Vào đầu tháng 3.2014, khi tàu khu trục lớp Arleigh Burke USS Truxtun (DDG-103) đi vào vùng biển Đen - chưa đến một tuần, sau khi các lực lượng Nga bắt đầu tiến vào bán đảo Crưm - nhiều bài báo dự đoán rằng lực lượng đánh trả Nga đã di chuyển hệ thống tên lửa phòng thủ bờ K-300P Bastion-P (SSC-5 Stooge) từ thành phố Anapa, Krasnodar (Nga) sang một vị trí mới gần Sevastopol.
Động thái đơn giản này đã làm gia tăng sự phức tạp của bức tranh hoạt động, vốn đã rắc rối, và bộc lộ rõ sự hiện diện của một hệ thống sát thương tiềm tàng, có thể kiềm chế sự quan tâm hải quân không mong muốn trong tầm tay. Trong cuộc diễu binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5/2014 được tổ chức ở Sevastopol sau khi Nga chiếm đóng Crưm, người ta đã nhìn thấy 2 bệ phóng K-300P Bastion-P cùng với 2 hệ thống ra đa Monolit-B đi kèm, nằm trong số các khí tài quân sự tham gia diễu binh.
Mặc dù, các hệ thống tên lửa phòng thủ bờ thường được triển khai ở phía Tây, nhưng chúng đã trở thành một thành phần được tính đến trong bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào, bởi vì các nước đều đã chứng kiến và học hỏi, từ các cuộc không kích và tấn công bằng tên lửa hành trình, được phóng từ các tàu mặt nước neo đậu ở ngoài khơi Sừng châu Phi, vùng Vịnh và Biển A rập, trong hơn 25 năm qua.
Giống như ở bán đảo Crưm, sự hiện diện của tổ hợp tên lửa phòng thủ Bastion ở Sirya đã khiến cho các vùng biển ngoài khơi bờ biển Sirya không còn an toàn đối với các tàu mặt nước, khi cuộc nội chiến của nước này gia tăng vào cuối năm 2011.
Mặc dù ở mức độ thấp hơn, mối đe dọa tên lửa vẫn chưa phai mờ trong tâm trí của các thủy thủ đã từng tham gia sự kiện ngày 16/7/2006, khi một tên lửa được phóng từ bệ phóng trên bờ biển Li băng nhằm vào tàu hộ vệ lớp Sa’a-5 INS Hanit của Ixraen, đang hoạt động ở ngoài khơi cách bờ biển Bây rút 10 hải lý.
Các phiên bản đối hạm chuyên dụng của tên lửa đường đạn ngày càng được xem là mối đe dọa đang nổi lên, do đó, chúng có thể tham gia vào các hoạt động phòng thủ bờ tương lai, ở tầm hơn xa hơn so với trước đây. Nằm trong nội dung của các cuộc tập trận Great Prophet-9 (Paymabare Azam9) diễn ra ở vùng Vịnh và Eo biển Hóc mút vào ngày 25/2/2015, Lực lượng cảnh vệ cách mạng Hồi giáo Iran đã bắn 2 tên lửa hành trình và 2 tên lửa đường đạn nhằm vào một bia mô hình quy mô lớn tàu sân bay của Mỹ, đang neo đậu trên biển.
Tuy nhiên, mới chỉ có một vài tổ hợp tên lửa phòng thủ bở sử dụng tên lửa được thiết kế riêng theo yêu cầu của khách hàng. Xu hướng chung, các tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ thường sử dụng các tên lửa đối hạm thương mại có sẵn hoặc các biến thể của chúng, đi kèm với những tên lửa này là những bệ phóng mới đặt trên đất liền và các hệ thống điều khiển. Trong một số trường hợp, các hệ thống điều khiển sử dụng các biến thể của khí tài điều khiển ban đầu được phát triển để lắp đặt trên tàu.
Xu hướng này đã thể hiện rõ qua 2 tổ hợp mới được MBDA công bố gần đây. Tại triển lãm DIMDEX-2014 tổ chức ở Ca ta, MBDA đã công bố về tổ hợp phòng thủ bờ Marte mới của họ, thành phần cấu tạo gồm: một mô đun chỉ huy và điều khiển (C2) được đặt trong ca bin được kết nối qua một đường truyền dữ liệu với hệ thống giám sát cấp trên; một mô đun bệ phóng đặt trên xe tải với 4 tên lửa; một xe bảo đảm kỹ thuật và các xe tiếp đạn khác nhau.
Hai loại tên lửa được chào hàng là tên lửa Marte Mk 2/N để tác chiến ở vùng biển gần (nước nông); và tên lửa Marte ER hút khí mới, được dùng để tác chiến ở vùng biển xa hơn. Tên lửa Marte ER sử dụng động cơ đẩy tua bin phản lực nhỏ, sử dụng ra đa hoặc đầu tìm tạo ảnh hồng ngoại, để tự dẫn giai đoạn cuối, với một đường truyền dữ liệu cho phép chỉ thị mục tiêu tầm xa và tái chỉ thị mục tiêu, trong quá trình tác chiến. Tầm tác chiến của mẫu tên lửa này vào khoảng 120 km.
