Trong bối cảnh kỷ nguyên số hóa, khi các mối đe doạ an ninh không chỉ hiện hữu trong môi trường thực tế mà còn ở cả không gian ảo, an ninh mạng đã trở thành một trong những vấn đề an ninh quốc gia và quốc tế nóng bỏ nhất hiện nay. Hợp tác an ninh mạng giữa Mỹ và Hàn Quốc là minh chứng rõ ràng cho những nỗ lực chung nhằm bảo đảm an toàn không gian số, ngăn chặn các hoạt động xâm nhập, và tăng cường khả năng ứng phó với những mối đe doạ, đặc biệt là từ Triều Tiên.
Theo các chuyên gia của Viện Nghiên cứu An ninh quốc gia Hàn Quốc (11.2024), việc Triều Tiên bị cáo buộc sử dụng nguồn tiền từ các hoạt động tấn công mạng để tài trợ cho chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa, cho thấy mối đe dọa về an ninh mạng từ quốc gia này gia tăng đáng kể. Điều này đã khiến Mỹ và Hàn Quốc xác định, bảo đảm an ninh mạng là một trụ cột quan trọng trong hợp tác giữa hai bên. Sau các thỏa thuận đạt được, hai nước đã mở rộng hợp tác an ninh mạng và xây dựng các biện pháp cụ thể triển khai, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, vẫn cần phải cải thiện hơn nữa để đạt được nhiều kết quả thực chất.
Hiện nay, Mỹ và Hàn Quốc đang thúc đẩy hợp tác an ninh mạng thông qua một số cơ chế như:
Thứ nhất, các Hội nghị thượng đỉnh và Khung hợp tác an ninh mạng chiến lược. Tại Hội nghị thượng đỉnh (05.2022), hai bên đã cam kết tăng cường hợp tác trong việc ứng phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên, đồng thời nhất trí tăng cường hợp tác trong một loạt lĩnh vực như răn đe an ninh mạng của cơ sở hạ tầng quan trọng; chống tội phạm mạng và rửa tiền; bảo vệ các ứng dụng tiền điện tử và chuỗi khối; xây dựng năng lực, đào tạo nâng cao cũng như chia sẻ thông tin về quân sự. Dựa trên Tuyên bố chung này, các nhà lãnh đạo tiếp tục tuyên bố, Hội nghị thượng đỉnh Washington (04.2023) sẽ đánh dấu sự mở rộng của liên minh sang không gian mạng, cam kết bắt đầu thảo luận về cách thức và điều kiện áp dụng Hiệp ước phòng thủ chung trong lĩnh vực mạng. Để chính thức hóa nỗ lực trên, hai bên đã ký Khung hợp tác an ninh mạng chiến lược, bao gồm các kế hoạch chia sẻ thông tin về mối đe dọa mạng theo thời gian thực, triển khai các biện pháp hợp tác trong các sự cố mang nghiêm trọng, thúc đẩy công nghệ an ninh mạng và hợp tác chính sách, cùng nhau ứng phó với các hoạt động mạng độc hại, truy cứu trách nhiệm các quốc gia có hành vi phá hoại hoặc bất hợp pháp và tiến hành diễn tập phòng thủ không gian mạng.
Thứ hai, tham vấn chính sách an ninh mạng. Cơ chế tham vấn này lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2012, với các cuộc họp sau đó được triệu tập vào các năm 2013, 2014, 2016 và 2018. Sau khoảng thời gian gián đoạn, cuộc tham vấn thứ 06 diễn ra vào tháng 12.2022 và thứ 07 vào tháng 01.2024. Tại các cuộc tham vấn, hai bên thảo luận về các kế hoạch đối phó với các mối đe dọa mạng của Triều Tiên cũng như tăng cường an ninh cho cơ sở hạ tầng quan trọng. Việc thành lập Nhóm chỉ đạo cấp cao về an ninh mạng (06.2023), với nhiệm vụ điều phối các biện pháp hợp tác an ninh mạng được hai nhà lãnh đạo khởi xướng trong các cuộc thảo luận, dưới sự bảo trợ của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ và Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc, đã giúp nâng tầm mức độ phản ứng nhanh chóng với các mối đe dọa cấp quốc gia. Bộ Tư lệnh Không gian mạng, Cơ quan Tình báo Quốc gia, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng đã ký kết các Bản ghi nhớ (MoU) về tăng cường hợp tác an ninh mạng với Bộ Tư lệnh Không gian mạng, Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Thứ ba, diễn tập chung về an ninh mạng. Song song với các cơ chế tham vấn, các cuộc diễn tập chung về an ninh mạng giữa hai bên đã mang lại những kết quả đáng khích lệ. Tháng 10.2022, Bộ Tư lệnh Không gian mạng Hàn Quốc đã lần đầu tham gia cuộc diễn tập quân sự thường niên “Cyber Flag” của Bộ Tư lệnh Không gian mạng Mỹ nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng và quan hệ đối tác trên không gian mạng với các đồng minh. Tại Hội nghị Tham vấn An ninh năm 2023, Hàn Quốc cũng cam kết tham gia cuộc diễn tập chung thứ 03 được lên lịch vào tháng 05.2024. Tháng 01.2024, cuộc diễn tập liên minh không gian mạng chung đầu tiên giữa Mỹ và Hàn Quốc đã được tiến hành, tập trung vào việc chia sẻ thông tin về mối đe dọa theo thời gian thực và thực hành các quy trình ứng phó trên không gian mạng để tăng cường năng lực hoạt động.