Nhằm ứng phó với môi trường chiến lược liên tục thay đổi, tư tưởng chiến lược của Hải quân Mỹ có xu hướng nhấn mạnh hơn vào đối phó với những thách thức của đối thủ địa chiến lược, “sở hữu đủ năng lực ứng phó”, kiểm soát trên biển, tích hợp nhiều nguồn tài nguyên, nhiều lĩnh vực, giành “ưu thế thông tin”…
Sau khi kết thúc chiến tranh Lạnh, nhằm ứng phó với những mối đe dọa an ninh mới, thực hiện nhiệm vụ chiến lược mới, Hải quân Mỹ liên tục công bố một loạt các văn kiện chiến lược như “Từ biển hướng vào bờ – công tác chuẩn bị trước để Hải quân Mỹ tiến vào Thế kỷ 21”, “Đứng chân tiền duyên – từ biển hướng vào bờ”… Những văn bản này sẽ tập trung vào những xung đột khu vực và các mối đe dọa an ninh phi truyền thống ngày càng nổi lên, trọng điểm tác chiến của Hải quân Mỹ cũng chuyển dịch từ tác chiến biển xa sang tác chiến gần bờ và trên bờ. Những thay đổi này đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy sức ảnh hưởng trên toàn cầu của Mỹ, ứng phó hiệu quả với mối đe dọa an ninh của Mỹ sau Chiến tranh Lạnh. Hiện nay, cùng với sự thay đổi của môi trường an ninh quốc tế, chiến lược an ninh quốc gia và chiến lược quân sự Mỹ đang có những điều chỉnh lớn, chiến lược Hải quân Mỹ cũng đang thai nghén một cuộc cách mạng mới.
Khía cạnh thứ nhất: Nhiệm vụ chiến lược tập trung ứng phó với những thách thức của đối thủ địa chiến lược
Trong thời kỳ đầu sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc, chiến lược Hải quân Mỹ không xác định rõ mục tiêu. Trong bối cảnh thiếu đối thủ tác chiến chủ yếu, Hải quân Mỹ liệt các nước và các tổ chức có ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Mỹ trên trường quốc tế và khu vực làm đối tượng tác chiến chủ yếu. Sau khi xảy ra sự kiện 11/9, hải quân được Quân đội Mỹ đưa vào hệ thống chiến lược chống khủng bố, nhiệm vụ tác chiến hải quân là tập trung tác chiến ở biển gần và trên bờ. Từ năm 2009 trở lại đây, trong bối cảnh Mỹ điều chỉnh trọng tâm chiến lược, trong Hải quân Mỹ đã có những tranh luận gay gắt xoay quanh vấn đề nhiệm vụ chiến lược. Trong bài “Kết thúc lực lượng trên biển” R.B. Wozniak cho rằng, nên dồn mọi nguồn lực để ứng phó những vấn đề mới nổi của lực lượng hải quân kiểu mới, việc xây dựng hải quân chủ yếu vẫn lấy hạm đội qui mô lớn truyền thống làm chính. Nhưng “Kiểm soát biển không thể giải quyết vấn đề mà các mối đe dọa phi đối xứng trong Thế kỷ 21 mang lại”. Wozniak cho rằng, việc xây dựng và huấn luyện lực lượng hải quân phải tập trung vào nhiệm vụ đa dạng hóa, hải quân đồng thời với việc thực hiện nhiệm vụ tác chiến biển gần, phải tỏ rõ thực lực mềm của quốc gia. George Galloway thì lại cho rằng, Hải quân Mỹ cần tập trung các nguồn lực chủ yếu vào căn cứ tiền duyên, khu vực Tây Thái Bình Dương và vùng