Căng thẳng Trung Quốc-Philippines ở Biển Đông dường như đã gia tăng kể từ năm 2022. Nguyên nhân không phải do Tổng thống Philippines thay đổi lập trường đối với Trung Quốc mà do nước này áp dụng chính sách công khai minh bạch. Bên cạnh đó, Chính phủ Philippines duy trì sử dụng vũ lực tương xứng để thúc đẩy trật tự hàng hải dựa trên luật lệ.
Điểm nóng mới nhất ở Biển Đông?
Nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines và cách đảo Palawan không xa, Bãi Cỏ Mây (Second Thomas) đã trở thành tâm điểm căng thẳng ở Biển Đông. Rạn san hô chìm này, được Philippines gọi là Ayungin, có nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang ngày càng lớn giữa Bắc Kinh và Manila, khiến Nhật Bản và Mỹ phải bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc”. Năm 1999, Chính phủ Philippines đã cố ý bỏ lại tàu chiến cũ rỉ sét BRP Sierra Madre mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây, sau đó điều lính thủy đánh bộ chốt tại bãi cạn này với mục đích giám sát. Rạn san hô và con tàu bị cô lập, nên việc tiếp tế thường xuyên bằng tàu trở nên cần thiết.
Trong bối cảnh Trung Quốc đưa ra những yêu sách về chủ quyền “lịch sử” đối với toàn bộ Biển Đông, Bắc Kinh đã gia tăng áp lực hiệu quả đối với quyền kiểm soát bãi cạn của Philippines bằng cách cản trở các tàu đến hỗ trợ và tiếp tế cho lính thủy đóng bộ ở đây. Các cơ quan thực thi pháp luật của Trung Quốc đã nhiều lần tiến hành các hành động có thể gây nguy hiểm. Tháng 2/2023, Hải cảnh Trung Quốc (CCG) đã sử dụng tia laser “cấp độ quân sự” làm mù tạm thời các thủy thủ trên tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines (PCG). Cuối tháng 8/2023, các tàu Trung Quốc đã sử dụng vòi rồng công suất lớn để tấn công các tàu tiếp tế. Cùng tháng đó, một tàu Hải quân Trung Quốc đã va chạm với một tàu hải quân do Philippines thuê để cản trở việc đi lại của tàu này. Trong năm nay, tình hình vẫn căng thẳng và Manila tuyên bố các thủy thủ của họ đã bị thương tích ngày càng nghiêm trọng khi lực lượng hải quân của họ tìm cách chống trả áp lực của Trung Quốc. Điều này rõ ràng đã trở thành “trạng thái bình thường mới” nguy hiểm ở Biển Đông.
Sự can thiệp của Trung Quốc bắt đầu từ thời chính quyền Duterte
Người ta đặt câu hỏi Manila hay Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm cho việc gây ra làn sóng căng thẳng mới nhất xung quanh BRP Sierra Madre. Sau khi lên nắm quyền vào năm 2022, Tổng thống Ferdinand “Bongbong” Marcos rõ ràng đã tìm cách củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ, từ bỏ lập trường chính sách đối ngoại có phần mơ hồ hơn được thể hiện trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Do đó, chính quyền Marcos đã hứng chịu sự chỉ trích trong nước và trong khu vực vì đã “kích động” Trung Quốc khi theo đuổi chính sách ngoại giao mạnh mẽ hơn với Mỹ.
Tuy nhiên, từ đầu những năm 2010, Bắc Kinh đã bắt đầu can thiệp vào các hoạt động tiếp tế cho tàu Sierra Madre, và họ tiếp tục làm vậy dưới thời chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte (2016-2022), bất chấp chính sách xoa dịu của ông đối với Bắc Kinh. Chỉ đến tháng 9/2019, chính quyền Duterte thông qua Bộ Quốc phòng mới công khai thừa nhận các tàu Trung Quốc thường xuyên can thiệp vào hoạt động tiếp tế. Tháng 11/2021, gần cuối nhiệm kỳ của chính quyền Duterte, hai tàu hải cảnh của Trung Quốc đã chặn một tàu của Hải quân Philippines đang cố gắng tiếp nhiên liệu. Sau đó, một tàu hải cảnh khác đã tấn công tàu tiếp tế của Philippines bằng vòi rồng công suất lớn, buộc tàu này phải tạm dừng hoạt động. Kể từ đó, Philippines đã nỗ lực tiếp tế cho tàu Sierra Madre bất chấp Trung Quốc vẫn tiếp tục can thiệp.
