Tuy sự thật hiển nhiên là nền an ninh và sự thịnh vượng của nước Anh dựa trên cơ sở sức mạnh biển, nhưng điều này chưa được đúc kết thành lý thuyết về sức mạnh biển để những người làm công việc hoạch định và thực hiện chính sách có thể áp dụng trong thực tiễn. David Blagden áp dụng hai khái niệm cơ bản trong nghiên cứu an ninh vào tình hình hiện nay của Anh và cho rằng “đại chiến lược biển” (maritime grand strategy) dựa trên thế bố trí cân bằng sức mạnh biển ngoài khơi sẽ phục vụ cho lợi ích quốc gia trong tương lai.
Cơ sở của nền an ninh quốc gia và sự thịnh vượng của Anh trong suốt thời kỳ lịch sử hiện đại là kiểm soát biển. Tất nhiên cũng đã có những trường hợp các mối đe doạ từ lục địa lớn đến mức đòi hỏi phải huy động và triển khai một lực lượng trên bộ qui mô lớn. Tuy nhiên, đó là trong bối cảnh không có kẻ địch nào hoàn toàn nắm quyền kiểm soát các hành lang hay vùng trời trên các hành lang giao thông trên biển rất quan trọng đối với sự sống còn về chính trị và kinh tế của Anh, ngay cả trong những thời khắc hiểm nghèo nhất trong suốt mấy thế kỷ qua, rõ ràng là Anh không thể không có sức mạnh biển làm chỗ dựa cho việc bảo vệ chủ quyền trong suốt thời kỳ lịch sử cận đại, tính từ năm 1688.
Như vậy là có lý do trực giác biện hộ cho tầm quan trọng của sức mạnh biển đối với nền an ninh và sự thịnh vượng của Anh. Tuy nhiên, ngoài lý do trực giác cơ bản này, cần phải phân tích, đánh giá vai trò của sức mạnh biển như thế nào. Xét cho cùng, việc nghiên cứu trên lý thuyết những điểm mạnh và yếu của sức mạnh biển được đặt ở hàng gần như cuối cùng trong danh mục những “việc phải làm” hàng ngày của hầu hết các sĩ quan quân đội, vì họ phải chú trọng tới những vấn đề thực tiễn của việc quản lý các tổ chức phức tạp. Mặc dù vậy, có hai lý do khiến sức mạnh biển như một bộ phận hợp thành của sức mạnh quốc gia nói chung, và là trách nhiệm rất quan trọng của người sĩ quan ngày nay, cũng như của các nhà nghiên cứu chiến lược và quan chức an ninh quốc gia. Thứ nhất, là một đảo quốc, sức mạnh biển góp phần nâng cao nhận thức về mục đích cao nhất của cả ba quân chủng lực lượng vũ trang của Anh, từ đó chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ của họ một cách có hiệu quả hơn. Thứ hai, sức mạnh biển giúp cho những người ủng hộ một chiến lược biển cứng rắn và những người đồng tình với yêu cầu tăng thêm các nguồn lực để thực hiện chiến lược đó có lý do để biện hộ cho các luận điểm của mình dựa trên cơ sở lôgic vững chắc. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh sau khi đánh giá lại tình hình quốc phòng, nhiều người trong giới báo chí và công chúng đặt câu hỏi về vai trò cần thiết lâu dài của Hải quân Hoàng gia Anh, cũng như các thành phần lực lượng oanh tạc và kiểm soát đường không của Quân chủng không quân Hoàng gia và các lực lượng trang bị hạng nặng của Lục quân. Qua đó khẳng định rằng Hải quân Anh vẫn phải là một trong những lực lượng trên biển mạnh hàng đầu thế giới trên cơ sở những lời kêu gọi mơ hồ về truyền thống lịch sử có sức hấp dẫn tình cảm đối với những người đang tại ngũ trong quân chủng, và dĩ nhiên cũng tương tự như vậy đối với không quân và lục quân, nhưng không có sức thuyết phục đối với những người có thái độ hoài nghi. Ngoài ra, chứng minh vì sao sức mạnh hải quân kết hợp với sức mạnh không quân tạo ra khả năng kiểm soát vùng trời trên biển, và tiến công từ vùng trời đó vẫn là chỗ dựa cuối cùng của nền an ninh và sự thịnh vượng của quốc gia, điều này sẽ giúp cho việc củng cố lòng tin dựa trên trực giác vào vai trò của sức mạnh biển trên cơ sở lôgic hệ thống có sức thuyết phục.
