Máy bay chiến đấu J-35 của Trung Quốc đã gây được ấn tượng khi ra mắt tại triển lãm hàng không ở Chu Hải vào đầu tháng 11. Công ty hàng không Trung Quốc Thẩm Dương đã mất hơn 1 thập kỷ để chế tạo máy bay phản lực mới này. Nó có nhiều điểm tương đồng với máy bay chiến đấu của F-35 của Mỹ, do hãng Lockheed Martin chế tạo.
Như Tham mưu trưởng Không quân Mỹ David Allvin đã nói với Tạp chí “Air & Space Forces”, những điểm tương đồng giữa hai máy bay này rất đáng kinh ngạc: từ phần mũi nhọn, thiết kế hình dáng đến cánh màu xám bạc. Mặc dù được sản xuất ở hai quốc gia khác nhau, nhưng chúng trông như thể đến từ cùng một nhà máy. Allvin nói rằng nếu bạn đặt hai máy bay phản lực này cạnh nhau, bạn có thể thấy thực tế cả hai máy bay "lấy bản thiết kế" từ đâu.
Bản thân điều đó cũng được coi là một thành tựu của quân đội Trung Quốc, vốn đã phải chật vật trong nhiều năm để cạnh tranh với những tiến bộ của quân đội Mỹ. Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt giữa hai loại máy bay này. Máy bay J-35 do Trung Quốc sản xuất thanh mảnh hơn máy bay phản lực của Mỹ - mặc dù thực tế là mẫu máy bay của Trung Quốc có 2 động cơ, trong khi F-35 do Mỹ sản xuất chỉ có 1 động cơ.
Douglas Royce, một nhà phân tích máy bay cấp cao của công ty nghiên cứu Forecast International có trụ sở tại Sandy Hook (Connecticut) nói rằng các nhà thiết kế của Trung Quốc có thể đã chọn chế tạo máy bay với 2 động cơ để tăng thêm sức mạnh. Nhưng thiết kế này cũng có thể được lựa chọn vì một lý do đơn giản hơn: động cơ thứ hai có thể đóng vai trò dự phòng trong trường hợp nhiệm vụ thất bại. Greg Malandrino, cựu phi công chiến đấu của Mỹ hiện đang làm việc tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách, nhận xét: “Có lẽ họ không mấy tin tưởng vào độ tin cậy của máy bay này”.
Theo Boyko Nikolov - người đứng đầu công ty truyền thông Bulgarian Military, các phi công Trung Quốc sẽ phải làm việc trong không gian nhỏ hơn so với các phi công F-35 của Mỹ. Nikolov cho biết buồng lái của máy bay chiến đấu Mỹ thoải mái hơn, rộng rãi hơn, có mái che lớn hơn, trong khi buồng lái của máy bay Trung Quốc phản ánh “cách tiếp cận thực dụng hơn”. Tuy nhiên Malandrino nói rằng ông không nhận thấy bất kỳ sự khác biệt đáng kể nào trong thiết kế của hai buồng lái. Bên cạnh đó, như ông đã chỉ ra, buồng lái của máy bay chiến đấu - dù là của Trung Quốc hay Mỹ - đều không bao giờ thoải mái. Ghế ngồi được thiết kế để cung cấp cho phi công một lối thoát trong tình huống khẩn cấp. Ông nói: “Bạn đang ngồi trên ghế phóng. Về cơ bản, đó là ghế ‘tên lửa’”.
Cũng bình luận về máy bay chiến đấu tàng hình 2 động cơ mới của Trung Quốc, trang mạng 19fortyfive.com cho rằng loại máy bay này - có cả biến thể có thể cất cánh trên đường băng và trên tàu sân bay - không chỉ nhằm mục đích củng cố đội bay chiến đấu tàng hình J-20 đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc mà còn chấm dứt tình trạng độc quyền xuất khẩu máy bay tàng hình toàn cầu của Mỹ. J-35 được phát triển từ chương trình Shenyang FC-31 vốn đã mắt công chúng cách đây gần 10 năm. Kết hợp với siêu tàu sân bay Type-003 được trang bị máy phóng sắp được ra mắt (hiện đang trong quá trình thử nghiệm trên biển), máy bay chiến đấu mới này có thể mang lại cho Trung Quốc khả năng triển khai sức mạnh tốt hơn; nó cũng sẽ làm phức tạp đáng kể những tính toán của Mỹ liên quan đến việc ngăn chặn sự xâm lược của Trung Quốc ở Biển Đông và các khu vực xa hơn nữa. Tuy nhiên, trước khi J-35 có thể thay đổi cán cân quyền lực trên Thái Bình Dương, máy bay này sẽ phải chứng minh rằng nó có thể làm được nhiều hơn là chỉ trông giống một máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến.
Nhiều nhà nghiên cứu cũng đặt câu hỏi rằng mặc dù được thiết kế tốt, nhưng liệu máy bay phản lực của Trung Quốc có thực sự hoạt động tốt hay không. Theo chuyên gia hàng không Dario Leone, J-35 phun ra rất nhiều khói từ ống xả khi ở trên không, điều này có thể khiến máy bay này bị phát hiện một cách dễ dàng.
Tuy nhiên, các chuyên gia đều nhất trí rằng sức mạnh thực sự của một máy bay chiến đấu nằm ở sức mạnh tổng thể của quân đội mà chúng phục vụ. Royce của Forecast International bình luận: "Mọi người chỉ đang nghĩ về hai máy bay phản lực hoạt động trong một cuộc không chiến. Nhưng trong thế giới thực, điều đó phụ thuộc vào toàn bộ hệ thống chiến đấu. Cho đến khi hai quốc gia này tham chiến, mọi điều chỉ là phỏng đoán. Bạn thực sự không thể biết cho đến khi tiếng súng vang lên"./.
Trang mạng eurasiareview.com/19fortyfive.com (Ngày 2/12/2024)