Gần đây hơn, tại triển lãm IDEX 2015 tổ chức vào tháng 2/2015 ở Ấn Độ, MBDA công bố, hãng đã kết hợp với công ty GEM Electronica (Italia) và công ty Siham Al Khaleej Technology (SAKT) của các Tiểu vương quốc A rập để trưng bày một hệ thống tên lửa, dựa trên hệ tên lửa Marte, kết hợp đài điều khiển từ xa của trận địa bờ CBRS 100-MD của công ty GEM.
Thách thức ngăn chặn
Các tên lửa phòng thủ bờ là mối đe dọa chiến lược, đặc biệt là khi chúng được triển khai ở những khu vực được xem là những “điểm chốt” đối với giao thông hàng hải như vùng Vịnh, và các eo biển khác nhau ở Đông Nam Á.
Các đường biên giới biển của Iran ở vùng Vịnh có chiều dài hơn 2400 km và 740 km chạy dọc theo bờ biển Caspia. Hệ thống phòng thủ bờ điển hình của Iran gồm một số trận địa tên lửa, mỗi trận địa ccos nhiệm vụ bảo vệ một khu vực đặc biệt của vùng biển chủ quyền ven bờ. Những trận địa phòng thủ này được trang bị một loạt các tổ hợp tên lửa khác nhau gồm tên lửa CSS-N-2 Silkworm của Trung Quốc, với tầm bắn 96,5 km (60 dặm), và tên lửa CS-802 Saccade.
Trong khi Iran đánh giá những đơn vị tên lửa này là những đơn vị đem lại cho Iran khả năng kiểm soát hiệu quả các vùng biển ven bờ và gần với eo biển Hóc mút, nhưng trên thực tế vẫn có một số bằng chứng cho thấy những sự hoài nghi về hiệu quả chiến đấu của những vũ khí kiểu cũ này. Trong một bài báo được đăng tải trên Tạp chí Khoa học Mỹ (Journal of American Science) năm 2010, tác giả Ali Peiravi – Đại học Ferdowsi, ước tính phải cần nhiều hơn 10 trận địa tên lửa để bảo vệ toàn bộ đường bờ biển của Iran, nhưng cũng bày tỏ sự quan ngại về độ tin cậy của những hệ thống tên lửa phòng thủ bờ của Iran.
Ông ta nhận xét, chi phí của cuộc chiến tranh Iran/Irắc trong những năm 1980, được tiếp nối bằng nhiều năm tái thiết sau chiến tranh, đã buộc phải giảm đáng kể những chi tiêu quân sự và làm sụt giảm độ tin cậy của khí tài trang bị đã triển khai. “Việc triển khai những khí tài trang bị mà các chi tiết đã bị hao mòn phần nào, các chi tiết chất lượng thấp, hoặc các chi tiết với chế độ sai hỏng tiềm tàng là không thể tránh khỏi”.
Giả thiết là tầm tối đa của các tổ hợp tên lửa này vào năm 2010, là có thể đạt được, và chiều dài của đường bờ biển Iran đều được bảo vệ, thì vẫn “cần có những cải tiến nâng cấp độ tin cậy để duy trì mức độ sẵn sàng có thể chấp nhận được đối với hệ thống tên lửa phòng thủ”.
Học thuyết quân sự Trung Quốc đánh giá vai trò của các trận địa tên lửa phòng thủ bờ như là phương tiện buộc các tàu mặt nước đối phương phải hoạt động cách xa bờ biển của Trung Quốc và ngăn chặn những mưu đồ của đối phương tiến hành các hoạt động phong tỏa hoặc tuần tra kiểm soát.
Dù là triển khai dưới dạng cố định hoặc là các tổ hợp cơ động, tất cả các tên lửa hành trình đối hạm trong trang bị của Trung Quốc đều do Lực lượng hải quân Trung Quốc vận hành. Các kiểu tên lửa quan trọng nhất hiện nay gồm có: YJ-62/C-602 và HY-4/C-201/CSSC-7 ‘Sadsack’, đã thay thế cho các tên lửa phòng thủ bờ HY-1 và HY-2 trước đây.
Các nguồn tin của Trung Quốc đã công khai các bức ảnh về một kiểu tên lửa có cấu hình chung giống như tên lửa đối hạm động cơ đẩy phản lực dòng thẳng (ramjet) KH-31 (AS-17 Krypton) của Nga. Theo thông báo, tên lửa này có chiều dài 7 m, nặng 2000 – 2500 kg, có tên là Ying Ji -12 ( Eagle Strike-12). Hệ thống tên lửa này có lẽ chủ yếu làm vũ khí trên tàu, nhưng phiên bản phòng thủ bờ cũng có thể đã được phát triển.
