Trang tin The Interpreter (Australia) ngày 5/12 đăng bài viết cho rằng các đảo nhân tạo ở Biển Đông có giá trị chiến lược hơn là một căn cứ ở vùng nước nông. Nói cách khác, vị trí là yếu tố quan trọng nhất để xác định xem một căn cứ hải quân có hữu ích cho bất kỳ quốc gia nào trong việc thể hiện sức mạnh hay không. Có các căn cứ gần các tuyến đường biển chiến lược, chẳng hạn như Biển Đông và Biển Đỏ, là điều vô cùng lý tưởng. Vậy căn cứ hải quân Ream của Campuchia thì sao?
Đây là một địa điểm gây tranh cãi kể từ khi “Tạp chí Phố Wall” đưa tin vào tháng 7/2019 rằng Phnom Penh đã ký một thỏa thuận bí mật cho phép Bắc Kinh độc quyền sử dụng căn cứ này. Sự nghi ngờ đó càng gia tăng khi Campuchia phá hủy các cơ sở do Mỹ xây dựng tại Ream vào năm 2020 để nhường chỗ cho các nhà thầu Trung Quốc bắt đầu các công trình xây dựng nhằm nâng cấp căn cứ này.
Khi các công trình này tại căn cứ hải quân Ream sắp hoàn thành, đã có nhiều đồn đoán về ý định của Bắc Kinh. Có ý kiến cho rằng căn cứ này có thể cung cấp cho Bắc Kinh "điểm thuận lợi để giám sát và kiểm soát các tuyến đường biển quan trọng" và thể hiện sự hiện diện quân sự ở Biển Đông. Có thông tin cho rằng Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) có thể sử dụng Ream làm “bàn đạp” tiềm tàng cho một cuộc xung đột về Đài Loan.
Cả 2 kịch bản nói trên đều có thể xảy ra. Ảnh vệ tinh cho thấy một cầu tàu mới xây dựng tại Ream giống với căn cứ hải quân do Trung Quốc kiểm soát ở Djibouti. Do đó, lập luận cho rằng Ream có thể chứa một tàu sân bay của PLAN hoặc các tàu chiến mặt nước lớn khác là hoàn toàn có cơ sở.
Tháng 5/2024, chuyên gia nghiên cứu của Viện Lowy Rahman Yaacob đã có chuyến công tác thực địa tại Campuchia như một phần của nghiên cứu về căn cứ hải quân Ream. Ông đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn các quan chức quốc phòng Campuchia, trong đó có chỉ huy căn cứ hải quân Ream, các quan chức chính phủ đang tại chức và đã nghỉ hưu, các thành viên của các nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Campuchia và những người chỉ trích chính phủ. Ngoài Campuchia, ông cũng đã tiếp xúc với nhiều chuyên gia hải quân, các quan chức quốc phòng và tình báo ở khu vực Đông Nam Á, những người đã theo dõi các diễn biến tại căn cứ hải quân Ream.
Nghiên cứu này là cơ sở cho một bài phân tích của ông Yaacob được Viện Lowy công bố ngày 5/12 mang tên “Quan hệ đối tác tiện lợi: Căn cứ Hải quân Ream và sự hội tụ Campuchia-Trung Quốc”. Theo phân tích của ông Yaacob, căn cứ hải quân Ream phục vụ cho các mối quan tâm an ninh cấp bách của Campuchia, chứ không phải phục vụ cho mục tiêu thể hiện sức mạnh hàng hải của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Vị trí là lý do chính khiến căn cứ này không phù hợp với mục đích nói trên của Trung Quốc. Như các quan chức Thái Lan từng nói, vị trí của Ream kém quan trọng hơn các căn cứ của PLAN ở Biển Đông.
Nằm ở Vịnh Thái Lan, căn cứ hải quân Ream nằm xa hơn các tuyến đường vận chuyển quan trọng ở Đông Nam Á, đi qua Eo biển Malacca đến Biển Đông. Đây là cơ sở duy nhất của Hải quân Campuchia có lối ra trực tiếp ra biển. Và chỉ cách đó 30 km về phía nam là Phú Quốc, một hòn đảo của Việt Nam có một cơ sở quân sự nhỏ.
Vùng nước xung quanh căn cứ hải quân Ream khá nông. Ngay cả sau khi nạo vét, chúng vẫn sâu từ 8-11 mét. Mặc dù độ sâu của nước có thể chứa được tàu hộ tống hoặc khinh hạm, nhưng rất khó có thể tin rằng các tàu chiến lớn như tàu sân bay và tàu khu trục, bao gồm cả tàu của Trung Quốc, có thể neo đậu tại căn cứ hải quân Ream trừ khi các công trình nạo vét tiếp theo được thực hiện và duy trì.
Giả sử Trung Quốc muốn thể hiện sức mạnh hàng hải ở Đông Nam Á, trong trường hợp đó, căn cứ hải quân Ream không phù hợp bằng nhiều đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây dựng ở Biển Đông, vốn do Bắc Kinh kiểm soát hoàn toàn và được trang bị đường băng và cơ sở hải quân.
Trước khi Trung Quốc bắt đầu nâng cấp các công trình ở Ream, nước này đã sử dụng các đảo nhân tạo này ở Biển Đông để thể hiện sức mạnh quân sự của mình. Trong một bài viết cho Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung năm 2020, nhà phân tích hàng đầu Gregory Polling đã giải thích cách Trung Quốc tận dụng các đảo nhân tạo này để kiểm soát vùng biển xung quanh.
Địa lý cũng làm suy yếu lập luận rằng Trung Quốc có thể sử dụng căn cứ hải quân Ream làm nơi dàn dựng trong một cuộc xung đột về Đài Loan. Một chiến dịch quân sự thành công chống lại Đài Loan sẽ đòi hỏi một sức mạnh đáng tin cậy có khả năng triển khai nhanh chóng các lực lượng Trung Quốc và duy trì nguồn cung cấp và tăng cường quân sự. Với khoảng cách hàng hải rất lớn giữa Campuchia và Đài Loan, sẽ là không hợp lý nếu Trung Quốc đưa lực lượng xâm lược và vũ khí, đạn dược đi hơn 3.000 km qua biển khơi bởi hành động đó khiến lực lượng Trung Quốc có nguy cơ bị Mỹ hoặc các đối tác khác ngăn chặn nhằm hỗ trợ Đài Loan. Việc dàn dựng bất kỳ chiến dịch quân sự hải quân nào chống lại Đài Loan từ các vùng lãnh thổ như Đảo Hải Nam có ý nghĩa về mặt hoạt động hơn.
Câu hỏi đặt ra hiện giờ là nếu căn cứ hải quân Ream không có nhiều ý nghĩa chiến lược đối với Trung Quốc xét về mặt địa lý, vậy động cơ của Bắc Kinh khi tham gia nâng cấp căn cứ này là gì?./.