Xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, đánh dấu sự kiện mới nhất về việc sử dụng chiến tranh như một công cụ để thúc đẩy sự thay đổi trong trật tự thế giới. Nhưng 2 sự kiện khác đã làm xáo trộn châu Á và Trung Đông: chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hồi tháng 8/2022 và xung đột Israel-Hamas bùng phát hồi tháng 10/2023. Mọi người bắt đầu lo lắng về sự kết nối tiềm tàng giữa 3 vùng chiến sự này. Viễn cảnh như vậy đã trở nên nổi bật hơn trong những tháng gần đây và có thể được các nhà sử học chú ý.
Ba “vùng chiến sự” kết nối
Kể từ khi Ukraine phát động cuộc phản công vào Nga hồi đầu tháng 8, phương Tây đã tăng cường viện trợ cho Kiev, trong khi Nga cũng tăng cường nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài. Các khu vực khác cũng đã tham gia vào cuộc xung đột này.
Khi chiến trường vẫn đang bế tắc, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bắt đầu “tiếp thị” kế hoạch giành chiến thắng của ông cho phương Tây. Các cuộc thảo luận chuyên sâu đã diễn ra tại châu Âu vào trung tuần tháng 10 và Zelensky đã có chuyến công du tới các thủ đô lớn của châu Âu. Và sau đó, Liên minh châu Âu (EU) đã tổ chức một cuộc họp giữa các ngoại trưởng và một hội nghị thượng đỉnh để thảo luận vấn đề này. Một ngày trước Hội nghị thượng đỉnh EU, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tổ chức cuộc họp bộ trưởng quốc phòng. Hai ngày sau Hội nghị EU ở Brussels, các nhà lãnh đạo của Mỹ, Anh, Pháp và Đức lại nhóm họp ở Berlin, trong khi Nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 cũng tổ chức Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng lần đầu tiên tại Italy.
Trong khi đó, chiến tranh dường như sắp xảy ra giữa các cường quốc Trung Đông. Đầu và cuối tháng 10, Iran và Israel đã phóng tên lửa tấn công lãnh thổ của nhau, trong khi Israel tiếp tục tấn công Hezbollah và Hamas trong suốt tháng này.
Cùng lúc đó, tình hình ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang gia tăng căng thẳng. Giữa tháng 10, các cuộc tập trận của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan và sự xấu đi nhanh chóng trong quan hệ giữa Hàn Quốc với Triều Tiên đã khiến nhiều bên lo lắng. Đến cuối tháng, những thông tin về việc Triều Tiên gửi quân đến hỗ trợ Nga trong cuộc chiến ở Ukraine đã gây chấn động. Hàn Quốc đã khẩn trương liên hệ với NATO, EU và Mỹ để yêu cầu chia sẻ thông tin tình báo và phối hợp cung cấp thêm viện trợ cho Ukraine.
Một số cuộc họp ở châu Âu vào trung tuần tháng 10 có nhiều điểm chung về chủ đề và đại diện tham dự hơn so với các cuộc họp tương tự trước đây. Hội nghị Ngoại trưởng EU, Hội nghị Thượng đỉnh EU và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Anh-Pháp-Đức đều tập trung vào các vấn đề liên quan cuộc chiến Nga-Ukraine và xung đột ở Trung Đông. Các cuộc họp của bộ trưởng quốc phòng NATO và G7 cũng thảo luận về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Lần đầu tiên, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO đã mời 4 quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IP4) – gồm Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc – tham dự. EU đã tham gia các cuộc họp của NATO và G7. Mặc dù rõ ràng quan tâm nhiều hơn đến tình hình xung đột Nga-Ukraine và ở Trung Đông, EU cũng nhận thấy cần tham gia thảo luận về các vấn đề ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Nhận thức về các khối
Việc đưa ra bất kỳ khái niệm nào cũng đánh dấu một mức độ nhận thức rõ ràng. Năm 2002, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã sử dụng thuật ngữ “trục ma quỷ” để mô tả các quốc gia bảo trợ chủ nghĩa khủng bố như Triều Tiên, Iran và Iraq. Hiện nay, các chính trị gia phương Tây cũng đã bắt đầu đề cập khái niệm “trục ma quỷ mới” hay trục các chế độ độc tài gồm Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và Iran. Ví dụ, tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO mới đây, tân Tổng Thư ký NATO Mark Rutte đã tuyên bố: “Cuộc chiến ở Ukraine cho thấy sự bất ổn ở châu Âu có thể gây ra hậu quả sâu rộng trên toàn thế giới và tác động tới các quốc gia cách xa hàng nghìn dặm - như Iran, Trung Quốc và thậm chí là Triều Tiên - có thể trở thành kẻ phá hoại an ninh ngay tại sân sau của chúng ta. Thế giới có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, và an ninh của chúng ta cũng vậy”.
