Với những cuộc tranh chấp lãnh thổ luôn có thể bùng phát ở khu vực Ấn Độ Dương và châu Á – Thái Bình Dương (Thái Bình Dương), các nước trong khu vực kinh tế đang phát triển nhanh nhất thế giới này đang dành nhiều nỗ lực cho việc củng cố quốc phòng. Nhằm mục đích này, một số quốc gia trong khu vực đang cân nhắc việc mua sắm tàu sân bay làm phương tiện kiểm soát biển dù đó là phương tiện đắt tiền.
Tàu sân bay hiện tại và trong tương lai
Tàu sân bay, đôi khi chỉ là tàu đổ bộ mà thực chất là “tàu khu trục có sàn cất cánh/hạ cánh cho trực thăng” (theo cách phân loại của lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật), và mặt boong của nó cũng có thể sử dụng làm sàn cất/hạ cánh cho cả máy bay cánh cố định và máy bay không người lái (KNL), đã trở thành phương tiện được quan tâm trong bối cảnh các vùng biển phía Đông và phía Nam Trung Hoa đang trở thành trung tâm của những yêu sách chủ quyền mâu thuẫn nhau. Nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự của các quốc gia trong khu vực đang làm cho tình hình trở nên căng thẳng hơn và một cuộc chạy đua vũ trang có lẽ sẽ là điều khó tránh khỏi. Sáu quốc gia có thể gọi là cường quốc trong khu vực đã có hoặc đang đóng 18 chiến hạm có mặt boong phẳng (có thể dùng làm tàu sân bay – Trung Quốc (5), Nhật (4), Ấn Độ (4), Ôxtrâylia (2), Hàn Quốc (2) và Thái Lan (1).
Hồi tháng 8/2013, Ấn Độ đã cho hạ thuỷ chiếc tàu sân bay “Vikrant”, cỡ 37.500 tấn do Ấn Độ tự đóng trong khi Nhật cũng cho hạ thuỷ chiếc tàu khu trục “Izumo” (DDH 183), cỡ 19.500 tấn, có sàn cất/hạ cánh cho trực thăng. Với chiếc “Vikrant”, giờ đây Ấn Độ thuộc nhóm nước có sân bay nổi như Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Nga, Anh và Mỹ.
Trung Quốc cũng đã bắt đầu tự đóng chiếc tàu sân bay đầu tiên, dự kiến hoàn thành trong năm 2018. Trung Quốc dự định đóng 4 chiếc tàu sân bay như vậy, tất cả đều chạy bằng động cơ dùng năng lượng thông thường. Hiện nay Trung Quốc chỉ có chiếc “Liêu Ninh” (vốn là chiếc “Varyag” đang đóng dở, mua của Ucraina năm 1998, đã đưa vào sử dụng trong Hải quân Trung Quốc sau khi hoàn chỉnh ở xưởng đóng tàu Đại Liên ở Đông Bắc Trung Quốc).
Ôxtrâylia đã loại khỏi trang bị chiếc tàu sân bay duy nhất năm 1982- chiếc “Melbourn”, nhưng đang đóng 2 chiếc LHD lớp “Canberra” dựa trên thiết kế tàu BPE (Buque de Proyección Estratégica) của hãng NAVANTIA (Tây Ban Nha). Hàn Quốc đã cho hạ thuỷ chiếc “Dokdo” (6111), cỡ 19.000 tấn trong năm 2005 và hai năm sau đã đưa vào sử dụng. Hàn Quốc dự định đóng thêm một chiếc tương tự.
Thái Lan có chiếc tàu sân bay “Chakri Naruebet” (911) cỡ 11.485 tấn, nhỏ nhất trên thế giới, do Tây Ban Nha đóng, đưa vào sử dụng năm 1997.
Nhất thiết phải có tàu sân bay
Là nòng cốt của các hoạt động tác chiến của hải quân, tàu sân bay được sử dụng cho mục đích kiểm soát biển, tạo cho hải quân khả năng tung sức mạnh đường biển và đường không tầm xa, đồng thời có thể sử dụng làm căn cứ tiến hành các hoạt động ISR, hậu cần, yểm trợ đường không tầm gần, chống ngầm, chống chiến hạm nổi và tiến công các mục tiêu trên đất liền.
