Cục diện quân sự-chính trị và chiến lược thế giới hiện nay bị chi phối bởi quá trình cơ cấu lại về địa chiến lược và hình thành một hệ thống mới đảm bảo an ninh toàn cầu và khu vực. Quá trình này sẽ đi kèm với việc các cường quốc tập trung mọi lỗ lực đẩy nước Nga ra khỏi những vùng lợi ích truyền thống và biến nước Nga thành cường quốc khu vực thuần tuý có các khả năng hạn chế, cũng như họ sẽ mở rộng phổ các mối đe dọa anh ninh quân sự đối với chúng ta.
Điều đặc biệt quan ngại chính là những sự kiện đang diễn ra ở Đông-Nam Ucraina. Tại đó với sự hậu thuẫn của Mỹ và Liên minh châu Âu, đã nổ ra một cuộc nội chiến mà người ta có ý đồ làm cho nước Nga bị sa lầy, làm suy yếu tiềm lực kinh tế và quân sự, cũng như thay đổi đường lối chính trị của nước Nga. Điều đó có nguyên nhân sâu xa là việc người ta lo ngại một nước Nga hùng cường và độc lập sẽ thu hút cả những đồng minh của Mỹ.
Trong điều kiện như vậy, vấn đề đang trở nên cấp thiết là duy trì ổn định chiến lược thông qua kiềm chế bất kể đối thủ tiềm tàng nào, kể cả khối liên minh có hành động xâm lược chống lại LB Nga và các nước đồng minh của Nga.
Kiềm chế chiến lược (KCCL) là tổ hợp các hoạt động (biện pháp) chính trị-ngoại giao, kinh tế, tư tưởng, thông tin, khoa học-kỹ thuật, quân sự và những biện pháp khác được nhà nước đơn phương thực hiện hoặc trên cơ sở liên minh, theo hình thức tuần tự hoặc tiến hành đồng thời, nhằm làm ổn định tình hình chính trị-quân sự và chiến lược, ngăn chặn cuộc xâm lược có thể xảy ra, nếu khi cuộc xâm lược xảy ra, các hoạt động sẽ ngăn chặn leo thang xung đột quân sự và đánh tan quân địch khi không còn sự lựa chọn nào khác.
Cơ sở của KCCL là những hoạt động bổ sung cho nhau như thị uy, hạn chế và ép buộc đối phương, được thực hiện trong khuôn khổ cơ chế KCCL thống nhất. Tuy nhiên, trong tương lai gần nước Nga buộc phải kiềm chế các quốc gia hàng đầu thế giới thông qua những hành động thị uy sức mạnh, mà yếu tố quyết định ở đây là khả năng sẵn sàng sử dụng các lực lượng KCCL. Khả năng đó được công khai tuyên bố đến đối thủ xâm lược tiềm tàng. Chỉ số có ý nghĩa nhất (cả về chất lượng và số lượng) thể hiện sức mạnh trước đối thủ là khả năng chiến đấu của các lực lượng KCCL có thể gây cho đối thủ xâm lược, kể cả các đồng minh của chúng, mức độ thiệt hại vượt trên cả những mưu toan chiến lược khi xảy ra chiến tranh mà người ta còn gọi đó là thiệt hại có thể tạo ra “kiềm chế’ hay là thiệt hại “không thể chịu đựng được”.
Như vậy là, có thể xem KCCL là hình thức đặc thù chính sách tự vệ của nhà nước chúng ta, chủ yếu được thực thi thông qua tác động vào ban lãnh đạo quân sự-chính trị của đối thủ xâm lược tiềm tàng (kể cả khối liên minh của chúng) bằng cách làm cho kẻ địch phải khiếp sợ hậu quả nếu chúng ta sử dụng các lực lượng KCCL.
