Việc công bố kế hoạch trị giá 800 tỷ euro để "tái vũ trang châu Âu" cho thấy các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) muốn tăng cường năng lực quốc phòng chung của khu vực. Tuy nhiên, kế hoạch này, dù chưa được làm rõ chi tiết, cần phải giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu, đồng thời làm sao để hài hòa các lợi ích của các quốc gia thành viên.
Trang mạng Public Senat dẫn lời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau hội nghị thượng đỉnh châu Âu ngày 6/3: "Chúng ta rõ ràng cần phải chi tiêu và đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng, nhưng điều chúng tôi ủng hộ là những khoản chi này không chỉ đơn thuần là mua sắm các thiết bị sẵn có, mà phải là những sản phẩm mang đậm dấu ấn châu Âu". Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo 27 quốc gia EU đã thông qua kế hoạch "Tái vũ trang châu Âu" với tổng giá trị 800 tỷ euro, nhằm đối phó với sự trở lại của Tổng thống Mỹ Donald Trump và mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Nga.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu António Costa khẳng định: "Chúng ta đang tiến bước một cách quyết đoán, hướng tới một châu Âu với quốc phòng mạnh mẽ và chủ quyền hơn". Kế hoạch này nhằm huy động 150 tỷ euro dưới dạng vay ngắn hạn và điều chỉnh các quy định trong Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng châu Âu để có thể huy động thêm 650 tỷ euro. Mục tiêu không chỉ là tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản đầu tư của châu Âu, mà còn tăng cường hợp tác và đáp ứng những nhu cầu quốc phòng chung của khu vực. Những yếu tố này đều hướng đến việc phục hồi ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu, trong bối cảnh các quốc gia EU hiện vẫn chủ yếu đặt mua vũ khí từ Mỹ. Trong giai đoạn 2022-2023, 78% vật tư quân sự mà các quốc gia EU mua được sản xuất ngoài khu vực EU, trong đó 63% là từ Mỹ. Điều này cho thấy sự phụ thuộc đáng kể của châu Âu vào các sản phẩm quốc phòng từ nước ngoài.
Các lĩnh vực còn thiếu
Mặc dù chi tiêu quốc phòng của các quốc gia trong EU đã có sự gia tăng, nhưng các đơn hàng quốc phòng từ các công ty ngoài EU, đặc biệt là từ Mỹ, vẫn tiếp tục tăng. Cyrille Bret, một nhà nghiên cứu tại Viện Jacques Delors, đã chỉ ra rằng trong suốt 5 năm qua, sự phụ thuộc của châu Âu vào ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ đã tăng lên đáng kể. Theo ông, nền kinh tế chiến tranh hiện nay chủ yếu là sự gia tăng đơn hàng đối với các nhà cung cấp Mỹ. Trong lĩnh vực đạn dược, ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu đã gặp khó khăn trong việc duy trì kho dự trữ của mình, điều này đã tạo cơ hội cho các công ty quốc phòng Mỹ chiếm lĩnh thị trường.
Tướng Dominique Trinquand, chuyên gia quan hệ quốc tế, chỉ ra trong thông báo sau hội nghị thượng đỉnh Brussels rằng những thiếu sót đầu tiên được phát hiện bao gồm vấn đề pháo binh tầm xa, khi mà châu Âu vẫn chưa có thiết bị phù hợp. Ngoài ra, vẫn còn thiếu hụt trong khả năng phòng thủ tên lửa, mặc dù các dự án đang được triển khai, nhưng châu Âu vẫn phụ thuộc vào hệ thống của Israel và Mỹ.
Trong lĩnh vực hàng không, mặc dù có các nhà sản xuất máy bay chiến đấu châu Âu, nhưng các quốc gia EU vẫn ưa chuộng máy bay chiến đấu của Mỹ. Tướng Trinquand nhấn mạnh châu Âu đang phụ thuộc lớn vào máy bay chiến đấu, với nhiều quốc gia lựa chọn F-35 của Mỹ, như Italy, Đức và Anh. Sự phụ thuộc này giải thích một phần lý do tại sao các ngành công nghiệp Mỹ chiếm ưu thế trong các đơn hàng quốc phòng châu Âu.