Tên lửa đối hạm tiềm năng nhất của Trung Quốc hiện đang trong quá trình phát triển là YJ-18, theo thông báo, thuộc hệ thống tên lửa dùng động cơ phản lực dòng thẳng, phóng thẳng đứng, có lẽ bắt chước công nghệ từ hệ tên lửa Kh-41 Moskit (SS-N-22 Sunburn) đã có trong trang bị của Trung Quốc. Trong cấu hình ban đầu, YJ-18 dự kiến sẽ là dạng vũ khí lắp đặt trên tàu, nhưng phiên bản triển khai trên bộ cũng có thể được phát triển.
Đã có những báo cáo liên tục, nhưng chưa khẳng định, rằng một phiên bản phòng thủ bờ của tên lửa hành trình DH-10 phóng từ trên bộ của Trung Quốc đã được phát triển và triển khai như một vũ khí chống tàu sân bay có triển vọng. Ở dạng tấn công mặt đất, tên lửa DH-10 được triển khai lần đầu tiên vào năm 2008, tiếp đến là phiên bản phóng từ trên không CJ-10 vào năm 2010.
Báo cáo của RAND mang tựa đề “Triển khai tên lửa chống tàu đặt trên mặt đất ở Tây Thái Bình Dương” công bố năm 2013, ghi nhận ảnh hưởng tiềm tàng của các đơn vị tên lửa phòng thủ bờ trong khu vực và cho rằng “các hệ thống đặt trên bộ thể hiện sự nổi trội về khả năng chống tiếp cận/ngăn chặn khu vực (A2/AD) của Trung Quốc”.
Báo cáo cũng nhận thấy các tên lửa chống tàu (ASM) đặt trên mặt đất của phương Tây như một vũ khí đối phó tiềm tàng với những phát triển này và cho rằng eo biển Malacca, Sunda và Lombok là những vị trí triển khai có triển vọng cùng với Nhật bản, Đài Loan, và Philippin.
Báo cáo cảnh báo khi triền khai lực lượng ASM trên mặt đất ở khu vực sẽ đe dọa và khiêu khích không cần thiết đối với Trung Quốc, cũng như phá hoại những nỗ lực của Mỹ hợp tác với Trung Quốc. Sự đồng thuận của các nước chủ nhà cho phép triển khai các tổ hợp tên lửa ASM của Mỹ có lẽ cũng không phải là nguyên nhân xung đột tương lai với Trung Quốc. Báo cáo cho rằng nếu Trung Quốc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực chống lại các nước đồng minh hoặc đối tác của Mỹ trong khu vực, thì Mỹ cần có khả năng di chuyển nhanh chóng các tổ hợp ASM đến khu vực, hoặc là từ lãnh thổ Mỹ hoặc là từ các kho dự trữ sẵn ở châu Á.
Trên thị trường hiện nay, người ta có thể tìm thấy không chỉ có các tên lửa chống hạm lắp đặt trên tàu, mà còn cả các tên lửa bay với vận tốc dưới âm hoặc siêu âm.
Tháng 12/2008, Ba lan đã trở thành khách hàng xuất khẩu đầu tiên đối với hệ tên lửa tấn công hải quân (NSM) Kongsberg, với đơn đặt hàng trị giá 127 triệu USD, để trang bị cho một tiểu đoàn tên lửa phòng thủ bờ hoàn chỉnh, gồm 6 xe bệ phóng, mỗi xe có khả năng mang phóng tới 4 tên lửa. Hợp đồng ban đầu mới chỉ gồm 12 tên lửa siêu âm, nhưng phụ lục hợp đồng được ký vào tháng 12/2010 lại liên quan đến 38 tên lửa.
Tiểu đoàn tên lửa phòng thủ bờ đầu tiên đạt được khả năng sẵn sàng tác chiến đầy đủ vào năm 2015. Do tình hình khủng hoảng ở Ukraina hiện nay, tháng 4/2014, Ba lan tuyên bố họ sẽ xúc tiến triển khai các kế hoạch mua trang bị cần thiết để thành lập một tiểu đoàn tên lửa phòng thủ bờ thứ 2 trang bị tên lửa NSM.
Ba lan cũng không phải là nước duy nhất nhận ra sức hấp dẫn của tên lửa đối hạm siêu âm. Tháng 5/2014, Tư lệnh lực lượng tên lửa chiến thuật của Azerbaijan - Boris Obnosov công bố nước này cũng quan tâm đến việc mua các tổ hợp tên lửa bờ 3K60 BAL-E (SSC-6 Sennight). Tổ hợp tên lửa này được phát triển dựa trên hệ tên lửa siêu âm Kh-35 Uran (SS-N-25 Swichblade).
Một trận địa tên lửa BAL-E theo thông báo gồm 4 xe bệ phóng thẳng đứng TEL, mỗi xe bệ phóng được trang bị 8 ống phóng chứa tên lửa Kh-35; 2 xe chỉ huy và điều khiển; 4 xe tiếp/nạp đạn; xe kiểm tra và bảo dưỡng; quân số 46 người. Tổ hợp tên lửa này có thể triển khai chiến đấu ở vị trí mới trong vòng 10 phút, và có thể bắn phóng loạt tên lửa đầu tiên. Thời gian nạp lại đạn tên lửa từ xe vận chuyển vào các ống phóng mất từ 30 - 40 phút.
