Quân Giải phóng Nhân dân (PLA), đội quân mạnh mẽ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đang rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị do những tranh cãi liên quan đến cách quản trị hệ thống lãnh đạo quốc gia của Tập Cận Bình.
Tranh cãi này bùng nổ hồi đầu tháng, khi PLA, một cơ cấu chính trị có sức ảnh hưởng lớn, bị kéo vào một loạt sự kiện bất thường. Ngày 1/12, Bộ Tư lệnh Chiến khu Trung bộ của PLA đăng tải một bài viết trên tài khoản mạng xã hội chính thức, thông báo về khóa học do Quân đoàn 83 tổ chức. Bài viết đi kèm một bức ảnh chụp khẩu hiệu chính trị dài 16 ký tự treo trên tường, với chữ và khung mạ vàng, nội dung được Quân đoàn 83 hô hào mạnh mẽ trong khóa học. Khẩu hiệu này gồm 4 nguyên tắc: lãnh đạo tập thể, tập trung dân chủ, tham vấn cá nhân và hội nghị quyết định. Nói cách khác, khẩu hiệu đề cao chủ nghĩa tập trung dân chủ phải được thực hiện triệt để dưới hệ thống lãnh đạo tập thể, các vấn đề quan trọng phải được thảo luận một cách riêng lẻ và thận trọng, trong khi các quyết định phải được đưa ra trong các cuộc họp.
Nhìn bề ngoài, mọi chuyện tưởng chừng không có vấn đề gì. Tuy nhiên, xét nội bộ Trung Quốc hiện nay, khẩu hiệu này lại có vẻ vô cùng thách thức. Điều quan trọng hơn, hành động thách thức này lại xuất phát từ quân đội. Lời kêu gọi công khai của Quân đoàn 83 về những nguyên tắc này diễn ra trong bối cảnh Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình tập trung quyền lực đáng kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo Đảng vào năm 2012. Đáng chú ý, bài viết của Bộ Tư lệnh Chiến khu Trung bộ không hề nhắc đến Tập Cận Bình, cũng không đề cập đến những thuật ngữ chính trị củng cố sự tập trung quyền lực của ông, như “lãnh đạo tập trung, thống nhất”, “Hai xác lập” và “Hai bảo vệ”.
Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVIII vào năm 2016 đã xác định Tập Cận Bình là “hạt nhân” của Đảng. Sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng với Tập Cận Bình là hạt nhân đã được nhấn mạnh từ đó. “Hai xác lập” đề cập đến việc xác lập vị thế của Tập Cận Bình là hạt nhân của Đảng và xác lập vị trí chủ đạo của học thuyết mang tên ông. Trong khi đó, “Hai bảo vệ” nhấn mạnh việc bảo vệ vị thế của Tập Cận Bình là hạt nhân của Đảng và bảo vệ quyền lực và lãnh đạo tập trung, thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Khóa học kể trên được tổ chức nhằm xem xét các chủ đề đã được thảo luận tại Hội nghị Công tác Chính trị của Quân ủy Trung ương (CMC), diễn ra ngày 17-19/6 tại Diên An (Yan'an), một căn cứ cách mạng cũ ở tỉnh Thiểm Tây. Thông tin về khóa học nhanh chóng lan truyền mạnh mẽ khắp cả nước sau khi nhiều tờ báo như “The Paper” và các phương tiện truyền thông khác đưa tin. Tập Cận Bình, Chủ tịch CMC, đã tham dự hội nghị CMC, nơi các chính sách cơ bản về hệ thống lãnh đạo quân đội và các vấn đề chính trị khác đã được thảo luận. Một số chủ đề cũng được đưa ra bàn thảo được cho là vấn đề học thuyết quân sự và công tác nhân sự. Hội nghị CMC được tổ chức trước Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX vào tháng 7 và hội nghị Bắc Đới Hà, một cuộc họp kín của các lãnh đạo Đảng vào mỗi mùa Hè. Sẽ rất kỳ lạ nếu những chủ đề như lãnh đạo tập thể, chủ nghĩa tập trung dân chủ, thảo luận cá nhân và quyết định qua các cuộc họp - tất cả đều được Quân đoàn 83 kêu gọi trong bài đăng trên mạng xã hội - không được thảo luận tại hội nghị CMC hồi tháng 6. Theo thông báo sau hội nghị, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh “quân đội Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức phức tạp trong công tác chính trị”, khẳng định “chủ nghĩa tập trung dân chủ” sẽ được thực hiện một cách nghiêm ngặt. Tuy nhiên, Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh trách nhiệm của bí thư các ủy ban Đảng. Xét ở góc độ “chủ nghĩa tập trung dân chủ”, ông dường như tập trung nhiều hơn vào vấn đề “tập trung” thay vì “dân chủ”.
Tại Trung Quốc, Đảng lãnh đạo tất cả, và các ủy ban là các “tế bào” Đảng được thành lập trong các tổ chức khác nhau. Bí thư là những quan chức cấp cao trong các tổ chức này về mặt chính trị.
