Vào ngày 19/11/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành Sắc lệnh số 991, phê chuẩn Những nguyên tắc cơ bản về Chính sách Nhà nước trong lĩnh vực Răn đe Hạt nhân (Học thuyết hạt nhân cập nhật) của Nga, bao gồm nhiều nội dung mới, được đánh giá là toàn diện và đáp ứng tốt hơn trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình an ninh khu vực, nhất là căng thẳng leo thang trong quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây. Đáng lưu ý, Nga đã hạ thấp điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân, như trong trường hợp bị xâm lược bằng cách sử dụng vũ khí thông thường, tạo ra “mối đe dọa nghiêm trọng với an ninh” không chỉ của Nga, mà còn của Belarus với tư cách là thành viên của Nhà nước Liên minh.
1. Những nội dung chính trong học thuyết hạt nhân cập nhật của Nga
Học thuyết hạt nhân cập nhật của Nga bao gồm 04 chương, 26 điều, tập trung vào những nội dung chính sau:
(1) Bản chất và mục tiêu của răn đe hạt nhân
Học thuyết xác định: (i) Chính sách răn đe hạt nhân của Nga mang tính chất phòng thủ, nhằm ngăn chặn sự xâm lược chống lại Nga và các đồng minh. (ii) Mục tiêu là duy trì khả năng hạt nhân ở mức đủ để đảm bảo răn đe, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, ngăn chặn leo thang xung đột và chấm dứt chiến sự theo điều kiện có lợi cho Nga và các đồng minh.
(2) Xác định các mối đe dọa quân sự chính
Bao gồm: (i) Sự hiện diện và triển khai vũ khí hủy diệt hàng loạt, bao gồm vũ khí hạt nhân, bởi các đối thủ tiềm năng. (ii) Phát triển và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa, tên lửa hành trình và đạn đạo tầm trung và ngắn, vũ khí chính xác cao phi hạt nhân, vũ khí siêu thanh và các hệ thống tấn công khác có thể được sử dụng chống lại Nga. (iii) Tăng cường lực lượng quân sự gần biên giới Nga và các đồng minh, bao gồm việc triển khai phương tiện mang vũ khí hạt nhân và cơ sở hạ tầng quân sự hỗ trợ. (iv) Triển khai vũ khí trong không gian, bao gồm hệ thống phòng thủ tên lửa và chống vệ tinh. (v) Hành động nhằm cô lập một phần lãnh thổ Nga, bao gồm việc ngăn chặn tiếp cận các tuyến giao thông quan trọng. (vi) Tấn công vào các cơ sở quan trọng về môi trường của Nga, có thể dẫn đến thảm họa công nghệ, môi trường hoặc xã hội. (vi) Lập kế hoạch và tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn gần biên giới Nga.
(3) Nguyên tắc răn đe hạt nhân
Học thuyết xác định gồm: (i) Liên tục thực hiện các biện pháp đảm bảo răn đe hạt nhân. (ii) Thích ứng với các mối đe dọa quân sự và nguy cơ. (iii) Giữ cho đối thủ tiềm năng không chắc chắn về quy mô, thời gian và địa điểm sử dụng lực lượng và phương tiện răn đe hạt nhân. (iv) Tập trung hóa quản lý nhà nước đối với các hoạt động liên quan đến răn đe hạt nhân. (v) Duy trì cấu trúc và thành phần lực lượng răn đe hạt nhân ở mức đủ để thực hiện nhiệm vụ. (vi) Duy trì sẵn sàng chiến đấu liên tục của các lực lượng và phương tiện răn đe hạt nhân được chỉ định. (vii) Tập trung hóa quản lý việc sử dụng vũ khí hạt nhân, bao gồm cả vũ khí được triển khai ngoài lãnh thổ Nga.
(4) Điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân
Nga xác định sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân trong các trường hợp: (i) Nhận được thông tin đáng tin cậy về việc phóng tên lửa đạn đạo tấn công lãnh thổ Nga và/hoặc các đồng minh. (ii) Sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt chống lại Nga và/hoặc các đồng minh, hoặc chống lại các lực lượng và cơ sở của Nga ở nước ngoài. (iii) Tấn công vào các cơ sở quan trọng của Nga, dẫn đến việc làm gián đoạn khả năng phản công của lực lượng hạt nhân. (iv) Hành động xâm lược chống lại Nga và/hoặc Belarus bằng vũ khí thông thường, tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với chủ quyền và/hoặc toàn vẹn lãnh thổ của họ. (v) Nhận được thông tin đáng tin cậy về việc kẻ thù cho cất cánh hoặc triền hoặc triển khai máy bay chiến lược và chiến thuật, tên lửa hành trình, máy bay không người lái, máy bay siêu thanh hoặc các phương tiện bay khác vượt qua biên giới Nga.
