Trong một chục ngày đầu ở Nhà Trắng, mỗi ngày Tổng thống Trump đều đưa ra một biện pháp mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân Mỹ hay của nhiều quốc gia trên thế giới, những nước phụ thuộc vào viện trợ, vào chiếc ô an ninh hay giao thương với Mỹ. Ngoại trưởng Marco Rubio hôm 24/1 chính thức thông báo Washington sẽ tạm hoãn các chương trình viện trợ cho nước ngoài, theo như sắc lệnh Donald Trump ban hành ngay sau khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 30/1 làm rõ lệnh của Tổng thống Donald Trump về việc đóng băng và xét lại viện trợ phát triển nước ngoài sau khi nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đã làm dịu bớt một số hỗn loạn xảy ra sau đó bằng một lệnh khẩn cấp có thể bảo vệ chương trình HIV lớn nhất thế giới khỏi lệnh đóng băng tài trợ trong 90 ngày.
Tại Nhà Trắng, Trump nói việc tạm dừng tài trợ trong và ngoài nước là một phần trong nỗ lực của chính quyền nhằm loại bỏ “sự lãng phí, gian lận và lạm dụng to lớn”. Quyết định của Ngoại trưởng Marco Rubio vào cuối ngày 28/1 đóng băng viện trợ nhân đạo, bao gồm “thuốc cứu người, dịch vụ y tế, thực phẩm, nơi ở và hỗ trợ sinh kế, cũng như vật tư và chi phí hành chính hợp lý khi cần thiết để cung cấp hỗ trợ đó”.
Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về AIDS (UNAIDS) hoan nghênh thông tin này, nhấn mạnh giá trị của Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Mỹ về phòng, chống AIDS (PEPFAR) phục vụ 20 triệu người ở 55 quốc gia. Giám đốc điều hành UNAIDS Winnie Byanyima cho biết: “UNAIDS hoan nghênh việc miễn trừ này từ Chính phủ Mỹ, đảm bảo rằng hàng triệu người sống chung với HIV có thể tiếp tục nhận được thuốc HIV cứu sống trong quá trình đánh giá lại viện trợ phát triển nước ngoài của Mỹ. Quyết định khẩn cấp này công nhận vai trò quan trọng của PEPFAR trong ứng phó với AIDS và khôi phục hy vọng cho những người sống chung với HIV”.
Chặn các chương trình ‘thức tỉnh’
Trong một bản ghi nhớ gửi cho các nhà báo vào ngày 29/1, Bộ Ngoại giao đã giải thích lý do của việc đóng băng trong quá trình đánh giá lại, đồng thời ca ngợi việc cắt giảm chi phí sớm, nói rằng “ngay cả ở giai đoạn đầu này, hơn 1 tỉ USD chi tiêu không phù hợp với chương trình nghị sự ‘Nước Mỹ trên hết’ đã được ngăn chặn”.
Theo dữ liệu mới nhất, Mỹ đã chi khoảng 70 tỷ USD viện trợ nước ngoài trong năm tài chính 2023. Bản ghi nhớ cho biết: “Chúng tôi đang loại bỏ lãng phí. Chúng tôi đang chặn các chương trình thức tỉnh. Và chúng tôi đang vạch trần các hoạt động đi ngược lại với lợi ích quốc gia của chúng tôi. Không điều gì trong số này có thể xảy ra nếu các chương trình này vẫn ở chế độ tự động”.
Bộ Ngoại giao cũng đồng tình với điều này. Trong một tuyên bố, Bộ này nêu rõ: “Nếu không có lệnh tạm dừng, người nộp thuế Mỹ sẽ cung cấp bao cao su [và các dịch vụ tránh thai khác] ở Gaza, các dịch vụ tiếp thị về công lý khí hậu ở Gabon, các chương trình năng lượng sạch cho phụ nữ ở Fiji, các chương trình phát triển giới tính ở thủ đô Washington DC, các chương trình kế hoạch hóa gia đình trên khắp Châu Mỹ Latinh, các chương trình giáo dục giới tính và các chương trình ủng hộ phá thai cho trẻ em gái trên toàn cầu, cùng nhiều chương trình khác nữa. Những loại chương trình này không làm cho nước Mỹ mạnh hơn, an toàn hơn hay thịnh vượng hơn”.
Một ngày trước đó, Bộ Ngoại giao đã gửi một bản ghi nhớ trích dẫn các ví dụ về các dự án không xứng đáng, bao gồm 102 triệu USD tài trợ cho hoạt động của tổ chức phi lợi nhuận International Medical Corps tại Gaza đang bị chiến tranh tàn phá.
‘Vượt quá giới hạn’
Tại Điện Capitol Mỹ, các nhà lập pháp không chỉ khẳng định nhu cầu phải có trách nhiệm giải trình mà còn nhấn mạnh rằng Quốc hội, chứ không phải Nhà Trắng, sẽ quyết định cách chi tiêu tiền của người nộp thuế Mỹ.
Thượng nghị sĩ Kevin Cramer, đảng viên Cộng hòa ở North Dakota, cho biết: “Tôi nghĩ rằng việc xem xét lại là phù hợp. Tuy nhiên, tôi hy vọng rằng khoản viện trợ có thể được khôi phục và chuyển đến Ukraine. Và sau đó, chúng ta sẽ xem trong chu kỳ phân bổ tiếp theo liệu Quốc hội có còn ý chí tiếp tục khoản viện trợ đó hay không”.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Mark Kelly, đảng viên Dân chủ ở Arizona, nhận định: “Đây là hành động vượt quá giới hạn một cách đáng kể của Nhà Trắng, của tổng thống. Đây là điều chưa từng có, không cần thiết. Đây là số tiền mà chúng tôi đã phân bổ trong vai trò là thành viên của Thượng viện và Hạ viện”.
