Sự ra đời của một công ty an ninh liên doanh đã làm dấy lên cuộc tranh luận đáng kể liên quan đến vai trò ngày càng mở rộng của các thực thể an ninh Trung Quốc tại Myanmar. Chính quyền quân sự Myanmar đã đồng ý thành lập một ủy ban để tạo điều kiện cho việc thành lập công ty này vào ngày 22/10/2024, bao gồm các quan chức cấp cao từ nhiều bộ khác nhau. Sáng kiến này nêu bật trọng tâm chiến lược của Trung Quốc là đảm bảo an toàn cho các khoản đầu tư của Bắc Kinh tại Myanmar trong bối cảnh bất ổn gia tăng.
Sứ mệnh của ủy ban này là giám sát các mặt hàng nhập khẩu, chẳng hạn như vũ khí, trang bị và thiết bị liên lạc. Động thái này trùng hợp với chiến lược rộng hơn của Trung Quốc nhằm quản lý các đội quân ủy nhiệm và điều chỉnh hoạt động của họ theo mục tiêu ổn định quan hệ với chính quyền quân sự Myanmar, có khả năng hạn chế các hoạt động của họ chống lại chính quyền quân sự. Nó cũng phản ánh các hoạt động “quản lý biên giới” kéo dài hàng thế kỷ kể từ thời Trung Hoa đế quốc.
Các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Myanmar hiện phải đối mặt với rủi ro cao hơn do xung đột dân sự đang diễn ra. Kể từ khi khởi xướng “Chiến dịch 1027” hồi tháng 10/2023 và tính đến ngày 24/12/2024, 23 trong số 34 dự án của Trung Quốc - đặc biệt là ở Rakhine, phía Bắc bang Shan và các thung lũng trung du - đã nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng chống chính quyền quân sự. Bất chấp những thách thức này, Liên minh Ba Anh em và thậm chí cả Lực lượng Phòng vệ Nhân dân liên kết với Chính phủ Thống nhất Quốc gia Myanmar đều không nhắm trực tiếp vào các dự án của Trung Quốc. Tuy nhiên, lực lượng dân quân được chính quyền quân sự hậu thuẫn Pyusawhti bị cáo buộc đã tấn công Lãnh sự quán Trung Quốc tại Mandalay do chính quyền quân sự kiểm soát vào ngày 18/10/2024 - vụ việc thứ hai như vậy trong suốt 70 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Các quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc liên tục gây sức ép với giới lãnh đạo Myanmar để đảm bảo an toàn cho các khoản đầu tư và công dân Trung Quốc. Tuy nhiên, công ty an ninh liên doanh mới được đề xuất có khả năng thay đổi nguyên trạng bằng cách đưa nhân sự có vũ trang vào các thỏa thuận an ninh tư nhân không vũ trang hiện có - một diễn biến có thể gây ra căng thẳng ngoại giao và địa phương.
Việc thành lập công ty này cũng có thể liên quan đến các chuyến thăm gần đây của những nhân vật có ảnh hưởng, bao gồm chuyến thăm của các phái viên Trung Quốc tới Than Shwe - cố vấn của thủ lĩnh quân đội Min Aung Hlaing - và chuyến thăm Trung Quốc của cựu Tổng thống Thein Sein vào tháng 6/2024. Những tương tác này cho thấy sự điều chỉnh lại cách tiếp cận của Myanmar đối với sự can dự của Trung Quốc, bất chấp lập trường chống Trung Quốc nổi tiếng của Min Aung Hlaing.
Chiến lược của Trung Quốc tại Myanmar là thích ứng với các điều kiện hiện tại bằng cách mở rộng mạng lưới hợp tác với các bên an ninh phi nhà nước. Mặc dù việc thành lập liên doanh này phản ánh những nỗ lực nhằm bảo đảm mối quan hệ với chính quyền quân sự, nhưng có khả năng đây chỉ là một yếu tố trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm làm trung gian cho các thỏa thuận với nhiều bên hơn, từ các tổ chức vũ trang dân tộc đến lực lượng dân quân tư nhân.