(5) Quản lý và thực hiện
Học thuyết hạt nhân xác định: (i) Tổng thống Nga chịu trách nhiệm chung về chính sách răn đe hạt nhân. (ii) Chính phủ Nga thực hiện các biện pháp kinh tế, đối ngoại và thông tin để hỗ trợ và phát triển các phương tiện răn đe hạt nhân. (iii) Hội đồng An ninh Nga xác định các hướng chính của chính sách quân sự trong lĩnh vực răn đe hạt nhân và phối hợp hoạt động của các cơ quan liên quan. (iv) Bộ Quốc phòng Nga, thông qua Bộ Tổng tham mưu, lập kế hoạch và thực hiện các biện pháp tổ chức và quân sự liên quan đến răn đe hạt nhân. (v) Các cơ quan và tổ chức khác tham gia thực hiện các quyết định của Tổng thống Nga liên quan đến răn đe hạt nhân theo thẩm quyền của họ.
2. Phản ứng của các bên liên quan và một số nhận định, đánh giá
2.1. Phản ứng của các bên liên quan
Vào ngày 22/11/2024, bà Karine Jean-Pierre, Người phát ngôn Nhà Trắng, cho biết Mỹ không có ý định sửa đổi học thuyết hạt nhân sau khi Nga đưa ra học thuyết hạt nhân sửa đổi. Bà lưu ý rằng không có thay đổi nào trong lập trường hạt nhân của Nga và do đó không cần thay đổi mức cảnh báo của Mỹ. Ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot khẳng định rằng quyết định hạ ngưỡng tấn công hạt nhân của Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ là “lời nói” và “không đe dọa được chúng tôi”.
Vào ngày 20/11/2024, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết, Tokyo đang theo dõi chặt chẽ các xu hướng ở Nga trong bối cảnh học thuyết hạt nhân của nước này có nhiều thay đổi. Ông nhấn mạnh Nhật Bản là quốc gia duy nhất phải chịu đựng vũ khí hạt nhân và tin rằng không nên có mối đe dọa nào về vũ khí hạt nhân, càng không nên sử dụng chúng.
Trong khi đó, tại cuộc họp báo ở Rio de Janeiro ngày 19/11/2024, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) xem xét về việc Nga sửa đổi học thuyết hạt nhân của mình. Ông nhấn mạnh Nga có đủ lực lượng và phương tiện để tự vệ và các nước thành viên NATO cũng cần suy nghĩ về khả năng phòng thủ của mình. Nga và Ukraine là láng giềng của Thổ Nhĩ Kỳ, do đó nước này phải quan tâm đến mối quan hệ với cả hai nước.
- Trung Quốc nhấn mạnh sự cần thiết của việc kiềm chế và giải quyết khủng hoảng thông qua đối thoại và tham vấn. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm ngày 20/11/22024 kêu gọi các cường quốc hạt nhân nên kiềm chế hơn sau khi Tổng thống Vladimir Putin chính thức phê duyệt học thuyết hạt nhân mới. Trong tình hình hiện tại, tất cả các bên liên quan cần giữ bình tĩnh và kiềm chế, cùng nhau tìm cách hạ nhiệt căng thẳng và giảm thiểu rủi ro chiến lược thông qua đối thoại và tham vấn[1].
2.2. Nhận định, đánh giá xung quanh
- Về sự khác biệt cơ bản giữa học thuyết hạt nhân mới của Nga và học thuyết cũ
Theo các nhà quan sát, học thuyết hạt nhân mới của Nga có 26 điều khoản được điều chỉnh, trong đó có 04 sửa đổi đáng chú ý so với phiên bản được công bố vào tháng 6/2020. Cụ thể:
Một là, học thuyết mới mở rộng phạm vi sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga để tung đòn đáp trả, thay vì chỉ đối với “hành động gây hấn nhằm vào Nga”, trở thành “hành động gây hấn nhằm vào thành viên khác trong Nhà nước Liên minh”, gồm Nga và Belarus. Điều này cơ bản đã đưa Belarus vào trong “chiếc ô hạt nhân” của Nga và coi bất kỳ đòn tấn công nào vào quốc gia này cũng là hành động tấn công Nga, khiến Moskva có thể kích hoạt vũ khí hạt nhân để đáp trả.