Còn Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, trong một bài viết đăng trên tạp chí Foreign Affairs hồi đầu tháng 10, đã gọi Trung Quốc, Nga và Triều Tiên là “các cường quốc xét lại”. Mặc dù thừa nhận các quốc gia này không phải là một trục và không tìm cách thiết lập khối đối đầu một cách rõ ràng, và rằng mối quan hệ của họ chỉ mang tính giao dịch, Blinken vẫn cho rằng chính phủ Mỹ cần phải cảnh báo điều này.
Trên thực tế, không giống như BRICS, Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và Iran chưa bao giờ tham gia phối hợp có hệ thống. Tuy nhiên, giống như BRICS, bản sắc chung của 4 quốc gia này phần lớn do phương Tây xây dựng. Khái niệm này không xuất phát từ sáng kiến của chính 4 quốc gia, mà xuất phát từ nỗi lo sợ của phương Tây rằng trật tự quốc tế do phương Tây thống trị sẽ bị phá vỡ.
Khi trật tự quốc tế sụp đổ, gần như không thể tránh khỏi việc xảy ra những cú sốc ở khắp mọi nơi. Trong quá trình chuyển đổi, đôi khi một cuộc xung đột khu vực trở thành xung đột toàn cầu là do… sự may mắn. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 10 vừa qua, có vẻ như căng thẳng vẫn chưa đủ để châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thế giới.
Đầu tiên, cuộc bầu cử tháng 11 tại Mỹ đã nhấn nút “tạm dừng”. Điều này cũng phản ánh ảnh hưởng gần như mang tính quyết định của các vấn đề nội bộ ở quốc gia bá chủ, thống trị trật tự thế giới. Với việc Donald Trump tái đắc cử, mức độ khoan dung của Mỹ đối với “các chế độ độc tài” có thể sẽ tăng và sự thù địch của Mỹ đối với Nga và Triều Tiên có thể giảm bớt. Nhiều mối quan hệ song phương quan trọng trên thế giới sẽ trải qua những điều chỉnh lớn.
Thứ hai, bên cạnh việc khơi dậy những tham vọng táo bạo, cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng cảnh báo nhiều người về những rủi ro và nguy hiểm kèm theo. Mỹ và Đức dường như đã từ chối một số đề xuất của Ukraine trong kế hoạch chiến thắng của nước này - chẳng hạn như tư cách thành viên NATO và tiếp cận vũ khí tiên tiến hơn. Iran và Israel đều thể hiện sự kiềm chế và rõ ràng không muốn kích động một cuộc chiến tranh toàn diện ở khu vực. Việc Triều Tiên điều quân đội trợ giúp Nga tại chiến trường Ukraine sẽ chỉ có tác động hạn chế đến cuộc chiến Nga-Ukraine. Tác động của động thái này đối với an ninh Đông Bắc Á vẫn còn phải chờ xem.
Thứ ba, những gì đã xảy ra hồi tháng trước cho thấy những điểm tương đồng và khác biệt giữa Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và Iran. Trung Quốc khi đã hội nhập sâu sắc vào trật tự quốc tế tự do gần như đã trở thành “mỏ neo” cho sự ổn định của 4 nước. Phản ứng của Bắc Kinh đối với động thái của Bình Nhưỡng hầu như im ắng. Cuộc tập trận của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan chỉ kéo dài một ngày. Và họ đã đạt được một thỏa thuận biên giới bất ngờ với Ấn Độ trước thềm Hội nghị thượng đỉnh BRICS.
Điều này dường như chỉ ra rằng quá trình thay đổi trật tự quốc tế hiện nay sẽ là một quá trình tương đối dài. Và thậm chí điều đó có thể không xảy ra./.
Trang mạng chinausfocus.com (Ngày 18/11)