Diễn tập hải quân đa quốc gia (RIMPAC) là cuộc diễn tập đa quốc gia có quy mô lớn nhất trên thế giới, diễn tập lần này mang tên “Vành đai Thái Bình Dương – 2014” (RIMPAC - 2014) có sự tham gia của hơn 40 tàu mặt nước, 6 tàu ngầm, 200 máy bay (trong đó có 28 máy bay trinh sát hải quân), 16 đơn vị trên bộ và 25.000 binh sỹ của 23 nước, gồm: Mỹ, Ôxtrâylia, Brunei, Canađa, Chile, Colombia, Pháp, Ấn Độ, Inđônêxia, Nhật Bản, Malaixia, Mexico, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Trung Quốc, Peru, Hàn Quốc, Philippin, Xingapo, Thái Lan, Tonga, Anh; trong đó Brunei và Trung Quốc là những quốc gia đầu tiên tham gia RIMPAC. Điểm đáng chú ý trong RIMPAC-2014, đó là lần đầu tiên Nga cử quan sát viên tham dự, trước đó Mỹ cũng đã gửi lời mời Nga tham dự diễn tập lần này, song Nga từ chối. Ngoài các nước tham gia chính thức, 9 quốc gia khác gồm: Bangladesh, Brazil, Campuchia, Đan Mạch, Đức, Italia, Maldives, Papua New Guinea và Việt Nam cũng được mời cử quan sát viên tham gia.
Chủ đề của RIMPAC-2014 là “năng lực, thích ứng, hợp tác”; mục tiêu của diễn tập là trong phạm vi toàn bộ lĩnh vực quân sự, nâng cao năng lực lập kế hoạch, kết nối và thực hiện các hoạt động phức tạp trên biển của lực lượng quân đội các nước tham gia diễn tập; tăng cường năng lực hành động phối hợp giữa lực lượng các nước, đồng thời nâng cao năng lực tác chiến của binh sỹ, duy trì tập chung lâu dài năng lực tác chiến trên biển. Do gần đây tình hình chính trị của một số quốc gia có thay đổi nên Hạm đội Thái Bình Dương nhiều lần nhấn mạnh: Cuộc diễn tập lần này không có liên quan đến bất cứ sự kiện hay điểm nóng quốc tế nào gần đây; đồng thời, cuộc diễn tập không phải nhằm thực hiện “phòng vệ tập thể”, cũng như không nhằm mô phỏng phòng thủ một quốc gia cụ thể; mục đích cuối cùng của diễn tập là giúp đỡ các nước tham gia phát triển và tăng cường quan hệ hợp tác, bảo đảm an ninh tuyến hàng hải trên biển và đại dương thế giới.
Kết cấu diễn tập
RIMPAC-2014 bắt đầu được chuẩn bị từ năm 2013, trong quãng thời gian hơn 1 năm, Hạm đội 3 của Hải quân Mỹ đã tổ chức 3 lần hội nghị xây dựng kế hoạch diễn tập, giới thiệu cụ thể với các nước tham gia diễn tập về kế hoạch tổ chức và thực hiện diễn tập. Căn cứ vào lịch trình diễn tập, giai đoạn diễn tập thực binh trên biển từ ngày 21.6 – 1.8.2014, giai đoạn trên bao gồm thời gian diễn tập ở cảng và trên biển, trong đó chủ yếu diễn ra ở vùng gần bờ biển và trên biển khu vực Hawaii, bao gồm Căn cứ Chân Trâu Cảng - Hickam, Căn cứ Hải quân đánh bộ Hawaii trên đảo Oahu, Trường bắn Thử nghiệm tên lửa Kauai Thái Bình Dương, Thao trường Huấn luyện Honolulu và Trại Schofield Barracks nằm ở quần đảo Hawaii. Ngoài ra, khu vực gần bờ biển miền Nam California còn tiến hành tổ chức các khoa mục diễn tập từng phần như chống thủy lôi, tàu ngầm, xử lý vật liệu nổ…
Để cuộc diễn tập diễn ra thuận lợi và có sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị tham gia diễn tập, cơ quan tổ chức diễn tập đã xây dựng phương án diễn tập, triển khai các khoa mục diễn tập mở rộng với các nội dung như: ứng phó thảm họa, quản lý khống chế an ninh trên biển và tác chiến trong điều kiện phức tạp; các khoa mục diễn tập có liên quan bao gồm: tác chiến đổ bộ, bắn pháo, tiến công tên lửa, tác chiến chống tàu ngầm, tác chiến phòng không, quân y, giảm thiểu thảm họa và hỗ trợ nhân đạo, chống cướp biển, rà phá thủy lôi, xử lý vật liệu nổ, lặn biển, hỗ trợ tai nạn trên biển. Ngoài ra, lực lượng trên bộ và lực lượng trên không cũng đóng phần quan trọng của diễn tập, nhằm huấn luyện phối hợp giữa các binh chủng hải, lục, không quân có thể nhanh chóng xử lý tình huống trong điều kiện trên biển. Diễn tập chia làm 3 giai đoạn từ dễ đến khó, cơ quan tổ chức diễn tập sẽ gọi đó là các giai đoạn “bò, đi, chạy”.
Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn ven bờ, các khoa mục diễn tập tập chung vào xây dựng mối quan hệ hỗ trợ giữa các lực lượng diễn tập, tạo lòng tin giữa các quốc gia tham gia diễn tập; bao gồm: tăng cường học hỏi quy mô diễn tập và binh lực, như bảo đảm thành thục giữ an ninh, môi trường, quy mô tác chiến; xác nhận công tác an toàn, liên tục giữa thông tin liên lạc và hệ thống vũ khí giữa lực lượng quân sự giữa các nước; thao luyện hệ thống khống chế và chỉ huy do nội bộ các nước tự tổ chức; ôn luyện và nắm vững kế hoạch thực hiện diễn tập cuối cùng; tìm hiểu trình tự khống chế chỉ huy trong diễn tập.
Giai đoạn 2 là giai đoạn huấn luyện liên hợp giữa lực lượng quân sự của các nước, các khoa mục bao gồm: huấn luyện tác chiến biên đội đặc nhiệm trong điều kiện trên không, mặt nước, dưới nước; diễn tập tác chiến hiệp đồng với tàu ngầm; diễn tập tác chiến không đối không, diễn tập dự báo hành động giữa hai bờ, diễn tập cứu trợ nhân đạo và giảm thiểu thảm họa; diễn tập trình tự chỉ huy và khống chế ở mức cao hơn.
Giai đoạn 3 là diễn tập các khoa mục tác chiến nâng cao và diễn tập tác chiến tự do, gồm: huấn luyện hiệp đồng biên đội đặc nhiệm trong điều kiện nguy hiểm; diễn tập hai bờ tiến công; ứng dụng thành thục trình tự chỉ huy và khống chế; diễn tập chụp ảnh hạm đội từ trên không; trong 4 ngày cuối cùng của diễn tập thực hiện diễn tập tác chiến tự do.
Quan hệ chỉ huy đa quốc gia
Thời gian lực lượng quân đội các nước tham gia diễn tập đều do sỹ quan chỉ huy nước sở tại chỉ huy, trong hệ thống khống chế chỉ huy liên hợp diễn tập RIMPAC lực lượng quân sự các nước tiếp nhận sự chỉ huy chiến thuật. Hạm đội Thái Bình Dương Hải quân Mỹ đóng vai trò chủ đạo trong RIMPAC-2014, dưới quyền có: Biên đội đặc nhiệm hỗn hợp do Phó Đô đốc Kenneth M. Floyd, Tư lệnh Hạm đội 3 đảm nhiệm chỉ huy, Chuẩn Đô đốc Simon Cullen, Hải quân Ôxtrâylia và Chuẩn Đô đốc Yasuki Nakahata, Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản đảm nhiệm Phó chỉ huy. Diễn tập Biên đội đặc nhiệm hỗn hợp phân chia các lực lượng: lực lượng liên hợp trên không, lực lượng liên hợp trên biển, lực lượng liên hợp trên bờ, lực lượng hành động đặc biệt; trong đó, lực lượng liên hợp trên biển do Chuẩn Đô đốc Hải quân Canađa Gilles Couturier chỉ huy. Lực lượng không quân liên hợp với hơn 200 máy bay của 6 quốc gia do Chuẩn tướng Không quân Ôxtrâylia Chris Westwood chỉ huy; lực lượng trên bờ với hơn 1.200 binh sỹ đến từ 10 nước do Phó Tư lệnh Lực lượng Hải quân lục chiến Mỹ khu vực Thái Bình Dương Richard L. Simcock chỉ huy, Đại tá Hải quân Mỹ Wayne Stevens chịu trách nhiệm chỉ huy thực hiện khoa mục Hành động đặc biệt mở đầu diễn tập. Hạm đội Thái Bình Dương nhấn mạnh, giống như các đợt diễn tập RIMPAC trước đây, quyền chỉ huy điều động Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản không chịu sự chỉ huy của các nước khác và cũng không chỉ huy lực lượng quân đội của các nước khác.