Tàu sân bay ngày nay có nhiều dạng, từ tàu tuần dương cải hoán và các tàu có thể chở máy bay đến các tàu chạy bằng động cơ hơi nước và động cơ dùng năng lượng hạt nhân tuỳ theo các yêu cầu tác chiến và khả năng tài chính của các lực lượng hải quân. Tầm hoả lực của tàu sân bay tuỳ thuộc vào kiểu máy bay trên tàu – máy bay cánh cố định hay trực thăng hoặc hỗn hợp. Tuy nhiên, đó là phương tiện rất đắt tiền và ở chừng mực nào đó, dễ bị tổn thương trừ phi nằm trong đội hình một cụm lực lượng chiến đấu.
Nói chung, tàu sân bay là phương tiện quá tốn kém đối với hải quân nhiều nước, hơn nữa, nếu có khả năng tài chính thì họ mua hơn là tự đóng. Nhưng đối với nước siêu cường như Mỹ thì tàu sân bay lâu nay vẫn là phương tiện không thể thiếu để đảm bảo an ninh cho các vùng biển và duy trì ưu thế tuyệt đối trên biển. Các tàu sân bay của Mỹ đã từng đóng vai trò trực tiếp hay yểm trợ cho hầu như tất cả các chiến dịch quân sự lớn của Mỹ từ Chiến tranh thế giới thứ 2.
Tháng 11 năm ngoái, Hải quân Mỹ cho biết đã hạ thuỷ chiếc đầu tiên của thế hệ tàu sân bay mới nhất - chiếc “Gerald Ford” (CVN 78) trị giá 13 tỉ USD. Chiếc tàu sân bay siêu hạng đắt tiền nhất và có sức mạnh chiến đấu lớn nhất này sẽ có tới 4.000 thuỷ thủ và binh lính hải quân đánh bộ. Nó sẽ hầu như không thể bị rađa đối phương phát hiện và có thể đảm bảo cho 220 lần/chiếc máy bay xuất kích mỗi ngày. Trong năm 2016, nó sẽ được đưa vào làm nhiệm vụ trong hạm đội. Niên hạn phục vụ của nó sẽ là 5 thập kỷ. Tuy việc thực hiện dự án đóng tàu sân bay lớp “Ford” này từng bị chỉ trích là chậm trễ và quá tốn kém, nhưng vẫn có kế hoạch đóng thêm 3 chiếc nữa với chi phí 43 tỉ USD.
Trong khi đó, chi phí quá lớn đã làm cho nước Pháp không thể thực hiện được chương trình đóng thêm tàu sân bay. Pháp chỉ có chiếc tàu sân bay duy nhất mang tên “Chasbes de Gaulle” (R91), không những thế chiếc tàu sân bay này chỉ có thể hoạt động 65% thời gian trong một năm vì hệ thống động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân của nó đòi hỏi nhiều thời gian bảo dưỡng. Pháp cũng đã phải rút khỏi chương trình hợp tác đóng tàu sân bay với Anh. Mới đây cơ quan kiểm toán của Pháp tiết lộ Pháp đã tiêu phí 214 triệu ơ-rô cho việc nghiên cứu nằm trong chương trình này, trong đó 112 triệu ơ-rô chi cho chương trình “tàu sân bay tương lai” (Carrier Vessel Future – CVF) của Anh năm 2006-2007 và 102 triệu ơ-rô cho việc nghiên cứu hợp đồng liên quan đến hợp tác công nghiệp (với những kết quả nay trở nên vô dụng). Hai nước đã thương lượng việc chia sẻ chi phí cho chương trình hợp tác này trong năm 2002, nhưng đến năm 2008 việc tiến hành bị đình hoãn và đến năm 2013 thì hoàn toàn bị huỷ bỏ theo luật của Pháp về các chương trình quân sự. Mục tiêu của chương trình hợp tác là đóng hai tàu sân bay lớp “Queen Elizabeth” (hiện đang đóng) cho Hải quân Anh và một chiếc cho Hải quân Pháp.
Chương trình tàu sân bay của Ấn Độ
Là một cường quốc Ấn Độ Dương/châu Á – Thái Bình Dương, gần đây Ấn Độ đã vừa mua, vừa thực hiện chương trình đóng tàu sân bay nhưng đã phải chi những khoản tiền quá lớn. Từ nhiều năm trước, Hải quân Ấn Độ vẫn sử dụng hai cụm lực lượng chiến đấu có tàu sân bay thuộc hai bộ chỉ huy hạm đội phía Đông và phía Tây Ấn Độ. Chiếc tàu sân bay đầu tiên của Ấn Độ - chiếc “Vikrant” (vốn là chiếc tàu sân bay “Hercules” mua lại của Anh) đưa vào sử dụng trong Hải quân Ấn Độ năm 1961 và đã hết niên hạn sử dụng năm 1997. Chiếc thứ hai “Viraat” (vốn là chiếc “Hermes” cũng mua lại của Anh) sẽ bị loại khỏi trang bị trong năm 2018. Chiếc này được đưa vào sử dụng trong Hải quân Ấn Độ từ năm 1987 và lẽ ra đã bị loại khỏi trang bị từ năm 2009.
