13 năm sau khi cuộc nổi dậy ở Syria nổ ra, sự sụp đổ chóng vánh của Bashar al-Assad đã phá vỡ mọi nhận thức về một trật tự ổn định, dù dưới chế độ hà khắc. Trong suốt phần lớn thập kỷ qua, chế độ Assad, với những hỗ trợ không ngừng từ Iran và Nga, đã đàn áp mọi sự phản kháng. Những gì bắt đầu như một cuộc nổi dậy vào năm 2011 đã phát triển thành một cuộc nội chiến tàn khốc, cuối cùng trở thành một sự bế tắc đầy bất ổn. Dù đối mặt với nhiều thử thách, quyền lực của Assad tưởng chừng như vẫn vững vàng và người ta chắc hẳn cũng đã bất ngờ khi chế độ này đã sụp đổ chỉ trong vài ngày sau một cuộc tấn công phối hợp của phe nổi dậy.
Ảnh hưởng của Iran tại Syria, thứ mà Tehran đã dày công vun đắp qua nhiều năm can thiệp tốn kém và sự hỗ trợ kiên định, là một trong những thiệt hại chính từ các diễn biến này. Tehran là đồng minh trung thành nhất của Assad trong suốt cuộc xung đột. Trong những năm qua, Iran đã đầu tư một lượng lớn tài nguyên và viện trợ quân sự để đảm bảo sự sống còn của chế độ. Tuy nhiên, khi quân đội Syria nhanh chóng tan rã, Iran lại vắng mặt. Sau đó, lãnh đạo tối cao của Iran Ali Khamenei lên án sự sụp đổ của Assad như một âm mưu do các thế lực ngoại quốc dàn dựng, phản ánh nỗ lực của Tehran nhằm tự bảo vệ hình ảnh của chính họ như một cường quốc khu vực kiên cường.
Tuy nhiên, trong nội bộ Iran, giới quan chức và giới quan sát lại có sự chia rẽ đáng kể. Với tốc độ diễn biến sự kiện nhanh chóng và thực tế Tehran đang cạn kiệt cả nguồn lực quân sự và chính suốt năm qua, trong bối cảnh các cuộc đối đầu quân sự trực tiếp và gián tiếp gia tăng với Israel, giới lãnh đạo Iran đã phải vật lộn để có một phản ứng thống nhất.
Thất bại chiến lược của Iran mang đến cho Mỹ một cơ hội đặc biệt để giảm thiểu nguy cơ xảy ra xung đột mới và tạo nền tảng cho một Syria ổn định lâu dài. Bằng cách tiếp tục hỗ trợ lực lượng người Kurd ở Syria, thúc đẩy đối thoại giữa các bên liên quan và khuyến khích Israel kiềm chế hành động tại Syria, Washington có thể giúp hình thành một Syria hậu Assad hòa bình và ổn định hơn. Tuy nhiên, ổn định khu vực có thể sẽ đòi hỏi sự tham gia của Iran trong các cuộc đàm phán về tương lai của Syria. Nếu Washington và Tehran không mở lòng, Syria sẽ tiếp tục mắc kẹt.
Iran dường như đã bị đánh lừa bởi vỏ bọc của một chính quyền mạnh mẽ và ổn định tại Damascus, dù rằng chính Tehran đã giúp Assad tạo ra ảo giác đó. Chính phủ Iran đã không chuẩn bị cho sự sụp đổ nhanh chóng của quân đội Syria, khi các tuyến phòng thủ sụp đổ và các binh sĩ tỏ ra không sẵn sàng hoặc không thể chiến đấu. Chỉ trong vài ngày, phe nổi dậy đã chiếm được thành phố Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria, và tiến về phía Nam, khiến Iran không có thời gian để phản ứng hiệu quả. Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Hossein Salami thừa nhận Iran “không thể chiến đấu thay cho quân đội Syria... khi họ chỉ ngồi yên và quan sát”.