Dưới quyền chỉ huy của lực lượng liên hợp trên biển có 9 biên đội đặc nhiệm hỗn hợp (đánh số từ 170 đến 178), 4 tàu của Hải quân Trung Quốc được biên chế trong Hạm đội Đặc nhiệm hỗn hợp 175, Biên đội này có 12 tàu của 5 quốc gia Mỹ, Trung Quốc, Brunei, Pháp và Mexico; tàu chỉ huy biên đội là tàu tuần tra USCGC Waesche của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ. Trong diễn tập RIMPAC lần này, Ban tổ chức đều lấy tên các loài vật đặt cho tàu, máy bay. Chính vì vậy khi diễn tập trên biển, tàu của các nước không gọi theo tên tàu hoặc phiên hiệu mà được gọi theo tên loài vật đặt cho nó.
Hải quân Trung Quốc lần đầu tham gia diễn tập
Tháng 1.2013, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Hải quân Mỹ chính thức mời Trung Quốc tham gia diễn tập RIMPAC-2014, tháng 3 cùng năm Trung Quốc nhận lời. Là một hạng mục quan trọng trong hợp tác quốc phòng Mỹ -Trung, diễn tập quân sự được đề cập nhiều lần trong các cuộc gặp cấp cao giữa các nhà lãnh đạo hai bên, và cũng thu hút sự quan tâm của giới truyền thông hai nước. Ngày 9.6.2014, biên đội tàu Trung Quốc tham dự diễn tập lần lượt khởi hành từ Tam Á và Châu Sơn, qua hải trình 6 ngày đến vùng biển phía Bắc đảo Guam hợp nhất cùng với tàu tuần dương Ticonderoga USS Chosin (CG 65), tàu khu trục USS Howard của Hải quân Mỹ, tàu hộ vệ RSS Intrepid F-69 lớp Formidable của Hải quân Xingapo, 2 tàu tuần tra xa bờ KDB Darussalam và KDB Darulaman của Hải quân Brunei. 9 tàu này dưới sự chỉ huy của tàu CG 65 tổ chức biên đội đặc nhiệm hỗn hợp đa quốc gia CTG 35.9.3 bắt đầu vượt qua Trân Châu Cảng.
Trong hải trình, tàu USS Chosin còn tổ chức chỉ huy các khoa mục diễn tập: cơ động biên đội, trao đổi thành viên, xử lý tình huống khẩn cấp, thao tác trên tàu nhỏ, huấn luyện thành thục quy tắc hoạt động quân sự trên biển, hỗ trợ hải trình, sử dụng vũ khí hạng nhẹ, bắn pháo bia nổi trên biển, chụp ảnh trên không ...đây được coi như các bài tập “khởi động” chuẩn bị cho các khoa mục diễn tập tiếp theo. Tại Hawaii, ngày 26.6, Ban tổ chức thực hiện Lễ Khai mạc RIMPAC-2014, diễn tập chính thức bắt đầu.
Biên đội đặc nhiệm hỗn hợp 175 của Hải quân Trung Quốc lần đầu tham gia diễn tập, trong đó chủ yếu tham gia nội dung hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, cụ thể gồm các khoa mục: phóng tên lửa; chống cướp biển; ngăn chặn hành động trên biển; quân y; hỗ trợ nhân đạo và giảm thiểu thảm họa; cứu trợ tai nạn biển, tàu ngầm. Tuy nhiên, trong lĩnh vực an ninh truyền thống, Hải quân Trung Quốc không tham gia các khoa mục: tác chiến đổ bộ, tiến công tên lửa, chống tàu ngầm, tác chiến phòng không, rà phá thủy lôi, xử lý vật liệu nổ...