Tại hội nghị thượng đỉnh đặc biệt hôm 6/3, Tổng thống Macron tuyên bố châu Âu đang quyết định thực hiện một cuộc bùng nổ đầu tư lớn vào ngành công nghiệp quốc phòng, sau khi nhận diện những thiếu sót hiện có trong lĩnh vực này. Ông nhấn mạnh mục tiêu là không chỉ đẩy nhanh quá trình tăng cường sức mạnh quân sự của các quốc gia châu Âu, mà còn củng cố nền tảng công nghiệp và công nghệ quốc phòng của khu vực. Theo Johanna Möhring, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề chiến lược (CIENS-ENS) ở Paris, Ủy ban châu Âu (EC) cùng một số quốc gia thành viên đang kêu gọi tăng cường và đa dạng hóa khả năng sản xuất trong ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu. Tuy nhiên, bà khẳng định tiến trình này vẫn còn chậm do chuỗi cung ứng trong ngành này quá đặc thù.
Nhà nghiên cứu Cyrille Bret tại Viện Jacques Delors nhận xét rằng, dù việc nới lỏng các quy định về nợ và tạo điều kiện cho vay vốn có thể thúc đẩy chi tiêu quốc phòng, nhưng điều này vẫn chưa đủ để củng cố ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu nếu không có một điều khoản ưu tiên mua sắm trong khu vực EU. Ông cũng chỉ ra rằng ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu hiện đang gặp phải sự phân tán giữa nhiều hệ thống phức tạp và đôi khi là tương tự nhau. Do đó, việc đồng bộ hóa nhu cầu và đơn hàng của các quốc gia châu Âu sẽ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự hình thành một ngành công nghiệp mạnh mẽ.
Tướng Dominique Trinquand cũng đề cập đến các dự án hợp tác như KNDS, được hình thành từ sự sáp nhập giữa hai công ty Nexter của Pháp và KMW của Đức. Ông cho biết, hiện nay châu Âu đã có khả năng sản xuất, nhưng cần tái tổ chức để có thể chia sẻ nhu cầu chung giữa các quốc gia. Những dự án như xe tăng MGCS giữa Pháp và Đức, hay pháo CAESAR đang được phát triển và có thể là bước đi quan trọng trong việc tăng cường hợp tác quốc phòng. Ngoài ra, nhà nghiên cứu Johanna Möhring cũng nhận định rằng Pháp có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tập hợp các năng lực quân sự trong lĩnh vực không quân.
Quỹ EU có thể giúp các công ty hợp tác và hỗ trợ đổi mới
Trong kế hoạch "Tái vũ trang châu Âu", Hội đồng châu Âu đã nhấn mạnh mong muốn sử dụng các quỹ phát triển của EU để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp quốc phòng. Đây là một sáng kiến đã được khởi xướng từ việc thành lập Quỹ Quốc phòng châu Âu vào năm 2021, với ngân sách lên đến 7,9 tỷ euro cho giai đoạn 2021-2027, nhằm tài trợ cho các dự án quốc phòng chung. Tướng Dominique Trinquand nhận định các quỹ của EU sẽ giúp các công ty hợp tác trong các dự án sáng tạo và thúc đẩy việc hội tụ nhu cầu giữa các quốc gia thành viên.
Thông qua quỹ này, EC kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác giữa các quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng. Chuyên gia Johanna Möhring cũng cho biết, EC đang tích cực khuyến khích các quốc gia thành viên tham gia vào các đối tác và hợp tác đổi mới, phát triển các hệ thống vũ khí mới và việc mua sắm, với yêu cầu các quốc gia phải tham gia vào các liên minh hợp tác. Tuy nhiên, phần kế hoạch này hiện vẫn còn khá mơ hồ, và các chi tiết về các khoản tiền có thể huy động vẫn chưa được công bố rõ ràng.
Trong bối cảnh các mối đe dọa toàn cầu không ngừng gia tăng, việc xây dựng một ngành công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ và độc lập sẽ là yếu tố then chốt giúp châu Âu không chỉ bảo vệ được chủ quyền mà còn khẳng định vai trò lãnh đạo của mình trên trường quốc tế./.