Kể từ khi cuộc chiến với Ukraine bùng phát, Nga và Belarus, hai thành viên trong Nhà nước Liên minh, đã tăng cường đáng kể quan hệ về mọi mặt, trong đó có vũ khí hạt nhân. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko vào tháng 4/2024 thông báo rằng Nga đã triển khai hàng chục đầu đạn hạt nhân đến Belarus, động thái mà Moskva cho là tương tự những gì Washington từng làm trên lãnh thổ các đồng minh. Khi nhắc đến đề xuất sửa đổi mở rộng phạm vi học thuyết hạt nhân của Nga vào tháng 9/2024, ông Lukashenko đã cảnh báo: “Một cuộc tấn công nhằm vào Belarus sẽ châm ngòi Thế chiến III”. Các quốc gia gia nhập Nhà nước Liên minh Nga - Belarus cũng “sẽ được chuyển giao vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ”.
Hai là, Nga đã hạ ngưỡng kích hoạt vũ khí hạt nhân trong học thuyết mới. Trước đây, Nga tuyên bố sẽ dùng vũ khí hạt nhân đáp trả “nếu sự tồn vong của đất nước bị đe dọa”. Tài liệu mới được điều chỉnh thành “khi có mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền cũng như toàn vẹn lãnh thổ” của Nga và Belarus. Đoạn 10 của tài liệu cho biết, Nga sẽ coi hành động tấn công từ quốc gia thành viên trong một liên minh là hành động tấn công của “cả liên minh đó”, dường như ám chỉ NATO.
Đoạn 11 nêu rõ “các cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường nhằm vào Nga và/hoặc đồng minh của Nga nhưng được hỗ trợ bởi một nước sở hữu vũ khí nguyên tử sẽ được coi là một cuộc tấn công chung” và Moskva có thể kích hoạt vũ khí hạt nhân để đáp trả. Học thuyết năm 2020 chỉ tập trung vào các cuộc tấn công trực tiếp từ những bên sở hữu vũ khí hạt nhân.
Khi vạch ra những sửa đổi trong học thuyết hạt nhân vào tháng 9/2024, Tổng thống Putin không nhắc cụ thể quốc gia nào. Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại cho thấy điều chỉnh này dường như nhằm vào Ukraine, quốc gia phi hạt nhân đang nhận sự hỗ trợ từ Mỹ và các nước phương Tây khác. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev thẳng thắn hơn khi nói rằng, việc Ukraine sử dụng tên lửa NATO tấn công lãnh thổ Nga “có thể được phân loại là cuộc tấn công của cả khối” vào Moskva và đủ điều kiện kích hoạt đòn phản công hạt nhân.
Ba là, học thuyết mới của Nga còn mở rộng danh sách các yếu tố mà Moskva coi là mối đe dọa về mặt quân sự có thể cần phải đáp trả bằng vũ khí hạt nhân. Theo đó, Nga sẽ coi bất kỳ bên nào “sở hữu các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt có thể được dùng để nhắm vào Nga”, “tập trận gần biên giới Nga” và “âm mưu tấn công các cơ sở gây nguy hiểm cho môi trường hoặc cô lập một phần lãnh thổ Nga” là những mối đe dọa quân sự nghiêm trọng.
Bốn là, học thuyết cập nhật của Nga không còn coi vũ khí hạt nhân “chỉ là biện pháp răn đe”, mà thêm rằng Moskva có thể sử dụng chúng nhằm vào kẻ địch “tiềm tàng”. Theo đó, Nga có thể kích hoạt vũ khí hạt nhân nhắm vào các quốc gia cho phép một bên sử dụng lãnh thổ, không phận và hải phận cùng nguồn lực khác mà họ kiểm soát “để chuẩn bị và phát động đòn tấn công vào Nga”.
Dmitry Stefanovich, nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Quốc tế thuộc IMEMO RAS, nhận định rằng sự khác biệt chính giữa tài liệu mới và các phiên bản trước đây có lẽ nằm ở việc chính thức hóa khái niệm “các mối đe dọa đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” thay vì “các mối đe dọa đối với sự tồn vong của nhà nước”. Đây là một điều kiện cụ thể ngăn cản răn đe hạt nhân và có thể dẫn đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, cụm từ này, khi áp dụng cho các điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân, đã từng được nhắc đến trước đây.