Sự suy yếu Hezbollah cũng làm trầm trọng thêm những thách thức của Iran. Hezbollah là yếu tố quan trọng trong chiến lược của Iran tại Syria, với hàng nghìn chiến binh được triển khai để hỗ trợ chế độ Assad trong suốt thập kỷ qua. Sau cái chết của Tư lệnh Lực lượng Quds Qasem Soleimani vào năm 2020, Hezbollah trở thành bên điều phối chính các lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn ở Syria. Tuy nhiên, các cuộc tấn công của Israel trong năm qua đã tiêu diệt hàng ngũ lãnh đạo của Hezbollah và ngăn cản nhóm này hỗ trợ Assad.
Israel cũng gia tăng các cuộc tấn công vào các tài sản của Iran tại Syria. Từ mục đích ban đầu là cản trở Iran chuyển vũ khí tới Hezbollah qua Syria, chiến lược này đã trở thành một phần trong cuộc đối đầu rộng lớn hơn giữa Israel và Hezbollah, cũng như với "trục kháng chiến" được Iran hậu thuẫn, dẫn đến một cuộc phong tỏa trên đất liền và trên không hồi cuối năm 2023, cắt đứt hoàn toàn các hoạt động quân sự và hậu cần của Iran vào Syria, đặc biệt là qua Iraq.
Trong khi đó, khi phe nổi dậy tiến hành các cuộc tấn công tại Syria vào cuối tháng 11, lực lượng Shi’ite Iraq, những người đã đóng vai trò quan trọng trong những giai đoạn đầu của cuộc nội chiến Syria, không còn muốn quay lại tham chiến, bởi họ còn phải ưu tiên các vấn đề của chính họ cũng như những lo ngại về chi phí leo thang. Thiếu vắng sự hỗ trợ đáng tin cậy từ các đồng minh này đã khiến khả năng phản ứng hiệu quả của Iran gặp nhiều hạn chế.
Các yếu tố trong nước cũng ảnh hưởng đến quyết định không can thiệp của Tehran. Hai vòng đối đầu qua lại với Israel, đặc biệt là một loạt các cuộc tấn công của Israel vào các cơ sở quân sự và hệ thống phòng không của Iran hồi tháng 10, đã phơi bày những điểm yếu của Cộng hòa Hồi giáo. Thêm vào đó, nền kinh tế của Iran hiện tại không mạnh mẽ như khi Tehran lần đầu can thiệp vào Syria vào năm 2011, khiến họ khó có khả năng duy trì một cuộc can thiệp tốn kém khác. Đối mặt với nguy cơ leo thang thêm, Tehran ưu tiên củng cố quốc phòng thay vì phân bổ nguồn lực cho các cuộc xung đột bên ngoài.
Trục kháng chiến rạn nứt
Sự sụp đổ của Assad không chỉ cho thấy những điểm yếu của Iran mà còn đặt ra những thách thức mới nghiêm trọng cho Tehran, đe dọa xói mòn cả ảnh hưởng trong khu vực và sự ổn định của chế độ này. Một trong những vấn đề lớn nhất là khôi phục khả năng hoạt động của Hezbollah. Syria từ lâu đã là một trung tâm hậu cần quan trọng trong "hành lang đất liền" nối Iran với Biển Địa Trung Hải và tạo điều kiện cho việc chuyển các vũ khí tiên tiến và hậu cần đến Hezbollah. Với sự sụp đổ của Assad, tuyến đường cung cấp này đã bị cắt đứt, khiến Hezbollah bị cô lập và gián đoạn kết nối địa lý của trục kháng cự. Suy yếu sau cuộc chiến kéo dài 14 tháng với Israel, Hezbollah tiếp tục đối mặt với thử thách lớn để phục hồi với ít hỗ trợ hậu cần trực tiếp từ Iran.
Sự sụp đổ của Assad cũng càng khoét sâu những chia rẽ về lý tưởng và sắc tộc trong số các đồng minh của Iran, điều này có thể làm gia tăng sự phân hóa trong trục kháng chiến. Iran, Hezbollah, dân quân Iraq, và lực lượng Houthi đều coi sự kiện này là một thất bại lớn. Tuy nhiên, Hamas và lực lượng hánh chiến Hồi giáo Palestine, các nhóm Sunni mà Iran ủng hộ, đã chúc mừng phe nổi dậy Syria, dẫn đầu là Hayat Tahrir al-Sham (HTS).