Các lực lượng KCCL bao gồm:
- Các lực lượng tiến công chiến lược:
- lực lượng hạt nhân chiến lược bố trí trên đất liền, trên biển và không quân chiến lược;
- các lực lượng hạt nhân phi chiến lược, bao gồm các đơn vị cấp sư đoàn, trung đoàn thông thường được trang bị vũ khí hạt nhân phi chiến lược trên đất liền, trên biển và trên không;
- các lực lượng chiến lược phi hạt nhân, bao gồm các đơn vị cấp sư đoàn, trung đoàn thuộc lực lượng thông thường với trang bị vũ khí phi hạt nhân chiến lược được bố trí ở các khu vực khác nhau;
- b) Các lực lượng phòng thủ chiến lược: đó là những lực lượng và phương tiện thuộc các hệ thống cảnh báo tiến công tên lửa, giám sát không gian vũ trụ, phòng thủ chống tên lửa, chống tập kích đường không và vũ trụ, có nhiệm vụ đảm bảo sử dụng lực lượng tiến công chiến lược trong tình huống chiến đấu.
Cần nhận thấy rằng, hiện nay kiềm chế hạt nhân giữ vai trò quyết định trong đảm bảo KCCL và an ninh quân sự của LB Nga nói chung. Đồng thời, tuỳ thuộc vào mức độ Lực lượng vũ trang Nga được trang bị vũ khí thông thường phi hạt nhân, một phần nhiệm vụ của lực lượng hạt nhân được giao cho lực lượng chiến lược phi hạt nhân. Theo đó, trong hệ thống KCCL cần chú ý đến hai thành phần:
Kiềm chế cuộc xâm lược của đối thủ bằng lực lượng thông thường - có thể gọi là kiềm chế “tiền hạt nhân” (hay “phi hạt nhân”);
Kiềm chế cuộc xâm lược của đối thủ bằng lực lượng hạt nhân - “kiềm chế hạt nhân”.
Nhằm đảm bảo có được khả năng phản ứng linh hoạt hơn trước tình hình quân sự-chính trị và chiến lược, nhìn chung KCCL được thực hiện trên cơ sở 2 cấp – toàn cầu “kiềm chế toàn cầu” và khu vực – “kiềm chế khu vực”, có mối liên hệ mật thiết với nhau. Theo đó, trong hệ thống kiềm chế chung có thể xem KCCL ở cấp khu vực là cấp bổ sung cho kiềm chế toàn cầu.
Cơ sở của kiềm chế toàn cầu là đe doạ sử dụng ồ ạt lực lượng hạt nhân chiến lược là chủ yếu và gây cho đối phương mức độ thiệt hại có ý nghĩa “kiềm chế” về tiềm lực quân sự-kinh tế trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Cơ sở của kiềm chế khu vực là – đe doạ sử dụng ồ ạt vũ khí chiến lược phi hạt nhân và lực lượng phi hạt nhân chiến lược trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào chống lại nước Nga và các đồng minh của Nga, kết quả là có thể đánh tan các cụm lực lượng tiến công của địch và gây cho đối phương mức độ thiết hại về kinh tế mang ý nghĩa kiềm chế.
Cần khẳng định rằng, chính sách của nhà nước chúng ta trong lĩnh vực an ninh quân sự nói chung và KCCL nói riêng, dựa vào Hiến pháp và hệ thống luật pháp hiện hành của LB Nga. Chính sách đó được xây dựng và thực thi theo đúng Chiến lược An ninh quốc gia, Học thuyết quân sự, Khái niệm xây dựng lực lượng vũ trang và những văn bản pháp luật khác điều tiết vấn đề đảm bảo an ninh quốc gia có tính đến các cam kết quốc tế của LB Nga. Trong vấn đề này, Tổng thống LB Nga với tư cách là Tổng tư lệnh các Lực lượng vũ trang chỉ đạo chung thực hiện chính sách, còn quản lý trực tiếp những hoạt động cụ thể được giao cho các bộ, ngành tương ứng theo lĩnh vực, theo chức năng của họ. Ví dụ, trong lĩnh vực quân sự, hoạt động này do Bộ Quốc phòng đảm nhiệm thông qua Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang LB Nga.