Điều đáng chú ý là sự xuất hiện của danh sách chi tiết hơn về các phương tiện tấn công hàng không vũ trụ, minh họa các tình huống mà việc sử dụng vũ khí hạt nhân có thể được cân nhắc. Ngoài ra, cụm từ “kiểm soát vũ khí” đã biến mất khỏi văn bản của học thuyết hạt nhân mới, mặc dù các điều ước quốc tế và các quy định trong luật pháp quốc tế vẫn được duy trì. Danh sách này cũng mở rộng thêm các vấn đề về nghĩa vụ của đồng minh. Ví dụ, “chiếc ô hạt nhân” đối với Belarus đã được chính thức hóa, đồng thời nhấn mạnh quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân bên ngoài lãnh thổ quốc gia. Hơn nữa, nguyên tắc “miễn trừ hạt nhân” đã bị loại bỏ đối với các quốc gia phi hạt nhân, nếu những quốc gia này tham gia các cuộc tấn công nhằm vào Nga với sự hỗ trợ của các quốc gia hạt nhân, hoặc nếu họ nằm trong “liên minh hạt nhân”. Điều khoản này được củng cố bằng nguyên tắc “một quốc gia tấn công, tất cả cùng bị coi là tấn công”. Đáng chú ý hơn, có sự đề cập đến khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) khác nếu các căn cứ quân sự hoặc lực lượng dự phòng của Nga ngoài lãnh thổ quốc gia bị tấn công. Nguyên tắc liên tục của răn đe hạt nhân vẫn được duy trì, nhưng với sự bổ sung này, ngưỡng kích hoạt dường như đã được làm rõ hơn[2].
Vadim Kozyulin, giáo sư tại Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Liên bang Nga cho rằng nếu tài liệu năm 2020 tập trung vào việc mô tả sử dụng vũ khí hạt nhân trong các tình huống xung đột giả định, thì tài liệu năm 2024 được hoàn thiện dựa trên quan điểm của một quốc gia đã và đang tham gia vào một cuộc xung đột gay gắt trong một môi trường khắc nghiệt và không thân thiện. Trong bối cảnh này, danh sách các mối nguy hiểm quân sự chính đã được mở rộng đáng kể. Đặc biệt, kịch bản bổ sung đáng chú ý liên quan đến điều kiện chuyển sang sử dụng vũ khí hạt nhân bao gồm: “Nhận được thông tin đáng tin cậy về việc kẻ thù cất cánh hoặc tiến hoặc triển khai máy bay chiến lược và chiến thuật, tên lửa hành trình, máy bay không người lái, máy bay siêu thanh hoặc các phương tiện bay khác vượt qua biên giới Nga.” Điều này, trên thực tế, có thể phản ánh những tình huống trong quá khứ gần đây, vốn từng là lý do tiềm năng cho việc leo thang căng thẳng.
Những sửa đổi này dường như nhằm làm rõ ràng hơn các đối tượng bị răn đe trong học thuyết hạt nhân cập nhật mới. Ví dụ, đoạn 11 nêu rõ: “Hành động gây hấn chống lại Nga và/hoặc các đồng minh của nước này bởi bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào với sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân sẽ được coi là một cuộc tấn công chung của họ.”
Trang mạng nytimes.com/smh.com nhận định, lần đầu tiên Nga tuyên bố sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân không chỉ để đáp trả một cuộc tấn công đe dọa đến sự tồn vong của đất nước, mà còn để đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào gây ra “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nga - một tình huống rất giống với những gì đang diễn ra ở khu vực Kursk, khi tên lửa đạn đạo do Mỹ sản xuất tấn công vào kho vũ khí của Nga. Ngoài ra, còn một điểm quan trọng nữa trong các nguyên tắc hướng dẫn sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga: Lần đầu tiên, nước này tuyên bố quyền sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại một quốc gia chỉ sở hữu vũ khí thông thường - nếu quốc gia đó được một cường quốc hạt nhân hậu thuẫn. Ukraine - được Mỹ, Anh và Pháp (3 trong số 5 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân) hậu thuẫn - dường như là quốc gia mà Tổng thống Putin đang ám chỉ.
- Việc Nga công bố học thuyết hạt nhân sửa đổi nhằm cảnh báo, gây sức ép đối với chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Bình luận về học thuyết hạt nhân sửa đổi của Nga, trang mạng smh.com cho rằng, thế giới không nên phản ứng thái quá với Học thuyết hạt nhân mới của Nga vì nhiều lý do.
Đầu tiên, mặc dù học thuyết có thể đã thay đổi, quyền lực của Putin đối với kho vũ khí hạt nhân của Nga vẫn không thay đổi. Putin vẫn là người có thẩm quyền tối cao về việc sử dụng kho vũ khí hạt nhân của Nga. Ông luôn có quyền sử dụng chúng để đáp trả mọi mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga, dù từ vũ khí thông thường hay không.