Trên bình diện khái niệm, sức mạnh biển chỉ là một mặt của sức mạnh quốc gia, nó dùng để bảo vệ và theo đuổi mọi lợi ích có tầm quan trọng sống còn của quốc gia trong quan hệ với các nước khác. Vì vậy, nghiên cứu sức mạnh biển thuộc phạm vi nghiên cứu lý thuyết các mối quan hệ quốc tế (QHQT), trong một chừng mực nào đó là một bộ phận hợp thành khả năng của các quốc gia trong việc gây ảnh hưởng và chi phối các quốc gia khác. Sự cân đối của khả năng đó quyết định cơ cấu của hệ thống quốc tế. Đó là lý do khiến nước Mỹ được thừa nhận rộng rãi là nước “siêu cường”, Pháp là một “cường quốc lớn”, Ca-na-đa là “cường quốc hạng trung”, và Bỉ là “cường quốc nhỏ”. Ngoài ra, còn có nhiều điều cần nghiên cứu về bản chất, vai trò và tác dụng của sức mạnh biển khi xem xét sâu hơn về lý thuyết QHQT.
Mục đích của bài viết này là xem xét cơ sở phân tích mà trước đây các nhà phân tích về sức mạnh biển chưa khai thác hết. Để thực hiện mục đích này, cần phải xem xét hai khái niệm quan trọng nhất đối với việc nghiên cứu QHQT, đó là sự cân bằng “công-thủ” và sự cân bằng về mối đe doạ, chúng muốn nói điều gì với chúng ta về sức mạnh biển. Trước hết bài viết này nêu chi tiết sự khác biệt không bình thường giữa nghiên cứu an ninh chung với nghiên cứu về sức mạnh biển, sau đó xem xét các khái niệm về lý thuyết QHQT có thể được sử dụng như thế nào để bảo vệ luận điểm thiên về sức mạnh biển. Bài viết kết luận rằng quay trở lại “đại chiến lược biển” thực chất là duy trì thế cân bằng sức mạnh biển ngoài khơi, điều này sẽ có tác dụng làm giảm mức độ nghiêm trọng của các mối đe doạ tương lai đối với Anh, cũng như tạo thuận lợi cho việc đối phó có hiệu quả (với chi phí thấp) với những mối đe doạ.
Những con tàu chiến lược trong đêm đen lý thuyết
Việc nghiên cứu về bản chất và vai trò của sức mạnh biển có truyền thống đáng tự hào, từ thời Alfred Thayer Mahan và Julian Corbett, cả hai đều hiểu rõ rằng sức mạnh biển phải được xem xét trong bối cảnh chung của chính sách quốc gia. Gần đây hơn, có một số công trình nghiên cứu có giá trị về sức mạnh biển đóng vai trò như một công cụ phục vụ lợi ích quốc gia trong thế giới đương đại. Tuy nhiên, chiến lược hải quân cho đến nay thường không khai thác hết vai trò của các công trình nghiên cứu QHQT, và ngược lại, các công trình nghiên cứu về lý thuyết QHQT cũng tương đối ít chú ý đến những đóng góp của sức mạnh biển cho sức mạnh quốc gia. Phần lớn lý thuyết QHQT coi “sức mạnh quân sự” như một tổng thể giản đơn, không phân biệt, hoặc nhiều nhất cũng chỉ tập trung phân biệt lực lượng thông thường và lực lượng hạt nhân. Hơn nữa, nếu có công trình nghiên cứu QHQT nào tách riêng các mặt hợp thành sức mạnh quân sự thì cũng thường tỏ ra hoài nghi những tác động đem lại của hải quân. Chẳng hạn, cuốn “Bi kịch của các mối quan hệ chính trị giữa các cường quốc lớn” (The Tragedy of Great Power Politics) của John Mearsheimer – có thể coi là cuốn sách quan trọng nhất cho đến nay về bản chất và những nguyên nhân của cuộc tranh chấp địa vị cường quốc, trong đó khẳng định vai trò đứng đầu của sức mạnh trên bộ và coi ảnh hưởng riêng của sức mạnh biển là không đáng kể. Tương tự như vậy, các công trình nghiên cứu lớn về lý thuyết gây sức ép quân sự thường ít coi trọng tác dụng riêng của sức mạnh biển.
