Lực lượng tàu ngầm Hải quân Trung Quốc và Hải quân Nga đang thể hiện thực lực lớn mạnh, được triển khai ở vùng biển cách cảng neo đậu tàu sân bay tương đối xa, thậm chí còn triển khai đến cự ly có thể tiến hành tiến công Mỹ.
Xuất phát từ việc không ngừng mở rộng phạm vi tác chiến chống ngầm, cơ sở hạ tầng tác chiến chống ngầm của Hải quân Mỹ triển khai ở hai bờ Đông Tây nước Mỹ phải thực hiện hành động giám sát theo dõi và bảo vệ lãnh thổ ngày càng nhiều hơn.
Tuy hành động triển khai của tàu ngầm nước ngoài ở khu vực biển gần lãnh thổ nước Mỹ không phải lúc nào cũng tạo ra mối đe dọa trực tiếp đối với nước Mỹ, nhưng trong bối cảnh ấy, Hải quân Mỹ cũng cần phải suy nghĩ một cách thận trọng về nhiệm vụ chống ngầm mà họ sẽ đảm nhiệm trong tương lai. Trong dự toán và trong quá trình triển khai kế hoạch tương lai mà các nhà quyết sách hải quân nghiên cứu và đưa ra, tác chiến chống ngầm nhất thiết phải được đưa vào trong phạm vi ưu tiên xem xét của Hệ thống phòng thủ trên bộ và trên biển. Hải quân Mỹ đã triển khai cơ sở hạ tầng và kỹ thuật tương đối tối ưu trong lĩnh vực tác chiến ngầm.
Trung Quốc
Trước năm 2013, Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Hải quân Mỹ, thượng tướng Sam Locklear đã chỉ rõ: “Về phương diện năng lực tác chiến tàu ngầm, Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ rất lớn, đã có một lực lượng tàu ngầm với quy mô tương đối lớn và ngày càng lớn mạnh về thực lực tác chiến”. Trung Quốc đã mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng tác chiến dưới nước của mình, điều này được thể hiện rất rõ ràng bằng hành động triển khai tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Trung Quốc tại Ấn Độ Dương. Ngoài ra hành động triển khai không chỉ thể hiện khả năng hành trình xa của tàu ngầm Trung Quốc, mà còn thể hiện Trung Quốc đã có thể đưa tàu ngầm hạt nhân triển khai đến vùng biển mà họ có thể sử dụng tên lửa đường đạn để tiến công lãnh thổ nước Mỹ, hoặc các đặc khu kinh tế của Mỹ, thậm chí tiếp cận đến khu vực lãnh hải nước Mỹ. Cùng với việc Trung Quốc liên tục thực hiện các hành động tác chiến ngầm, trình độ huấn luyện, tiến hành tác chiến ngầm của họ cũng sẽ không ngừng được nâng cao.
Trong bối cảnh Trung Quốc liên tục mở rộng và bổ sung lực lượng hạt nhân của mình, trong tương lai họ đã có thể mở rộng phạm vi triển khai tàu ngầm của mình tới những vùng biển vượt ra khỏi khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Trung Quốc đang đóng 4 chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp “Thương” cải tiến, đồng thời còn đang nỗ lực phát triển một lực lượng tàu ngầm thông thường có hiệu quả tác chiến tương đối cao. Do tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc đã có khả năng thực hiện hành động triển khai ở Ấn Độ Dương, thêm nữa quy mô của lực lượng tàu ngầm vẫn đang tiếp tục được phát triển mở rộng, do vậy, có khả năng trong 5 năm tới (thậm chí sớm hơn nữa), Trung Quốc có thể sẽ triển khai tàu ngầm của mình tới khu vực bờ Tây nước Mỹ.
Hành động triển khai tàu ngầm trong tương lai của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc có thể là một thủ đoạn răn đe nhằm vào Mỹ, thể hiện sự tồn tại hoặc dùng để thu thập thông tin tình báo, do vậy đặt ra thách thức ngày càng cao đối Hải quân Mỹ trong việc sử dụng nguồn tài nguyên tác chiến trên biển để thực thi hành động theo dõi chống ngầm và bảo đảm an ninh quốc gia. Những người làm công tác về lĩnh vực an ninh quốc gia của Mỹ không nên cảm thấy ngạc nhiên về xu thế phát triển này. Những nhà quyết sách cao cấp và tầng lớp lãnh đạo hải quân phải đưa ra các kế hoạch cấp chiến dịch và chiến lược để làm thế nào đối phó với việc tàu ngầm Trung Quốc triển khai gần nước Mỹ.