Vịnh, nhấn mạnh bố trí lực lượng có năng lực tác chiến tin cậy để ứng phó với đối thủ tương đương hoặc tiềm tàng, như Trung Quốc và Iran. Nhìn từ xu thế phát triển, nhiệm vụ chiến lược của Hải quân Mỹ đang từng bước tập trung vào đối phó với cường quốc khu vực. Năm 2009, Trung tâm Đánh giá chiến lược và Ngân sách Mỹ đã đề ra phương thức “Tác chiến không-hải: Ý tưởng tác chiến ban đầu”, xác định Trung Quốc là đối tượng tác chiến chủ yếu. Ý tưởng này đã được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sử dụng để đề xuất khái niệm tác chiến và vận dụng tác chiến của hải quân và các quân chủng khác. Tháng 1.2012, Bộ Quốc phòng Mỹ lại công bố “Khái niệm Tích hợp tác chiến liên hợp” phiên bản 1.0, đưa ra ý tưởng tập trung nguồn lực hải quân và các quân chủng khác, chống lại bất cứ hành động nào của Trung Quốc, Iran nhằm cản trở Mỹ tiến vào Biển Đông, vùng Vịnh và các khu vực chiến lược khác. Từ đó có thể thấy, cùng với việc điều chỉnh chiến lược của Hải quân Mỹ, việc ứng phó với mối đe dọa của đối thủ địa chiến lược, ngăn ngừa và đánh thắng các xung đột trên biển mang tính khu vực đã trở thành nhiệm vụ tác chiến chủ yếu của Hải quân Mỹ.
Khía cạnh thứ hai: Nhấn mạnh bố trí lực lượng “có đủ năng lực ứng phó”
Quân đội Mỹ cho rằng, lực lượng hải quân bố trí ở tiền duyên có thể phòng ngừa cục diện căng thẳng leo thang thành khủng hoảng xung đột. Do lực lượng hải quân đóng ở tiền duyên, chuẩn bị đầy đủ và đảm nhận chức năng đa dạng, có thể tiến hành phản ứng nhanh đối với khủng hoảng và xung đột có khả năng xuất hiện. Nhìn từ lịch sử, hải quân và các lực lượng khác đứng chân ở tiền duyên đã phát huy vai trò quan trọng trong phản ứng và tiến hành xâm nhập nhanh cho Quân đội Mỹ trên phạm vi toàn cầu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Quân đội Mỹ cho rằng, trước sự gia tăng nhanh chóng các mối đe doạ khu vực, sự đứng chân ở tiền duyên của Quân đội Mỹ vẫn là không đủ. Căn cứ vào số liệu thống kê gần đây của Quân đội Mỹ, trong 284 chiến hạm chủ yếu của Hải quân Mỹ hiện nay, có 58 chiếc được bố trí ở tiền duyên, 226 chiếc ở tình trạng phải thay thế, hay sửa chữa. Trong số các tàu chiến trên lãnh thổ Mỹ, có 1/3 đang phải duy tu, số còn lại có tới một nửa phải cần ít nhất 30 ngày mới tới được khu vực tác chiến chủ chốt. Quân đội Mỹ cho rằng, sự thiếu hụt số lượng tàu chiến đứng chân ở khu vực tiền duyên và sẵn sàng chiến đấu làm cho Hải quân Mỹ không có khả năng thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tác chiến. Tháng 5.2013, liên minh Hải quân Mỹ đã cho ra đời chính sách biển 2013-2014 “Ngã tư trên biển: Chiến lược của hành động”. Chiến lược này chú trọng đề xuất cần“sở hữu đủ năng lực ứng phó”, cho rằng sự “sở hữu” này sẽ là trọng tâm của lực lượng hải quân.