Hiển nhiên nguyên nhân chính của khuynh hướng này một phần là ở sự tiến hoá lịch sử của “chiến lược hải quân”, ở mức độ nào đó đây dường như là một lĩnh vực tách rời chiến lược quân sự nói chung. Liên quan đến chiến lược quân sự, trong lĩnh vực nghiên cứu chiến lược, các nhà lý thuyết QHQT chỉ quan tâm đến việc tìm hiểu sức mạnh quân sự thông thường xuất phát từ sự chú trọng thế cân bằng sức mạnh quân sự trên lục địa châu Âu thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, dù nhiều nhà phân tích các vấn đề chính trị quốc tế dường như lãng quên sức mạnh biển, nhưng vẫn có những nhận thức sâu sắc cần thiết về tác dụng của các lực lượng trên biển trong lý thuyết QHQT. Phần tiếp theo sẽ đề cập những nhận thức này.
Cán cân “công-thủ” trong lĩnh vực biển
Các cường quốc “đảo” là những cường quốc lớn không có chung biên giới trên đất liền với các cường quốc lớn khác, và do đó khác với các cường quốc lục địa. Có bốn cường quốc “đảo” lớn: Mỹ, Anh, Nhật và Ôxtrâylia. Đây là nhóm các quốc gia khác hẳn nhau về sức mạnh tổng thể, nhưng chắc chắn nước đầu là Mỹ vẫn đang và sẽ vẫn đóng vai trò quan trọng đối với thế cân bằng sức mạnh toàn cầu; nước thứ hai và thứ ba (là Anh và Nhật) đóng vai trò then chốt đối với thế cân bằng sức mạnh trong khu vực và có sức mạnh tiềm tàng vượt ra bên ngoài khu vực nhưng ở mức độ hạn chế hơn, còn nước cuối cùng (Ôxtrâylia) căn bản chỉ có vai trò khu vực. Tuy nhiên, cả bốn nước đều có ảnh hưởng đối với thế cân bằng sức mạnh (ít nhất ở một khía cạnh quan trọng) đối với các vấn đề chính trị quốc tế, và điều khác biệt với các cường quốc khu vực nổi trội khác như Nga và Đức ở châu Âu hay Trung Quốc và Ấn Độ ở châu Á, đó là cả bốn nước trên đều là đảo quốc. Vùng biển bao bọc xung quanh các nước này có tác dụng như một hàng rào khó vượt qua, ngăn cách họ với những mối đe dọa chiến lược chính, cũng chính đặc điểm này tạo ra những tác động sâu sắc đối với các tương tác của họ với các nước khác trong hệ thống quốc tế, cũng như những giải pháp chiến lược mà họ có thể lựa chọn trong việc bảo vệ những lợi ích có tầm quan trọng sống còn của họ.
Xét cán cân “công-thủ”, các cường quốc đảo ở thế có lợi về phòng thủ
Biển cả có tác dụng ngăn chặn đáng kể, đưa một lực lượng đủ lớn vượt biển để đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền chính trị của một quốc gia khác là việc rất khó khăn, đặc biệt là nếu quốc gia đó duy trì được (hoặc ít nhất là có thể tranh chấp) quyền kiểm soát biển và có lực lượng phòng thủ bố trí sẵn đủ mạnh. Dĩ nhiên, các cường quốc lớn vẫn có khả năng đưa lực lượng vượt biển để tiến hành các chiến dịch tiến công trên bộ, nhưng so sánh cái giá phải trả thì phòng thủ vẫn dễ hơn nhiều so với tiến công. Điều này giải thích vì sao khi xảy ra chiến tranh, các quốc gia bị tiến công hầu hết là các quốc gia yếu. Những ví dụ tương đối gần đây là “Chiến dịch Chromite” của Liên Hợp quốc và Mỹ chống Bắc Triều Tiên hồi những năm 1950, “Chiến dịch Musketeer” của Anh và Pháp (chiếm kênh Xuy-ê của Ai Cập năm 1956) và cuộc tiến công bán đảo Al Faw của I-rắc do Anh tiến hành năm 2003; trong khi các chiến dịch tiến công đổ bộ đường biển chống các cường quốc lớn như chiến dịch do đồng minh tiến hành “ngày D” (D day) tháng 6/1944 đòi hỏi phải tập trung một lực lượng mạnh áp đảo mới thực hiện được.