Thứ hai, chiến lược của Nga coi vũ khí hạt nhân là một phần trong các biện pháp răn đe chiến lược và chống leo thang xung đột. Trong suốt cuộc chiến ở Ukraine, nhà lãnh đạo Nga liên tục nhắc đến vũ khí hạt nhân. Ông làm như vậy vì biết Tổng thống Mỹ Biden rất sợ Chiến tranh Thế giới thứ ba. Bằng cách “khua thanh kiếm hạt nhân”, Putin đã ngăn cản Mỹ cung cấp đủ vũ khí để tạo ra lợi thế quyết định cho quân đội Ukraine và đảm bảo NATO không leo thang xung đột. Việc Tổng thống Putin sử dụng vũ khí hạt nhân như một công cụ cưỡng chế chiến lược đã phát huy tác dụng tốt trước khi có sự thay đổi về học thuyết này.
Thứ ba, việc sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga tập trung vào các mối đe dọa đối với toàn vẹn lãnh thổ và sự tồn tại của Nga. Không có thời điểm nào trong cuộc chiến này mà sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga hoặc giới lãnh đạo quốc gia của nước này trở thành mục tiêu hoặc bị đe dọa. Ukraine đã tiến hành chiến dịch ở Kursk và tạm thời chiếm một phần nhỏ lãnh thổ của Nga, nhưng chủ quyền của Nga không bị đe dọa.
Cuối cùng, các loại vũ khí tầm xa mà Mỹ hiện đã chấp thuận cho Ukraine sử dụng đã có trong kho vũ khí của Ukraine trong một thời gian. Chúng có sẵn với số lượng ít hơn và có tầm bắn ngắn hơn so với các loại vũ khí bản địa mà Ukraine đã sử dụng để tấn công Nga ở khoảng cách xa hơn nhiều. Không có cuộc tấn công nào trong số này khiến Putin phải đáp trả bằng vũ khí hạt nhân.
Sau khi quan sát quá trình ra quyết định của Mỹ và NATO trong 3 năm qua, Putin tin rằng ông có thể hiểu rõ phương Tây. Điều này có nghĩa là ông sẽ không muốn chấp nhận lệnh ngừng bắn trừ khi có những điều kiện có lợi nhất và ông có thể tự tin vào các hành động xâm lược tiếp theo đối với các nước láng giềng của mình trong trung hạn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, tuyên bố của Putin không nhằm mục đích gây tác động tới cuộc chiến tranh ở Ukraine, mà liên quan nhiều hơn đến việc ảnh hưởng đến các chính sách của chính quyền Trump sắp tới.
Jack Watling, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh Royal United Services/Anh, cho biết việc sử dụng tên lửa tầm xa của phương Tây “chắc chắn sẽ không kích hoạt phản ứng hạt nhân của Moskva như một số người ở phương Tây lo ngại”. Tuy nhiên, “Nga có thể leo thang theo nhiều cách để gây ra tổn hại cho phương Tây, từ phá hoại dưới nước đến sử dụng lực lượng ủy nhiệm để quấy rối hoạt động thương mại ở Bab el-Mandeb, một eo biển ngoài khơi Biển Đỏ, nơi các cuộc tấn công vào tàu thuyền được cho là do phiến quân Houthi của Yemen gây ra”.
- Học thuyết hạt nhân sửa đổi của Nga sẽ khiến các quố gia thận trọng hơn trong quan hệ với Nga trong thời gian tới
Dmitry Stefanovich, nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Quốc tế thuộc IMEMO RAS cho rằng, cho rằng việc hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân khó có thể mang lại tác động tích cực, đặc biệt trong bối cảnh đối đầu gay gắt giữa Nga và “tập thể phương Tây”. Sự sụp đổ của hệ thống kiểm soát vũ khí, cùng với sự gia tăng cả về số lượng và chất lượng kho vũ khí hạt nhân ở các quốc gia trên thế giới, làm tăng vai trò của học thuyết hạt nhân sửa đổi. Vũ khí hạt nhân hiện nay đã trở lại giữ vai trò trung tâm trong các quan hệ chính trị-quân sự quốc tế, minh chứng rằng đây không chỉ là một chủ đề lý thuyết mà còn là một lĩnh vực đang phát triển một cách thực tế và “sống động”. Việc cập nhật học thuyết này cung cấp thêm một lý do để tiếp tục thảo luận về các nguyên tắc học thuyết, chẳng hạn thông qua các định dạng “N5”[3]. Điều này có thể giúp tạo ra sự đồng thuận hoặc ít nhất là làm rõ các giới hạn và định hướng trong quản lý vũ khí hạt nhân.