Đối với trục kháng chiến, việc mất Syria cũng có thể làm suy yếu độ tín nhiệm của Iran với các đối tác trong khu vực như Iraq và Yemen. Việc Iran không can thiệp mạnh mẽ để bảo vệ Assad sẽ có thể khiến những nhóm dựa vào sự hỗ trợ của Tehran bắt đầu hoài nghi cam kết và khả năng của nước này.
Mất đi đồng minh Syria sẽ còn gây bất lợi cho Iran trong cuộc cạnh tranh với Thổ Nhĩ Kỳ. Sự ủng hộ mạnh mẽ của Ankara đối với các nhóm nổi dậy Syria đã làm xáo trộn thế cân bằng quyền lực khu vực. Dưới thời Assad, sự hiện diện rộng rãi của Iran tại Syria đã giúp Tehran đối trọng với tham vọng khu vực của Ankara. Tuy nhiên, kể từ khi Assad sụp đổ, Ankara – lực lượng bảo trợ chính của các nhóm nổi dậy Syria, đặc biệt là HTS - đã thay thế Tehran và Moskva trở thành lực lượng bên ngoài chủ đạo tại Syria, mở rộng ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ trong khi hạn chế ảnh hưởng của Tehran. Iran ngày càng lo ngại rằng Thổ Nhĩ Kỳ, được tiếp thêm sức mạnh từ vị thế suy yếu của Tehran, có thể tìm cách tăng cường ảnh hưởng tại Iraq, Liban và Nam Caucasus. Tại Iraq và Liban, Thổ Nhĩ Kỳ có thể gia tăng sự hỗ trợ đối với các phe phái Sunni chống lại các nhóm Shi’ite thân Iran. Tại Nam Caucasus, việc Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy thiết lập hành lang Zangezur - tuyến đường vận chuyển chiến lược nối Thổ Nhĩ Kỳ với Azerbaijan qua lãnh thổ Armenia - đe dọa cắt đứt lối vào đất liền của Iran đối với Armenia, một đối tác chiến lược quan trọng để duy trì ảnh hưởng trong khu vực Caucasus và các tuyến thương mại, làm Iran bị cô lập về mặt kinh tế và địa chính trị.
Sự sụp đổ của Assad đã làm gia tăng sự bất mãn trong nội bộ, giữa những người ủng hộ trung thành với chế độ ở Tehran, khi một số người gọi thất bại này là một sai lầm chiến lược và công khai chỉ trích chính quyền trên truyền hình nhà nước. Đối với một chế độ phụ thuộc nhiều vào lực lượng ủng hộ nhiệt thành, bất đồng này là một thử thách nghiêm trọng. Nhiều người cũng lo ngại rằng các nhóm cực đoan Sunni ở những khu vực phía Nam bất ổn của Iran, như các nhóm Arab và Baluchi, có thể sẽ được khích lệ sau các diễn biến vừa qua, thêm nguy cơ bất ổn trong bối cảnh chính quyền ngày càng dễ tổn thương.
Dù phải đối mặt với nhiều thách thức, Iran đang điều chỉnh chiến lược để duy trì ảnh hưởng tại Syria và vùng Levant. Iran đã thể hiện rằng họ quan tâm đến việc giao tiếp với các nhóm người Kurd Syria, những người dù không thách thức trực tiếp Assad nhưng là một trong những tác nhân quan trọng trong cuộc chiến chống lại các nhóm cực đoan Sunni, và hiện kiểm soát một phần lớn vùng Đông Bắc Syria. Trước khi Assad bị lật đổ, các lực lượng ủng hộ Iran đã rút khỏi các vị trí quan trọng tại Syria, đặc biệt là tỉnh Deir ez-Zor gần biên giới Iraq, chuyển giao quyền kiểm soát cho Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), một tổ chức chủ yếu là người Kurd.
Iran cũng có thể sẽ tìm cách giao thiệp với HTS, tận dụng những cảm tình chống Israel và ủng hộ Palestine trong hàng ngũ của phe nổi dậy. Dù lãnh đạo HTS tuyên bố không muốn gây chiến với Israel, các cuộc tấn công và đà tiến của Israel ở Syria có thể sẽ dẫn đến những thay đổi trong chiến lược. Tehran có thể sẽ cung cấp hỗ trợ cho HTS để đổi lấy những nhượng bộ chiến lược, như việc khôi phục quyền tiếp cận lực lượng Hezbollah ở Liban.
