Trang mạng của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế RIAC (russiancouncil.ru) mới đây có bài viết với nhận định rằng thất bại trong các cuộc hội đàm giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và người đồng cấp Mỹ Donald Trump vừa qua được nhiều người coi là một sự phá vỡ quy luật. Điều này có vẻ đúng bởi trong 3 năm qua, sự hỗ trợ vô điều kiện và quy mô lớn của Washington dành cho Kiev đã trở thành một “thói quen”: Mỹ là nước cung cấp phần lớn vũ khí, hỗ trợ tài chính và hỗ trợ trong lĩnh vực thông tin liên lạc và tình báo.
Mỹ là quốc gia tiên phong trong tham vọng châu Âu-Đại Tây Dương của Ukraine từ rất lâu trước khi cái gọi là “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga bắt đầu. Có thể nói sự tồn tại của Ukraine hiện đại như một dự án chính trị phần lớn là nhờ vào Mỹ. Đáng chú ý hơn cả là “đòn roi” mà tổng thống và phó tổng thống Mỹ dành cho nhà lãnh đạo Ukraine tại Phòng Bầu dục. Mặc dù cái kết của cuộc xung đột quân sự với Nga vẫn chưa được định hình nhưng sự kiện vừa qua ở Nhà Trắng cho chúng ta lý do để suy ngẫm về một số kết quả của 3 năm qua và những giai đoạn trước đó trong lịch sử hậu Xô Viết của Ukraine. Chúng có thể được thể hiện như một sự cân bằng giữa lợi nhuận và tổn thất.
Việc Ukraine duy trì vị thế là một quốc gia độc lập chính thức có thể được coi là một điều tích cực. Những tổn thất về lãnh thổ là đáng chú ý song vẫn chưa quá lớn so với những gì Ukraine phải chịu trước khi cuộc chiến của Nga bắt đầu. Kiev đã duy trì được sự ủng hộ của phương Tây trong 3 năm, định vị mình là lực lượng tiên phong trong việc kiềm chế Nga. Quân đội Ukraine là một trong những lực lượng lớn nhất và giàu kinh nghiệm nhất ở châu Âu khi đã thành thạo sử dụng vũ khí hiện đại của phương Tây trong điều kiện chiến đấu. Bất chấp những vụ bê bối tham nhũng, quốc gia này vẫn tập trung được nguồn lực, huy động người dân và duy trì nhịp độ hoạt động quân sự cao trong 3 năm.
Bây giờ là danh sách các “khoản nợ” mà Kiev phải trả. Trước hết, Ukraine phải chịu tổn thất đáng kể về nhân lực với hàng trăm nghìn người thiệt mạng hoặc bị thương. Sự mất mát này còn trầm trọng hơn do số lượng lớn người tị nạn và người di cư. Xét đến tình hình nhân khẩu học khó khăn sau khi Liên Xô sụp đổ, tỷ lệ sinh thấp và tỷ lệ tử vong cao (tương tự như ở Nga), thì những mất mát là điều đáng chú ý đối với đất nước này. Hơn nữa, Ukraine không có kinh nghiệm như Nga trong việc tiếp nhận số lượng lớn người di cư nên sẽ rất khó để bù đắp những mất mát. Tất nhiên, cộng đồng người Ukraine ở nước ngoài cũng có thể là một lợi thế khi họ có thể vận động hành lang cho luật pháp có lợi cho Kiev và lệnh trừng phạt Nga đồng thời chuyển tiền cho người thân.
Thương vong về người còn trầm trọng hơn do thiếu hụt về cơ sở hạ tầng, tài sản công nghiệp và vật chất. Các hành động quân sự đã gây ra thiệt hại lớn và việc phục hồi sẽ cần tới hàng chục tỷ USD. Những tổn thất đáng chú ý hơn lại xảy ra ở khu vực hỗ trợ vật chất cho lực lượng vũ trang. Kho vũ khí khổng lồ của Liên Xô đã cạn kiệt chỉ trong vòng 3 năm và nguồn cung của phương Tây đã góp phần làm giảm bớt vấn đề này. Tuy nhiên, sẽ rất khó để duy trì mức cung cần thiết nếu không có những khoản đầu tư tài chính mới và lớn hơn. Sự thay đổi đột ngột của Washington đã khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn nhiều do phần lớn nguồn cung đều đến từ Mỹ.
Liên quan đến tổn thất về lãnh thổ, các con số cuối cùng vẫn chưa được công bố song rõ ràng là việc áp dụng chính sách ngoại giao của Kiev vào vấn đề biên giới năm 1991 là không khả thi. Sẽ không thể đẩy lùi quân đội Nga. Hơn nữa, quân đội Nga vẫn tiếp tục tiến quân chậm nhưng chắc chắn. Tổ hợp công nghiệp quân sự Nga đã đạt được đà phát triển và dường như cũng đã sẵn sàng duy trì tốc độ đã đề ra. Trong khi đó, sự suy yếu của Ukraine lại đi kèm với những mất mát về lãnh thổ mới. Trong thời kỳ hậu chiến, Kiev sẽ không phải gánh chịu gánh nặng khôi phục lại những vùng lãnh thổ đã mất, vốn bị phá hủy hoàn toàn bởi hành động quân sự nhưng cũng sẽ không có cách nào để tiếp cận được tiềm năng của các vùng lãnh thổ đó.