Hỗ trợ nhân đạo và giảm thiểu thảm họa là nội dung quan trọng trong diễn tập, điều này giúp nâng cao năng lực và thực tiễn phản ứng của các nước đối phó với thảm họa. Diễn tập cũng nhấn mạnh nâng cao năng lực phản ứng của lực lượng phòng thủ và y tế Hawaii trong phạm vi quản lý của mình; nâng cao năng lực tác chiến của lực lượng các nước tham gia diễn tập trong tình huống hỗ trợ nhân đạo và giảm thiểu thảm họa, kiểm tra kết nối, hỗ trợ thông tin liên lạc và huấn luyện ứng phó kịp thời. Diễn tập RIMPAC-2014, lần đầu tiên có sự tham gia của hai tàu bệnh viện gồm tàu bệnh viện USNS Mercy của Hải quân Mỹ và tàu bệnh viện Phương Châu Hòa Bình của Hải quân Trung Quốc. Trong khuôn khổ diễn tập hỗ trợ nhân đạo và giảm thiểu thảm họa, hai tàu bệnh viện tiến hành giao lưu sâu về y học và huấn luyện trên biển, đây cũng là lần đầu tiên hai tàu bệnh viện của hai nước có sự giao lưu và trao đổi hợp tác trực tiếp.
Điểm nổi bật của RIMPAC-2014 mà Hải quân Trung Quốc tham gia là khoa mục diễn tập bắn đạn thật. Bắn đạn thật từ tàu chiến được bố trí ngay tại khu vực Hawaii và ở Bãi bắn Thử nghiệm tên lửa Thái Bình Dương gần đảo Kauai. Bãi bắn Thử nghiệm tên lửa Thái Bình Dương là môi trường huấn luyện ưu việt với trang bị hiện đại, sát thực tiễn và không gian đa chiều. Trong số lần bắn đạn thật tại diễn tập, Mỹ đánh giá cao độ chính xác các lần bắn từ tàu của Hải quân Trung Quốc, đặc biệt là các lần bắn bia nổi theo đội hình biên đội đơn, các pháo chính của tàu khu trục Hải Khẩu và tàu hộ vệ Nhạc Dương đều bắn trúng cũng như đánh chìm bia mục tiêu trước mặt khiến cho tàu chiến của các nước khác không còn mục tiêu để thực hiện bài bắn tiếp mà kế hoạch vạch ra từ trước; thậm chí bia mục tiêu với tên gọi Killer Tomatoes rất khó bắn hạ, Mỹ cũng chưa từng nghĩ đến mục tiêu này có thể bị bắn chìm cũng đã bị tàu Trung Quốc tiêu diệt. Một số quan sát viên người Mỹ còn nói vui, diễn tập vào năm sau phải để các tàu Hải quân Trung Quốc bắn sau cùng, có như vậy thì các tàu của nước khác mới có cơ hội thực hiện bài bắn của mình.
Đặc điểm của RIMPAC-2014
Là diễn tập quân sự lớn nhất thế giới, RIMPAC đã tạo dựng cho lực lượng quân sự của các quốc gia tham dự một môi trường huấn luyện hết sức phức tạp và đầy thử thách. Nhằm nâng cao năng lực hành động trên biển, các kế hoạch diễn tập, giao lưu và thực hành diễn tập được lập sẵn giữa các nước tham gia diễn tập từ đó tạo ra cơ hội huấn luyện thực tiễn, thực chất. Hơn nữa, vùng biển Hawaii là môi trường mà trên thế giới không đâu thích hợp hơn cho việc tiếp cận gần với thực tế chiến tranh và có thể huy động được lực lượng quân sự của đông đảo nhiều nước cùng tham gia diễn tập.
Cuộc diễn tập lần này cũng đưa các lực lượng quân sự vào điều kiện, môi trường khẩn cấp nhằm phát huy cao độ năng lực hành động hỗ trợ nhân đạo và giảm thiểu thảm họa; giúp nâng cao khả năng đối phó nhanh trong điều kiện cứu trợ từ xa khi xảy ra thảm họa. Đối với lĩnh vực phòng thủ và y tế của Căn cứ Hawaii, diễn tập hành động Hỗ trợ nhân đạo và giảm thiểu thảm họa tạo ra cơ hội huấn luyện và thực hành với giả định số lượng lớn người bị thương. Diễn tập đóng vai trò nâng cao, kiểm tra và bổ trợ năng lực phản ứng đối phó với các tình huống khẩn cấp trong hoạt động hỗ trợ nhân đạo và giảm thiểu thảm họa.