Với các nhà lý thuyết QHQT, nói như vậy có nghĩa là các cường quốc “đảo” ở thế có lợi về phòng thủ trên “cán cân công-thủ”. Lý thuyết công-thủ khẳng định rằng, xung đột ít có khả năng xảy ra khi một cuộc tiến công xâm lược được xác định là tương đối khó thực hiện thành công. Từ đó suy ra, nếu hai quốc gia liên quan đến một cuộc tranh chấp đều có điều kiện công nghệ và địa lý thuận lợi về mặt phòng thủ nhưng bất lợi về mặt tiến công, thì cả hai bên đều yên tâm rằng sẽ ít có khả năng xảy ra bên này tiến công bên kia. Trái lại, nếu cả hai bên đều ở thế khó phòng thủ nhưng dễ tiến công, về cả mặt công nghệ và điều kiện địa lý, thì cả hai sẽ luôn ở trạng thái lo sợ và nghi ngờ lẫn nhau và tiến công sẽ là phương án lựa chọn hấp dẫn hơn.
Trong lịch sử có hai trường hợp tiêu biểu về tác động của cán cân công-thủ trong lĩnh vực công nghệ đối với những diễn biến của hệ thống quốc tế, đó là: những đòn tiến công thọc sâu do quân Đức tiến hành trong những ngày đầu của Chiến tranh thế giới thứ 2 và nền hòa bình duy trì một cách khó khăn trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Sự kết hợp những thành tựu của cuộc cách mạng về xe thiết giáp, những thay đổi về chiến thuật binh chủng hợp thành, và biên giới trên bộ dễ vượt qua đã tạo thuận lợi cho quân Đức tiến hành những đòn tiến công chớp nhoáng. Trái lại, vũ khí hạt nhân chiến lược – ít có tác dụng đối với việc thực hiện hành động tiến công chinh phục nhưng có thể gây cho bên xâm lược những tổn thất nặng nề hơn so với lợi ích mà họ có thể thu được, điều này đã dẫn đến sự cân nhắc kỹ lưỡng ngay trong những thời điểm căng thẳng nhất của sự đối địch giữa hai khối NATO và Vác-sa-va rằng phát động những đòn tiến công trực tiếp sẽ không có lợi cho bên nào. Xét về mặt địa lý, biển cả là loại “hàng rào” đứng đầu trong số các “hàng rào” tự nhiên (gồm: núi cao, rừng rậm và sa mạc) để bảo vệ cho “bên phòng thủ”.
Một ý nghĩa cơ bản của lý thuyết “công – thủ” là các quốc gia không liên minh chỉ để lại chống một cường quốc mạnh hơn, bằng chứng là các cường quốc lớn châu Âu không liên minh với nhau để chống lại sức mạnh quân sự lớn hơn hẳn so với họ (đó là Mỹ), mà nhằm đối phó với “mối đe dọa” tùy theo các nguồn lực tổng hợp, khoảng cách địa lý, và các lực lượng/phương tiện cũng như ý đồ tiến công của quốc gia đe dọa. Các lực lượng quân sự mà những quốc gia xây dựng có thể là một yếu tố xác định mức độ đe dọa: một quốc gia xây dựng các lực lượng quân sự chỉ phát huy vai trò hạn chế nếu sử dụng lực lượng quân sự đó để đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ và sự ổn định nội bộ của nước khác (một khi biết rằng mối đe dọa đối với quốc gia khác ít có khả năng thực hiện được).