Một khía cạnh quan trọng của KCCL là thời gian thực hiện. Một mặt, KCCL được thực hiện trong thời bình và trong giai đoạn nguy cơ cao xảy ra cuộc xâm lược cho đến khi phải sử dụng sức mạnh quân sự. Mặt khác, KCCL có thể xảy ra ngay cả khi xung đột quân sự bắt đầu nổ ra, để kiềm chế leo thang quân sự, ví dụ kiềm chế một cuộc xung đột quân sự lớn có sử dụng vũ khí sát thương thông thường, kiềm chế bắt đầu nổ ra và sự leo thang một cuộc chiến tranh hạt nhân. Hệ quả là KCCL phải được thực hiện liên tục, vào thời điểm trước giai đoạn sử dụng ồ ạt vũ khí hạt nhân.
Trong quá trình thực thi chính sách quốc gia nhằm đảm bảo KCCL, ban lãnh đạo chính trị-quân sự của nước Nga sẽ có các biện pháp mang tính quân sự và phi quân sự. Trong vấn đề này, được ưu tiên là những biện pháp phi quân sự với hiệu quả tuỳ thuộc vào vị thế của nước Nga trong hệ thống các mối quan hệ quốc tế - tiềm lực kinh tế và quân sự của chúng ta.
Việc hiểu rõ những hậu quả thảm khốc nếu sử dụng các lực lượng KCCL sẽ làm tăng vai trò của các lực lượng này với tư cách là công cụ chính trị, trước hết ngăn ngừa chiến tranh khu vực và chiến tranh qui mô lớn. Nhưng một khi các biện pháp bảo đảm KCCL đối thủ xâm lược tỏ ra không hiệu quả, cần phải xem vũ khí hạt nhân và phi hạt nhân là phương tiện đập tan kẻ thù.
Cần nhận thấy rằng, Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong khối NATO đang có những bước đi nhằm phá vỡ sự ổn định tình hình quân sự-chính trị, chiến lược và hạ thấp ngưỡng anh ninh quốc tế. Những bước đi của họ là:
- Xây dựng hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ với một bộ phận ở châu Âu mà người ta còn gọi là hệ thống Phòng thủ chống tên lửa châu Âu;
- Chế tạo các hệ thống vũ khí phi hạt nhân mới có hiệu quả cao, trong đó có vũ khí chính xác cao, vũ khí siêu thanh, vũ khí năng lượng định hướng và các phương tiện mang, cũng như việc Mỹ hiện thực hoá khái niệm chiến dịch-chiến lược “Tấn công nhanh toàn cầu”;
- Dịch chuyển cơ sở hạ tầng quân sự của NATO tiến gần biên giới nước Nga;
- Quân sự hoá không gian vũ trụ.
Các kế hoạch và động thái cụ thể của Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa toàn cầu với bộ phận bố trí ở châu Âu, được che đậy bằng mong muốn bảo vệ các đồng minh châu Âu trước khả năng giả định là các đòn tiến công tên lửa từ phía các quốc gia cứng đầu (bất tuân trật tự thế giới mới), trước hết chỉ nhằm cào bằng nguy cơ các đòn đáp trả từ phía nước Nga – một cường quốc sở hữu tiềm lực hạt nhân thứ 2 thế giới.
Những tổ hợp chống tên lửa trên mặt đất được triển khai tại Đông Âu, cũng như bố trí trên biển gần biên giới nước Nga, có khả năng đánh chặn các tên lửa đường đạn xuyên lục địa được phóng từ phần lãnh thổ châu Âu của nước Nga. Tuy nhiên, việc xây dựng một hệ thống phòng thủ chống tên lửa không để lọt mục tiêu là không thể, nếu xét từ góc độ quân sự và kỹ thuật. Vấn đề chức năng thực sự của hệ thống phòng thủ chống tên lửa châu Âu còn chưa ngã ngũ. Theo quan điểm của chúng tôi, mục đích chính của hệ thống này có thể là – xây dựng bộ phận tập kích của lực lượng tiến công chiến lược triển khai phía trước để tung đòn phủ đầu vào lãnh thổ nước Nga. Vì các tên lửa đánh chặn thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa và tên lửa “Standard – 3” về thực chất là tên lửa đường đạn tầm trung và ban đầu chúng có chức năng tập kích. Các tên lửa xuyên lục địa “Minitmen” (sử dụng tầng thứ nhất và thứ 2) là vũ khí chính của hệ thống phòng thủ chống tên lửa, còn các biến thể khác thuộc họ tên lửa “Standard” đã được thử nghiệm để bắn tiêu diệt cả những mục tiêu trên mặt đất.