Chuyên gia Vadim Kozyulin cho rằng, Nga đang gửi đi những tín hiệu rất rõ ràng về giới hạn chịu đựng của mình. Việc này có thể làm giảm bớt một số điều không chắc chắn liên quan đến an ninh chiến lược. Tuy nhiên, đồng thời, không còn bất kỳ khoảng trống nào trên “thang leo thang” để ngăn chặn sự leo thang căng thẳng. Các bên liên quan trong cuộc xung đột hiện tại cần hành động với sự thận trọng tối đa để tránh vượt qua những ranh giới này. Đáng chú ý, trong ấn bản mới, nguyên tắc “tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí” đã bị loại bỏ khỏi danh sách các nguyên tắc răn đe hạt nhân. Điều này cho thấy, Nga đang ưu tiên bảo vệ lợi ích chiến lược của mình, ngay cả khi điều này có thể tạo ra những thách thức trong các nỗ lực kiểm soát vũ khí quốc tế.
3. Tác động đối với an ninh toàn cầu và khu vực
- Đối với việc kiểm soát vũ khí hạt nhân trên thế giới
Học thuyết hạt nhân sửa đổi của Nga, với việc hạ ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân, sẽ tạo ra áp lực đáng kể đối với các cường quốc khác, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, trong việc tái đánh giá chiến lược và năng lực hạt nhân của mình. Sự thay đổi này có thể dẫn đến những tác động tiêu cực sau:
Đối với Mỹ và đồng minh NATO:
(i) Tăng cường đầu tư vào vũ khí hạt nhân chiến thuật: Mỹ có thể cảm thấy cần phải tăng cường đầu tư vào các hệ thống vũ khí hạt nhân chiến thuật nhằm duy trì khả năng răn đe hiệu quả trước các mối đe dọa mới từ Nga. Điều này bao gồm việc phát triển và triển khai các loại tên lửa hạt nhân nhỏ gọn, dễ dàng di chuyển và khó bị phát hiện, nhằm đảm bảo rằng nước này vẫn giữ được sự linh hoạt trong chiến lược hạt nhân của mình.
(ii) Tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực sát biên giới Nga: NATO có thể quyết định tăng cường hiện diện quân sự tại các khu vực sát biên giới Nga như Baltic States (Estonia, Latvia, Lithuania) và Đông Âu. Việc này bao gồm triển khai thêm binh sĩ, phương tiện quân sự, và hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm ngăn chặn bất kỳ hành động leo thang nào từ phía Nga. Đồng thời, NATO cũng có thể đẩy mạnh phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa tân tiến như Aegis Ashore và THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) để đối phó với các mối đe dọa tiềm ẩn.
Đối với Trung Quốc: Phản ứng của Trung Quốc có thể tập trung vào:
(i) Phát triển kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa: Trung Quốc có thể tận dụng cơ hội này để mở rộng và nâng cao kho vũ khí hạt nhân của mình, bao gồm việc phát triển thêm các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và tên lửa hành trình (SLBM). Các báo cáo cho thấy Bắc Kinh đã tích cực mở rộng số lượng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa như DF-41 và xây dựng các hầm chứa đầu đạn hạt nhân mới nhằm tăng cường khả năng chiến lược của mình.
(ii) Nâng cao khả năng cạnh tranh chiến lược với Nga và Mỹ: Trung Quốc không chỉ tập trung vào việc tăng cường năng lực hạt nhân mà còn cải thiện các hệ thống phòng thủ và tấn công để đối phó với cả Nga và Mỹ. Việc này bao gồm đầu tư vào công nghệ tên lửa siêu thanh và máy bay không người lái có khả năng mang vũ khí hạt nhân, nhằm tạo ra một hệ thống phòng thủ toàn diện và đa dạng.
Đối với các nước khác như Ấn Độ, Pakistan hoặc Triều Tiên:
(i) Tạo ra tiền lệ và điều chỉnh chính sách hạt nhân: Động thái mới của Nga có thể tạo tiền lệ cho các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân như Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên xem xét lại và điều chỉnh chính sách hạt nhân của mình. Ví dụ, Ấn Độ và Pakistan có thể tăng cường chương trình phát triển vũ khí hạt nhân nhằm duy trì cân bằng chiến lược trong khu vực Nam Á. Triều Tiên có thể tiếp tục mở rộng kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, gây bất ổn cho khu vực Đông Á.
(ii) Gây bất ổn cho khu vực Nam Á và Đông Á: Việc các quốc gia này tăng cường chương trình vũ khí hạt nhân sẽ làm gia tăng nguy cơ xung đột hạt nhân trong các khu vực nhạy cảm như Biên giới Ấn Độ-Pakistan và Triều Tiên-Hàn Quốc. Điều này không chỉ làm leo thang căng thẳng khu vực mà còn có thể kéo theo sự can thiệp của các cường quốc khác, dẫn đến một vòng xoáy chạy đua vũ trang toàn cầu mới.