Năm 2012, Vênêduyêla công bố ý định thành lập một tiểu đoàn tên lửa phòng thủ bờ, trang bị các tên lửa BAL-E, nhưng cho đến gần đây vẫn chưa thấy có thông tin mới về đơn đặt hàng.
Những mối đe dọa tốc độ cao
Gần đây, một số khách hàng hệ thống phòng thủ bờ đã chọn lựa tên lửa siêu âm. Tổ hợp tên lửa đầu tiên K-300P được phát triển dựa trên phiên bản tên lửa Bastion (SSC-5), sử dụng tên lửa siêu âm 3M55 Oniks, ban đầu được phát triển làm vũ khí lắp đặt trên tàu. Phiên bản xuất khẩu của mẫu tên lửa này được biết đến là Yakhont.
Trong vai trò phòng thủ bờ, tên lửa Oniks ban đầu được lắp đặt cho bệ phóng TEL MAZ-543 cải tiến, mỗi bệ phóng chứa 3 tên lửa trong ống phóng. Trong khi tổ hợp Bastion-P được đặt trên xe bệ phóng TEL K-340P trang bị 2 tên lửa trong 2 ống phóng, thì phiên bản Bastion –S là phiên bản triển khai cố định với bệ phóng được bảo vệ cố định.
Các phiên bản Bastion-P và Bastion-S đã có trong trang bị của Nga kể từ năm 2010, và Việt Nam đã trở thành khách hàng xuất khẩu đầu tiên vào năm 2009 (sau 3 năm đàm phán). Được biết 8 bệ phóng TEL của hệ Bastion-P đã được đưa vào trang bị của Việt Nam, và những cuộc đàm phán đối với đơn đặt hàng tiếp theo, theo thông báo, đã diễn ra vào năm 2011, cho dù không có thông tin chi tiết nào được khẳng định kể từ đó. Xi ry có thể đã mua tổ hợp Bastion-P vào năm 2007, và bệ phóng đầu tiên trong tổng số 38 bệ phóng TEL Bastion-P đã được chuyển giao vào năm 2011.
Tổ hợp tên lửa Oniks còn đóng vai trò như điểm khởi đầu cho chương trinh do Nga và Ấn Độ triển khai từ năm 1998, nhằm phát triển một biến thể tầm gần của tên lửa BrahMos. Các tên lửa hoàn thiện đã sẵn sàng cho các phiên bản triển khai trên tàu và đặt trên bộ, còn phiên bản lắp đặt cho tàu ngầm và phóng từ trên không, hiện đang được phát triển.
Không có những văn bản chính thức về phiên bản đặt trên bộ đất đối đất, được Lục quân Ấn Độ triển khai, có thể sử dụng trong vai trò phòng thủ bờ hay không, nhưng theo báo chí Ấn Độ, một đợt thử nghiệm tên lửa BrahMos đã diễn ra vào đầu năm 2012; đã kiểm tra thành công một phiên bản tên lửa chống tàu sân bay. Mẫu tên lửa này có tầm tối đa 290 km, và theo thông báo, tên lửa bay với vận tốc siêu âm giai đoạn cuối, và lao thẳng xuống để cơ động, được phát triển dựa trên phiên bản được lục quân sử dụng để giao chiến với các mục tiêu ở địa hình đồi núi.
Năm 2013, Lục quân Ấn Độ công bố nhu cầu về 15 hệ thống tên lửa phòng thủ bờ cơ động, để triển khai ở nhiều vị trí khác nhau dọc theo bờ biển của đất nước, thay thế cho tổ hợp tên lửa 4K51 Rubezh (SS-C-3 Styx) của Liên Xô trước đây, và tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng F-15 Termit.
Nhu cầu đòi hỏi một hệ thống gồm các xe bệ phóng cơ động, xe sở chỉ huy cơ động và một xe dự phòng có khả năng trang bị trở thành các bệ phóng cơ động.
Một nhu cầu tương tự về hệ thống tên lửa chống hạm tầm trung lắp đặt trên tàu mới, và theo thông báo, hải quân Ấn Độ muốn sử dụng cùng một loại tên lửa cho cả hai nhiệm vụ. Chỉ tiêu kỹ thuật đã được đề xuất gồm: tầm bắn trên 150 km và một đầu đạn nặng trên 150 kg, nhưng theo thông báo, chỉ tiêu kỹ thuật cũng không nêu rõ đó là tên lửa cận âm hoặc siêu âm, và sự lựa chọn vẫn còn để ngỏ.
Tên lửa đường đạn tiếp tục có vai trò
Các tên lửa đường đạn phóng từ tàu mặt nước – thường được xem là những vũ khí chiến lược – hiện đang được đưa vào hoạt động, dưới dạng tên lửa đối hạm, đặt ra những thách thức mới đối với các nước đang bổ sung chúng vào các lực lượng phòng thủ bờ, cũng như những lực lượng hải quân tự xem chúng là những mục tiêu tiềm tàng.