Do chính quyền Duterte cũng phải đối phó với các hành động hung hăng của Trung Quốc xung quanh Bãi Cỏ Mây, nên lập luận rằng chính quyền Marcos phải hoàn toàn chịu trách nhiệm cho tình trạng căng thẳng là không thuyết phục. Thay vào đó, có thể lập luận rằng chính Trung Quốc đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn bằng cách gây áp lực với Philippines và chính quyền Marcos.
Trên thực tế, trong khi tàu BRP Sierra Madre thường được coi là nguồn gốc của xung đột, hành động của Chính phủ Philippines được cho là do Trung Quốc đơn phương chiếm giữ Đá Vành Khăn vào năm 1995. Bằng cách kéo dài các cuộc đàm phán liên quan vụ việc này, Trung Quốc đã củng cố vị thế của họ xung quanh Đá Vành Khăn và giành quyền kiểm soát hoàn toàn vào năm 1999.
Thay vì chờ Trung Quốc tái diễn hành động tương tự với Bãi Cỏ Mây, Bộ Quốc phòng Philipines đã mạo hiểm quyết định cho tàu Sierra Madre đến Bãi Cỏ Mây, khiến tàu mắc cạn và biến nó thành tiền đồn của lính thủy đánh bộ nhằm ngăn chặn Trung Quốc lặp lại kịch bản cũ. Nếu Bắc Kinh không chiếm giữ Đá Vành Khăn và cố tình trì hoãn đàm phán, vấn đề Bãi Cỏ Mây và sự đối đầu liên quan các hoạt động tiếp tế ngay từ đầu đã không tồn tại. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bình tĩnh xem xét một cách khách quan toàn bộ bối cảnh lịch sử khi đề cập vấn đề Biển Đông.
Cách tiếp cận mới của chính quyền Marcos
Điều gì khiến vấn đề có vẻ trở nên tồi tệ hơn dưới thời chính quyền Marcos? Câu trả lời rất đơn giản, đó là đã có sự thay đổi trong chính sách. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ đơn giản là chuyển từ chính sách hòa giải với Trung Quốc sang cách tiếp cận mang tính đối đầu hơn dựa trên mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ. Thay vào đó, quan trọng hơn là thay đổi từ việc tuân thủ nguyên tắc không tiết lộ sang nguyên tắc công khai về những gì đang diễn ra ở Biển Đông. Chính quyền Marcos đã không ngần ngại công khai những căng thẳng và sự kiện theo thời gian thực. Một số chuyên gia gọi đây là cách tiếp cận “minh bạch quyết đoán”.
Trước đây, chính phủ có thể đã hạ thấp căng thẳng hoặc chỉ công bố thông tin về căng thẳng sau khoảng một thời gian. Tuy nhiên, mọi người trên khắp thế giới hiện có thể hiểu rõ hơn nhiều về những gì Trung Quốc đang làm trong EEZ của Philippines cũng như tần suất của các hành vi quấy rối và can thiệp này. Việc tiết lộ những thông tin như vậy sẽ không thể thực hiện nếu Manila không có khả năng thu thập thông tin tình báo. Kể từ năm 2012, Lực lượng vũ trang Philippines đã được hiện đại hóa liên tục, với sự hỗ trợ rất lớn nhờ hợp tác với các lực lượng Mỹ và Australia thông qua các cuộc tập trận và các hoạt động khác, cũng như việc mua sắm thiết bị quốc phòng (bao gồm cả máy bay chiến đấu) từ các quốc gia có cùng chí hướng như Hàn Quốc, Australia, Indonesia và Nhật Bản. Năng lực của PCG cũng được tăng cường thông qua hợp tác với Chính phủ Mỹ và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG).