Những phản ứng tiềm năng của các cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân kể trên có thể dẫn đến hệ quả tiêu cực đối với tình hình ổn định trên thế giới, kéo theo vòng xoáy chạy đua vũ trang toàn cầu mới, khiến nguy cơ xung đột ngoài tầm kiểm soát gia tăng. Ngoài ra, điều này cũng sẽ khiến các cơ chế giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu, như Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), sẽ gặp khó khăn hơn khi các cường quốc không đạt được đồng thuận.
- Hệ quả tiêu cực đối với tình hình ổn định toàn cầu
Động thái mới của Nga có thể gây ra các tác động sau:
(i) Kích động vòng xoáy chạy đua vũ trang toàn cầu: Những phản ứng tiềm năng của các cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên có thể dẫn đến một vòng xoáy chạy đua vũ trang toàn cầu mới. Sự gia tăng trong số lượng và chất lượng vũ khí hạt nhân sẽ làm tăng nguy cơ xung đột ngoài tầm kiểm soát, đặc biệt là trong bối cảnh các quốc gia này đang nỗ lực cải thiện khả năng tấn công và phòng thủ hạt nhân.
(ii) Gây khó khăn trong các cơ chế giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu: Học thuyết hạt nhân sửa đổi của Nga có thể làm suy yếu các cơ chế giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu như Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Khi các cường quốc không đạt được đồng thuận về các nguyên tắc và quy định trong việc kiểm soát vũ khí hạt nhân, việc duy trì và củng cố các hiệp ước hiện có sẽ trở nên khó khăn hơn. Điều này có thể dẫn đến sự suy giảm lòng tin giữa các quốc gia và làm giảm hiệu quả của các nỗ lực kiểm soát vũ khí hạt nhân toàn cầu.
(iii) Tác động tới các hiệp ước và quy định quốc tế: sự thay đổi trong học thuyết hạt nhân của russia có thể thúc đẩy các quốc gia khác xem xét lại và điều chỉnh các hiệp ước và quy định quốc tế hiện có về kiểm soát vũ khí hạt nhân. điều này có thể dẫn đến việc tái đàm phán hoặc hủy bỏ các hiệp ước hiện tại, làm mất đi các cơ chế quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định quốc tế.
- Đối với tình hình an ninh tại châu Âu
Học thuyết hạt nhân sửa đổi của Nga có thể làm tăng nguy cơ leo thang quân sự ở châu Âu, đặc biệt là nguy cơ gia tăng quân sự hóa ở Đông Âu. Các nước Baltic (Lithuania, Latvia, Estonia) và Ba Lan, vốn đã có mối lo ngại sâu sắc với Nga, sẽ tiếp tục yêu cầu NATO triển khai thêm quân và vũ khí tại khu vực này. Cùng với đó, việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật gần biên giới Đông Âu, hoặc tại Belarus, sẽ càng làm gia tăng áp lực quân sự đối với các nước NATO, buộc các nước thành viên NATO phải tái đánh giá chiến lược an ninh của mình. Điều này có thể dẫn đến việc tăng cường hợp tác quân sự giữa các quốc gia thành viên, cũng như đầu tư vào các công nghệ quân sự mới nhằm duy trì lợi thế chiến lược. Việc hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga có thể dẫn đến tính toán sai lầm trong các cuộc xung đột cục bộ ở Ukraine hoặc khu vực biên giới Nga-NATO. NATO có thể phản ứng quyết liệt hơn trước các mối đe dọa, làm tăng nguy cơ xung đột mở rộng.
Trong bối cảnh này, châu Âu sẽ trở thành tâm điểm của một cuộc đối đầu quân sự mới giữa Nga và phương Tây, phá hoại an ninh khu vực và toàn cầu. Việc gia tăng căng thẳng quân sự có thể làm suy yếu các sáng kiến hợp tác an ninh khu vực, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng và kinh tế toàn cầu.
- Tác động đến Đông Nam Á
Mặc dù khu vực Đông Nam Á không phải là tâm điểm trực tiếp của học thuyết hạt nhân sửa đổi của Nga, nhưng tác động gián tiếp là không thể tránh khỏi, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược ngày càng gia tăng giữa các cường quốc. Theo đó, các tác động tiềm tàng có thể là:
(i) Gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc tại Đông Nam Á. Các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc, với vai trò là những ông lớn trong khu vực Đông Nam Á, có thể tăng cường hiện diện quân sự để củng cố ảnh hưởng và đối phó với nhau. Việc này có thể bao gồm việc triển khai thêm tàu sân bay, máy bay chiến đấu, và các hệ thống phòng thủ tên lửa tại các nước đồng minh như Singapore, và Malaysia. Sự gia tăng này không chỉ nhằm mục đích bảo vệ lợi ích quốc gia mà còn để gửi đi tín hiệu về khả năng phản ứng nhanh chóng trước bất kỳ hành động quân sự nào từ phía đối phương.