Việc triển khai lực lượng an ninh vũ trang của Trung Quốc tại Myanmar đặt ra những thách thức pháp lý và chính trị đáng kể. Hiến pháp năm 2008 của Myanmar nghiêm cấm việc đồn trú quân đội nước ngoài trên lãnh thổ của mình, phản ánh chính sách đối ngoại “không liên kết” và vai trò mà quân đội tự tuyên bố là người bảo vệ “chủ quyền quốc gia”. Để vượt qua hạn chế này, nhà lãnh đạo chính quyền quân sự Min Aung Hlaing dường như đang lên kế hoạch phân loại những nhân sự như vậy thành một công ty an ninh tư nhân, cho phép họ hoạt động trong khi tránh vi phạm hiến pháp. Những lực lượng này bề ngoài được giao nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của Trung Quốc, nhưng trên thực tế hoạt động như những người đại diện cho Quân Giải phóng Nhân dân (PLA).
Nếu xảy ra tranh chấp, khuôn khổ này cho phép Chính phủ Trung Quốc chính đáng phủ nhận sự tham gia trực tiếp vào các vấn đề nội bộ của Myanmar. Bằng cách trình bày các lực lượng này như những thực thể độc lập, Trung Quốc giảm thiểu nhận thức về ảnh hưởng của chính phủ, làm giảm phản ứng dữ dội tiềm tàng.
Đường ống dẫn dầu và khí đốt Myanmar - Trung Quốc dài 771 km cùng các dự án kỹ thuật chiến lược khác là hiện thân của những rủi ro liên quan đến bối cảnh an ninh đang thay đổi này. Lực lượng an ninh Trung Quốc đồn trú dọc theo tuyến đường ống có thể gặp phải sự kháng cự từ các lực lượng cách mạng, làm phức tạp thêm động lực hoạt động.
Dấu ấn an ninh của Trung Quốc tại Myanmar cũng mang lại những tác động rộng hơn trong khu vực. Sự gần gũi của lực lượng an ninh Trung Quốc với Dự án vận tải đa phương thức Kaladan bị trì hoãn của Ấn Độ có khả năng làm tăng những lo ngại về mặt chiến lược ở New Delhi. Tương tự, các quốc gia láng giềng như Bangladesh và Thái Lan có thể coi sự hiện diện mở rộng của Trung Quốc là mối đe dọa tiềm tàng đối với lợi ích an ninh của chính họ.
Những lo lắng này được phản ánh rõ hơn trong diễn ngôn xung quanh Sáng kiến an ninh toàn cầu của Trung Quốc, được chính quyền quân sự Myanmar tán thành. Một cuộc khảo sát năm 2023 chỉ ra rằng 74% cộng đồng chính sách của Myanmar không biết về chỉ số này và 67% tin rằng nó mang lại lợi ích không cân xứng cho chính quyền quân sự. Các nhóm vũ trang dân tộc và các tác nhân xã hội dân sự vẫn hoài nghi về những tác động rộng hơn của sáng kiến này.
Việc đưa lực lượng an ninh tư nhân Trung Quốc vào Myanmar có nguy cơ khiến Bắc Kinh vướng sâu hơn vào cuộc xung đột dân sự kéo dài của đất nước này. So sánh với các thách thức an ninh dọc theo Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan cho thấy rõ ràng rằng nhân sự Trung Quốc dễ trở thành mục tiêu trả đũa, có khả năng gây ra khủng hoảng ngoại giao và làm suy yếu tham vọng rộng lớn hơn của Trung Quốc trong khu vực.
Khi các nhóm cách mạng duy trì quyền kiểm soát nhiều địa điểm dự án của Trung Quốc, hiệu quả của lực lượng an ninh tư nhân vẫn chưa chắc chắn. Việc thuyết phục các nhóm cách mạng cho phép tiếp tục các dự án của Trung Quốc mà không gặp phải sự phản kháng đặt ra một thách thức to lớn. Tiềm năng tăng cường hợp tác giữa các lực lượng vũ trang Trung Quốc và Myanmar theo khuôn khổ Sáng kiến An ninh Toàn cầu cũng làm dấy lên lo ngại về việc quân sự hóa các hành lang kinh tế, với những tác động đến sự ổn định của khu vực.
Tính toán chiến lược của Trung Quốc tại Myanmar phản ánh một hành động cân bằng tinh tế. Mặc dù việc bảo vệ các khoản đầu tư phù hợp với các mục tiêu của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh, nhưng việc vượt quá quyền hạn có nguy cơ gây ra sự phẫn nộ và kích động sự phản kháng của khu vực. Khả năng leo thang bạo lực liên quan đến công dân Trung Quốc nhấn mạnh bản chất bấp bênh của dự án an ninh liên doanh này, đòi hỏi phải đánh giá cẩn thận các hậu quả lâu dài của nó./.