Do tầm của nhiều tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ vượt xa hơn đường chân trời, nên việc sử dụng hiệu quả những tổ hợp này đòi hỏi người vận hành có được sự nắm bắt tình hình di chuyển của đối phương ở những vùng biển tương đối xa. Với các phương tiện mang xen xơ tầm xa như máy bay, phương tiện bay không người lái (UAV), tàu mặt nước hoặc tàu ngầm, các hệ thống chỉ huy và điều khiển đặt trên bờ có thể tạo dựng bức tranh chiến thuật tổng hợp và xác định được những chiếc tàu nào đang hoạt động trong tầm hiệu quả của các trận địa phòng thủ bờ là tàu đối phương, và những con tàu nào là của lực lượng trung lập. Sau đó có thể tiến hành phân chia mục tiêu cho từng trận địa phòng thủ bờ.
Tên lửa đường đạn DF-21D (CSS-5 Mod4) của Trung Quốc dường như là loại tên lửa đầu tiên đảm nhận nhiệm vụ này. Thông tin khẳng định đầu tiên về sự tồn tại của kiểu tên lửa này xuất hiện vào tháng 7/2011, khi Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc-tướng Chen Bingde tiết lộ: loại tên lửa này “vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm”.
Được điều khiển bằng nhiều xen xơ đặt trên vũ trụ, trên máy bay và mặt đất hoặc bởi các tàu hải quân, tên lửa DF-21D có tầm tác chiến tối đa 1.550 – 2000 km, còn thông tin do Trung Quốc công khai là 2.700 km, vẫn chưa được kiểm định.
Trong giai đoạn tên lửa lao xuống, tải trọng chiến đấu (đầu đạn) của DF-21D bay theo đường bay cơ động để giảm vận tốc bay trở về khí quyển, ước tính vào khoảng Mach 7 -10, sau đó sử dụng một số dạng xen xơ để định vị và tấn công các tàu mặt nước cỡ lớn. Một số bài báo cho rằng tự dẫn giai đoạn cuối, tên lửa sử dụng kết hợp dẫn đường bằng ra đa và xen xơ quang học, nhưng một số nguồn tin khác lại cho rằng tên lửa sử dụng đầu tìm hồng ngoại thụ động.
Theo thông báo, các loại đầu đạn: hạt nhân, nổ phá (HE), chứa đạn con, xung điện từ (EMP), tất cả đều có thể là tải trọng chiến đấu của tên lửa DF-21D, nhưng trong bối cảnh xung đột phi hạt nhân, thì đầu đạn chứa đạn con có thể thích hợp và hiệu quả nhất để đánh phá các tàu chiến quan trọng.
Theo báo cáo thường niên trình Quốc hội của Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2014 về khả năng quân sự của Iran, phiên bản tên lửa đường đạn chống hạm (AShBM) Khalij Fars của tên lửa đất đối đất chiến thuật Fateh-110 đã được chuyển giao cho các đơn vị chiến đấu.
Được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 2/2011, tên lửa này có tầm bắn 300 km và đầu đạn nặng 650 kg, tương tự như các phiên bản gần đây của tên lửa Fatech -110, nhưng tên lửa Khalij Fars sử dụng một xen xơ quang điện tử lắp ở mũi tên lửa để dẫn tên lửa vào tàu mục tiêu trong giai đoạn cuối đường bay. Trong buổi lễ bàn giao tổ chức vào ngày 5/3/2014, đã có 8 tổ hợp tên lửa Khalij Fars được đưa ra trưng bày, nhưng không rõ những tên lửa này đã thực sự đi vào hoạt động hay chưa.
Một bài báo do Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) công bố vào tháng 8/2014 cho biết, không thấy có bằng chứng Iran đạt được khả năng nói trên. Bởi không có thông tin thỏa đáng, thì các hệ thống tên lửa phòng thủ bờ cũng sẽ gần như bị mù.
Nhận xét này đã được minh chứng sau vụ tấn công vào tàu INS Hanit tháng 7/2006. Trong vòng một ngày, tất cả các trạm ra đa trên bờ biển Li băng đã bị phá hủy mang tính hệ thống hoặc là bằng các cuộc không kích của Ixraen, hoặc bằng hỏa lực pháo hạm. Mặc dù, Hizbullah tuyên bố đã tấn công và đánh đắm thêm 2 tàu hộ vệ của Ixraen, nhưng cũng không thấy có những cuộc tấn công nào nữa, được công bố. Hoặc là Hizbullah đã sử dụng cạn kiệt kho tên lửa chống tàu có hạn của mình, hoặc là sự thiệt hại của các trạm ra đa bờ biển đã làm hệ thống tên lửa không còn thông tin nắm bắt tình hình cần thiết để tiến hành các cuộc tiến công tiếp theo.