Kiểm soát biển giải quyết được vấn đề “lưỡng nan về an ninh”
Đối với các cường quốc đảo, kiểm soát biển là một biện pháp hạn chế đến mức tối thiểu cái gọi là vấn đề “lưỡng nan về an ninh”. Bởi lẽ việc mua sắm vũ khí trang bị để bảo đảm an ninh trong nước có thể bị các nước khác coi đó là mối đe dọa đối với họ, do đó nước khác cũng mua sắm vũ khí-trang bị để sẵn sàng đối phó. Các lực lượng biển (hải quân) tăng cường “tác dụng ngăn chặn của biển cả” nên đã bảo đảm an ninh cho đảo quốc và duy trì hoạt động thông thường, nhưng nếu so với các lực lượng trên bộ thì lại ít có khả năng đe dọa chủ quyền của các quốc gia khác. Vì vậy, lực lượng hải quân dễ “tìm bạn” hơn “gây thù”.
Tóm lại, sức mạnh biển căn bản là sức mạnh “lành tính”, không chỉ trong việc tham gia các hoạt động cứu trợ nhân đạo và ngoại giao, như đã nêu trong văn kiện chính thức “Học thuyết Biển của Anh” (British Maritime Doctrine”), mà ở mức độ cao hơn, còn có tác dụng tăng cường an ninh mà không đe dọa sự sống còn chính trị nói chung của các nước khác, từ đó càng có tác dụng tăng cường an ninh hơn, vì nó ít “gây thù” và ít tạo ra vấn đề tranh chấp. Nói như vậy không có nghĩa là các lực lượng hải quân của một quốc gia không thể sử dụng để đe dọa an ninh hay lợi ích của quốc gia khác. Chắc chắn là có thể, như trong trường hợp các cuộc tranh chấp hiện nay ở biển Đông và vùng biển Hoa Đông, nhưng rõ ràng là so với việc sử dụng các lực lượng trên bộ thì các lực lượng hải quân ít gây đe dọa, nhất là đe dọa trực tiếp tới trật tự chính trị bên trong của các quốc gia khác cũng như an ninh của người dân trong các quốc gia đó. Điều quan trọng nhất là các lực lượng hải quân không thể đe dọa thực hiện ý đồ chinh phục hoàn toàn, và do đó không thể đe dọa tới sự sống còn của một quốc gia khác như một thực thể chính trị có chủ quyền. Dĩ nhiên, các lực lượng hải quân có thể làm nhiệm vụ đổ bộ đường biển trợ giúp cho lực lượng trên bộ, do đó “có thể” là mối đe dọa đối với sự sống còn của một quốc gia có chủ quyền khác, nhưng các lực lượng trên bộ và những hành động can thiệp của họ mới là mối đe dọa thực sự, chứ không phải là các lực lượng hải quân và các hoạt động kiểm soát biển của lực lượng này. Vì vậy, sức mạnh biển là sức mạnh “tương đối” lành tính.
Vì sao cần phải tạo thế cần bằng ngoài khơi
Những điều đã nói ở phần trên có ý nghĩa quan trọng đối với thế giới hiện tại: lợi thế của các đảo quốc lớn như nước Anh là ở chỗ họ có thể thực hiện hành động kiềm chế mà “không cần” phải thực hiện hành động xâm lược, với cái giá phải trả tương đối thấp.
Sức mạnh biển tương đối “lành tính”
Theo quan điểm của Anh về an ninh quốc gia, chỉ khi xét thấy một cường quốc lục địa có ý đồ xâm lược đang tích luỹ sức mạnh đến mức đủ để vượt biển, đe dọa tới nền an ninh và sự thịnh vượng của Anh thì họ mới cần phải tính đến việc thực hiện hành động quân sự trực tiếp nhằm vào cường quốc lục địa đó. Trong lịch sử đã từng có những trường hợp cần phải ngăn chặn sự tích lũy sức mạnh của một quốc gia châu Âu có khả năng thống trị lục địa – đầu tiên đó là Tây Ban Nha, sau đó là nước Pháp thời Na-pô-lê-ông, rồi đến nước Đức (2 lần), và gần đây nhất là Liên Xô. Ngày nay, yêu cầu này cùng với sự cần thiết phải ngăn chặn những mối đe dọa có hệ thống đối với các tuyến đường vận chuyển năng lượng và thương mại, vẫn rất quan trọng đối với việc bảo vệ lợi ích của Anh, dù rằng nói như vậy không còn hợp thời nữa.
