đề xuất gây tranh cãi.
Trong khi đó, phản ứng từ công chúng Ukraine cũng không kém phần gay gắt. Nhiều người cho rằng chính phủ nên mở rộng phạm vi tuyển dụng, bao gồm cả phụ nữ, thay vì chỉ tập trung vào nam giới trẻ tuổi. Các nhà phê bình cho rằng việc huy động phụ nữ tham gia vào các vai trò phi chiến đấu hoặc hỗ trợ sẽ giúp giảm áp lực lên lực lượng nam giới mà không làm suy giảm sức mạnh chiến đấu. Như vậy, trong bối cảnh hiện tại, Ukraine phải đối mặt với một bài toán khó giải: làm thế nào để cân bằng giữa nhu cầu chiến đấu ngắn hạn và sự ổn định dài hạn của quốc gia. Dù hạ độ tuổi nghĩa vụ quân sự có thể giúp giải quyết vấn đề nhân lực trong ngắn hạn, nhưng những hậu quả tiềm tàng về nhân khẩu học, kinh tế và xã hội có thể sẽ kéo dài hàng thập kỷ.
Châu Âu kêu gọi tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine
Ngày 28/11, với 390 phiếu ủng hộ, 135 phiếu chống và 52 phiếu trắng, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua nghị quyết tại Strasbourg kêu gọi tăng cường sự hỗ trợ quân sự của Liên minh châu Âu (EU) cho Ukraine. Nghị quyết nêu rõ tất cả các quốc gia thành viên EU và các đồng minh trong NATO nên cùng nhau và riêng lẻ cam kết hỗ trợ quân sự cho Ukraine, với mức không dưới 0,25% GDP hằng năm.
EP cũng kêu gọi EU và các quốc gia thành viên tăng cường hơn nữa sự hỗ trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm việc cung cấp máy bay, tên lửa tầm xa, trong đó có cả tên lửa Taurus, hệ thống phòng không hiện đại như Patriot và SAMP/T, đạn dược, cũng như các hệ thống phòng không vác vai, pháo và các chương trình đào tạo cho các lực lượng quân đội Ukraine.
Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ruben Brekelmans ngày 28/11 đã công bố việc chuyển giao 3 bệ phóng tên lửa Patriot cho Kiev. Đây là sự hỗ trợ phòng không quan trọng cho Ukraine trong bối cảnh các cuộc tấn công đang diễn ra của Nga. Bộ trưởng Brekelmans nhấn mạnh: “Người dân Ukraine đang phải đối mặt với một mùa Đông khó khăn, khi các cuộc không kích vẫn tiếp diễn. Đó là lý do vì sao chúng tôi chuyển giao 3 bệ phóng Patriot. Việc này cứu sống và bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine”. Trước đó, vào cuối tháng 5, Hà Lan đã đề xuất hợp tác với các đồng minh để cung cấp một hệ thống tên lửa Patriot đầy đủ cho Ukraine nhằm ứng phó với các cuộc tấn công bằng phương tiện bay không người lái và tên lửa của Nga. Tuy nhiên, sau 3 tháng không có đồng minh nào khác tham gia sáng kiến này, Hà Lan đã quyết định tiến hành độc lập.
Trước sự ủng hộ quân sự của nhiều nước phương Tây dành cho Ukraine, phía Nga nhiều lần nhấn mạnh rằng các động thái như vậy sẽ không làm thay đổi tình thế trên chiến trường và chỉ làm kéo dài cuộc xung đột này.
Trump chọn đặc phái viên về Ukraine và Nga
Tổng thống đắc cử Donald Trump cho biết hôm 27/11 rằng ông đã chọn Keith Kellogg, vị tướng ba sao đã nghỉ hưu được trao tặng nhiều huân chương, làm đặc phái viên của ông về Ukraine và Nga. Kellogg, một trong những kiến trúc sư của một cuốn sách chính sách bảo thủ kiên định đưa ra chương trình nghị sự an ninh quốc gia “Nước Mỹ trước tiên” cho chính quyền sắp tới, sẽ đảm nhiệm vai trò này khi cuộc xâm lược Ukraine của Nga bước sang năm thứ 3 vào tháng 2.
