Việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng sang châu Á hoặc khả năng xuất hiện một “NATO châu Á” không thực sự nằm trong các kế hoạch hiện tại. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng NATO và các nước châu Á không thể tiếp tục hợp tác để nâng cao khả năng răn đe.
Mặc dù cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước châu Á, không tin rằng NATO sẽ mở rộng sang khu vực này, vẫn có những đồn đoán về khả năng đó. Hiện tại, các chính phủ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có xu hướng ưa chuộng hợp tác riêng lẻ với các quốc gia quốc phòng lớn phương Tây hơn là tham gia vào một liên minh phương Tây thống nhất. Thêm vào đó, các đồng minh châu Âu của NATO cũng không muốn gánh vác thêm trách nhiệm trong khi Mỹ cho rằng còn quá sớm để nói về một NATO ở châu Á.
Nhìn vào sự chia rẽ và ganh đua nội bộ trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, có thể thấy rằng kẻ thù lớn nhất của một quốc gia châu Á thường là một quốc gia châu Á khác. Dù vậy, các quốc gia trong khu vực vẫn có xu hướng muốn giải quyết tranh chấp thông qua các cơ chế khu vực. Theo hướng tiếp cận này, ông Gilberto Teodoro, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines - một đồng minh của Mỹ tại châu Á - đã bác bỏ ý tưởng về một “NATO châu Á” tại một diễn đàn an ninh gần đây. Ông nhấn mạnh rằng “sự chia sẻ và những khác biệt phức tạp về lợi ích quốc gia” trong khu vực đã làm lu mờ triển vọng về một liên minh quân sự thống nhất.
Theo hai nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) giấu tên, hiện NATO không có kế hoạch mở rộng đảm bảo an ninh, đặc biệt là khả năng phòng thủ chung theo Điều 5 Hiệp ước NATO cho các đồng minh và đối tác châu Á. Do đó, dường như cả việc NATO mở rộng sang châu Á lẫn việc thành lập một “NATO châu Á” đều không thực sự nằm trong tầm ngắm.
Việc Nga phát động tấn công Ukrane đã tạo tiếng vang không chỉ đối với khu vực Đại Tây Dương mà còn cả khu vực Thái Bình Dương. Kể từ đó, NATO và 4 đối tác châu Á (AP4), gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, đã gặp nhau thường xuyên hơn, chủ yếu nhằm thảo luận về cách ứng phó với loại hình chiến tranh cả truyền thống và phi truyền thống của Trung Quốc và Nga. Năm 2022, 4 nước này đã lần đầu tiên tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO. Vào tháng trước, trong một động thái chưa có tiền lệ khác, bộ trưởng quốc phòng của 4 nước này đã tham dự hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO tại Brussels. Động thái gia tăng can dự này nhằm mục đích ngăn cản Trung Quốc xâm lược Đài Loan, ngăn chặn nước này “bắt nạt” các đồng minh phương Tây khác trong khu vực và chống lại mối quan hệ đối tác “không giới hạn” giữa Bắc Kinh và Moskva. NATO tin rằng Trung Quốc là “bên hỗ trợ quyết định” trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, thông qua việc hỗ trợ duy trì nền kinh tế Nga và cung cấp các công cụ cũng như công nghệ chế tạo vũ khí.
Tuy nhiên, trong khi an ninh ở các khu vực châu Âu - Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dường như ngày càng gắn kết chặt chẽ hơn, thì mọi thông tin đồn đoán xung quanh việc NATO mở rộng sang châu Á thực chất đều do Trung Quốc thúc đẩy, chứ không phải các nước châu Âu. Một nhà ngoại giao tại Brussels đã nói rằng “NATO ở châu Á là một phát minh của Trung Quốc nhằm tô vẽ phương Tây là những kẻ bành trướng hiếu chiến”. Đây có thể là một câu chuyện hiệu quả ở châu Á, nơi vẫn còn tồn tại “tình cảm chống phương Tây” ăn sâu bám rễ và ký ức về sự áp bức của chế độ thực dân.
Sự chia rẽ là đặc trưng của khu vực châu Á và các nước trong khu vực vẫn chưa đạt được đồng thuận về cách ứng phó với sự hiếu chiến của Trung Quốc. Đơn cử, nhiều quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Việt Nam và Malaysia, có các yêu sách đối đầu nhau đối với các đảo ở Biển Đông. Mặc dù Bắc Kinh đã kéo cờ Trung Quốc và xây dựng những tiền đồn quân sự trên các đảo nhỏ giữa vùng biển tranh chấp này, những nước khác vẫn ưa thích một giải pháp hòa bình, không gây chiến, chứ không áp dụng một cách tiếp cận thống nhất.
Trong khi đó, Hàn Quốc và Nhật Bản, những đồng minh lớn của cả EU và Mỹ, vẫn bất đồng về một loạt các vấn đề lịch sử. Việc Đế quốc Nhật Bản bóc lột Hàn Quốc trong và trước Thế chiến II cũng như việc Hàn Quốc kiểm soát các đảo nhỏ tại khu vực Liancourt giàu tài nguyên là nguồn gốc của sự mất lòng tin và thù địch giữa hai nước. Trên thực tế, Hàn Quốc coi Nhật Bản cùng với Trung Quốc là một trong những mối đe dọa an ninh lớn của họ.
