Thứ năm, Tháng Một 23, 2025

Hòa bình mong manh: Hiểm họa từ kế hoạch chia cắt Ukraine

Bài viết phân tích ý định của Donald Trump trong việc đạt thỏa thuận hòa bình với Nga thông qua việc chia cắt Ukraine. Tác giả cảnh báo rằng lịch sử các cuộc chia cắt lãnh thổ, từ Ba Lan, Ireland đến tiểu lục địa Ấn Độ, thường dẫn đến bạo lực và thù hận lâu dài. Người Ukraine khó chấp nhận việc chia cắt, nhất là khi Nga luôn phủ nhận tính hợp pháp của Ukraine như một quốc gia độc lập. Tác giả nhấn mạnh rằng chỉ có các đảm bảo an ninh quốc tế mạnh mẽ mới có thể mang lại hòa bình bền vững. Nếu không, một cuộc chiến tranh du kích hoặc khủng bố hậu chia tách có thể diễn ra, gây bất ổn cho cả khu vực.

492
SHARES
1.4k
VIEWS
          Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine kéo dài, ý tưởng về một thỏa thuận hòa bình dựa trên việc chia cắt Ukraine đang gây tranh cãi sâu sắc. Một số chính trị gia, bao gồm cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho rằng đây là cách duy nhất để chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh rằng các thỏa thuận chia cắt lãnh thổ, từ Ba Lan thế kỷ 18, Ireland thế kỷ 20, đến Ấn Độ và Pakistan, thường để lại những vết thương khó lành và khơi mào cho những vòng xung đột mới. Vậy liệu giải pháp này có thực sự mang lại hòa bình, hay chỉ là khởi đầu cho những bất ổn mới?
********************************************************************************************************
Donald Trump dường như quyết tâm đạt được một thỏa thuận “hòa bình” với Nga liên quan đến việc chia cắt Ukraine. Từ Ba Lan vào thế kỷ 18 đến tiểu lục địa Ấn Độ vào thế kỷ 20, lịch sử chứng minh rõ ràng rằng loại chia cắt này có khả năng mang lại bạo lực kinh hoàng và thù hận lâu dài.
Không giống như nhiệm kỳ đầu tiên tại Nhà Trắng, Tổng thống đắc cử Donald Trump dường như quyết tâm thực hiện nhiều lời hứa trong chiến dịch tranh cử của mình. Các đề cử nội các của ông - từ Tulsi Gabbard thân Điện Kremlin làm Giám đốc Tình báo Quốc gia cho đến Robert F. Kennedy, Jr., người hoài nghi về vắcxin yêu thích thuyết âm mưu, làm Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh - xác nhận cam kết của Trump đối với một “chiến dịch tiêu thổ” chống lại các thể chế của Mỹ và những “kẻ thù bên trong”. Và bài phát biểu chiến thắng cho thấy rằng ông nghiêm túc về việc “chấm dứt chiến tranh” - bắt đầu với cuộc chiến ở Ukraine.
Trump từ lâu đã khẳng định rằng ông sẽ chấm dứt chiến tranh Ukraine trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức. Có nhiều suy đoán về giải pháp mà Trump đang nghĩ đến, và tất cả các kịch bản đều có một điểm chung: chia cắt Ukraine. Nếu đây phải là cái giá của hòa bình, thì chúng ta nên cân nhắc đến lịch sử u ám của sự chia cắt lãnh thổ.
Ít có sự kiện nào tạo ra mối hận thù lâu dài như vậy; thậm chí một số ít còn gây ra bạo lực tàn khốc. 3 lần chia cắt lãnh thổ Ba Lan diễn ra vào cuối thế kỷ 18 có lẽ là sự tương đồng gần nhất của châu Âu với tầm nhìn của Trump về Ukraine. Bắt đầu từ năm 1772, chế độ quân chủ Habsburg của Áo, Vương quốc Phổ và Đế quốc Nga đã chiếm giữ và sáp nhập lãnh thổ, trên thực tế chia cắt đất Ba Lan cho nhau và xóa sổ quốc gia từng lớn nhất châu Âu theo diện tích đất liền.
Trước sự nô dịch như vậy, sự phản kháng dữ dội là điều không thể tránh khỏi. Người Ba Lan tiến hành các chiến dịch du kích không ngừng nghỉ trong suốt thời kỳ bị chiếm đóng, với các cuộc nổi dậy lớn vào năm 1831 và 1863. Cuộc kháng chiến tiếp tục diễn ra cho đến tận thế kỷ 20, do các chiến dịch giành độc lập của Josef Piłsudski lãnh đạo - kết hợp với các hành động khủng bố - trước Thế chiến thứ nhất. Đặc biệt, sự thù địch đối với Nga vẫn tồn tại cho đến ngày nay, với việc Điện Kremlin phải chịu trách nhiệm về bạo lực thời Stalin đối với người dân Ba Lan.
Đối với Pháp, nước này đã nuôi dưỡng lòng căm thù đối với Đức trong nhiều thập kỷ vì Kaiser Wilhelm I đã sáp nhập Alsace và Lorraine vào Đế chế Đức mới sau Chiến tranh Pháp-Phổ 1870-1971. Sự hòa giải giữa hai nước chỉ bắt đầu vào những năm 1950, với sự ra đời của Cộng đồng Than Thép châu Âu (tiền thân của Liên minh châu Âu ngày nay) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tương tự như vậy, quyết định chia cắt Ireland của Anh, giữ lại tỉnh Ulster ở phía Bắc như một phần của Vương quốc Anh, đã kích động một cuộc nội chiến giữa những người sẵn sàng nhượng lại Bắc Ireland, do Michael Collins lãnh đạo, và những người từ chối bất kỳ hiệp ước nào không trao cho Ireland nền độc lập hoàn toàn. Cuộc chiến tranh vì hòa bình tàn bạo đó chỉ kéo dài 2 năm, nhưng để lại di sản khủng bố - cả Công giáo và Tin lành - chỉ kết thúc bằng Hiệp ước Thứ sáu Tuần thánh, do Mỹ làm trung gian, vào năm 1998.