Nga
Đồng thời với việc Trung Quốc không ngừng nâng cao vai trò đối với lực lượng tàu ngầm của họ trong hành động trên biển thì Nga cũng đang nâng cao tầm quan trọng của lực lượng hải quân của mình. Tháng 7 năm 2014, Tổng thống Nga Putin bày tỏ: “Hải quân là thể hiện niềm tự hào, thực lực và sự tôn nghiêm của nước Nga, thực lực của Hải quân Nga sẽ tiếp tục được tăng cường”.
Lực lượng Hải quân Nga cũng đã thể hiện quyết tâm nỗ lực phát triển. Trong hai năm tới, Hải quân Nga sẽ đóng mới 9 chiếc tàu ngầm. Trước mắt, Hải quân Nga đã đưa 02 chiếc tàu ngầm lớp “Borei” vào phục vụ, đồng thời có kế hoạch tiếp tục sản xuất 06 chiếc tầu ngầm lớp này. Loại tàu ngầm kiểu mới này đã hình thành nên một mối “đe dọa thực sự”, gây sự chú ý của dư luận. Loại tàu ngầm này trang bị 16 quả tên lửa đường đạn xuyên lục địa Bulava SS-NX-32 và 6 quả tên lửa hành trình SS-N-15. Ngoài ra, Hải quân Nga còn có kế hoạch trước năm 2020 sẽ đóng 7 chiếc tàu ngầm hạt nhân tiến công lớp “Severodvinsk”, nâng tổng số tàu ngầm lớp này lên đến con số 16 chiếc.
Trong bối cảnh Nga không ngừng sản xuất các tàu ngầm kiểu mới và giới lãnh đạo Nga liên tục yêu cầu phải tăng cường hơn nữa thực lực cho hải quân, Nga có thể gia tăng hoạt động tàu ngầm ở khu vực biển gần nước Mỹ. Sau khi kết thúc chiến tranh Lạnh, phần lớn thời gian Nga không triển khai tàu ngầm ở khu vực biển gần nước Mỹ, nhưng tình hình trên có thể đã có những thay đổi. Năm 2012, một chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp “Sierra” của Hải quân Nga xuất hiện ở bờ biển phía Đông nước Mỹ, và tình trạng này có thể còn tiếp tục phát triển trong tương lai. Ngoài ra, mấy năm gần đây Nga còn tăng cường các hoạt động chống tàu ngầm của Mỹ. Nga gần đây tuyên bố, một chiếc máy bay chống ngầm IL – 38 của Hải quân Nga đã từng xua đuổi một chiếc tàu ngầm hạt nhân của Mỹ trên vùng biển Barents, nhưng lãnh đạo Hải quân Mỹ lại ngay lập tức phản bác thông tin này.
Lực lượng chống ngầm của Mỹ
Việc tăng cường số lượng sản xuất và mở rộng hoạt động của lực lượng tàu ngầm trong tương lai của hai nước Trung Quốc và Nga không phải là điều đáng lo lắng duy nhất trong tác chiến ngầm. Xem xét trên phạm vi toàn thế giới, việc ra đời và đưa vào sử dụng các phương tiện vận tải không người lái dưới nước (UUV) trong lĩnh vực quân sự, đào tạo, thương mại… cũng không ngừng tăng lên. Trong lĩnh vực quân sự, các nước phát triển đang thử nghiệm sử dụng tàu ngầm triển khai UUV, điều này sẽ trở thành một thách thức mới trong tác chiến ngầm cho Quân đội Mỹ. Cùng với kỹ thuật tự động hóa ngày càng hoàn thiện hơn, UUV sẽ có khả năng tự thực hiện hành động triển khai ở những khu vực có nguy cơ tiềm tàng hoặc ở những khu vực có tầm quan trọng về chiến lược. Cùng với việc không ngừng gia tăng về số lượng và hoạt động của UUV trong tương lai, khả năng theo dõi UUV trong tác chiến ngầm sẽ đứng trước nhiều khó khăn thách thức, do đó cần nâng cao tính năng và năng lực xử lý thông tin của các xenxơ.
