Mark Rutte, tân Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mới đã kêu gọi liên minh này cam kết đạt mức chi tiêu quốc phòng vào năm 2030 tương tự như mức thời Chiến tranh Lạnh. Thông qua tuyên bố này, ông đang gieo vào tâm trí công dân các nước thuộc NATO ý tưởng rằng nước Nga ở thời hiện tại có cùng mức đe dọa như Liên Xô. Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận ra rằng đây là một so sánh sai lầm và cố tình gây hiểu lầm.
Tuyên bố của ông Rutte lặp lại lời kêu gọi của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về việc tăng mức chi tiêu của NATO lên 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), một động thái mà Ngoại trưởng Anh đã nhanh chóng hưởng ứng. Suy cho cùng, Mỹ chi 3,38% GDP cho quốc phòng, chiếm 2/3 tổng chi tiêu của NATO. Chỉ có ba thành viên khác của NATO là Ba Lan, Estonia và Hy Lạp chi trên 3% trong khi có 8 thành viên không đạt mục tiêu 2% hiện tại. Ông Rutte cho biết: “Trong Chiến tranh Lạnh, người châu Âu đã chi nhiều hơn 3% GDP cho quốc phòng”. Ông Rutte cho rằng mức chi tiêu quốc phòng tăng vọt của Nga cho thấy Điện Kremlin đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột lâu dài với cả Ukraine và các nước châu Âu khác, đồng thời trích dẫn số liệu ước tính chi tiêu quân sự của Moskva chiếm hơn 1/3 ngân sách nhà nước hoặc hơn 6% GDP. Có sự đồng thuận ngày càng tăng giữa các nước đồng minh rằng mục tiêu 2% hiện tại là không đủ để thực hiện các kế hoạch phòng thủ khu vực cũng như đáp ứng các mục tiêu về năng lực của NATO, dự kiến sẽ được cập nhật với nhiều yêu cầu hơn vào năm tới.
Ủy ban Châu Âu ước tính chi tiêu quốc phòng của Liên minh châu Âu (EU) trong thập kỷ tới cần tăng thêm 500 tỷ euro. Đầu tháng này, Ủy viên Quốc phòng của EU Andrius Kubilius cho rằng EU nên dành khoảng 100 tỷ euro trong ngân sách dài hạn tiếp theo của EU cho quốc phòng, một mức tăng lớn so với 10 tỷ euro trong ngân sách hiện tại. tăng từ 10 tỷ euro trong ngân sách hiện tại. Ông cũng cho rằng chi tiêu quốc phòng nên được loại trừ khỏi giới hạn của EU về nợ quốc gia và thâm hụt.
Tuy nhiên, việc so sánh với thời Chiến tranh Lạnh là rất sai lầm. Khi đó, Liên Xô là đối thủ cạnh tranh ngang hàng trực tiếp với Mỹ, với xe tăng và quân đội ở “ngưỡng cửa” Tây Âu. Mặc dù nền kinh tế Liên Xô không thể nào so sánh được với Mỹ, nhưng nó bằng hơn một nửa tổng sản phẩm quốc gia (GNP) của Mỹ vào năm 1984. Tuy nhiên, Liên Xô đã chi nhiều hơn đáng kể cho quốc phòng và một báo cáo của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) năm 1982 ước tính rằng tổng chi tiêu quân sự của Liên Xô đã suýt soát vượt quá chi tiêu của Mỹ vào năm 1980. Vào những năm 1980, Liên Xô có 4,3 triệu quân thường trực, lớn hơn gấp đôi quân thường trực của Mỹ. Vào năm 1990, dân số Liên xô là 288 triệu người so với 250 triệu người Mỹ. Xét theo thước đo quan trọng, Liên Xô là một đối thủ tương đương, nếu không muốn nói là lớn hơn. Ngày nay, không thể áp dụng biện pháp so sánh này khi Nga không phải là đối thủ cạnh tranh ngang hàng với Mỹ hay liên minh NATO theo bất kỳ thước đo kinh tế, nhân khẩu học hay quân sự thông thường nào. Ngoại lệ duy nhất là kho vũ khí hạt nhân của Nga với quy mô đáng sợ khi so sánh.