Sau khi có thêm chiếc “Vikramaditya”, cỡ 44.750 tấn (vốn là chiếc “Admiral Gorshkov” mua lại của Nga), Hải quân Ấn Độ lại có 2 tàu sân bay (sau 17 năm chỉ có 1 chiếc). Ngoài ra, Ấn Độ đã sử dụng chiếc tàu sân bay đầu tiên, đặt tên là “Vikrant”, hạ thuỷ trong tháng 8/2013, giống như tất cả các chương trình mua sắm lớn của Ấn Độ, việc thực hiện chương trình đóng chiếc “Vikrant” đã bị chậm 3 năm so với kế hoạch dự kiến; đến năm 2016 nó mới được chạy thử và đến năm 2018 mới chính thức được đưa vào sử dụng trong Hải quân Ấn Độ. Chiếc “Vikrant” do Cục Thiết kế hải quân (của Hải quân Ấn Độ) thiết kế và đóng tại xưởng đóng tàu quốc gia “Cochin Shipyard Ltd” (CSL). Chiếc tàu sân bay đầu tiên do Ấn Độ tự đóng này có chiều dài 260m, chiều ngang chỗ rộng nhất 60m. Liên đội máy bay trên chiếc “Vikrant” sẽ bao gồm máy bay chiến đấu hạng nhẹ (Light Combat Aircraft – LCA) “TEJAS”, do Ấn Độ chế tạo, trực thăng hạng nhẹ tiên tiến (Advanced Light Helicopter – ALH) “DHRUV”, máy bay tiêm kích MiG-29K và trực thăng Kamov-31 mua của Nga. Tổng chi phí cho việc đóng chiếc “Vikrant” cùng đầy đủ trang bị lên tới trên 4 tỉ USD.
Ấn Độ đã tốn nhiều công sức và tiền của trong việc mua chiếc tàu sân bay cũ “Admiral Gorshkov” của Nga, việc ký hợp đồng này đã bị cơ quan tài chính và tổng kiểm toán của Ấn Độ khiển trách là: “hải quân đang mua chiếc tàu sân bay cũ, tân trang, chỉ còn nửa niên hạn sử dụng và đắt hơn 60% so với mua mới”. Theo nhận xét của cơ quan này thì ngay từ lúc mua, chiếc “Admiral Gorshkov” đã ở tình trạng tồi tệ, đòi hỏi phải đại tu hoàn toàn mới có thể sẵn sàng làm nhiệm vụ. Ấn Độ đã ký với Nga hợp đồng 947 triệu USD hồi tháng 01/2004 cho việc tân trang chiếc tàu sân bay này, bao gồm tháo bỏ giá phóng tên lửa và pháo ở mặt boong phía trước, làm đường băng và sàn dốc cho máy bay cất cánh. Vì thời gian dự kiến hoàn thành hợp đồng này kéo dài quá lâu nên Ấn Độ đã phải nhiều lần tu sửa chiếc “Viraat” để bảo đảm cho Hải quân Ấn Độ luôn có ít nhất một cụm lực lượng đặc nhiệm có tàu sân bay. Ban đầu, chiếc tàu sân bay “Admiral Gorshkov” dự kiến sẽ được bàn giao cho Ấn Độ vào tháng 8/2008, tức là vào khoảng thời gian chiếc “Viraat” bị loại khỏi trang bị. Tuy nhiên, đến tháng 3/2010, phía Nga yêu cầu thương lượng lại và nâng giá lên đến 2,2 tỉ USD với điều khoản bổ sung máy bay tiêm kích MiG-29K/KUB và trực thăng Ka-27 PS/PL và Ka-31R. Nồi hơi của tàu sân bay bị nổ trong thời gian chạy thử trên biển cũng làm cho việc bàn giao không thể thực hiện đúng thời hạn đã định là vào tháng 12/2012 (theo hợp đồng đã thương lượng lại). Trong khi đó, Ấn Độ đang thực hiện kế hoạch tự đóng 2 chiếc tàu sân bay lớp “Vikrant” và đã khởi công đóng chiếc thứ hai.