Đối với các hành động tác chiến tàu ngầm ở nước ngoài và những thành tựu kỹ thuật đã đạt được trong lĩnh vực UUV, lực lượng tác chiến mặt nước Hải quân Mỹ sẽ sử dụng kỹ thuật chống ngầm tiên tiến nhất tính đến thời điểm hiện nay trên nhiều tàu khu trục lớp “Arleigh Burke”. Đến trước năm 2020, Hải quân Mỹ sẽ trang bị hệ thống tác chiến SQQ - 89A (V) 15 trên 64 tàu khu trục lớp này, còn “ra đa mảng pha đa năng” (MFTA) sẽ trở thành “Kẻ thay đổi quy tắc trò chơi” trong lĩnh vực tác chiến chống ngầm. Trong tình huống tích hợp nhiều năng lực tác chiến chống ngầm như đã nói ở trên, điều này sẽ là nhân tố thúc đẩy lực lượng tác chiến mặt nước Hải quân Mỹ thay đổi phương thức dò tìm và theo dõi tàu ngầm đối phương. Cùng với việc tăng cường tính năng của các xenxơ và năng lực xử lý dữ liệu, vai trò của lực lượng tác chiến mặt nước trong hệ thống tác chiến chống ngầm nhất thể hóa của Quân đội Mỹ cũng sẽ không ngừng được nâng cao. So với máy bay, thời gian hành trình liên tục của tàu chiến đảm nhận nhiệm vụ chống ngầm thông thường tương đối dài, đồng thời chúng còn có khả năng chỉ huy và kiểm soát liên tục vượt trội hơn nhiều so với tàu ngầm.
Cùng với kỹ thuật chống ngầm của lực lượng tác chiến mặt nước đạt được những phát triển vượt bậc, lực lượng trên không của Quân đội Mỹ cũng đã triển khai các loại trang bị mới để ứng phó với các thách thức chống ngầm. Trực thăng Sea Hawk MH – 60R và máy bay tuần tra trên biển P – 8A Poseidon có kế hoạch hợp nhất toàn diện với hạm đội vào năm 2020. Những loại trang bị mới này sẽ giúp cho việc nâng cao thực lực tác chiến chống ngầm của hạm đội. MH – 60R đã bắt đầu triển khai thực hiện nhiệm vụ ở khu vực Nhật Bản và khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Ngoài ra, loại trực thăng trên còn được trang bị hệ thống sôna chủ động loại cải tiến. Theo thông tin được biết, cự ly thăm dò của hệ thống sôna này gấp từ 4 đến 8 lần hệ thống cũ.
Đầu tháng 8 năm 2014, Quân đội Mỹ đã tổ chức buổi lễ chính thức đưa 6 chiếc máy bay tuần tra trên biển P-8A vào trang bị, đồng thời đưa chúng triển khai tới khu vực châu Á- Thái Bình Dương. P-8A còn thông qua việc trang bị hệ thống “kết hợp đa điểm chủ động” (MAC) để nâng cao tính năng dò tìm cho các xenxơ. Hệ thống này được tạo thành bởi phao sôna (nguồn tín hiệu và thiết bị tiếp nhận) và thiết bị xử lý tính năng cao. Ngoài hạ tầng cơ sở mới và những tiến triển về kỹ thuật đã trình bày ở trên, tất cả tàu chiến và máy bay chống ngầm được triển khai trong tương lai của Quân đội Mỹ đều sẽ trang bị đồng bộ ngư lôi hạng nhẹ MK 54. Đến năm 2020, những thành tựu mà Quân đội Mỹ đạt được trong lĩnh vực chống ngầm từ mặt nước và trên không đã nêu trên sẽ tạo ra năng lực tác chiến chống ngầm rất mạnh cho họ. Tuy nhiên, Hải quân vẫn cần phải nâng cao tiêu chuẩn huấn luyện phù hợp với năng lực tác chiến mới, đồng thời hình thành nhận thức chung về xem xét ưu tiên tác chiến chống ngầm trong phạm vi hạm đội.
Bộ trưởng Tác chiến hải quân đã chỉ rõ: “Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục lợi dụng mạng lưới do các xenxơ và tổ hợp tác chiến tạo thành để chiếm ưu thế trong tác chiến ngầm”. Hải quân Mỹ đang xây dựng một lực lượng tác chiến trên biển và năng lực chống ngầm với quy mô lớn. Lực lượng tác chiến này sẽ hình thành một hệ thống chống ngầm nhất thể hóa. Ngoài ra, Bộ trưởng Tác chiến hải quân còn nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của hải quân là thực thi hành động tác chiến, còn nhân tài là nền tảng của Hải quân Mỹ. Để đảm bảo cho Hải quân Mỹ thu được thành công trong lĩnh vực tác chiến chống ngầm, nhất thiết phải coi trọng cao độ năng lực tác chiến và bồi dưỡng nhân tài.