Tuy nhiên, có lẽ những vụ chia cắt tàn bạo nhất đã xảy ra ở châu Á trong thế kỷ 20. Năm 1932, Đế quốc Nhật Bản đã tách Mãn Châu ra khỏi Trung Hoa Dân quốc và tạo ra nhà nước bù nhìn Mãn Châu quốc. Sự cai trị tàn bạo kéo dài 13 năm của Quân đội Quan Đông Nhật Bản ở đó - bao gồm việc bắt hàng triệu người làm nô lệ, thử nghiệm y khoa sai trái và tàn sát hàng loạt nhóm thiểu số - đã trở thành một hình mẫu cho Đức Quốc xã ở Đông Âu. Sự phẫn nộ của người Trung Quốc đối với sự chiếm đóng tàn bạo của Đế quốc Nhật Bản sâu sắc đến mức, cho đến ngày nay, các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn viện dẫn lại lịch sử để khơi dậy sự phản đối đối với các chính sách của Nhật Bản dân chủ hiện đại.
Tuy nhiên, xét về số người thiệt mạng trực tiếp từ một vụ chia tách, không gì có thể so sánh với sự chia cắt tiểu lục địa Ấn Độ năm 1947 thành Ấn Độ đa số theo đạo Hindu và Pakistan đa số theo đạo Hồi sau khi người Anh rời đi. Cuộc chia tách này đã gây ra một trong những cuộc di cư lớn nhất trong lịch sử - liên quan đến khoảng 18 triệu người - với người Hồi giáo hướng đến Pakistan (bao gồm cả Bangladesh ngày nay) và người theo đạo Hindu và đạo Sikh bộ hành đến Ấn Độ. Bạo lực giáo phái - bao gồm hiếp dâm, đốt phá và giết người hàng loạt - đã dẫn đến cái chết của tới 3,4 triệu người.
Trong 77 năm kể từ khi Ấn Độ thuộc Anh bị chia cắt, giữa Ấn Độ và Pakistan đã nổ ra 4 cuộc chiến tranh, cuộc chiến gần đây nhất - được gọi là Chiến tranh Kargil năm 1999 - xảy ra khi cả hai nước đều đã sở hữu vũ khí hạt nhân. Không có sự xích lại gần mang tính lịch sử nào, theo kiểu Pháp và Đức, đang diễn ra. Và sau đó là sự chia cắt Palestine năm 1947-1948 thành một quốc gia Do Thái và một quốc gia Arab độc lập với nhau. Quyết định này của Liên hợp quốc đã châm ngòi cho nhiều thập kỷ thù địch, áp bức, khủng bố và chiến tranh vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay. Người ta chỉ cần nhìn vào đống đổ nát của Gaza để thấy di sản kinh hoàng của sự chia cắt ở đây.
Vậy, sự chia cắt Ukraine có thể mang lại điều gì? Trong cuộc đấu tranh giành toàn vẹn lãnh thổ của mình kể từ tháng 2/2022, người Ukraine đã thể hiện lòng dũng cảm và sự năng động - những phẩm chất mà họ chắc chắn sẽ phát huy để tái thiết đất nước. Nhưng xét đến quy mô tổn thất về người và kinh tế mà họ phải gánh chịu, sẽ rất khó để họ lặng lẽ khuất phục trước ý tưởng bị chia cắt. Điều này sẽ đặc biệt khó khăn khi Tổng thống Nga Vladimir Putin không hề che giấu niềm tin của mình rằng Ukraine không chỉ là một “quốc gia láng giềng”, mà “Ukraine hiện đại hoàn toàn do Nga tạo ra”, và do đó, chỉ nên tồn tại dưới sự bảo trợ của Nga.
Trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào có thể diễn ra trong tương lai, người Ukraine biết rằng cơ hội tốt nhất để ngăn chặn sự can thiệp của Nga là thông qua các đảm bảo an ninh quốc tế vững chắc - nếu không muốn nói là tư cách thành viên NATO ngay lập tức. Trump dường như ghét các cam kết an ninh hiện tại của Mỹ, nhưng việc Mỹ không đưa ra các đảm bảo như vậy cũng có thể gây hại cho Nga.
Putin lên nắm quyền sau một cuộc chiến tranh tàn khốc và một cuộc nổi loạn kéo dài ở nước cộng hòa Chechnya của Nga, bao gồm các cuộc tấn công khủng bố của những người ly khai Chechnya ở Moskva và các thành phố khác của Nga. Ngay từ năm 2022, người Ukraine đã hứa sẽ tiến hành một cuộc chiến tranh du kích chống lại Nga. Nếu không có các lựa chọn khác, rủi ro đó sẽ chỉ tăng lên. Trump nên tìm cách thuyết phục Điện Kremlin về nhu cầu đàm phán công bằng; nếu không, chủ nghĩa khủng bố hậu chia tách có thể lan đến Nga, có thể ở quy mô lớn hơn những gì người Chechnya từng tưởng tượng./.
Trang mạng project-syndicate.org (Ngày 5/12)

Welcome Back!

Login to your account below

Retrieve your password

Please enter your username or email address to reset your password.