Một điểm đáng chú ý là thuật ngữ “lãnh đạo tập trung, thống nhất” không xuất hiện trong thông báo sau hội nghị CMC tháng 6. Thay vào đó, thông báo này nhắc đến cụm từ “lãnh đạo thống nhất”. Một số ý kiến cho rằng chủ đề lãnh đạo tập thể, chủ nghĩa tập trung dân chủ và dân chủ trong Đảng đã trở thành những nội dung “ngầm” và gây tranh cãi tại hội nghị CMC, tiếp tục ảnh hưởng trong quân đội.
Tháng 6, Miêu Hoa - “đại diện của Tập Cận Bình trong quân đội” - vẫn là Chủ nhiệm Bộ Công tác chính trị và Ủy viên Quân ủy Trung ương. Năm tháng sau, vào cuối tháng 11, người phát ngôn Bộ Quốc phòng thông báo Miêu Hoa đã bị đình chỉ chức vụ vì “có hành vi vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”. Hình phạt này có thể liên quan đến những diễn biến kể từ hội nghị CMC.
Ngày 9/12, 8 ngày sau khi bài viết về khóa học được đăng trên mạng xã hội, nhật báo Quân Giải phóng, cơ quan ngôn luận của CMC, đã đăng tải một bài bình luận chính thức có tựa đề “Dẫn đầu trong việc tuân thủ lãnh đạo tập thể”, trích dẫn những bình luận của Đặng Tiểu Bình về lãnh đạo tập thể từ nửa sau những năm 1950, dưới thời Mao Trạch Đông. Theo đó, Đặng Tiểu Bình cho rằng các quyết định quan trọng của Đảng vốn có truyền thống là theo cân nhắc của cả tập thể, không phải bởi một cá nhân; rằng việc lãnh đạo Đảng là việc làm tập thể của các ủy ban Đảng, không phải bởi một hoặc hai người; và các quyết định quan trọng của Đảng phải được đưa ra qua các cuộc thảo luận nhóm. Một nhà nghiên cứu về chính trị Trung Quốc nhận định bài viết này “phản bác và chỉ trích sự tập trung quyền lực quá mức (trong tay Tập Cận Bình), điều hiện nay rất rõ rệt”.
Bài bình luận, do một sĩ quan phục vụ tại đơn vị quân đội ở tỉnh Hà Nam đề tên tác giả, cũng trích dẫn những lời của Mao Trạch Đông, người sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, chỉ trích các lãnh đạo vì đã đưa ra các quyết định tùy tiện nhân danh “tập trung” bất chấp nguyên tắc lãnh đạo tập thể. Hai ngày sau, hôm 11/12, nhật báo Quân Giải phòng đăng tải một bài bình luận khác có tựa đề “Dẫn đầu trong việc thúc đẩy dân chủ nội bộ Đảng”, của một sĩ quan quân đội làm việc tại Văn phòng Cải cách và Cơ cấu Tổ chức CMC. Trong đó cho rằng dân chủ phải được ưu tiên trước việc tập trung vào chủ nghĩa dân chủ, và các bí thư cùng với các thành viên trong ủy ban có một mối quan hệ bình đẳng trong các tổ chức Đảng, họ có quyền biểu quyết và quyền phát biểu ngang nhau khi thảo luận và đưa ra quyết định. Bài viết nhìn nhận các bí thư chỉ là người đứng đầu nhóm và không bao giờ được phép tự coi mình là “chủ nhân” hay sắp xếp lại mối quan hệ với các thành viên trong ủy ban thành một hệ thống phân cấp.
Trước khi thời kỳ Tập Cận Bình bắt đầu vào năm 2012, Giáo sư Hồ An Cương, một nhà kinh tế học nổi tiếng người Trung Quốc, làm việc tại Đại học Thanh Hoa, đã nhấn mạnh sự ưu việt của hệ thống lãnh đạo tập thể, hệ thống chính trị độc đáo của Trung Quốc. Ông chỉ ra những vấn đề của các hệ thống tổng thống như ở Mỹ và các quốc gia khác, nơi quyền lực tập trung vào tay một nhà lãnh đạo quốc gia. Mọi chuyện thay đổi dưới thời Tập Cận Bình và những lập luận của Hu Angang đã trở thành một lý thuyết chính trị nguy hiểm, những nội dung có thể xem là khá mạo hiểm khi được công khai. Tuy nhiên, dường như trong quân đội Trung Quốc, ít nhất một phần trong đó đang công khai ủng hộ sự lãnh đạo tập thể và dân chủ trong Đảng.
Hiện tại, hỗn loạn chính trị trong quân đội Trung Quốc có vẻ chỉ giới hạn trong suy nghĩ và các hệ tư tưởng chính trị. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu cuộc tranh cãi về hệ thống lãnh đạo của quốc gia và các vấn đề khác có ảnh hưởng đến hoạt động hay không. Liệu có khả năng những rối ren này lan rộng sang các thể chế khác hay không? Câu trả lời có thể rõ ràng hơn trong năm tới./.
Trang mạng asia.nikkei.com (Ngày 25/12)