Vì vậy, kiểm soát biển vẫn là nền tảng cơ bản của quốc phòng và an ninh của nước Anh. Hành động can thiệp bằng lực lượng trên bộ rất hiếm khi cần đến, hơn nữa khi cần đến thì tác dụng răn đe hay gây sức ép của nó tăng lên gấp bội, không chỉ bởi thực tế khả năng kiểm soát biển của nước Anh gây khó khăn cho việc thực hiện ý đồ chống gây sức ép mà còn bởi khả năng sẵn sàng chiến đấu, tầm với và khả năng vận chuyển của các lực lượng đổ bộ đường biển của Anh. Hơn nữa, như đã nói ở trên, dựa vào biển có một lợi ích kép: có thể bảo vệ lợi ích quốc gia mà không phải trả giá đắt cho một cuộc chiến tranh trên bộ, và điều quan trọng là không đe dọa tới trật tự chính trị nội bộ của các quốc gia hay các nhóm vũ trang khác, càng ít gây phản ứng thù địch, và do đó có thể ngăn ngừa sự phát sinh nhiều mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của nước mình. Tóm lại, phát huy vai trò của vị trí địa lý đảo quốc như một “yếu tố tạo thế cân bằng ngoài khơi” – một lực lượng kiểm soát biển từ ngoài đường chân trời; chỉ can thiệp trực tiếp trong những trường hợp hiếm khi xảy ra nhất, vẫn là “đại chiến lược” có hiệu quả nhất của nước Anh. Nhận xét của Francis Bacon, cách đây gần 400 năm rằng “nước nắm quyền kiểm soát biển là nước có nhiều khả năng lựa chọn chiến tranh theo ý mình”, điều này trước đây và hiện nay vẫn đúng, ít nhất là đối với các cường quốc đảo. Hơn nữa, với những lợi ích độc đáo của các “yếu tố tạo thế cân bằng ngoài khơi” trong lịch sử, thể hiện rõ nhất ở khả năng tồn tại của nước Mỹ và Anh mà không cần có các lực lượng lục quân thường trực khổng lồ gồm chủ yếu là binh sĩ làm nghĩa vụ quân dịch, không có các cuộc chiến tranh biên giới xảy ra thường xuyên, và không có nguy cơ bị chinh phục hoàn toàn một cách bất ngờ, do vậy lý thuyết QHQT coi nhẹ vai trò then chốt của các lực lượng hải quân lại càng trở nên khó hiểu. Xét cho cùng, tác dụng ngăn chặn của biển cả tùy thuộc nhiều vào khả năng ngăn chặn các lực lượng thù địch tiềm tàng vượt biển.
Phát huy tác dụng của yếu tố tạo thế cân bằng ngoài khơi là đại chiến lược có hiệu quả nhất của nước Anh
Tất cả những điều nói trên không có nghĩa là bài viết này theo quan điểm hoàn toàn “ủng hộ hải quân” (dù rằng tạo thế cân bằng ngoài khơi hiển nhiên là nhiệm vụ đòi hỏi Hải quân Hoàng gia Anh phải đóng vai trò then chốt). Trái lại, muốn phát huy đến mức tối đa tác dụng ngăn chặn của biển cả thì cần phải có lực lượng không quân mạnh để đảm bảo kiểm soát cả vùng trời trên biển và bản thân mặt biển. Hơn nữa, khi cần tác động đến các sự kiện diễn ra trên đất liền thì các thành phần lực lượng tạo thế cân bằng ngoài khơi có thể thực hiện nhiệm vụ đó một cách có hiệu quả nhất, với cái giá phải trả thấp nhất (bằng cách chi viện hỏa lực từ xa cho các nước đồng minh đang bị đe dọa). Trên thực tế, hỏa lực chi viện đó đòi hỏi sự kết hợp các đòn oanh tạc của chiến hạm và máy bay. Chủ trương tạo thế cân bằng ngoài khơi đã đặt “dấu hỏi” về lý do chiến lược nói chung đối với sự can dự quân sự của nước Anh vào cuộc nội chiến ở Libya năm 2011 (có lẽ tránh can dự quân sự vào cuộc nội chiến ở Syria là sự lựa chọn hợp lý hơn). Tuy nhiên, một khi đã quyết định can dự quân sự thì cần phải tiến hành một “Chiến dịch Ellamy” phù hợp với mục đích gây sức ép và chi viện hỏa lực từ xa cho đồng minh ở nơi xảy ra khủng hoảng tương tự dạng chiến dịch đã qui định trong chiến lược tạo thế cân bằng ngoài khơi.