Tác động toàn cầu
Các chương trình viện trợ của Mỹ đã bắt đầu sa thải nhân viên, đóng cửa hoặc chuẩn bị ngừng hoạt động. 60 lãnh đạo Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) với ngân sách 42 tỷ USD và tổng cộng 10.000 nhân viên, đã bị đình chỉ công tác và ở cấp thấp hơn, các nhân viên của USAID được kêu gọi chuẩn bị tinh thần.
Người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi thông báo cơ quan mà ông điều hành đã “đình chỉ mọi chuyến công tác, mọi sự kiện và tất cả các kế hoạch tuyển dụng nhân viên”. Một tổ chức nhân đạo quốc tế hoạt động tại châu Phi trong lĩnh vực phòng chống AIDS cho biết họ chưa biết có nằm trong tầm ngắm của chính quyền Trump hay không và tình hình sẽ rất căng đối với họ, do USAID vẫn tài trợ đến 20% ngân sách hoạt động cho cả năm.
Quyết định của chính quyền mới ở Mỹ làm chấn động toàn cầu, từ châu Phi đến châu Á, nhiều nước lân cận Mỹ ở châu Mỹ và nhất là Ukraine, bởi 40% viện trợ nhân đạo trên thế giới do Mỹ tài trợ. Đối với một quốc gia đang kiệt quệ về kinh tế và đang gặp khủng hoảng kép về chính trị và nhân đạo như Liban, thông báo ngừng các chương trình viện trợ cho nước ngoài của Mỹ là một “thảm họa”, bởi cho đến nay, chỉ một mình nước Mỹ bảo đảm đến 40% viện trợ nhân đạo cho quốc gia nhỏ bé ở Trung Đông này.
Mỗi năm Mỹ dành 1% GDP để tài trợ cho các chương trình viện trợ nhân đạo và viện trợ phát triển. Theo giải thích của Bộ Ngoại giao Mỹ, Washington cần có thời gian để xem xét chương trình nào có thể tiếp tục được Mỹ tài trợ và từ giờ trở đi mỗi dự án được tài trợ phải “đáp ứng đòi hỏi của Washignton”, tức là chương trình đó có giúp cho nước Mỹ trở nên “an toàn hơn, vững mạnh hơn và thịnh vượng hơn hay không”.
Song quyết định đột ngột của chính quyền Trump để lộ rõ một số điểm như sau.
Thứ nhất, Washington báo trước Ai Cập và Israel không bị ảnh hưởng bởi chính sách cắt giảm trợ cấp của Mỹ. Một số nhà quan sát giải thích đó là do cả hai cùng nhận viện trợ quân sự rất lớn của Mỹ. Riêng trong trường hợp Ukraine, quốc gia đang có chiến tranh, chính quyền Trump vẫn còn mập mờ. Mỹ không đả động đến viện trợ quân sự cho Ukraine. Cũng chưa rõ viện trợ nhân đạo của Mỹ cho quốc gia châu Âu này có bị cắt giảm hay không, chỉ biết rằng Washington vẫn duy trì “viện trợ lương thực khẩn cấp” cho người dân Ukraine.
Thứ hai, từ các quốc gia nhận viện trợ phát triển của Mỹ cho đến các tổ chức nhân đạo đều rúng động trước viễn cảnh không còn ngân sách để hoạt động. Nhìn từ Washington, các khoản viện trợ này là một “gánh nặng” đè lên đôi vai của người đóng thuế ở Mỹ. Tổng thống Trump và nội các của ông cần đưa ra hình ảnh một vị nguyên thủ đầy quyền lực, “đã nói là làm” và làm tất cả vì quyền lợi của người dân Mỹ, đúng theo tinh thần của khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên”.
Thứ ba, vừa sử dụng lá bài thuế quan để đe dọa, thậm chí là khơi mào một cuộc chiến thương mại với các đồng minh, vừa đòi cắt viện trợ cho thế giới, chính quyền Trump đang đưa ra một hình ảnh mới về nước Mỹ. Đó là một nước Mỹ không có đồng minh, sẵn sàng dùng sức mạnh để bắt chẹt các đối tác, để uy hiếp các nước nghèo… Thông điệp này có thể bị Nga và Trung Quốc khai thác.
Theo giới phân tích, cách hành xử thô bạo của chính quyền Trump có nguy cơ đẩy phần còn lại của thế giới, nhất là các nước nghèo, vào “vòng tay” của Moskva hay Bắc Kinh. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không ngừng dùng các lá bài dầu khí, lương thực, hay phân bón để lôi kéo các nước phương Nam về phía mình.
Ở Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình khai thác tối đa chương trình Con đường Tơ lụa mới và dùng tín dụng để mở rộng ảnh hưởng với các quốc gia từ châu Phi đến tận Nam Thái Bình Dương. Nhà báo Pierre Haski, cây bút xã luận trên tuần báo “Le Nouvel Obs” của Pháp, ghi nhận “hai đối thủ của Mỹ là Nga và nhất là Trung Quốc có lẽ sẽ không bỏ qua cơ hội để lên án một nước Mỹ ích kỷ và ỷ vào sức mạnh để ăn hiếp các nước khác”./.