Trong khuôn khổ cái gọi là “cấu trúc mới hệ thống phòng thủ chống tên lửa”, tại Ba Lan, thay vì triển khai 10 bệ phóng tên lửa đánh chặn bố trí dưới hầm phóng, người ta triển khai 30 tổ hợp tên lửa “standard-3”. Trong trường hợp đó, tất cả các mục tiêu trên phần lãnh thổ châu Âu của nước Nga sẽ nằm trong bán kính hoạt động của những tên lửa, về nguyên tắc, có thể được gắn đầu đạn hạt nhân.
Ở Mỹ người ta đặc biệt quan tâm đến vấn đề hiện thực hoá khái niệm “tấn công nhanh toàn cầu” và chương trình nghiên cứu chế tạo phương tiện tập kích chớp nhoáng trên phạm vi toàn cầu. Theo khái niệm này, một phần nhiệm vụ chiến lược mà hiện nay do lực lượng hạt nhân đảm nhiệm, sẽ được chuyển giao cho các loại vũ khí thông thường phi hạt nhân có độ chính xác cao, kể cả vũ khí siêu thanh.
Mặc dù đã có những thành tựu nhất định trong nghiên cứu chế tạo phương tiện tấn công nhanh trên phạm vi toàn cầu, vẫn còn những vấn đề khác chưa thể khắc phục được, ví dụ như chế tạo động cơ phản lực siêu thanh, lắp động cơ lên phương tiện bay, đảm bảo cân bằng nhiệt giữa bên trong và bên ngoài phương tiện bay siêu thanh, cũng như hàng loạt khó khăn khác liên quan đến nghiên cứu sản xuất nhiên liệu cryogen, hệ thống dẫn đường trong điều kiện môi trường bị ion hoá mạnh ..v.v.
Mức độ ảnh hưởng của hệ thống phòng thủ chống tên lửa và phương tiện tấn công nhanh toàn cầu của Mỹ đến đảm bảo KCCL còn tuỳ thuộc vào khả năng các lực lượng tiến công chiến lược của Lực lượng vũ trang Nga có hành động đáp trả như thế nào (gây cho đối phương mức độ thiệt hại có ý nghĩa kiềm chế).
Phân tích ảnh hưởng của hệ thống phòng thủ chống tên lửa toàn cầu và phương tiện tấn công nhanh của Mỹ đối với khả năng đảm bảo KCCL của chúng ta, cho thấy:
Thứ nhất. Năm 2002 Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa ký năm 1972, mà theo họ không còn phù hợp với lợi ích của Mỹ, đã trở thành điểm khởi đầu làm tan rã toàn bộ hệ thống các hiệp ước trong lĩnh vực KCCL. Chính sau giai đoạn này, ban lãnh đạo quân sự-chính trị của Mỹ thực thi đường lối giành ưu thế chiến lược thông qua xây dựng hệ thống phòng thủ chống tên lửa trong điều kiện Nga và Mỹ cắt giảm kho vũ khí hạt nhân, cũng như đẩy mạnh phát triển các loại phương tiện sát thương phi hạt nhân có độ chính xác cao, và như một hệ quả tất yếu, dẫn đến hiện thực hoá khái niệm “tấn công nhanh toàn cầu”. Theo khái niệm này, một phần nhiệm vụ chiến lược của lực lượng hạt nhân hiện nay sẽ được chuyển giao cho các phương tiện sát thương phi hạt nhân có độ chính xác cao, kể cả vũ khí siêu thanh với chi phí rõ ràng là ít hơn và hiệu ứng phụ cũng ít hơn.