Chuyên gia quân sự Lâm Dĩnh Hựu tại Đại học Tamkang của Đài Loan, cho rằng sự chia rẽ giữa các đồng minh châu Á sẽ không cho phép họ đoàn kết dưới một chiếc ô phòng thủ chung. Ông Lâm nói: “Họ thà chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ còn hơn là chia sẻ với nhau”. Bên cạnh đó, các nước châu Á cần cân nhắc đến mối quan hệ thương mại với Trung Quốc - điều mà cả châu Á và châu Âu đều không muốn làm tổn hại quá lớn. Mặc dù lời lẽ chống Trung Quốc có thể trở nên gay gắt hơn trong nhiệm kỳ thứ hai của tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, nhưng Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của cả Hàn Quốc và Nhật Bản. Ông Lâm Dĩnh Hựu nói: “Hàn Quốc và Nhật Bản cảm thấy có thể Trung Quốc sẽ tấn công họ trong tương lai. Nhưng hiện tại, hai nước này rất nhiều hoạt động hợp tác kinh doanh với Trung Quốc, điều mà họ không muốn mạo hiểm phá vỡ. Trong khi đó Ấn Độ, một đối trọng chính với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng có quan điểm phản đối mạnh mẽ các liên minh phòng thủ nhóm”.
Mặc dù không có sự gia nhập NATO một cách chính thức, nhưng sự hợp tác vẫn sẽ tiếp tục được thúc đẩy Khi tính đến sự mất đoàn kết của châu Á, Tổng thống Mỹ Joe Biden và chính quyền của ông đã thành lập các nhóm nhỏ hơn để kiềm chế Trung Quốc. Đầu tiên, ông Biden đã khôi phục Đối thoại tứ giác an ninh, hay còn gọi là Nhóm Bộ tứ (Quad), bao gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ. Tuy nhiên, với việc Ấn Độ lo ngại bị coi là một phần của liên minh an ninh chống Trung Quốc, Mỹ đã thiết lập liên minh Mỹ - Nhật Bản - Australia - Philippines với tên gọi Squad, trong đó thay thế Ấn Độ bằng Philippines nhằm thúc đẩy các chương trình nghị sự an ninh chống Trung Quốc mạnh mẽ hơn. Mỹ cũng đã khuyến khích các biện pháp xây dựng lòng tin giữa Seoul và Tokyo, hỗ trợ các khoản đầu tư quốc phòng của Nhật Bản và xác định các căn cứ mới để sử dụng chung tại Philippines.
Về phần mình, các đồng minh NATO châu Âu đã bắt đầu xây dựng một khuôn khổ hợp tác với mục đích ngăn chặn Trung Quốc. Theo các chuyên gia, giống như việc hỗ trợ Ukraine mà không cần nước này là thành viên NATO, EU cũng có thể hỗ trợ các đối tác của mình ở châu Á, bao gồm cả cung cấp thông tin tình báo và hỗ trợ về vật chất. Gần đây, Tổng thư ký NATO Mark Rutte cũng tiết lộ rằng chính tình báo Hàn Quốc đã thông báo cho NATO về việc triển khai hàng nghìn quân Triều Tiên đến tỉnh Kursk của Nga. Bên cạnh đó, hợp tác công nghiệp quốc phòng giữa NATO với Hàn Quốc đã trở nên thiết yếu hơn kể từ khi Seoul quyết định cung cấp nhiều đạn dược cho Ukraine.
Trong khi đó, nhiều người cũng tin rằng khi Nhật Bản dần thoát khỏi hiến pháp hòa bình và tiếp tục tăng chi tiêu quốc phòng, sự ngờ vực giữa Seoul và Tokyo có thể sẽ giảm bớt. Chỉ trong tháng trước, EU và Nhật Bản đã ký Hiệp định Đối tác an ninh và quốc phòng để thúc đẩy hợp tác hải quân và thảo luận về các sáng kiến quốc phòng bao gồm trao đổi thông tin về những vấn đề liên quan đến ngành công nghiệp quốc phòng. Ngoài ra, chính Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cũng từng tuyên bố rằng đã đến lúc thành lập một “NATO châu Á”, một động thái tận dụng lời lẽ khoa trương của Trung Quốc để kêu gọi đoàn kết trong khu vực.
Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel gần đây cũng đã đưa ra lập luận về một “NATO kinh tế”. Ông viết rằng: “Trong 3 năm qua, Mỹ và các đồng minh trong khu vực đã củng cố quan hệ đối tác và chuyển đổi bối cảnh an ninh, cô lập Trung Quốc. Trên thực tế, Trung Quốc là một cường quốc kinh tế hiếu chiến và Mỹ cần phải tích hợp thêm nghệ thuật chính trị kinh tế vào kiến trúc mạng lưới chiến lược rộng lớn hơn của mình”. Đây là điều mà các thành viên châu Âu của NATO cần đặc biệt lưu ý, ngay cả khi một “NATO châu Á” có thể không xuất hiện trong tương lai./.
Mạng tin Politico ngày 11/12