Tên lửa đường đạn được phóng vào một mục tiêu hải quân giá trị cao sẽ đánh vào một vị trí được dự tính trước của tàu mục tiêu. Tàu mục tiêu dự kiến cũng sẽ di chuyển một khoảng cách đáng kể trong trời gian tên lửa bay theo quỹ đạo đường đạn. Một tên lửa đường đạn phóng từ cự ly1500 – 2000 km, thì thời gian bay của nó vào khoảng 10 -13 phút, còn khi tên lửa ở cách xa 300 km, thì thời gian bay chỉ khoảng 5 phút. Nếu được cảnh báo về hoạt động phóng tên lửa, thì tàu mục tiêu cao tốc như tàu sân bay có thể thay đổi hành trình và di chuyển được cự ly 6 - 8 km, nếu bị tấn công bằng loại tên lửa đường đạn, hoặc 3 km trong trường hợp bị tấn công bằng tên lửa tầm gần hơn.
Trong giai đoạn tên lửa đường đạn lao xuống tầng khí quyển, chúng sẽ phải nhận biết và bắt bám mục tiêu, sau đó hiệu chỉnh đường bay cuối cùng, trong khoảng thời gian bay 20 - 30 giây. Các biện pháp chế áp như máy gây nhiễu chủ động, mồi bẫy bay tự do hoặc thả trôi, và nhiễu tiêu cực có thể được triển khai để làm rối loạn tên lửa được dẫn bằng ra đa. Còn với các tên lửa được dẫn bằng hồng ngoại, có thể làm rối loạn bằng tổ hợp các biện pháp chế áp hồng ngoại định hướng.
Bất kỳ mối đe dọa tên lửa được phát triển để đối phó với các tàu chiến phương Tây hoặc tàu vận tải quốc tế, thì đã có các vũ khí đánh chặn tên lửa đường đạn SM-3 (và SM-6 mới có khả năng tự dẫn giai đoạn cuối) được triển khai trên các tàu chiến, do đó, mối đe dọa sắp tới cũng sẽ không gây ra bất kỳ thách thức nào.
Trong trường hợp đòn tiến công của các tên lửa cự ly 300 km, thì có thể sẽ là cuộc tấn công ồ ạt làm bão hòa các hệ thống phòng thủ của các tên lửa đối hạm kiểu Scud không có khả năng dẫn đường giai đoạn cuối. Trên thực tế, dạng chiến thuật này sẽ chỉ được áp dụng, nếu như trắc thủ hoàn toàn tin chắc có sự hiện diện của mục tiêu giá trị cao như tàu sân bay, nhưng loại hình tấn công kiểu này có thể vẫn bị ngăn chặn bởi hỏa lực phòng thủ mạnh, hữu hiệu được trang bị trên các con tàu quan trọng kể trên.
Tầm với của pháo phòng thủ bờ
Ngay sau khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2, phần lớn các nước đều đã loại bỏ pháo phòng thủ bờ, thay vào đó chủ yếu là các loại tên lửa có điều khiển, tầm gần, cơ động hơn, bởi vì loại vũ khí tên lửa này được sản xuất với số lượng rất lớn, đủ đáp ứng nhu cầu của những nước đang phải bảo vệ bờ biển từ các vũ khí bố trí trên bờ.
Chẳng hạn, nước Anh đã loại bỏ pháo bờ biển vào năm 1956, chỉ giữ lại pháo 230 mm để bảo vệ eo biển Gibraltar, nhưng sau đó những khẩu pháo này cũng được thay thế bằng tên lửa Exocet triển khai trên rơ moóc. Sau này, chính hệ thống tên lửa này cũng bị đưa ra khỏi trang bị và không được triển khai.
Tuy nhiên, một số nước như Na Uy và Thụy Điển, vẫn tiếp tục duy trì các tổ hợp pháo bờ biển 75 và 120 mm đặt trên bệ cố định được bảo vệ vững chắc, và ở một số vị trí được bố trí các tổ hợp pháo bờ biển có tính cơ động hơn.
Phần lan vẫn giữ một số tổ hợp pháo bờ biển 130 mm triển khai cố định, nhưng rõ ràng có những trở ngại đối với các vị trí cố định. Phần lớn các nước giữ lại pháo bờ biển đang chuyển sang các tổ hợp pháo cơ động, có khả năng di chuyển quanh vùng bờ biển để ứng phó với mối đe dọa và tăng khả năng sống còn.
Xét về lịch sử, phần lớn các nước sử dụng pháo, đều có xu hướng tận dụng các khẩu pháo hải quân hoặc pháo chiến trường đã qua sử dụng vào vai trò phòng thủ bờ, nhưng Tây Ban Nha đã từ bỏ xu hướng này bằng việc triển khai 16 tổ hợp lựu pháo xe kéo 155 mm 155/52 APU SBT của General Dynamics European Land Systems – Santa Barbara Sistemas, vào vai trò phòng thủ bờ, sau đó tái triển khai 66 khẩu pháo khác cùng thiết kế, trong vai trò pháo chiến trường thông thường. Các khẩu pháo phòng thủ bờ vẫn có đủ năng lực tác chiến và được sử dụng kết hợp với hệ thống điều khiển hỏa lực dựa trên ra đa nhằm tối ưu hóa khả năng tác chiến chống các mục tiêu cơ động.