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, hợp tác an ninh mạng giữa Mỹ và Hàn Quốc vẫn còn đối diện với không ít thách thức. Trên thực tế, phạm vi diễn tập chủ yếu giới hạn trong quân sự, chưa bao quát được tính chất đa ngành và đa mối đe doạ của các cuộc tấn công mạng hiện nay. Điều này yêu cầu hai nước phải mở rộng các kịch bản diễn tập nhằm đối phó với những tình huống tự nhiên, đặc biệt trong bảo vệ hạ tầng quan trọng như năng lượng và chuỗi cung ứng. Do đó, để tăng cường năng lực đối phó với các nguy cơ an ninh mạng, giới chuyên gia khuyến nghị liên minh Mỹ - Hàn vẫn cần phải tiếp tục mở rộng hợp tác hơn nữa, bằng cách:
Một là, liên tục mở rộng việc chia sẻ thông tin. Việc chia sẻ thông tin kịp thời sẽ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu tấn công mạng, cho phép phản ứng nhanh chóng và ngăn chặn hiệu quả các cuộc tấn công tiếp theo. Đây là một trong những giải pháp hiệu quả nhất để bảo vệ không chỉ an ninh quốc gia mà còn cả nền kinh tế toàn cầu khỏi thiệt hại tiềm tàng do các cuộc tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng quan trọng. Điều này cũng rất thiết yếu trong việc xác định các tác nhân đứng sau các cuộc tấn công. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ bằng chứng điện tử và đảm bảo luồng thông tin được luân chuyển hiệu quả, hai bên có thể cân nhắc ký kết thỏa thuận Đạo luật sử dụng dữ liệu hợp pháp ở nước ngoài (Đạo luật CLOUD).
Hai là, mở rộng phạm vi các cuộc diễn tập chung trên không gian mạng. Hiện nay, các cuộc diễn tập chung trên không gian mạng giữa hai bên phần lớn chỉ giới hạn ở các lĩnh vực quân sự, tập trung vào các Bộ Chỉ huy không gian mạng. Tuy nhiên, các cuộc tấn công mạng gần đây thường liên quan đến các mối đe dọa đa ngành, đặc biệt là các cuộc tấn công nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng, có thể leo thang thành khủng hoảng quốc gia. Do đó, cần mở rộng phạm vi các cuộc diễn tập chung với các kịch bản đa ngành, đa mối đe dọa. Việc thành lập một phạm vi không gian mạng chung sẽ cho phép đào tạo phòng thủ và tấn công mạng có hệ thống, bền vững, không chỉ cho Mỹ và Hàn Quốc mà còn trong các cuộc diễn tập đa phương có sự tham gia của các đồng minh và đối tác khác.
Ba là, mở rộng đối thoại chính sách an ninh mạng. Sau khuôn khổ hợp tác an ninh mạng chiến lược, các cuộc đối thoại liên Chính phủ cấp cao đã được thiết lập, đóng vai trò là nền tảng hiệu quả cho hợp tác cụ thể và trao đổi thông tin nhạy cảm. Tuy nhiên, hợp tác công - tư cũng rất quan trọng đối với an ninh mạng như hợp tác liên minh. Để kết hợp các quan điểm đa dạng và các giải pháp sáng tạo, các bên cần phải mở rộng sự tham gia thông qua các cuộc đối thoại theo hướng 1.5 hoặc 2.0, có sự tham gia của cả các chuyên gia trong khu vực Chính phủ và tư nhân. Cách tiếp cận này sẽ tạo điều kiện cho việc thực hiện cân bằng và cải thiện hiệu quả thực hiện chính sách bằng các sáng kiến tăng cường sự tham gia lâu dài vào hợp tác Mỹ - Hàn.
Bốn là, đảm bảo tính nhất quán và mạch lạc của chính sách. Đây là yếu tố then chốt đối với sự phát triển bền vững của hợp tác an ninh mạng Mỹ - Hàn. Với tư cách là vấn đề an ninh quốc gia và an ninh toàn cầu, an ninh mạng nên hướng tới các mục tiêu an ninh dài hạn, vượt qua các thành tựu ngắn hạn. Do đó, bất kể những thay đổi trong Chính phủ, phải có sự tin tưởng rằng hai bên có thể tiếp tục hợp tác trong dài hạn mà không có sự bất ổn bắt nguồn từ những thay đổi trong chính sách. Vì chính sách an ninh mạng gắn chặt với chính sách ngoại giao, quân sự và kinh tế, nên việc thường xuyên xem xét tính kết nối của các lĩnh vực này là điều cần thiết để đảm bảo rằng tiến trình đạt được trong từng lĩnh vực được duy trì, tạo ra một cấu trúc bền vững cho sự hợp tác lâu dài.
Hợp tác an ninh mạng Mỹ - Hàn Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng trong những năm gần đây, từ việc chia sẻ thông tin, diễn tập chung đến tham vấn chính sách. Tuy nhiên, để đối phó với các mối đe dọa ngày càng phức tạp, hai nước cần tiếp tục mở rộng phạm vi hợp tác, cải thiện cơ chế chia sẻ thông tin và đảm bảo tính nhất quán trong chính sách. Đây không chỉ là yếu tố quan trọng để đảm bảo an ninh quốc gia mà còn đóng góp vào sự ổn định và phát triển của kinh tế khu vực và toàn cầu.