rang tin “Diễn đàn Đông Á” ngày 23/12 đăng bài viết của tác giả Abdul Rahman Yaacob, nhà nghiên cứu tại Chương trình Đông Nam Á của Viện Lowy, cho rằng năm 2025 sẽ là năm quan trọng đối với Malaysia khi nước này chuẩn bị tiếp quản chức Chủ tịch ASEAN và kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao với Australia.
Australia là một nhân tố quan trọng trong lịch sử Malaysia, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng. Malaysia coi trọng mối quan hệ quốc phòng với Australia, coi quốc gia châu Đại dương này là một cường quốc tầm trung hiểu được mối quan tâm của các quốc gia nhỏ. Sự bền bỉ của mối quan hệ quốc phòng Australia-Malaysia bắt nguồn sâu sắc từ tiền lệ và ký ức lịch sử. Các thế hệ người Malaysia lớn tuổi vẫn nhớ những hy sinh to lớn mà những người lính Australia đã làm để bảo vệ lãnh thổ Malaysia — từ Chiến tranh Thế giới thứ hai đến cuộc nổi dậy của cộng sản trong suốt những năm 1950 và cuộc đối đầu quân sự với Indonesia vào những năm 1960.
Mặc dù Chiến tranh Lạnh đã kết thúc cách đây nhiều thập kỷ, nhưng mối quan hệ ràng buộc giữa lợi ích quốc phòng của hai quốc gia vẫn còn. Malaysia và Australia là thành viên của Thỏa thuận quốc phòng 5 cường quốc (FPDA), cùng với 3 đối tác khác là Singapore, New Zealand và Anh. Được thành lập năm 1971, FPDA được thiết kế nhằm cung cấp nền tảng cho tất cả các thành viên tham vấn lẫn nhau trong trường hợp có mối đe dọa từ bên ngoài đối với Malaysia hoặc Singapore.
Các cuộc tập trận quân sự chung giữa Australia và Malaysia thông qua FPDA giúp tăng cường khả năng tương tác và hiểu biết lẫn nhau. Đối với người Malaysia, các cuộc tập trận FPDA giúp họ có được năng lực hoạt động trong môi trường đa quốc gia và học các kỹ năng tác chiến cũng như chiến thuật từ những người Australia giàu kinh nghiệm hơn.
Australia cũng được hưởng lợi từ mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ với Malaysia. Ví dụ, Chiến dịch Gateway đã giúp Australia có được chỗ đứng quốc phòng ở Đông Nam Á, cho phép quốc gia này giám sát các tuyến đường thủy quan trọng trong khu vực.
Vị trí của Australia gần Đông Nam Á cũng là một điểm tích cực. Các quan chức quốc phòng Malaysia có chung niềm tin rằng, không giống như Mỹ, Australia là một cường quốc có lợi ích cố hữu trong sự ổn định và an ninh của Đông Nam Á, là một quốc gia mà họ có thể tin tưởng và hợp tác. Việc tiếp tục triển khai quân đội và tài sản của Australia tại một căn cứ không quân của Malaysia ở Butterworth kể từ những năm Chiến tranh Lạnh là minh chứng cho sự tin tưởng đó.
Australia có thể thúc đẩy quan hệ quốc phòng với Malaysia hơn nữa bằng cách hiểu văn hóa chiến lược của Malaysia. Malaysia thích ngoại giao thầm lặng hơn là ngoại giao khoa trương. Điều này được phản ánh trong cách tiếp cận của Kuala Lumpur để giải quyết các yêu sách hàng hải chồng lấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Việc Malaysia lựa chọn ít công khai chỉ trích Trung Quốc hơn các bên yêu sách khác ở Biển Đông không có nghĩa là Kuala Lumpur gần gũi hơn với Bắc Kinh hay Malaysia đang rời xa Australia hay phương Tây. Malaysia chỉ đơn giản là có cách tiếp cận khác với Australia trong việc phản ứng trước các mối đe dọa từ Trung Quốc.
Các quan chức quốc phòng và chính sách đối ngoại của Malaysia cảm thấy thoải mái với cách tiếp cận của Australia trong việc đối phó với Trung Quốc dưới thời Thủ tướng Anthony Albanese và Ngoại trưởng Penny Wong. Canberra được tôn trọng vì sự kiềm chế và nỗ lực tránh khiêu khích không cần thiết có thể làm mất ổn định môi trường chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Malaysia không đơn độc trong vấn đề này. Các quan chức quốc phòng từ một số quốc gia thành viên ASEAN đã bày tỏ quan điểm tương tự về cách tiếp cận của Australia trong việc đối phó với Trung Quốc.
Malaysia cũng thừa nhận năng lực quốc phòng hạn chế của nước này. Hầu hết các tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Malaysia đã hoạt động trong hơn 30 năm và số lượng của chúng rất hạn chế. Thực tế này định hình nên phản ứng không đối đầu của Malaysia đối với các cuộc xâm nhập của Trung Quốc vào vùng biển Malaysia. Malaysia cũng lo ngại rằng lập trường quyết đoán hơn của Philippines trong các tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc có thể dẫn đến một cuộc xung đột quân sự tiềm tàng trong khu vực.
Australia có thể hợp tác với Malaysia để cải thiện năng lực phòng thủ trên biển của Malaysia. Mặc dù Malaysia đã lắp đặt radar ven biển để giám sát vùng biển của mình, nhưng vẫn còn những điểm mù ở phía Đông và phía Tây Malaysia. Phạm vi của một số radar bị hạn chế và không có khả năng mở rộng đến các giàn khoan dầu của Malaysia đang hoạt động xa hơn ở Biển Đông. Đào tạo kỹ thuật và phát triển nguồn nhân lực là 2 trong số những lĩnh vực mà Australia có thể hỗ trợ Malaysia.
Australia và Malaysia có thể nâng cao nhận thức của công chúng về tầm quan trọng của hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Một hướng đi tiềm năng cho mục đích này là tổ chức Ngày ANZAC và các sự kiện cũng như triển lãm liên quan đến FPDA tại các học viện đào tạo của Malaysia, với sự tham gia của các tổ chức truyền thông Malaysia và những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội. Những câu chuyện về các hoạt động chung thành công như Orkim Harmony và Chiến dịch Redback có thể được tận dụng cho mục đích này.
Tuy nhiên, có một số thách thức tiềm ẩn đối với hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn. Australia và Malaysia có lập trường khác nhau về cuộc chiến của Israel ở Gaza và các nước láng giềng ở Trung Đông. Australia gần gũi với Israel hơn Malaysia, trong khi lập trường của Malaysia dưới thời Thủ tướng Anwar Ibrahim dựa trên mối quan hệ chặt chẽ với Hamas — kẻ thù của Israel. Có khả năng các lập trường khác nhau về cuộc xung đột này hoặc các cuộc xung đột khác có thể ảnh hưởng đến quan hệ song phương trong dài hạn.
Malaysia cũng lo ngại rằng các đối tác phương Tây đang muốn mở rộng vai trò và phạm vi của FPDA, điều này có thể “chọc giận” Trung Quốc. Các nhà hoạch định chính sách ở Canberra phải thận trọng khi lập kế hoạch cho tương lai của FPDA. Quan hệ quốc phòng Australia-Malaysia phải được duy trì một cách thận trọng và tái khẳng định định kỳ để đảm bảo sự bền vững trong một thế giới bất ổn hơn./.