Kết luận
Hiện nay, Bắc Triều Tiên dưới chính quyền “bất khả tiên đoán” và thường tỏ ra hiếu chiến, chưa có kế hoạch mua sắm tàu sân bay, nhưng rồi đây, nếu hải quân nước này có tàu sân bay thì tình hình khu vực châu Á- Thái Bình Dương sẽ trở nên căng thẳng hơn. Hàn Quốc, với 2 chiếc tàu sân bay lớp “Dokdo”, có ý định tăng cường lực lượng hải quân biển xanh để đối phó với các lực lượng hải quân đang nhanh chóng được tăng cường của Trung Quốc và Nhật. Chiếc tàu sân bay thứ hai lớp “Dokdo” chở trực thăng sẽ có sàn dốc cho máy bay cất/hạ cánh thẳng đứng hay trên đường băng ngắn (STOL hay VTOL). Chiếc “Dokdo” thứ nhất cũng có thể sẽ được trang bị kiểu sàn dốc cất cánh đó vào năm 2019. Hàn Quốc cũng có thể sẽ đóng một chiếc tàu xung kích đổ bộ trước năm 2019, tương tự chiếc “Juan Carlos I” của Hải quân Tây Ban Nha, và 2 tàu sân bay hạng nhẹ cỡ 30.000 tấn trong khoảng năm 2028 đến 2036.
So sánh các kiểu tàu sân bay trên thế giới
CATOBAR (Catapult Assisted Take-off, Barrier Assisted Recovery)- (cất cánh nhờ máy phóng, hãm đà chạy khi hạ cánh bằng dây)
Mỹ
Ford, Nimitz 100.000 tấn; dài 330m; 80 máy bay |
Anh
Queen Elizabeth 65.000 tấn; dài 280m; 40 máy bay |
Pháp
Charles de Gaulle 40.600 tấn ; dài 232m ; 40 máy bay |
Bra-xin
Sao Paolo 33.600 tấn; dài 236m; 40 máy bay |
Tàu sân bay động cơ hạt nhân (CVN) | Tàu sân bay động cơ thông thường (CV) | (CVN) | (CV) |
STOBAR (Short Take-off, Barrier Assisted Recovery)- (cất cánh trên đường băng ngắn, hãm đà chạy khi hạ cánh bằng dây).
Trung Quốc
(Varyag cũ) 65.000 tấn; dài 302m; 50 máy bay |
Nga
Kuznetsov 65.000 tấn; dài 302m; 50 máy bay |
Ấn Độ
Vikramaditya 45.000 tấn; dài 274 m; 50 máy |
CV | CV | CV |
STOL (Short Take-off & Landing)- (cất/hạ cánh trên đường băng ngắn)
Mỹ
America-Wasp 45.000 tấn; dài 257m; 40 máy bay |
Anh
Invincible 20.300 tấn; dài 211m; 22 máy bay |
Anh
Ocean 21.700 tấn; dài 201m; 20 máy bay |
Pháp
Mistral 21.000 tấn; dài 199m; 16 máy bay |
Italia
Cavour 26.000 tấn; dài 244m; 20 máy bay |
Italia
Garibaldi 13.000 tấn; dài 179m; 18 máy bay |
Tàu đổ bộ chở máy bay (LHA)
Tàu xung kích đổ bộ đa dụng (LHD ) |
Tàu sân bay hạng nhẹ, động cơ thông thường (CVL) | Tàu xung kích đổ bộ chở trực thăng (LPH) | LHD | CVL | CVL |
Ôxtrâylia
Canberra (vốn là chiếc “Juan Carlos” do Tây Ban Nha đóng); 27.000 tấn; dài 230m; 30 máy bay |
Thái Lan
Naruebet (vốn là chiếc “Asturias” do Tây Ban Nha đóng) 17.000 tấn; dài 196m; 29 máy bay |
Hàn Quốc
Dokdo 18.000 tấn; dài 200m; 15 máy bay |
Nhật Bản
Hyuga 20.000 tấn; dài 198m; 18 máy bay |
LHD | CVL | LPH | CVH (tàu chở trực thăng) |
- Tác giả: Sarosh Bana
- Nguồn: T/c “Naval Forces”, số 5.2014
- Người dịch: Lê Thế Mỹ