Trong thời gian diễn ra diễn tập, Hạm đội 3 Hải quân Mỹ và Bộ Tư lệnh phát triển tác chiến hải quân đã lên kế hoạch và thực hiện một cách cụ thể bài tập Trident Warrior - 2014, tất cả các khoa mục trong diễn tập này của Hải quân Mỹ đều là một phần của Trident Warrior - 2014, nó là hàng loạt các bài tập được thực hiện nhằm mục đích đổi mới sâu rộng những vấn đề khác biệt nhận thức về biên đội trong diễn tập theo hình thức biên đội, trong lĩnh vực môi trường huấn luyện quân sự, các bài tập trong Trident Warrior đã đưa ra các phương thức thay đổi về mặt kỹ thuật và cách đánh giá. Tham gia Trident Warrior - 2014 gồm hơn 30 đơn vị thuộc Lực lượng Thủy lôi Hải quân, Bộ Tư lệnh Chống tàu ngầm và Bộ Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, xuyên suốt toàn bộ các giai đoạn diễn tập, hoạt động của những lực lượng này bao trùm tất cả các lĩnh vực, gồm: chiến tranh điện tử, chống tàu ngầm, thông tin, khống chế chỉ huy, phòng thủ tin tức.
Kiểm tra năng lực tác chiến thực tế của lực lượng hải quân đánh bộ theo khối thống nhất trong RIMPAC - 2014, việc thực hiện này sẽ kiểm tra diễn tập hành động tác chiến đơn vị lính dù trên biển một cách sâu hơn nhằm đánh giá khả năng huấn luyện, tổ chức và trang bị của đơn vị lính dù trên biển liệu có phù hợp hay không khi thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt. Thông qua các khoa mục huấn luyện đó nâng cao năng lực phản ứng nhanh trong trường hợp khẩn cấp; phân cấp vai trò chỉ huy và khống chế trong tổ chức nhóm tác chiến trên bờ; hỗ trợ chi viện hỏa lực chính xác, đảm bảo cho khối thống nhất tác chiến trên bờ; phân tán hỗ trợ bằng nhiều hình thức cho nhóm tác chiến trên bờ từ căn cứ hải quân. Dưới sự hỗ trợ hậu cần và cơ cấu khống chế chỉ huy trên biển, 3 nhóm đổ bộ thực hiện diễn tập và triển khai hàng loạt các kiểm tra, thử nghiệm mang tính kỹ thuật. Diễn tập đã đạt được các mục đích dưới đây: hỗ trợ hệ thống hỏa lực số hóa hiện đại, nâng cao năng lực sơ tán và cứu hộ khẩn cấp, kiểm tra hiệu quả tác chiến của hệ thống tích hợp độc lập; nghiên cứu phương pháp nâng cao bảo đảm hậu cần và giảm bớt sức lực của binh sỹ.
Ngay từ năm 2003, Phòng Nghiên cứu thí nghiệm Hải quân Mỹ đã bắt đầu tiến hành thử nghiệm chứng minh biên đội chiến thuật theo hình thức phân bố, thử nghiệm theo hình thức tác chiến hiện đại này là một nội dung cuối cùng của hàng loạt thử nghiệm hành động tác chiến của đơn vị lính dù hải quân ở mức độ nâng cao; mục đích nhằm nâng cao năng lực tác chiến của khối nhóm, đội lính dù hải quân. Đồng thời, sự phát triển dần dần của diễn tập theo hình thức phân bố trở thành năng lực hành động của các phân đội ở mức cao hơn, tập chung trên các mặt: chỉ huy, khống chế, tình báo, hỏa lực và bảo đảm hậu cần.
Năm 2012, Phòng thí nghiệm tác chiến bắt đầu tiến hành một loạt các luận chứng cuối cùng đối với thử nghiệm mục tiêu giới hạn, mục đích của thử nghiệm mục tiêu giới hạn là nhằm nâng cao năng lực chi viện hỏa lực pháo để hỗ trợ hành động tác chiến theo hình thức phân bố; kiểm tra năng lực khống chế chỉ huy và hỗ trợ hậu cần từ căn cứ hải quân ở cự ly xa; kiểm tra, thử nghiệm năng lực tiến công hỏa lực số hóa ở cấp liên đội. Qua các thử nghiệm rút ra cách đánh và kỹ chiến thuật từ trước đến nay của lực lượng hải quân đánh bộ; đồng thời, đánh giá chính xác quân thường trực là đối tượng đáng tin cậy nhiều nhất.
Trong lần diễn tập này, khoa mục chống tàu ngầm với sự tham gia của 6 tàu ngầm thuộc 4 quốc gia đối với việc nâng cao trình độ huấn luyện lực lượng trên biển của Mỹ và các nước đồng minh là một phần hết sức quan trọng. Trên phạm vi toàn cầu, cho dù các nước đồng minh của Mỹ hay các đối thủ của họ thì việc số lượng các tàu ngầm ngày càng gia tăng đã khiến cho các vấn đề an ninh, kết cấu càng trở nên phức tạp. Hiện nay có tới hơn 40 nước sở hữu tàu ngầm hiện đại và số lượng tàu ngầm vượt qua con số 350 chiếc.