Một trong những thách thức then chốt mà pháo bờ biển phải đối mặt là các mục tiêu của chúng luôn cơ động và thường không nằm trong đường ngắm trực tiếp. Pháo truyền thống cũng đối mặt với tình huống này và thường phải vận dụng khá nhiều tọa độ bắn cố định.
Vì vậy, điều chỉnh chỉ thị mục tiêu bằng các xen xơ kết nối mạng - như dùng các xenxơ ghi hình và chỉ thị từ ngoài đường chân trời lắp trên các phương tiện bay không người lái – và các hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến là một yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, các tổ hợp tên lửa nói chung có cơ hội giao chiến hoặc đe dọa thành công lớn hơn đối với hoạt động của tàu hải quân, buộc chúng phải hoạt động ở cách xa bờ hơn.
Mặc dù vậy, pháo bờ biển vẫn đóng vai trò, đặc biệt là khi phải đối phó/giao chiến với số đông các tàu nhỏ, như trong tình huống tấn công đổ bộ.
Trung Quốc là nước sử dụng pháo các loại lớn nhất, và Tổ hợp công nghiệp Hoa Bắc (NORINCO) đang chào hàng tổ hợp pháo phòng thủ bờ 155 mm tích hợp, với một số pháo đang được chế tạo và đang có trong trang bị, đảm nhận vai trò phòng thủ bở.
Khi đưa vào hoạt động một tổ hợp pháo phòng thủ bờ hoàn chỉnh là một nhiệm vụ quan trọng bởi vì, theo thông tin của NORINCO, một trung đoàn pháo phòng thủ bờ điển hình sẽ gồm 3 trận địa pháo, mỗi trận địa gồm 6 khẩu pháo 155 mm kéo theo xe và một ca bin sở chỉ huy trận địa (BCP). Cũng sẽ có một sở chỉ huy tiểu đoàn, một tổ hợp ra đa khí tượng đặt trên xe tải Type 702D và một hệ thống bảo đảm hậu cần-kỹ thuật dã chiến đặt trên xe. Các phần tử bắt mục tiêu gồm tổ hợp ra đa phòng thủ bờ Type 905 và từ 3 đến 6 trạm quan sát mang xách được trang bị hệ thống giám sát quang điện tử ngày/đêm và máy đo xa lade, có thể được lắp trên các xe khác.
Thành phần súng pháo thực tế gồm hoặc là lựu pháo AH1 155mm/45 calib hoặc lựu pháo AH2 155 mm/52 calib mới hơn của NORINCO. Cả hai loại pháo đều được lắp khối động cơ điện phụ cho phép vũ khí nhanh chóng được hạ xuống và triển khai tác xạ, và cơ động dễ dàng hơn trong không gian chật trội hoặc địa hình không bằng phẳng.
Lựu pháo AH1 có thể bắn đạn nổ phá trích khí đáy, đủ cỡ, tăng tầm (ERFB-BB) của NORINCO, đạt hơn 39 km; tăng lên 50 km khi bắn đạn ERFB-BB có động cơ rốc két hỗ trợ. Lựu pháo AH2 có thể đạt tầm bắn 41 km và tăng lên 53 km khi bắn đạn tương tự.
Nếu gặp khó khăn trong tác xạ chính xác các mục tiêu cơ động, các pháo thủ của tổ hợp lựu pháo có thể lựa chọn giữa việc xử lý tàu mục tiêu như mục tiêu diện và bắn đạn mang nổ phá chứa đạn con – dùng sức nổ để tạo ra khả năng đánh trúng mục tiêu lớn hơn – hoặc sử dụng đạn được dẫn bằng lade, nếu như mục tiêu nằm trong tầm ngắm của thiết bị chỉ thị mục tiêu. Đạn nổ phá của hệ pháo tự dẫn bằng lade GP1 và GP6 của NORINCO có tầm bắn từ 20 -25 km.
Ra đa phòng thủ bờ Type 905 theo thông báo có khả năng phát hiện tàu mặt nước ở tầm ngoài 150 km và có thể bám tới 20 mục tiêu đồng thời. Khi đang triển khai giao chiến, ra đa có thể được dùng để hiệu chỉnh điểm rơi của đạn bằng các kỹ thuật bắn nhiều điểm (splash-spotting techniques).
NORINCO còn tiếp thị một số xenxơ thích hợp khác gồm: ra đa băng X phòng thủ bờ tầm gần/tầm trung, nhỏ, cơ động RC3; có thể triển khai cùng với lựu pháo. Theo thông báo ra đa này có khả năng phát hiện tàu mặt nước 10.000 tấn ở tầm 60 km và tàu mặt nước 1000 tấn ở tầm 40 km.
Ngoài ra, ra đa phòng thủ bờ 2 tọa độ, triển khai cố định CY-1011 có khả năng cung cấp sự cảnh báo sớm cho tổ hợp pháo phòng thủ bờ 155 mm hoặc tên lửa chống hạm.
