Trung Quốc đang hợp tác với chính quyền quân sự Myanmar để thành lập một công ty an ninh chung nhằm bảo vệ các khoản đầu tư và nhân sự của Trung Quốc tại Myanmar. Vào ngày 22/10/2024, chính quyền quân sự đã thành lập một ủy ban làm việc để soạn thảo biên bản ghi nhớ (MoU) cho sáng kiến này, phản ánh mối quan ngại ngày càng tăng của Trung Quốc về an ninh với các dự án của mình, đặc biệt là các dự án thuộc Hành lang kinh tế Trung Quốc-Myanmar (CMEC).
Là một phần quan trọng của Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc, CMEC bao gồm các đường cao tốc, đường sắt, đường ống dẫn dầu và khu kinh tế kết nối tỉnh Côn Minh của Trung Quốc với Cảng nước sâu Kyaukpyu ở bang Rakhine của Myanmar. Hành lang kinh tế này rất quan trọng đối với Bắc Kinh, cung cấp quyền tiếp cận trực tiếp đến Ấn Độ Dương và bỏ qua Eo biển Malacca dễ bị tổn thương về mặt chiến lược, một điểm nghẽn quan trọng đối với các tuyến cung cấp năng lượng và thương mại của Trung Quốc, đặc biệt là trong trường hợp xảy ra xung đột với Mỹ. Tuy nhiên, thật không may cho Bắc Kinh, nhiều dự án của CMEC lại đi qua một số khu vực xung đột bất ổn nhất của Myanmar.
Kể từ khi các nhóm vũ trang đối lập ủng hộ dân chủ tuyên bố "chiến tranh phòng vệ nhân dân" vào năm 2021, các dự án của Trung Quốc, bao gồm cả đường ống dẫn dầu và khí đốt, đã ngày càng bị đe dọa. Đáng chú ý, vào tháng 1/2022, một Lực lượng Phòng vệ Nhân dân địa phương đã tấn công nhà máy chế biến niken Tagaung Taung trị giá 800 triệu USD. Gần đây hơn, lãnh sự quán Trung Quốc tại Mandalay đã bị hư hại trong một vụ đánh bom vào tháng trước. Mặc dù không có nhóm nào nhận trách nhiệm, nhưng cả Lực lượng Phòng vệ Nhân dân và Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG) đều lên án vụ việc này.
Thông báo về một công ty an ninh chung đã gây ra tranh cãi ở Myanmar, với nhiều ý kiến cho rằng động thái này có thể bị coi là vi phạm chủ quyền đất nước. Hiến pháp năm 2008 của Myanmar cấm triển khai quân đội nước ngoài trên lãnh thổ của mình và việc định hình sáng kiến này như một "công ty" Trung Quốc trong một liên doanh dường như là một động thái chiến lược nhằm đánh lạc hướng các cáo buộc về sự can thiệp quân sự của nước ngoài. Bằng cách cấu trúc công ty này thành một công ty tư nhân và một phần là của Myanmar, Bắc Kinh có thể tuyên bố phủ nhận mọi liên quan, tránh xa sự tham gia trực tiếp trong khi có khả năng chỉ đạo lực lượng an ninh thực hiện các mục tiêu chính sách đối ngoại do nhà nước đưa ra.
Việc triển khai một công ty an ninh tư nhân Trung Quốc diễn ra vào thời điểm quan trọng trong cuộc nội chiến Myanmar, và trong bối cảnh chính quyền quân sự duy trì hỗ trợ tài chính và quân sự, bao gồm cả các lô hàng vũ khí và máy bay. Nhưng trên hết, động cơ thành lập liên doanh của Bắc Kinh cho thấy sự suy giảm niềm tin vào khả năng bảo vệ các khoản đầu tư và nhân sự Trung Quốc của chính quyền quân sự. Những lo ngại như vậy được nhấn mạnh bởi lực lượng quân sự quá tải của chính quyền quân sự, đã mất đáng kể lãnh thổ, nhiều căn cứ và tiền đồn vào tay phiến quân ủng hộ dân chủ, làm xói mòn thêm sự hiện diện của chính quyền quân sự trên khắp Myanmar.
Vào cuối tháng 10/2024, chính quyền Trung Quốc được cho là đã quản thúc tại gia Bành Đức Nhân, chỉ huy Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (MNDAA), tại Côn Minh, tỉnh Vân Nam, để gây sức ép buộc nhóm này phải rút khỏi Lashio. Việc MNDAA chiếm được Lashio vào tháng 8/2024 đã giáng một đòn mạnh vào chính quyền quân sự Myanmar.