Điều cần phải chỉ ra là, sự đứng chân tiền duyên hiện tại của Hải quân Mỹ không phải là phủ khắp trên phạm vi toàn cầu, mà sẽ tập trung trọng điểm ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Theo ý tưởng “Khái niệm hành động hải quân 2010”, Hải quân Mỹ sẽ duy trì liên tục năng lực cơ động 1 hạm đội tàu sân bay và 1 biên đội thuỷ bộ đến Tây Thái Bình Dương, bố trí 1 biên đội thuỷ bộ cơ động định kỳ đi về giữa Tây Thái Bình Dương và biển Ả rập. Ngoài ra còn thông qua trình tự huấn luyện và bảo dưỡng phù hợp, bảo đảm trong 30 ngày ít nhất có 2 chiếc tàu, trong 90 ngày có 1 tàu sân bay làm tốt công tác chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, để điều động tới khu vực trọng điểm. Trong “Báo cáo đánh giá quốc phòng 4 năm” năm 2014, Mỹ tiếp tục nhấn mạnh, trước năm 2020, phải bố trí 60% binh lực hải quân ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Sự điều chỉnh bố trí tiền duyên của quân Mỹ, có mục đích rất rõ ràng: Một là, thông qua triển khai đứng chân tiền duyên với lực lượng đủ mạnh để tạo nên mối đe doạ hiệu quả đối với đối thủ khu vực; hai là, kịp thời chuẩn bị ứng phó với các xung đột, thậm chí là chiến tranh.
Khía cạnh thứ ba: Hành động chiến lược nhấn mạnh kiểm soát biển ở khu vực trọng điểm
Hiện nay, Hải quân Mỹ cho rằng, năng lực kiểm soát biển của Mỹ dưới sự ảnh hưởng của các nhân tố phát triển kỹ thuật đã dần bị suy giảm. Tên lửa hành trình chống hạm và phòng thủ bờ biển, thủy lôi và tàu tiến công cỡ nhỏ của một số quốc gia đã trở thành biện pháp giá rẻ để chống lại các nước lớn giành “quyền kiểm soát biển”. Trong tình hình đó, Hải quân Mỹ dần chuyển trọng điểm chiến lược sang giành quyền “kiểm soát trên biển” trong phạm vi không gian, thời gian cục bộ. Trong “Điều lệnh hải quân quyển 1: Chiến tranh trên biển” và “Khái niệm tác chiến hải quân: Thực hiện chiến lược biển” của Mỹ năm 2010 đã định nghĩa kiểm soát biển là “Hành động dưới sự phối hợp nhịp nhàng với lục quân, không quân và các lực lượng khác, vận dụng hiệu quả lực lượng hải quân ở vùng biển then chốt để đạt được mục tiêu quân sự”. Và đề ra rằng, trong tương lai không xa, Hải quân Mỹ sẽ thực hiện tác chiến kiểm soát biển để tăng cường tự do hàng hải, trợ giúp giao dịch thương mại trên toàn cầu tránh gặp các trở ngại, phòng ngừa hoặc hạn chế mở rộng xung đột và giành chiến thắng trong chiến tranh.
Để đạt được hiệu quả mục tiêu “kiểm soát trên biển”, quân Mỹ không những tăng cường các phương thức truyền thống như tác chiến không-hải, kiểm soát các tuyến đường yết hầu, tập kích căn cứ không-hải của đối phương, mà còn nhấn mạnh vai trò quan trọng của không gian vũ trụ, không gian mạng đối với việc giành quyền kiểm soát trên biển. James, giáo sư trường Đại học quốc phòng Mỹ đã chỉ rõ khái niệm của “kiểm soát xa bờ”, cho rằng, trong xung đột trên biển với Trung Quốc, Mỹ cần “sử dụng đầy đủ các các biện pháp và phương thức hiện nay nhưng sẽ có sự kiểm soát và có giới hạn hơn để thực hiện phong tỏa tầm xa đối với Trung Quốc. Thông qua xây dựng một vòng tròn đồng tâm, khiến Trung Quốc không thể lợi dụng vùng biển ở chuỗi đảo thứ nhất, tạo điều kiện cho Mỹ có thể bảo vệ lãnh vực không-hải ở chuỗi đảo thứ nhất và kiểm soát lãnh vực không-hải bên ngoài chuỗi đảo”. Căn cứ vào khái niệm này, James đề ra ý tưởng thực hiện “hành động ngăn chặn” ở chuỗi đảo thứ nhất, thực hiện “hành động tác chiến giai đoạn then chốt” ở biển xa. Cũng cần nói rằng, chiến lược “kiểm soát xa bờ” của James đã cân nhắc đầy đủ đến nhân tố hạn chế trong xung đột trên biển và so sánh lực lượng trên biển giữa Trung-Mỹ, là một ý tưởng chiến lược có tính thực dụng, luôn hướng tới mục tiêu trọng điểm.