Công tác huấn luyện
Tác chiến chống ngầm rất phức tạp, sĩ quan binh sĩ chỉ có thông qua trau dồi lý luận và bồi dưỡng năng lực thao tác thực tế mới có thể nâng cao trình độ huấn luyện. Thiếu tướng nghỉ hưu Hải quân Mỹ, ông James G. Stavridis trong cuốn sách nổi tiếng của mình mang tên “Thuyền trưởng tàu khu trục” đã chỉ ra rằng: “Tàu ngầm giống như con cá mập bằng sắt, có thể âm thầm di chuyển rồi đột nhiên phát động tiến công hủy diệt đối phương. Loại vũ khí này được thiết kế để phục vụ thực thi hành động săn tìm – tiến công. Muốn bảo đảm sự thông suốt trên tuyến đường giao thông trên biển và tạo ra khu vực an toàn cho hoạt động vận tải trên biển của các nước đồng minh thì nhất thiết phải phát hiện và phá hủy tàu ngầm của đối phương. Trong tất cả các hành động tác chiến trên biển, tiêu diệt tàu ngầm đối phương đương nhiên là một nhiệm vụ khó khăn nhất”. Nắm chắc kỹ năng chống ngầm không chỉ đòi hỏi phải mất nhiều thời gian mà còn phải tiến hành huyến luyện rất nhiều và tích lũy kinh nghiệm trong vấn đề trù bị kế hoạch và thực thi hành động chống ngầm. Trong tất cả các khoa mục huấn luyện liên quan đến tác chiến chống ngầm, hải dương học là một khoa mục quan trọng nhất nhưng cũng khó nắm vững nhất. So sánh hình thức tác chiến ngầm với các hình thức tác chiến khác (như tác chiến phòng không) có thể thấy rõ, nắm chắc môi trường tác chiến chống ngầm là một vấn đề chiến thuật cực kỳ phức tạp. Xuất phát từ tính phức tạp của tác chiến chống ngầm, nên cần phải coi hải dương học và bồi dưỡng năng lực tác chiến chống ngầm là một trong những nội dung quan trọng được ưu tiên nghiên cứu kỹ lưỡng. Khoảng 20 năm qua, trong bối cảnh sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc và 10 năm liên tục Mỹ tiến hành chiến tranh chống khủng bố, tác chiến chống ngầm không xếp vào hình thức tác chiến có tầm quan trọng chiến lược. Nếu muốn nâng cao trình độ thuần thục về tác chiến chống ngầm cho các cấp, các đối tượng trong lực lượng Hải quân Mỹ thì trước tiên phải thay đổi văn hóa, cách nhìn nhận của Hải quân Mỹ về phương thức tác chiến này, đó là thay đổi từ việc lấy tác chiến trên không làm nòng cốt sang lấy tác chiến chống ngầm làm chủ chốt. Quân chủng này nhất thiết phải thay đổi cách nhìn nhận này từ cấp trên xuống cấp dưới.
Bất luận là trong hiện tại hay trong tương lai, nước Mỹ đều phải thông qua tác chiến chống ngầm để răn đe và cản trở hành động triển khai tàu ngầm của các nước khác nhằm vào lãnh thổ và lợi ích quốc gia bên ngoài vùng biển nước Mỹ. Sĩ quan chỉ huy cao cấp Hải quân Mỹ phải triển khai lực lượng tác chiến hợp lý, hài hòa nhất ở hai khu vực này một cách thận trọng, đồng thời lấy đó để đảm bảo rằng hải quân luôn luôn chiếm ưu thế khi tác chiến ngầm. Việc sử dụng các tổ hợp tác chiến và kỹ thuật mới trên mặt nước và trên không của Hải quân Mỹ đã giúp cho họ tăng cường khả năng thăm dò, định vị và bắt bám tàu ngầm đối phương. So với thời kỳ chiến tranh Lạnh, những tổ hợp tác chiến và kỹ thuật mới này sẽ thúc đẩy tác chiến chống ngầm của Quân đội Mỹ bước vào thời đại mới. Do hoạt động tàu ngầm của nước ngoài và sự phát triển của kỹ thuật UUV không ngừng gia tăng, Hải quân Mỹ trong quá trình không ngừng nâng cao thực lực tác chiến của mình, nhất thiết phải tiến hành huấn luyện bắt buộc cho sĩ quan binh sĩ để sử dụng thành thạo các tổ hợp tác chiến chống ngầm và các xenxơ tiến tiến./.
- Tác giả: Trường Cung
- Nguồn: T/c “Tàu thuyền hiện đại”, số 11.2014
- Người dịch: Trịnh Văn Huân