Kellogg, một trung tướng quân đội đã nghỉ hưu 80 tuổi, người từ lâu đã là cố vấn hàng đầu của Trump về các vấn đề quốc phòng, từng là cố vấn an ninh quốc gia cho Phó Tổng thống Mike Pence, là Chánh Văn phòng của Hội đồng An ninh Quốc gia và sau đó đảm nhiệm vai trò cố vấn an ninh tạm quyền cho Trump sau khi Michael Flynn từ chức. Với tư cách là đặc phái viên của Ukraine và Nga, Kellogg sẽ phải điều hướng một cuộc chiến ngày càng kiệt quệ giữa hai quốc gia.
Hoạt động đối ngoại của Nga
Trong tuần vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến thăm Kazakhstan và tham dự Hội nghị Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO). Tại đây, ông Putin có một số phát biểu quan trọng liên quan cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Ông Putin đã thông báo cho các quốc gia tham gia khác của CSTO về tiến trình hoạt động quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, bao gồm cuộc tấn công lớn mới đây nhằm vào các mục tiêu ở nước láng giềng. Theo đó, Quân đội Nga đã sử dụng 90 tên lửa và 100 thiết bị bay không người lái trong cuộc tấn công tổng hợp, đánh trúng 17 mục tiêu, đó là các cơ sở quân sự, các công ty quốc phòng và hệ thống cung cấp của chúng. Tổng thống Putin giải thích cuộc tấn công là phản ứng trước các cuộc tấn công đang diễn ra vào các mục tiêu ở Nga bằng tên lửa ATACMS từ Ukraine. Trả lời câu hỏi Nga sẵn sàng thực hiện những biện pháp nào để đối phó với sự leo thang từ phương Tây và Ukraine, Tổng thống Putin một lần nữa lưu ý: tất cả đều có thể và diễn biến của các sự kiện phụ thuộc vào cách hành xử của các nhà tài trợ cho chế độ Kiev. Moskva sẽ đáp trả bằng cách nào, khi nào và bằng loại vũ khí nào sẽ do Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu quyết định. Phương tiện tiêu diệt phải phù hợp với mục tiêu, không để “dùng súng trường bắn chim sẻ”. Ông Putin nhấn mạnh: “Chúng tôi không loại trừ việc sử dụng Oreshnik nhắm vào ngành công nghiệp quân sự, các trung tâm ra quyết định ở Kiev, cùng những lĩnh vực khác”.
Liên quan đến đến thông tin phương Tây đang thảo luận về khả năng Ukraine có được vũ khí hạt nhân từ các nhà tài trợ của chế độ Kiev hoặc nhờ sự phát triển của chính nước này, Tổng thống Putin cho rằng khả năng Ukraine tự phát triển vũ khí hạt nhân là khó có thể xảy ra, mà nhiều khả năng Ukraine chỉ có thể sản xuất ra bom bẩn. Tuy nhiên, Nga sẽ giám sát chặt chẽ những nỗ lực có thể có của chế độ Kiev nhằm sản xuất một số phiên bản vũ khí hạt nhân và “phản ứng sẽ phù hợp với các mối đe dọa”. Nếu “vũ khí hạt nhân” được chuyển giao từ phương Tây, thì Nga sẽ sử dụng tất cả các phương tiện hủy diệt theo ý mình. Ngoài ra, Tổng thống Putin nhắc lại rằng “điều này sẽ vi phạm mọi nghĩa vụ về không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt” của các bên tham gia nước ngoài.
Liên quan đến khả năng tiến hành đàm phán hòa bình, ông Putin giải thích rằng ông đặt ra cho chế độ Kiev không phải điều kiện để đàm phán mà là điều kiện cho hòa bình, đó là: Lực lượng vũ trang Ukraine phải rút lực lượng khỏi Donbass và Novorossiya, cũng như việc Kiev từ chối gia nhập NATO./.