Tạo thế cân bằng ngoài khơi đòi hỏi lực lượng trên bộ có hoả lực mạnh
Tuy tạo thế cân bằng ngoài khơi ít mạo hiểm hơn so với việc đưa các lực lượng trên bộ vào nơi xảy ra khủng hoảng (đặc biệt là với qui mô lớn), nhưng trong một số trường hợp đòi hỏi buộc phải can thiệp trực tiếp bằng lực lượng trên bộ thì lực lượng trên bộ đó cần phải được trang bị và sẵn sàng tiến hành các hoạt động tác chiến hiệp đồng quân binh chủng chống quốc gia thù địch có lực lượng quân sự mạnh (vì chỉ có những trường hợp đó mới đòi hỏi hành động can thiệp như vậy). Nói cách khác, chủ trương tạo thế cân bằng ngoài khơi của Anh vẫn đòi hỏi phải có lực lượng trên bộ có hỏa lực đủ mạnh để có thể đánh bại các lực lượng thù địch trên bộ khác (khi hành động quân sự leo thang), chứ không phải là một lực lượng trên bộ chỉ chủ yếu làm nhiệm vụ chống nổi dậy và tiến hành các hoạt động xây dựng quốc gia.
Một số lợi ích của một “đại chiến lược biển”
Đại chiến lược tạo thế cân bằng ngoài khơi của Anh nếu được vận dụng sẽ mang lại những lợi ích cụ thể. Một là, vì nó không xâm phạm và đe dọa trực tiếp đến trật tự chính trị bên trong quốc gia thù địch mà chỉ sử dụng chiến hạm yểm trợ đường không trên biển và các căn cứ chiến lược trên khắp thế giới, không can thiệp trực tiếp bằng lực lượng trên bộ, nên ít gây ra tâm lý thù địch đối với nước Anh trong thế giới Hồi giáo. Điều này có tác dụng làm giảm mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố đối với an ninh quốc gia của Anh, do đó có thể làm giảm yêu cầu tiến hành các chiến dịch chống nổi dậy và duy trì sự ổn định an ninh kéo dài vô thời hạn (ở quốc gia khác), đồng thời vẫn bảo đảm được nguồn cung cấp năng lượng từ Trung Đông và các tuyến đường thông thường. Hai là, nó có tác dụng tốt hơn trong việc ứng phó với các cường quốc mới nổi và hồi phục, góp phần tăng cường an ninh khu vực đồng thời giảm nguy cơ đối đầu trực tiếp trên bộ, tác dụng sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn khi mà khả năng gánh vác trách nhiệm bảo vệ Tây Âu của nước Mỹ ngày càng giảm đi.
Tạo thế cân bằng ngoài khơi còn có tác dụng như một công cụ xác định những tình huống “có thể” đòi hỏi phải can thiệp trực tiếp bằng lực lượng trên bộ, tức là trong trường hợp mà một cường quốc lớn gây hấn có đủ khả năng đe dọa, kiểm soát ở một khu vực có tầm quan trọng chiến lược sống còn nếu không có lực lượng tạo thế cân bằng ngoài khơi tại khu vực đó. Tình huống như vậy có thể trở thành hiện thực đối với nước Anh ngày nay khi nước Nga triển khai các lực lượng quân sự đe dọa các nước ở biên giới phía Đông của NATO đến mức các nước này khó có thể tự vệ nếu không có các lực lượng trên bộ qui mô lớn của các cường quốc đồng minh triển khai tuyến trước.