Lashio, một trung tâm chiến lược ở phía Bắc bang Shan, đóng vai trò là cửa ngõ vào tỉnh Vân Nam của Trung Quốc và miền Trung Myanmar dọc theo CMEC. Việc kiểm soát nơi này rất quan trọng để đảm bảo dòng đầu tư và thương mại của Trung Quốc. Trung Quốc thường tuyên bố tuân thủ lập trường chính thức của mình là không can thiệp vào các vấn đề có chủ quyền của các quốc gia khác, nhưng những diễn biến trong cuộc nội chiến Myanmar cho thấy sự tham gia tích cực của họ. Bằng cách giam lỏng Bành Đức Nhân, Bắc Kinh dường như đang can thiệp vào nơi mà họ nhận thấy chính quyền quân sự đã thất bại, nhấn mạnh lý do rộng hơn của họ khi thành lập một công ty an ninh tư nhân tại Myanmar.
Bắc Kinh đã có nhiều công ty an ninh tư nhân hoạt động trên toàn cầu, bao gồm 4 công ty ở Myanmar, tại các khu vực mà Trung Quốc có lợi ích chiến lược và kinh tế đáng kể. Các công ty an ninh lớn nhất của Trung Quốc bao gồm De Wei Security Group Ltd, Hua Xin China Security, Guan An Security Technology, China Overseas Security Group và Frontier Services Group.
Ý tưởng về một công ty an ninh của Trung Quốc gợi nhớ đến Tập đoàn Wagner của Nga, một công ty quân sự tư nhân (PMC) đã tham gia rất nhiều vào các cuộc xung đột trên khắp châu Phi, Trung Đông và Ukraine. Wagner hoạt động như một phần mở rộng không chính thức của quyền lực nhà nước Nga, cung cấp huấn luyện quân sự, hỗ trợ chiến đấu và bảo vệ tài sản chiến lược, thường dưới vỏ bọc bảo vệ lợi ích của Nga ở nước ngoài. Các hoạt động của Wagner thường liên quan đến các vai trò chiến đấu trực tiếp, hoạt động quân sự bí mật và bảo vệ các khu vực giàu tài nguyên, khiến công ty này trở thành công cụ gây ảnh hưởng địa chính trị của Moskva.
Ngược lại, các công ty an ninh tư nhân Trung Quốc chủ yếu tập trung vào việc bảo vệ các dự án cơ sở hạ tầng, nhân sự và các khoản đầu tư liên quan đến BRI. Không giống như Wagner, các công ty Trung Quốc tránh các vai trò chiến đấu trực tiếp, thay vào đó chuyên về an ninh tại chỗ, quản lý rủi ro và hỗ trợ hậu cần.
Tuy nhiên, công ty được đề xuất ở Myanmar sẽ là một liên doanh với chính quyền quân sự, tạo ra một động lực mới. Người ta đã biết rằng công ty này sẽ tạo điều kiện cho việc vận chuyển và giao vũ khí cho chính quyền quân sự. Là một công ty liên kết với chính quyền quân sự, công ty này có thể hoạt động với ít hạn chế hơn và có khả năng liên quan đến nhân sự được trang bị vũ khí hạng nặng, khác với những hạn chế thông thường áp dụng đối với các công ty an ninh tư nhân của Trung Quốc. Thỏa thuận chung cũng có thể có nghĩa là công ty này không bị ràng buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Trung Quốc, làm dấy lên lo ngại rằng công ty có thể đảm nhận vai trò quân sự hóa hơn so với các công ty an ninh thông thường của Trung Quốc. Trong trường hợp cực đoan, có suy đoán rằng các công ty an ninh Trung Quốc có thể đóng vai trò tích cực trong cuộc chiến của chính quyền quân sự chống lại các lực lượng ủng hộ dân chủ, tương tự như vai trò mà Tập đoàn Wagner của Nga đã đóng trong các hoạt động của họ ở châu Phi và Trung Đông.
Cách tiếp cận của công ty an ninh tư nhân chung cũng đang được thử nghiệm ở Pakistan, nơi một loạt các cuộc tấn công gần đây nhằm vào công dân và các lợi ích kinh tế của Trung Quốc đã làm lung lay niềm tin vào khả năng bảo vệ Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) của Islamabad. Đáp lại thông báo này, NUG khẳng định rằng hợp tác với NUG và các lực lượng cách mạng là cách duy nhất khả thi để bảo vệ hiệu quả các khoản đầu tư và hoạt động của Trung Quốc tại Myanmar. NUG tiếp tục nhấn mạnh cam kết bảo vệ các khoản đầu tư hợp pháp và thúc đẩy quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng. Thông điệp này nhằm trấn an Bắc Kinh rằng, ngay cả khi Myanmar chuyển sang chế độ dân chủ, họ vẫn sẽ tiếp tục duy trì quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Tuy nhiên, hiện tại có vẻ như Bắc Kinh vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ chính quyền quân sự, và trong bối cảnh triển vọng căng thẳng trên chiến trường, việc triển khai một công ty an ninh tư nhân Trung Quốc là cách duy nhất để đảm bảo sự tồn tại của chính quyền quân sự. Về phần mình, NUG vẫn bị cô lập, không được các cường quốc phương Tây công nhận và không có đường dây liên lạc trực tiếp với Bắc Kinh./.
Trang mạng eurasiareview.com (Ngày 2/12)