(ii) Xuất khẩu công nghệ hạt nhân và vũ khí chiến thuật từ Nga. Nga có thể tận dụng cơ hội từ học thuyết hạt nhân sửa đổi để tăng cường xuất khẩu công nghệ hạt nhân và vũ khí chiến thuật sang khu vực Đông Nam Á. Điều này có thể bao gồm việc cung cấp các hệ thống phòng thủ tên lửa, máy bay không người lái, và công nghệ hạt nhân khác nhằm tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe của các nước đối tác như Việt Nam hoặc Myanmar. Việc này không chỉ giúp Nga củng cố quan hệ chiến lược với các nước khu vực mà còn tạo ra sự phụ thuộc về công nghệ và an ninh từ phía các đối tác.
(iii) Áp dụng chiến thuật răn đe hạt nhân trong tranh chấp Biển Đông. Trong bối cảnh Nga sử dụng học thuyết hạt nhân để tạo sức ép chiến lược, các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc có thể áp dụng chiến thuật tương tự tại Đông Nam Á, đặc biệt là trong các tranh chấp ở Biển Đông. Việc này có thể bao gồm việc triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa hạt nhân, tăng cường lực lượng hải quân và không quân, cũng như tiến hành các cuộc tập trận quân sự lớn để thể hiện sức mạnh và khả năng phản ứng trước các tình huống khẩn cấp.
(iv) Nguy cơ đối đầu đa chiều giữa các cường quốc. Các quốc gia Đông Nam Á có thể phải đối mặt với nguy cơ bị cuốn vào một cuộc đối đầu đa chiều giữa các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, và Nga. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia mà còn có thể gây ra những hậu quả kinh tế và xã hội nghiêm trọng. Các quốc gia khu vực có thể phải cân nhắc kỹ lưỡng trong việc duy trì quan hệ ngoại giao và quân sự với các cường quốc để bảo vệ lợi ích chủ quyền và phát triển kinh tế của mình.
Riêng đối với Việt Nam, việc gia tăng can dự của các cường quốc vào khu vực có thể tiềm ẩn nguy cơ đe dọa lợi ích quốc gia. Việt Nam cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trong việc duy trì quan hệ ngoại giao và quân sự với các cường quốc để bảo vệ lợi ích chủ quyền và phát triển kinh tế của mình. Đồng thời, Việt Nam cũng cần chủ động học hỏi và ứng phó với các thách thức tiềm tàng từ sự gia tăng cạnh tranh chiến lược trong khu vực. Điều này bao gồm việc tăng cường năng lực phòng thủ, tham gia vào các sáng kiến hợp tác an ninh khu vực, và thúc đẩy các nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định.
Học thuyết hạt nhân sửa đổi của Nga không chỉ ảnh hưởng đến chiến lược và năng lực hạt nhân của các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc mà còn có tác động sâu rộng đến tình hình an ninh tại châu Âu và Đông Nam Á. Việc hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga có thể dẫn đến một loạt các phản ứng từ các quốc gia khác, từ việc tăng cường đầu tư vào vũ khí hạt nhân cho đến việc điều chỉnh lại các chính sách an ninh quốc gia. Điều này không chỉ tạo ra áp lực trong việc duy trì cân bằng chiến lược mà còn có thể dẫn đến một vòng xoáy chạy đua vũ trang toàn cầu mới, làm gia tăng nguy cơ xung đột hạt nhân và làm suy yếu các cơ chế kiểm soát vũ khí hạt nhân toàn cầu.
Để đối phó với những thách thức này, các quốc gia châu Âu và các cường quốc khác cần hợp tác chặt chẽ hơn trong việc củng cố các hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân và thúc đẩy các cuộc đàm phán quốc tế nhằm giảm thiểu rủi ro xung đột hạt nhân. Đồng thời, việc tăng cường giám sát và kiểm soát các chương trình vũ khí hạt nhân sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định và an ninh quốc tế.
[1] https://baomoi.com/trung-quoc-len-tieng-sau-khi-nga-sua-hoc-thuyet-hat-nhan-c50776522.epi
[2] https://russiancouncil.ru/analytics-and-comments/interview/stabiliziruyushchie-osnovy-moskva-sokrashchaet-varianty-dlya-eskalatsii-na-doyadernom-urovne/
[3] Hiệp hội không chính thức các nước sở hữu vũ khí hạt nhân (Nga, Trung Quốc, Anh, Mỹ và Pháp).