Nhìn từ góc độ đề xuất và phát triển khái niệm kiểm soát biển, kiểm soát trên biển của Quân đội Mỹ không có nghĩa khiến đối thủ không thể làm được bất cứ chuyện gì, mà là một lựa chọn chiến lược trong tình huống các biện pháp phản ứng của đối thủ tăng mạnh, vận dụng các phương thức bảo đảm quyền kiểm soát trên biển ở khu vực trọng điểm và dải thời gian trọng điểm. Đối với quân Mỹ, cụm chiến đấu tàu sân bay với tư cách là lực lượng đột kích chủ yếu trên biển chính là lực lượng chủ yếu để giành quyền kiểm soát biển. Nhưng nhìn từ xu thế phát triển hiện nay, quân Mỹ ngoài tiếp tục nhấn mạnh vai trò chính của tàu sân bay, rất coi trọng xây dựng phương tiện vũ khí và hệ thống kiểu mới như: tàu ngầm lớp Virginia, tàu chiến đấu ven biển, phương tiện di chuyển ngầm không người lái… có năng lực tấn công và cơ động nhanh gần bờ, để tăng cường kiểm soát khu vực gần bờ và phản ứng nhanh đối với các xung đột trên biển mang tính khu vực. Xét từ ý nghĩa trên, sự kiểm soát trên biển của quân Mỹ sẽ khác nhau về mục tiêu chiến lược ở những vùng biển khác nhau: Đối với vùng biển gần bờ chủ yếu là thực hiện “xâm nhập tự do”, đối với biển xa thì lại theo đuổi tham vọng “dẫn đầu hoàn toàn”, đối với lục địa thì “tập kích chiều sâu”. Kiểm soát trên biển vừa là điều kiện quan trọng để bảo đảm cho quân Mỹ đưa các lực lượng vào và thực hiện các hành động tác chiến tiếp theo, vừa là một thủ đoạn để trực tiếp đạt được mục tiêu chiến tranh.
Khía cạnh thứ tư: Vận dụng, tính toán nguồn lực cần phối hợp nguồn lực đa kênh, đa lĩnh vực
Cùng với những phát triển trong quan niệm quan hệ ngoại giao quốc tế và các qui tắc quốc tế không ngừng được xây dựng và hoàn thiện, thời đại chỉ tập trung đơn thuần vào nhấn mạnh quyền kiểm soát biển đã cáo chung. Đồng thời, vấn đề an ninh trên biển cũng không chỉ xuất hiện với hình thức an ninh quân sự hoặc an ninh lợi ích, mà là sự kết hợp ngày càng nhiều các nhân tố như: xung đột văn minh tôn giáo, chủ nghĩa khủng bố, nạn cướp biển và việc phát tán vũ khí giết người hàng loạt. Vấn đề an ninh trên biển ngày càng phức tạp và đa nguyên hóa sẽ thúc đẩy các cường quốc trên biển sử dụng phương thức hợp tác để ứng phó với mối đe dọa an ninh ngày càng gia tăng. Trong tình hình đó, những năm gần đây Mỹ tăng cường công tác trù hoạch nguồn lực trong nước và xuyên quốc gia để tạo ra môi trường an ninh trên biển có lợi cho mình.