Ba là, tạo thế cân bằng ngoài khơi ít tốn kém hơn nhiều so với các chủ trương chiến lược thiên về hành động can thiệp, do đó giúp nước Anh duy trì vững chắc hơn khả năng bảo vệ lợi ích quốc gia ngay cả trong hoàn cảnh thiếu hụt nghiêm trọng về tài chính. Dĩ nhiên, nói như vậy không có nghĩa hải quân là lực lượng “rẻ tiền”, đặc biệt là khi các chiến hạm ngày càng hiện đại. Điều muốn nói ở đây là chủ trương chiến lược nhằm mục đích kiềm chế, răn đe và sẵn sàng chiến đấu từ ngoài đường chân trời có tác dụng “tương đối” tốt hơn về mặt tài chính so với cái giá phải trả về phương tiện vật chất và nhân lực cần thiết cho việc tiến hành chiến tranh trên bộ kéo dài, như trong các chiến dịch chống nổi dậy và duy trì ổn định an ninh ở quốc gia khác. Thật vậy, đối với một cường quốc lớn đang gặp khó khăn ngày càng nhiều về ngân sách và các lực lượng quốc phòng hạn chế (như nước Anh), thì việc duy trì lực lượng một cách thận trọng và khôn ngoan là một yêu cầu rất quan trọng. Điều này Anh có khả thể chịu đựng được những khoản chi phí lớn cho việc tiến hành những cuộc chiến tranh không cần thiết mà không gây ảnh hưởng nhiều đến vị thế chiến lược của mình. Cần lưu ý rằng, chiến lược tạo thế cân bằng ngoài khơi vẫn “có thể” cho phép sử dụng các lực lượng đặc biệt thực hiện các nhiệm vụ chống khủng bố qui mô nhỏ khi lợi ích nhìn thấy rõ ràng lớn hơn cái giá phải trả, và thậm chí cả những nhiệm vụ gìn giữ hòa bình/cứu trợ nhân đạo qui mô nhỏ miễn là cái giá phải trả không đáng kể và hoàn toàn không có nguy cơ can dự sâu hơn. Điều quan trọng là tránh được can dự quân sự qui mô lớn, kéo dài, tránh phải tiến hành hoạt động chống nổi dậy, những cố gắng thay đổi thể chế chính trị nước khác, và điều cơ bản nhất là tránh được các cuộc “chiến tranh” trong tất cả những trường hợp không có nguy cơ một cường quốc thù địch lớn mưu toan chinh phục một khu vực quan trọng đối với an ninh của nước Anh.
Ảnh hưởng của sức mạnh biển căn bản là ảnh hưởng “tĩnh”
Ý nghĩa cuối cùng của luận điểm thiên về chiến lược tạo thế cân bằng ngoài khơi dựa vào sức mạnh biển như Mahan từng nói đó là: ảnh hưởng của sức mạnh biển căn bản là ảnh hưởng “tĩnh” (silent). Sức mạnh biển hiếm khi thể hiện ở những trận chiến ác liệt trên biển; những trận đánh như vậy chỉ xảy ra khi “điểm yếu” của một bên bộc lộ quá rõ, đủ để bên kia tin rằng có thể tranh giành quyền kiểm soát biển, nhưng sức mạnh biển vẫn là yếu tố then chốt ngăn ngừa sự phát sinh vô số “những điều xấu”. Thật vậy, như Mahan cũng đã nhận xét, “vũ lực có tác dụng nhất khi nó được biết là có tồn tại nhưng không có hành động phô trương”. Một khía cạnh đáng tiếc của thực tế này là tác dụng của sức mạnh biển vẫn là điều khó thuyết phục đối với những người nắm quyền quyết định chính sách. Người ta có thể thấy rõ các bệnh viện cứu chữa bệnh nhân, quân đội đánh chiếm các thành phố, nhưng môi trường sống an toàn và thịnh vượng mà sức mạnh biển mang lại – một lợi ích chung thực sự, thì người ta chỉ nhìn thấy như một bức tranh mơ hồ ở hậu cảnh và do đó khó tranh thủ được sự ủng hộ. Điều này đặt ra trách nhiệm lớn hơn cho những người ủng hộ sức mạnh biển trong việc làm rõ vai trò đặc biệt của nó đối với an ninh và cuộc sống hạnh phúc của quốc gia./.
- Tác giả: David Blagden
- Nguồn: T/c “RUSI”, số 6-7.2014
- Người dịch: Lê Thế Mỹ