Thứ hai. Tất cả những hoạt động triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa ở bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ được xem như nguy cơ tiềm tàng đối với nước Nga. Mối đe doạ đó cần phải được đề cập đến trong học thuyết quân sự của LB Nga và chính sách đối ngoại của nhà nước chúng ta. Trong vấn đề này, các tên lửa thuộc hệ thống phòng thủ chống tên lửa bố trí tại châu Âu, về thực chất là tên lửa đường đạn tầm trung có khả năng được sử dụng để đánh đòn phủ đầu. Bởi vì các tên lửa thuộc hệ thống này và tên lửa “Standard-3” có chức năng tiến công.
Thứ ba. Việc người ta công khai nhất định thông tin về khái niệm “tập kích toàn cầu”, cũng như các phương tiện tấn công nhanh toàn cầu của Mỹ là nhằm có được hiệu ứng - làm cho đối thủ tiềm tàng khiếp sợ. Tuy nhiên, hiệu quả cần thiết của tấn công nhanh toàn cầu chỉ có thể đạt được trong những hành động phủ đầu của lực lượng tiến công chiến lược.
Thứ tư. Một trong những mục tiêu chủ yếu của ban lãnh đạo chính trị-quân sự Mỹ khi họ theo đuổi việc thiết lập hệ thống phòng thủ chống tên lửa toàn cầu và hiện thực hoá khái niệm “tập kích toàn cầu”, là kéo nước Nga vào một cuộc chạy đua vũ trang tiếp theo. Chúng ta cần phải có cái nhìn thực tế khi đánh giá khả năng của người Mỹ trong chương trình phòng thủ chống tên lửa và chế tạo phương tiện tập kích chớp nhoáng toàn cầu. Cần tiến hành hoạt động nghiên cứu chế thử và tạo ra sản phẩm khoa học và công nghệ để có được những phương tiện đủ sức chống lại, cũng như nghiên cứu các phương thức sử dụng hợp lý.
Thứ năm. Khi Mỹ tuyên bố ý định trang bị đầu đạn thông thường cho vũ khí thuộc hệ thống phòng thủ chống tên lửa và tập kích toàn cầu, không thấy có bất kỳ sự bảo đảm nào, rằng chúng sẽ không mang đầu đạn hạt nhân.
Trong bối cảnh như vậy, để đảm bảo KCCL, cần phải:
- Xác định những phương hướng có triển vọng phát triển lực lượng KCCL;
- Rà soát các hình thức và biện pháp sử dụng lực lượng KCCL trong chiến đấu;
- Xây dựng hệ thống KCCL hữu hiệu và các cơ chế thực thi;
- Khẳng định quan điểm của nước Nga trong đàm phán về vũ khí chiến lược (hạt nhân, cũng như phi hạt nhân).
Việc giải quyết linh hoạt những vấn đề này sẽ cho phép đảm bảo KCCL và an ninh quân sự của LB Nga trong dài hạn.
Nước Nga đã, đang và sẽ là phần không thể tách rời của cộng đồng quốc tế và nước Nga sẽ có những cách đáp trả mới đối với các thách thức và mối đe doạ trong thế giới hiện đại. Tư tưởng trung tâm của đường lối này là tư duy hiện nay về một nền an ninh bình đẳng và một thế giới hài hoà nói chung. Tuy nhiên, vẫn chưa đạt được một công ước quốc tế về ổn định chiến lược. Công ước đó phải bao hàm rất nhiều vấn đề, không chỉ liên quan đến các loại vũ khí tiến công và phòng thủ chiến lược, vũ khí trên vũ trụ, vũ khí chính xác cao, mà phải đề cập toàn bộ tổ hợp các yếu tố có khả năng đe doạ hoà bình và ổn định. Lường trước khả năng xảy ra xung đột quân sự với hệ luỵ gia tăng căng thẳng trong quan hệ quốc tế, chúng ta cần kịp thời có những biện pháp cảnh báo để ngăn chặn xung đột quân sự./.
- Tác giả: L. Khrjapin; D.A. Kalinkin; V.V. Matvichuk
- Nguồn: T/c “Tư tưởng quân sự”, số 1/2015, tr. 18-22;
- Người dịch: Nguyễn Kim Bằng