Chiến thuật, kỹ năng chống tàu ngầm là một kỹ năng quân sự rất quan trọng và có tính sát thương cao, trong khoa mục tác chiến hạm đội nó luôn chiếm vị trí đứng đầu. Diễn tập RIMPAC có thể mô phỏng môi trường tác chiến tàu ngầm thông thường và tàu ngầm hạt nhân, giả định năng lực hiệp đồng chống tàu ngầm của các lực lượng đa quốc gia. Trong thời gian tiến hành diễn tập, với các hình thức tác chiến hiệp đồng đa dạng của tàu ngầm thông thường và tàu ngầm hạt nhân triển khai huấn luyện tác chiến chống tàu ngầm và tác chiến chống tàu mặt nước một cách trân thực. Ngoài ra, việc tạo ra mô phỏng đối phương được trang bị tàu ngầm có tính năng hiện đại và năng lực tác chiến mạnh đã làm cho diễn tập trở nên sát thực tiễn.
Bảo vệ môi trường và các loài sinh vật đại dương là một trong những nhân tố trọng điểm của diễn tập RIMPAC mà Hải quân Mỹ đề ra, Mỹ ủng hộ song cũng không ép buộc các nước tham gia diễn tập phải sử dụng các biện pháp bảo vệ này. Để phối hợp một cách có hiệu quả giữa “Luật Bảo hộ động vật có vú ngoài đại dương của Mỹ” và “Luật Các loài động vật sắp tuyệt chủng”, Hải quân Mỹ thực hiện một số phương pháp bảo vệ thích hợp, chủ động giảm đến mức thấp nhất ảnh hưởng của sôna và vật liệu nổ gây phương hại đến các động vật có vú ngoài đại dương. Các biện pháp đó bao gồm: huấn luyện các kỹ năng có liên quan cho các nhân viên tại các trạm quan sát của Cục Ngư nghiệp hải dương quốc tế, từ đó trước khi tiến hành sử dụng và trong quá trình sử dụng sô na, vật liệu nổ phải theo dõi, giám sát hoạt động của các loài động vật có vú ngoài đại dương tại vùng biển thực hiện; khi nhận ra động vật có vú ngoài đại dương tiến vào phạm vi an ninh quy định giảm bớt tốc độ tàu thuyền hoạt động hoặc đóng động cơ, tại vùng sử dụng sô na, vật liệu nổ thiết lập khu vực an ninh và khu vực ngăn cách; thao tác điều khiển tàu giữ khoảng cách an toàn tránh phương hại đến động vật có vú ngoài đại dương và những loài quý hiếm; trong phạm vi khu vực quy định nếu phát hiện động vật có vú ngoài đại dương thì giảm bớt hoặc ngưng ngay việc sử dụng xô-na; trong huấn luyện khảo sát bộ phận, sử dụng khảo sát trên không hoặc khuếch đại âm thanh bị động để xua đuổi sinh vật đại dương.
Có tới 80% dân số thế giới sống ở bờ biển và gần bờ biển, 90% giao dịch thương mại thế giới bằng đường biển, vì vậy tăng cường sức mạnh lực lượng trên biển là cơ sở quan trọng để bảo vệ sự ổn định và phồn vinh trên thế giới. Bên cạnh đó, ổn định an ninh môi trường trên biển đóng vai trò quan trọng đối với sự phồn thịnh kinh tế của các nước khu vực Thái Bình Dương, do đó việc nâng cao năng lực hợp tác hải quân của các quốc gia ven bờ Thái Bình Dương giúp đối phó với các mối nguy cơ an ninh phi truyền thống, ngăn chặn sự hiểu lầm có thể dẫn đến xung đột giữa hải quân các nước, tăng cường lòng tin và sự hợp tác phù hợp với lợi ích chung của các nước. Việc duy trì môi trường an ninh khu vực châu Á -Thái Bình Dương đối với bất cứ quốc gia nào cũng là một nhiệm vụ to lớn và phức tạp, liên quan tích cực đến quan hệ hợp tác thúc đẩy và hỗ trợ lẫn nhau giữa các nước; đồng thời, có thể giúp đối phó với những vấn đề giao thông hàng hải và tình hình an ninh khu vực biển châu Á- Thái Bình Dương ngày càng trở nên khó lường.
- Nguồn: T/c “Tri thức hạm tàu”, số 10.2014
- Người dịch: Hải Bằng