Trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nếu có một diễn biến nào được coi là sự kiện mang tính bước ngoặt trong lịch sử hiện đại của khu vực, đó chính là việc ký kết Hiệp ước Đối tác Toàn diện giữa Triều Tiên và Nga vào tháng 6/2024. Quan hệ đối tác này đã mở đường cho việc củng cố quan hệ song phương giữa Moskva và Bình Nhưỡng, đồng thời đánh dấu sự khởi đầu của quá trình chuyển đổi trật tự toàn cầu vốn đã đang diễn ra. Việc thể chế hóa hợp tác an ninh 3 bên giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã mang đến cho Nga và Triều Tiên một lý do chiến lược khác để hợp tác. Do đó, với sự thay đổi trong liên kết địa chính trị ở Âu Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chúng ta một lần nữa chứng kiến sự xuất hiện của một liên minh tương tự như tình hình sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Quan hệ chiến lược Triều Tiên-Nga: Quân sự là bước đệm
Quan hệ giữa Triều Tiên và Nga đã trải qua nhiều thăng trầm từ khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc. Mối quan hệ này bắt đầu với nền tảng vững chắc khi Chiến tranh Lạnh nổ ra, sau đó, Bình Nhưỡng đã áp dụng chính sách đối ngoại cân bằng giữa Liên Xô và Trung Quốc, lên đến đỉnh điểm là việc tăng cường quan hệ với Trung Quốc khi Liên Xô tan rã vào cuối những năm 1980. Tuy nhiên, sau năm 2000, cả hai nước đều cố gắng ổn định mối quan hệ của mình trước nhiều rào cản liên tiếp, chẳng hạn như chính sách kiên quyết phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, điều này đã chứng minh là một điểm gây căng thẳng. Tuy nhiên, mọi thứ bắt đầu thay đổi sau năm 2017 khi chính sách đối ngoại của Nga chuyển hướng sang Triều Tiên nhiều hơn. Chính sách Đông Bắc Á của Nga đã thay đổi hoàn toàn sau cuộc xâm lược Ukraine khi Moskva rất cần thêm vũ khí để đánh bại Ukraine – quốc gia được các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hỗ trợ.
Trong khi logic chiến lược đằng sau việc thiết lập mối quan hệ sâu sắc giữa Moskva và Bình Nhưỡng bắt đầu từ nhu cầu của Nga trong việc đảm bảo nguồn cung vũ khí và thiết bị liên tục, cả hai bên đều sớm nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng một liên minh chiến lược do động lực địa chính trị ở Âu Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang thay đổi. Mối quan hệ đang mở rộng hiện bao gồm các lĩnh vực ngoài quân sự, nhằm mục đích tăng cường quan hệ toàn diện trên mọi lĩnh vực hợp tác. Nhận thức được tác động hạn chế của các lệnh trừng phạt của phương Tây, quan hệ đối tác Nga-Triều Tiên đã đẩy nhanh tốc độ dịch chuyển kinh tế và lao động giữa hai nước và mở ra con đường cho hợp tác công nghệ và quốc phòng chặt chẽ hơn. Việc triển khai 10.000 quân Triều Tiên là một ví dụ về mức độ mà mối quan hệ đối tác này đã phát triển, về cơ bản đã trở thành một liên minh mà trong đó đồng minh này sẵn sàng gửi quân đội của mình để bảo vệ chủ quyền của đồng minh kia (hoặc các yêu sách về chủ quyền của đồng minh đó). Sự gần gũi của Moskva và Bình Nhưỡng có thể được đánh giá dựa trên số lượng các cuộc họp giữa các bộ trưởng ngoại giao của hai bên. Kể từ năm ngoái, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Triều Tiên Choe Sun Hui đã gặp nhau 6 lần.
Mức độ hợp tác quân sự giữa Nga và Triều Tiên làm nổi bật mối quan hệ chặt chẽ. Triều Tiên đã cung cấp cho Moskva 13.000 container vũ khí, bao gồm 6 triệu quả đạn pháo 152 mm. Gần đây, có thông tin cho rằng Triều Tiên cũng đã cung cấp cho Nga một hệ thống pháo và tên lửa tầm xa, bao gồm 50 khẩu pháo tự hành M1989 170 mm và 20 bệ phóng tên lửa đa nòng 240 mm. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố: “Triều Tiên đã cử khoảng 10.000 binh lính của mình đến huấn luyện ở miền Đông nước Nga ... Thông tin gần đây nhất của chúng tôi cho biết khoảng 8.000 trong số những binh lính Triều Tiên đó hiện đang ở Kursk”.