Trong “Chiến lược an ninh trên biển quốc gia” năm 2005 của Mỹ yêu cầu “Trên bình diện quốc gia, thực hiện nỗ lực chung tổng hợp và chặt chẽ bao gồm chính phủ liên bang, các bang, địa phương và các thực thể doanh nghiệp tư nhân”. Nhằm đạt được mục tiêu này, Mỹ đề ra cách thức chia sẻ năng lực nhận biết tình huống ở thời gian thích hợp giữa cơ quan chính phủ và phi chính phủ; xây dựng bộ khung quản lý có thể gắn kết các dạng hành vi, năng lực và bè bạn (đồng minh); xây dựng khung hành động mà các loại hành vi vừa có thể hoạt động độc lập, lại vừa có thể tạo sự tín nhiệm, hợp tác mật thiết và hỗ trợ lẫn nhau. Tính toán của Hải quân Mỹ đối với nguồn lực chiến lược không chỉ hạn chế ở trong nước, mà việc tính toán, vận dụng các nguồn lực vượt quốc gia cũng rất được coi trọng. Michael Mullen, người từng giữ chức Bộ trưởng tác chiến hải quân năm 2005 đã đề ra khái niệm “hải quân nghìn tàu”. Mục đích của ý tưởng “hải quân nghìn tàu” nhằm đối phó với mối đe doạ an ninh phi truyền thống. Còn đối với sự hợp tác an ninh trên biển trong môi trường chiến lược hiện nay, Mỹ rất chú trọng đến lĩnh vực tăng cường hiệp đồng tác chiến và tạo sự tin cậy lẫn nhau giữa các đồng minh, để đối phó với mối đe doạ mang tính khu vực. Trong “Chiến lược hợp tác lực lượng trên biển Thế kỷ 21” đã đề xuất, “Tuy lực lượng của chúng ta (của Mỹ) lúc cần thiết có thể ngay lập tức chống lại các nguy cơ cần ứng phó, nhưng sự tín nhiệm và hợp tác lại không thể tạo ra tức thì được. Điều đó phải trải qua một thời gian nhất định mới có thể xác lập, vì thế lợi ích chiến lược của hợp tác bè bạn (đồng minh) phải luôn được cân nhắc, đồng thời tiến thêm một bước nâng cao sự thông hiểu và tôn trọng giữa các nước đồng minh”. Ronald O'Rourke, chuyên gia vấn đề hải quân của quốc hội Mỹ đã đưa ra kiến nghị rằng: chuyển các nhiệm vụ bậc thấp cho đồng minh và bè bạn, khiến Hải quân Mỹ có thể chuyên tâm vào phát triển năng lực bậc cao, và khuyến khích đồng minh tham gia đối kháng với lực lượng quân sự của Trung Quốc thông qua phương thức bố trí hải quân và các lực lượng khác.
Đối với Mỹ, trù tính lợi dụng nguồn tài nguyên trên biển phục vụ cho lợi ích quốc gia, không những là nhu cầu để thích ứng với môi trường quốc tế, mà còn là nhu cầu để ứng phó với các mối đe doạ an ninh trên biển, nâng cao hiệu suất hành động quân sự. Đồng thời nhấn mạnh, trù tính nguồn lực cũng là một sự lựa chọn cần thiết trong bối cảnh tái hiện tình hình thu nhỏ của chiến lược tổng thể Mỹ. Mục đích trù tính nguồn lực của quân Mỹ, một mặt nằm ở lĩnh vực tổng hợp lực lượng, nâng cao hiệu suất hành động; mặt khác, quá trình tổng hợp nguồn lực cũng là quá trình xây dựng nguyên tắc cai quản trên biển. Mỹ muốn thông qua phương thức này để là nước đi đầu kiểm soát quyền vạch ra các nguyên tắc trên biển, tìm cái cớ hợp pháp mới cho hành động quân sự trên biển.