GDP của Nga nhỏ hơn 24,5 lần so với GDP cộng lại của các thành viên NATO và nhỏ hơn 11,5 lần so với GDP của Mỹ. Dân số của Nga nhỏ hơn 7 lần so với dân số NATO cộng lại và nhỏ hơn gần 2.5 lần so với dân số Mỹ. Tổng số quân nhân mở rộng của Nga chỉ bằng 45% quy mô của quân đội thường trực NATO. Trong một cuộc chiến tranh tiêu hao với NATO mà Nga luôn tìm cách tránh, họ sẽ không có quân nhân hoặc ngân sách dự trữ để giành chiến thắng. Vì vậy, việc so sánh với thời Chiến tranh Lạnh như một hệ tham chiếu là vô cùng vô ích và không liên quan. Điểm quan trọng hơn là ngay cả với mức chi tiêu quốc phòng hiện tại, NATO vẫn là đế chế quân sự lớn nhất mà thế giới từng chứng kiến. Theo cơ sở dữ liệu SIPRI, vào năm 2023 NATO chiếm 57% chi tiêu quốc phòng toàn cầu. Nhìn rộng hơn, ở mức chi tiêu hiện tại, NATO chi cho quốc phòng nhiều hơn Trung Quốc 5 lần và nhiều hơn Nga 10 lần, nhiều hơn toàn bộ châu Á không tính Trung Quốc và Ấn Độ 7 lần, nhiều hơn Trung Đông 10 lần, nhiều hơn Mỹ Latinh 20 lần và nhiều hơn châu Phi 31 lần.
Nếu NATO tăng mức chi tiêu quốc phòng lên 3% thì theo giá hiện tại, đó sẽ là mức tăng khoảng 260 tỷ USD mỗi năm. Con số này cao hơn 1,8 lần so với tổng số tiền mà Nga dự định chi cho quốc phòng vào năm 2025 (khoảng 145 tỷ USD). Hầu hết số tiền đó sẽ được chi cho “ngưỡng cửa” của Nga tại châu Âu, vì Mỹ đã vượt quá mức 3%. Các thành viên châu Âu của NATO đã chi nhiều hơn 3,3 lần cho quốc phòng so với mức Nga dự định chi vào năm 2025.
NATO phải lớn hơn Nga bao nhiêu lần nữa thì họ mới có thể tự tin rằng xe tăng của Nga sẽ không tiến vào Riga? Câu hỏi đặt ra là khoản chi tiêu lớn này của NATO sẽ đi về đâu? Rutte đã nói về nhu cầu khôi phục ngành công nghiệp quốc phòng NATO, vốn “rỗng tuếch”, do đó phần lớn số tiền sẽ được dùng cho trang thiết bị quân sự.
Theo dữ liệu của NATO, trung bình 32% chi tiêu quốc phòng của toàn nhóm được phân bổ cho trang thiết bị (đối với Mỹ, con số này là 30%). Theo đó, NATO chi khoảng 472 tỷ USD mỗi năm chỉ cho trang thiết bị quân sự, gấp 3,2 lần tổng chi tiêu quốc phòng năm 2025 theo kế hoạch của Nga. Con số này không có vẻ “rỗng tuếch”. Nếu vượt quá 3%, mức chi cho trang thiết bị quân sự sẽ tăng thêm khoảng 83,5 tỷ USD mỗi năm.
Không có gì lạ khi các công ty quốc phòng toàn cầu, trong đó 5 công ty hàng đầu là của Mỹ, hiện đang thu về doanh thu kỷ lục. Mỹ chiếm khoảng 57% ngành công nghiệp quốc phòng toàn cầu theo cả sản xuất trong nước và xuất khẩu quốc phòng. Vì vậy, mức chi tiêu quốc phòng 3% có nghĩa là các công ty Mỹ có tổng thu nhập cao hơn gấp đôi tổng chi tiêu quốc phòng của Nga. Tuy nhiên, châu Âu cần phải chi nhiều hơn trong trường hợp một ngày nào đó Mỹ quyết định rời khỏi liên minh. Nhưng họ sẽ không sớm rút khỏi NATO. Nếu Donald Trump thích một điều, thì đó là kiếm lợi nhuận, và liên minh NATO là một công cụ kiếm tiền dễ dàng cho các nhà thầu Mỹ.
Về phía Nga, họ chỉ thấy một liên minh quân sự khổng lồ và, đối với họ, mang tính đe dọa đang tìm cách phát triển hơn nữa. Để so sánh, NATO đối với Nga tương tự như Liên Xô đối với Tây Âu hơn 40 năm trước. Chắc chắn nga không tiến hành một cuộc chiến tranh tốn kém ở Ukraine chỉ vì vì nước này muốn xâm lược NATO tiếp theo. Họ làm như vậy để ngăn NATO tiến gần hơn đến biên giới của mình./.
Trang mạng responsiblestatecraft.org/politico.eu (Ngày 17/12)