Iran cũng có thể điều chỉnh chính sách bằng cách xây dựng quan hệ với các nhóm thiểu số Shi’ite và Alawite ở miền Tây Syria, những người lo ngại bị phân biệt và đàn áp bởi các nhóm cực đoan Sunni. Bằng cách liên kết với những nhóm này, Iran có thể xây dựng một mạng lưới các lực lượng và dân quân trung thành để duy trì ảnh hưởng tại Syria, ngay cả khi không có một chế độ thân Iran tại đây.
Sự sụp đổ của Assad và suy yếu ảnh hưởng Iran tại Syria thực tế được nhiều người nhìn nhận là cơ hội hiếm có cho những thay đổi, song đi cùng với đó là đầy rẫy thử thách, và việc giải quyết những thách thức này sẽ cần sự tham gia tích cực của Mỹ.
Duy trì sự hỗ trợ của Mỹ đối với các lực lượng người Kurd là vô cùng quan trọng. Lực lượng SDF do người Kurd dẫn đầu đã là một đối tác quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống IS và là một lực lượng ổn định tại Đông Bắc Syria. Tuy nhiên, các cuộc giao tranh gần đây với các nhóm nổi dậy do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã khiến SDF phải đình chỉ các hoạt động chống lại lực lượng này. Tiếp tục nguồn cung này, bao gồm cả tài chính, chính trị và ngoại giao, sẽ củng cố sức mạnh của người Kurd trước các mối đe dọa đó, đồng thời ngăn Iran tận dụng các khoảng trống quyền lực.
Washington cần khuyến khích Israel kiềm chế và giảm leo thang các hoạt động ở miền Nam Syria. Sau sự sụp đổ của Assad, Israel đã mở rộng sự hiện diện ngoài Cao nguyên Golan, chiếm đóng các khu vực sâu trong lãnh thổ Syria và biện minh cho động thái này bằng lo ngại an ninh. Tuy nhiên, mọi chiến dịch chiếm đóng lâu dài của Israel cũng sẽ khiến người Syria càng thêm bất bình, tạo cơ hội cho Iran tái khởi động chiến lược chống Israel tại Syria.
Mỹ cũng cần hợp tác với các đồng minh tại Trung Đông và châu Âu để thúc đẩy một cuộc đối thoại chính trị toàn diện giữa các phe phái Syria. Khoảng trống quyền lực sau sự ra đi của Assad để lại có thể làm gia tăng cạnh tranh giữa các phe phái và các nhóm sắc tộc, tôn giáo tại đây. Hỗ trợ đối thoại toàn diện là cách để xây dựng một chính phủ đại diện, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Syria và đảm bảo quyền lợi của các nhóm thiểu số, đồng thời giảm nguy cơ Iran hoặc các thế lực bên ngoài khai thác các nhóm thiểu số để giành ảnh hưởng.
Tuy nhiên, đảm bảo an ninh cho Syria cũng phụ thuộc vào các nỗ lực ngoại giao để ngăn chặn sự mất ổn định thêm tại Iran. Lo ngại và bất an ngày càng gia tăng của Tehran sau sự sụp đổ của Assad có thể khiến lãnh đạo nước này gia tăng các hoạt động bất ổn trong khu vực, như việc hậu thuẫn các nhóm dân quân đồng minh ở Iraq và Yemen, hoặc khơi dậy căng thẳng sắc tộc ở Syria. Trên thực tế, Mỹ cần mở đường để Iran tham gia các cuộc đàm phán khu vực về tương lai của Syria, giải quyết những mối lo ngại về an ninh của Tehran đồng thời yêu cầu lãnh đạo Iran giảm căng thẳng ở các mặt trận khác. Chiến lược này có thể hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của Iran ở Syria và khu vực Trung Đông rộng lớn hơn, đồng thời mở ra cơ hội cho các cuộc đàm phán ngoại giao toàn diện hơn giữa Washington và Tehran./.
Trang mạng foreignaffairs.com (Ngày 23/12)