Khía cạnh thứ năm: Tư tưởng chỉ đạo xây dựng nhấn mạnh giành được “ưu thế thông tin”
Hải quân Mỹ từ lâu đã rất coi trọng đối với thông tin. Trong lý luận “Tác chiến lấy mạng làm trung tâm” năm 1997 và khái niệm “Mạng lực lượng” năm 2002 đều nhấn mạnh vai trò to lớn của mạng thông tin đối với việc nâng cao hiệu năng chiến đấu của hải quân. Trong văn kiện chiến lược của quân Mỹ những năm gần đây đã ngày càng nhấn mạnh và làm nổi bật vai trò chủ đạo của thông tin, trong văn kiện Hải quân Mỹ năm 2013: “Chiến lược giành ưu thế thông tin của hải quân 2013-2017”, quân Mỹ cho rằng: “Ưu thế thông tin chính là tài sản lớn nhất, tin cậy nhất của chúng ta. Nếu như chúng ta tiến hành tích hợp thông minh, sử dụng chúng một cách chính xác, chúng ta có thể giành được ưu thế chiến thuật và với mọi ưu thế áp đảo sẽ giành chiến thắng trong chiến tranh tương lai”. Nhằm tăng cường và duy trì ưu thế thông tin của Hải quân Mỹ, từ năm 2009 hải quân bắt đầu áp dụng một loạt các biện pháp xây dựng trên các mặt tổ chức biên chế, năng lực bộ đội. Năm 2009, Hải quân Mỹ tiến hành sát nhập các bộ phận liên quan đến thông tin như Văn phòng chủ nhiệm tình báo hải quân, Văn phòng Phó Bộ trưởng tác chiến hải quân phụ trách mạng thông tin (N6), bộ phận phụ trách tác chiến thông tin mạng (N3), bộ phận phụ trách tài nguyên và hạng mục hệ thống không người lái (N8) v.v, thành lập hạm đội tác chiến mạng, tức hạm đội 10, làm lực lượng chủ yếu phụ trách tác chiến tấn công và phòng thủ không gian mạng của Hải quân Mỹ. Trong “Qui hoạch hàng hải 2014 – 2018” còn chỉ rõ, trong 3 năm tới hải quân sẽ tăng cường phát triển với qui mô lớn năng lực chủ động phòng ngự tấn công không gian mạng, tăng thêm nhân viên điều khiển tác chiến không gian mạng lên 976 người và xây dựng 40 tổ tác chiến không gian mạng.
Ngoài ra, việc xây dựng hệ thống mạng mà khái niệm “Tác chiến lấy mạng làm trung tâm” và “Mạng lực lượng” đề ra hiện nay vẫn đang được tiếp tục thúc đẩy. Hải quân Mỹ kỳ vọng có thể tích hợp các công năng tác chiến, chỉ huy, kiểm soát, thông tin, tình báo, trinh sát và theo dõi vào một thể thống nhất, và tích hợp hệ thống quản lý chiến trường, thiết bị cảm biến dân sự, các quân chủng thành một hệ thống chung, để chúng cùng phục vụ cho hải quân. Nhìn từ tình hình phát triển hiện nay, hải quân sẽ tiếp tục coi trọng vai trò của ưu thế thông tin đối với việc tập hợp sức mạnh quân sự, chú trọng nâng cao năng lực chỉ huy kiểm soát và cảm nhận không gian chiến trường của binh lính, nhấn mạnh vai trò quan trọng của thông tin đối với sự phối hợp hỏa lực hải quân, khiến thông tin trở thành chất kết dính và là đòn bẩy giành ưu thế trên chiến trường cho lực lượng Hải quân Mỹ, phục vụ cho hành động quân sự mang tính toàn cầu của quân Mỹ./.
- Tác giả: Trương Kinh
- Nguồn: T/c “Hải quân đương đại”, số 11.2014
- Người dịch: Trần Trọng Vân