Cuộc chiến kéo dài 3 năm qua đã làm gia tăng đáng kể sự phụ thuộc của Ukraine vào các đối tác phương Tây. Sau khi giữ được chủ quyền chính thức, Ukraine đã phần lớn mất đi quyền tự do lựa chọn con đường chính trị và kinh tế của mình. Ngân sách của đất nước phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ nước ngoài. Những tàn dư của ngành công nghiệp bị bó buộc trong các tính toán sản xuất và cung ứng của phương Tây, làm sâu sắc thêm tính chất ngoại vi của nền kinh tế quốc gia. Việc hiện đại hóa đất nước và thậm chí duy trì cơ bản cuộc sống ở mức bình thường là điều không thể nếu không có các nhà tài trợ phương Tây. Giả sử EU và các nước khác tịch thu toàn bộ tài sản bị đóng băng của Nga và chuyển chúng sang Ukraine (hiện vẫn chưa thấy động thái này), thì vấn đề phụ thuộc vẫn còn đó vì những quyết định cấp vốn sẽ lại được đưa ra bởi các nước bên ngoài. Bên cạnh đó, sự phụ thuộc cũng tạo ra sự yếu kém về chính trị. Các đối tác có thể vô tình “vặn vẹo tay” và lấy đi những tài sản mà họ cho là quan trọng đối với mình. EU thực hiện điều này một cách nhẹ nhàng, chọn đúng từ ngữ tế nhị và giúp người Ukraine giữ được thể diện. Nhưng ông Trump lại không ngần ngại trao cho Ukraine một tấm séc đền bù cho sự hỗ trợ mà Washington đã cung cấp dưới hình thức chuyển giao quyền kiểm soát đáng kể đối với việc khai thác tài nguyên thiên nhiên của nước này.
Ba năm sau khi cuộc xung đột bắt đầu, hệ thống chính trị của Ukraine vẫn dễ bất ổn. Ukraine thời chiến đã trở thành một quốc gia độc tài dựa trên chủ nghĩa dân tộc như một hệ tư tưởng chính trị. Tuy nhiên, cái giá phải trả là vấn đề ngày càng gia tăng về tính chính danh của chính quyền và chính phủ hiện tại. Tính liên tục của nền chính trị đang bị phá vỡ ở đất nước này, một dấu hiệu cho thấy là các lệnh trừng phạt không chỉ đối với giới lãnh đạo thời tiền Maidan mà còn đối với cựu cựu Tổng thống Petro Poroshenko và những người lãnh đạo cuộc cách mạng năm 2014. Những điểm yếu của nền chính trị Ukraine, vốn tồn tại ngay từ những giai đoạn đầu tiên của đất nước, có thể lại trỗi dậy mạnh mẽ hơn. Điểm yếu về chính trị cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng xã hội, sự mệt mỏi vì các hoạt động quân sự, sự thất vọng vì thất bại và sự hoài nghi của các đối tác. Xã hội vẫn chưa phải đối mặt với chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Sự hợp tác với phương Tây đã mở ra nhiều cơ hội cho người dân Ukraine, giúp họ có thể dễ dàng tìm được việc làm ở các nước EU và học tập tại các trường đại học phương Tây. Nhưng mô hình như vậy có thể chứng minh là mang tính thực dân, làm trầm trọng thêm tình trạng cạn kiệt chất xám và nguồn lực lao động còn lại.
Một di sản khác của cuộc xung đột quân sự kéo dài 3 năm qua là nhu cầu phải luôn sẵn sàng cho một cuộc chiến mới với Nga. Nếu Kiev duy trì chính sách đối ngoại hiện tại, khả năng chấm dứt chiến sự chỉ là tạm thời. Ukraine sẽ phải duy trì và chi trả cho một bộ máy quân sự quan trọng và nó sẽ tiếp tục hấp thụ những nguồn tài nguyên khổng lồ mà chỉ phương Tây mới có thể cung cấp. Ở đây, một lần nữa chúng ta có thể thấy Ukraine có sự phụ thuộc ngày càng sâu sắc vào nó.
Ukraine cũng có thể phải đối mặt với mối đe dọa phá vỡ một khuôn mẫu khác: giải quyết cuộc xung đột với Nga. Tuy nhiên, luận điểm này hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với Ukraine của hiện tại và thậm chí là cả giai đoạn dài hơn (bắt đầu từ năm 2014). Ở trong nước, việc này đi kèm nguy cơ phản quốc, trừng phạt và đàn áp. Hình ảnh nước Nga là “kẻ thù truyền kiếp” đã ăn sâu vào truyền thông Ukraine. Do đó, việc tiếp tục đối đầu, ngay cả trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, vẫn là điều hợp lý. Khát vọng trả thù là chất xúc tác cho bản sắc dân tộc và sự củng cố chủ nghĩa dân tộc ở Ukraine.
Tuy nhiên, nếu không thoát khỏi cuộc xung đột, ngay cả sau khi trải qua giai đoạn đau thương với những thiệt hại và mất mát, Ukraine có nguy cơ mất đi tính chính thể của mình, củng cố vai trò là “công cụ” trong tay các thế lực bên ngoài mà không có nhiều cơ hội để điều chỉnh chính sách đối ngoại và nền độc lập của chính mình./.