Tiếp đến là hợp tác công nghệ quốc phòng
Shin Won Sik, Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc, cho biết để đổi lấy sự hỗ trợ về vật chất, Nga đã cũng cấp cho Triều Tiên tên lửa phòng không và thiết bị phòng không. Tuy nhiên, bên cạnh hỗ trợ thiết bị quốc phòng, Triều Tiên còn nhận được nguồn cung cấp dầu quan trọng từ Moskva. Nga đã cung cấp cho Triều Tiên 1 triệu thùng dầu kể từ tháng 3 năm nay, vi phạm hạn mức 500.000 thùng dầu do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc quy định. Công nghệ là một lĩnh vực hợp tác mà hai quốc gia chia sẻ lợi ích chung; do đó, mối quan hệ này sẽ ngày càng sâu sắc. Ví dụ, gần đây, Triều Tiên và Nga đã cùng nhau tổ chức một triển lãm công nghệ thông tin tại Bình Nhưỡng - thể hiện ý định tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ.
Cho dù những diễn biến nói trên chỉ giới hạn ở Triều Tiên và Nga, sẽ là một sai lầm nếu coi việc triển khai binh lính Triều Tiên tại Nga chỉ là vấn đề song phương. Thay vào đó, diễn biến này cho thấy sự thay đổi đang diễn ra trong trật tự thế giới. Tất cả những sự kiện đó, bao gồm cả tình hình ngày càng tồi tệ ở Trung Đông, giúp các quốc gia này hình thành tương lai của thế giới, đặc biệt là ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi chúng ta thấy các quốc gia “cùng chí hướng” xích lại gần nhau, còn được gọi là “Trục biến động” gồm Trung Quốc, Iran, Triều Tiên và Nga.
Trung Quốc, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và sự xuất hiện của một trục toàn cầu
Trong tương lai, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ trở thành tâm điểm chú ý do tầm quan trọng về kinh tế và địa chính trị của khu vực này. Do đó, để hiểu rõ hơn về tương lai của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, điều quan trọng là phải hiểu Trung Quốc – chủ thể quan trọng nhất và là một phần quan trọng của “trục biến động” này.
Nhìn vào lập trường của Trung Quốc về mối quan hệ đối tác ngày càng sâu sắc giữa Nga và Triều Tiên, chúng ta có thể phần nào dự đoán tương lai. Mặc dù Trung Quốc chưa nói nhiều về mối quan hệ này, nhưng cách lựa chọn từ ngữ của họ cho thấy họ cảm thấy thoải mái với điều này. Ví dụ, sau khi hiệp ước Nga-Triều Tiên được ký kết, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: “Phía Trung Quốc lưu ý rằng Triều Tiên và Nga, với tư cách là những nước láng giềng thân thiện và gần gũi, có nhu cầu chính đáng về trao đổi, hợp tác và phát triển quan hệ”. Trong một lần khác, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Triều Tiên và Nga là hai quốc gia có chủ quyền độc lập và việc phát triển quan hệ song phương như thế nào là vấn đề của riêng họ”. Cả hai tuyên bố đều nêu bật sự ủng hộ khéo léo của Trung Quốc đối với mối quan hệ này. Bắc Kinh đã hạ thấp các mối quan hệ này để phù hợp với chính sách mơ hồ chiến lược của mình để bảo vệ mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước phương Tây khác, đặc biệt là châu Âu.
Tuy nhiên, điều này sẽ không kéo dài lâu nếu phương Tây thực hiện các bước để củng cố các liên minh an ninh của mình. Sau đó, Bắc Kinh sẽ khó có thể che giấu sự thiên vị của mình. Ví dụ, sau khi hợp tác an ninh 3 bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc được thể chế hóa, Bắc Kinh đã nói rõ rằng bất chấp hành động của Triều Tiên, sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng vẫn kiên định. Tuyên bố được đưa ra sau cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu rõ: “Trung Quốc không cho phép xung đột và bất ổn xảy ra trên Bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc sẽ không ngồi yên khi an ninh chiến lược và các lợi ích cốt lõi của mình bị đe dọa”. Điều này cho thấy rằng mặc dù Trung Quốc đã cố gắng tạo khoảng cách với Nga và Triều Tiên, nhưng khi tình hình trở nên cấp bách, Trung Quốc sẽ đứng về phía các nước láng giềng chống lại phương Tây. “Quan hệ đối tác không giới hạn” của Trung Quốc với Nga và hiệp ước với Triều Tiên là những ví dụ về cam kết liên tục của nước này. Nhận thấy sự gần gũi giữa Trung Quốc-Nga và Nga-Triều Tiên, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell thừa nhận rằng trục mới nổi này đe dọa nghiêm trọng đến lợi ích chiến lược của Mỹ trong khu vực.
Do đó, mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Triều Tiên và Nga không nên được hiểu là một sự kiện độc lập mà là một phần của xu hướng lớn hơn, tượng trưng cho sự xích lại gần nhau của các quốc gia có chung lợi ích trong việc thay đổi trật tự thế giới mà họ cảm thấy là bất công. Do đó, tất cả những diễn biến này, ngay cả khi mang tính khu vực, đều có khả năng gây ra hậu quả toàn cầu./.
Trang mạng scmp.com (Ngày 2/12)