Mặc dù, không có các phương tiện bay không người lái (UAV) chuyên dụng đi kèm với tổ hợp pháo, nhưng các xen xơ trinh sát có thể được tích hợp lên một loạt máy bay, đem lại khả năng phát hiện mục tiêu thời gian thực để đối phó với các mục tiêu cơ động và đánh giá thiệt hại của bất kỳ đợt tấn công nào.
Những lựa chọn pháo tự hành
Nhiều tổ hợp pháo tự hành (SP) khác nhau có thể được đưa vào sử dụng với vai trò là phòng thủ bờ. Ví dụ, Thụy Điển đã thử nghiệm tổ hợp pháo 155mm/52 calib PzH 2000 trong vai trò phòng thủ bờ vào giữa năm 1996. Mặc dù, đã tiến hành bắn thử thành công, nhưng Thụy Điển vẫn quyết định loại bỏ tất cả pháo bờ biển.
Phòng nghiên cứu thiết kế Barikady NPO của Nga đã phát triển tổ hợp pháo bờ biển tự hành 130 mm A-222, sử dụng cỡ lớn nhất của vũ khí, và được Hải quân Nga đưa vào hoạt động, và đã chế tạo nhiều tổ hợp khác nhau, cũng như vẫn đang tiếp thị tổ hợp pháo này.
Đây là một tổ hợp pháo bờ biển cơ động cao và hoàn chỉnh với tất cả các thành phần đều được bố trí trên các xe tải việt dã 8x8 Maz-543. Một trận địa pháo điển hình gồm: 4 hoặc 6 pháo tự hành A-222S1, với đạn được cất giữ trong tháp pháo, bắn về hướng vòng cung phía đuôi xe; quay sang phải và sang trái từ đường trung tâm 120o, cho phép pháo bám các tàu di chuyển nhanh và ở gần trước khi di chuyển đến một vị trí an toàn.
Tầm bắn tối đa của pháo A-222S1 vào khoảng 30 km và có thể bắn với tốc độ 10 đạn/phút, cơ số đạn mang trong xe là 48 viên.
Ngoài pháo, các thành phần then chốt của tổ hợp pháo tự hành này gồm: đài chỉ huy và điều khiển trung tâm BR-136, ra đa và camera phát hiện và bám mục tiêu quang điện tử, và một xe bảo đảm nhiệm vụ chiến đấu gồm máy phát điện, nơi nghỉ ngơi, bếp ăn dành cho kíp pháo thủ.
Đạn pháo phản lực
Giống như đạn mang (đạn mẹ con), các Hệ thống pháo phản lực chế áp diện (ARS) hay Bệ phóng rốc két/đạn tên lửa nhiều nòng (MRL) đem lại một giải pháp tiềm năng, giải quyết thách thức đánh trúng tàu mục tiêu cơ động, đặc biệt là khi đối phó với các cuộc tấn công của tàu đổ bộ.
Một trong những nước ủng hộ cho khái niệm này là Bra xin - nước đã triển khai hệ thống pháo phản lực chế áp diện AVIBRAS được phát triển trong nước như một tổ hợp phòng thủ bờ (tương tự như hệ thống triển khai trên bộ, nhưng hệ thống điều khiển hỏa lực được cải tiến cho phù hợp với mục tiêu cơ động). Một nước khác là Các tiểu vương quốc A rập (UAE) cũng đã phát triển một số hệ thống pháo phản lực chế áp diện (ARS) trong vai trò phòng thủ bờ.
Hệ thống lớn nhất của UAE là Bệ phóng nhiều nòng 122 mm của Jobaria Defense Systems, được phát triển hợp tác với hãng Roketsan và được công khai vào năm 2013. Tổ hợp pháo phản lực đồ sộ này được gọi là Dinosaur, cấu tạo gồm: một xe bán rơ moóc kéo theo xe, do Oshkosh Defense System Heavy Equipment Transporter phát triển, trên đó có 4 khối ống phóng, mỗi khối chứa 60 đạn phản lực 122 mm, tung ra khối lượng hỏa lực mạnh, trên một khu vực rộng, loại bỏ bất kỳ yêu cầu nào về độ chính xác.
Các khối ống phóng có thể được thay bằng các phiên bản ống phóng chứa đạn phản lực 300 mm, mang lại cơ hội nâng cao đáng kể tầm bắn và hiệu quả trên mục tiêu, nhưng với mức chi phí tính trên hiệu quả của các hệ thống pháo phản lực cỡ nhỏ hơn.
Theo tạp chí IHS Jane’s, UAE còn triển khai một hệ thống phóng chuyên dụng sử dụng đạn phản lực được dẫn bằng lade 70 mm (2,75 inch) Roketsan CiRit trong vai trò phòng thủ bờ, đem lại hiệu quả chính xác ở tầm hơn 8 km; (được biết UAE còn triển khai đạn phản lực này dưới dạng phóng từ trên không)./.
- Tác giả: Doug Richardson; Christopher F. Foss
- Nguồn: T/c “Jane’s International Defence Review”, số 4.2015
- Người dịch: Thanh Tùng