Những hoạt động triển khai tàu và máy bay để thách thức các yêu sách bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Hoa Nam (Biển Đông) đang gia tăng. Các tàu châu Âu xuất hiện thường xuyên hơn, trong khi các nước châu Á - Thái Bình Dương đang tiến hành ngày càng nhiều hoạt động ở những khu vực mà Trung Quốc coi là nhạy cảm.
Một số quốc gia cũng có yêu sách ở Biển Đông, nhưng yêu sách của Trung Quốc là rộng lớn và gây tranh cãi nhất. Bắc Kinh tìm cách thực thi các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với tất cả các thực thể trong “Đường 9 đoạn”, bao gồm các đảo, đá và đảo san hô tạo nên Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với vùng lãnh thổ này mặc dù có phán quyết năm 2016 cho rằng các yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.
Trong bối cảnh luật pháp quốc tế không làm được gì nhiều để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc, ngày càng có nhiều quốc gia sử dụng quân đội của mình để thách thức các yêu sách của Bắc Kinh. Năm 2024, có nhiều lực lượng hải quân châu Âu hoạt động ở Biển Đông hơn so với những năm gần đây, khi mà cả Anh, Pháp, Đức, Italy và Hà Lan đều gửi tàu đến khu vực này. Trong khi đó, các quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Canada, New Zealand và Australia đã tăng cường sự can dự của họ, bao gồm cả thông qua các chuyến tuần tra chung với Philippines ở Biển Đông.
Các quốc gia có cách tiếp cận khác nhau để thách thức các yêu sách bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Một số quân đội đang hoạt động trong phạm vi “Đường 9 đoạn”. Những quốc gia khác điều tàu hải quân trực tiếp đi qua Quần đảo Trường Sa. Một số công khai hoạt động của họ; những quốc gia khác thì không. Chỉ một số ít tiến hành các hoạt động gần Quần đảo Hoàng Sa, vì làm như vậy là cực kỳ rủi ro. Một sự cố năm 2022, trong đó một phi công Trung Quốc đã “thả trấu” (các mảnh nhôm) trước một máy bay do thám P-8 Poseidon của Australia, là một ví dụ về rủi ro này.
Mỹ là quốc gia duy nhất cử máy bay hoặc tàu đến phạm vi 12 hải lý tính từ các thực thể bị yêu sách. Khi làm như vậy, Mỹ sẽ bị coi là xâm phạm lãnh hải nếu Trung Quốc thực sự sở hữu lãnh thổ đó. Các hoạt động quân sự nhằm thách thức các yêu sách của Trung Quốc như vậy đã diễn ra kể từ năm 2015.
Ngoài các quốc gia xung quanh Biển Đông, Mỹ có sự hiện diện quân sự công khai và tích cực nhất ở đây. Năm 2023, Quân đội Mỹ đã tiến hành 107 hoạt động, bao gồm 6 hoạt động cụ thể nhằm thách thức các yêu sách bất hợp pháp của Trung Quốc theo chương trình Tự do Hàng hải của Mỹ. Các hoạt động của Mỹ luôn đi kèm với các tuyên bố công khai mạnh mẽ.
Pháp và Canada đều hoạt động tích cực trong khu vực, bao gồm cả trong Quần đảo Trường Sa. Cả hai đều thông báo sự hiện diện và hành động quân sự của mình. Canada hiện đưa các nhà báo đi qua một số tuyến đường quá cảnh ở Biển Đông. Nước này đã hoạt động gần Quần đảo Hoàng Sa, nhưng như đã chứng minh, khi một máy bay chiến đấu của Trung Quốc bắn pháo sáng gần một trực thăng của Canada vào năm 2023, việc làm như vậy đi kèm với rủi ro. Năm 2015, Pháp đã mạnh dạn thực hiện quyền tự do hàng hải của mình bằng cách điều một lực lượng đặc nhiệm đi qua Quần đảo Hoàng Sa.
Australia có sự hiện diện quân sự tích cực ở Biển Đông. Có bằng chứng cho thấy Australia hoạt động gần các đảo mà Trung Quốc đưa ra yêu sách bất hợp pháp. Tuy nhiên, nhịp độ và bản chất của những thách thức quân sự của nước này rất khó xác định vì Canberra không công khai chúng. Quân đội Trung Quốc đã rất hung hăng trong việc tìm cách ngăn chặn Australia hoạt động gần 2 quần đảo này bằng cách tiến hành các cuộc ngăn chặn không an toàn.
New Zealand có sự hiện diện bán thường xuyên bên trong “Đường 9 đoạn”, tương xứng với quy mô lực lượng vũ trang của nước này. Trong khi đó, Nhật Bản có sự hiện diện quân sự ngày càng tăng trong khu vực và ngày càng hợp tác với các đối tác như Mỹ, Australia và Philippines. Cũng giống như Australia, có những dấu hiệu cho thấy Nhật Bản và New Zealand hoạt động gần hoặc trong Quần đảo Trường Sa, nhưng không bên nào công khai các hành động cụ thể, vì vậy bản chất của các hành động đó rất khó xác định.
Anh đã cử một nhóm tác chiến tàu sân bay qua Biển Đông vào năm 2021 và có ý định làm như vậy một lần nữa vào năm tới. Quân đội Anh hoạt động gần Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa và sử dụng thông điệp công khai để củng cố tầm quan trọng của việc đi lại ở những khu vực này. Thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng của châu Âu đối với khu vực này, Đức, Hà Lan và Italy đã cử tàu hải quân đến khu vực này vào năm 2024, nhưng dường như không có bên nào công khai thách thức các yêu sách của Trung Quốc trong Quần đảo Trường Sa hoặc Hoàng Sa.
Bên vắng mặt đáng chú ý nhất trong khu vực là Hàn Quốc. Năm 2018, tàu khu trục Great lớp Munmu của Hàn Quốc đã vào Quần đảo Hoàng Sa để tránh bão. Nhưng Seoul nhanh chóng làm rõ rằng con tàu ở đó không phải để thách thức các yêu sách của Trung Quốc. Tương tự như vậy, khi các quốc gia ven biển Đông Nam Á thường xuyên hoạt động ở đó, họ không trực tiếp thách thức các yêu sách của Trung Quốc thông qua các hoạt động tự do hàng hải.
Sự hiện diện ngày càng tăng của hải quân châu Âu ở Biển Đông và hoạt động gia tăng của các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương ở đó là điều đáng hoan nghênh. Điều này đang giúp đẩy lùi sự xâm lược ngày càng tăng của Trung Quốc và củng cố các quy tắc và chuẩn mực lâu đời làm nền tảng cho sự thịnh vượng của khu vực./.
Trang mạng aspistrategist.org.au (Ngày 3/1)