Những nỗ lực củng cố năng lực này được khởi xướng bởi chính quyền Benigno Aquino (2010-2016) và được tiếp tục dưới thời chính quyền Duterte bất chấp lập trường thân thiện hơn với Trung Quốc của chính quyền này. Do đó, chính quyền Marcos hiện đang gặt hái những thành quả của thập kỷ củng cố năng lực vừa qua.
Phản ứng tương xứng để tránh leo thang
Liệu căng thẳng gần đây giữa Philippines và Trung Quốc có leo thang thành xung đột vũ trang? Không ai, kể cả Philippines, muốn thấy căng thẳng chuyển thành xung đột công khai. Do đó, việc PCG chịu trách nhiệm về các hoạt động “minh bạch quyết đoán” của chính quyền Marcos có ý nghĩa quan trọng.
Trong cuộc đối đầu năm 2012 giữa các tàu công vụ của Trung Quốc và Philippines, Bắc Kinh đã chỉ trích Manila cử tàu chiến đến đối phó với một tàu cá Trung Quốc. Trong khi bản thân Bắc Kinh đã xây dựng luật làm mờ ranh giới giữa lực lượng thực thi pháp luật hàng hải và lực lượng hải quân, Manila đã tìm cách tăng cường năng lực của PCG để lực lượng này có thể đóng vai trò dẫn đầu trong việc ứng phó với các xung đột ở Biển Đông và đảm bảo tốt hơn sự phân biệt rõ ràng giữa Quân đội Philippines và các cơ quan thực thi pháp luật.
Chính phủ Nhật Bản đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển thể chế và tăng cường năng lực của PCG. Một ví dụ là Manila thường sử dụng các tàu tuần duyên đa năng mua từ Nhật Bản – 12 tàu trong số này được mua bằng các khoản vay ưu đãi bằng đồng yên và chúng phục vụ ở tuyến đầu trong các hoạt động tiếp tế cho tàu Seirra Madre. Sự hỗ trợ này không chỉ giới hạn ở việc cung cấp thiết bị. Kể từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước, JCG đã thường xuyên hợp tác với đối tác Philippines và các quốc gia Đông Nam Á khác để hỗ trợ phát triển nhân sự và thể chế. Từ đầu thế kỷ này, phạm vi hợp tác đã mở rộng sang các vấn đề hàng hải phi truyền thống như cướp biển.
Ngay từ khi bắt đầu mối quan hệ, PCG và JCG đã có nhiều điểm chung, trong đó có việc được mô phỏng theo Lực lượng tuần duyên Mỹ. Vì lý do này, hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực thực thi pháp luật là một lựa chọn hữu ích cho Philippines.
Ai thúc đẩy pháp quyền trên biển?
Thúc đẩy pháp quyền trên biển là một trong những trụ cột trong tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở của chính phủ Nhật Bản. Vì Mỹ cũng đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một số ý kiến có thể lập luận rằng các nước phương Tây đang nhấn mạnh tầm quan trọng của các chuẩn mực pháp lý quốc tế và hàng hải mà không tính đến các quốc gia ở Nam Bán cầu, những nước có thể không chú trọng các chuẩn mực này. Tuy nhiên, nếu nhìn lại lịch sử quá trình đàm phán Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), có thể thấy rõ các nước nhỏ và đang phát triển đã nhấn mạnh tầm quan trọng của một chế độ pháp lý rõ ràng và mạnh mẽ để quản lý biển.
Một ví dụ là Philippines, bất chấp sự phản đối của Mỹ, đã khẳng định lập trường rằng các quốc gia (ven biển) nên có lãnh hải 12 hải lý tính từ đường cơ sở. UNCLOS, với tư cách là nền tảng cho luật pháp quốc tế quản trị việc sử dụng đại dương, trên thực tế là kết quả của những nỗ lực ngoại giao của các quốc gia mới giành độc lập nhằm phản đối sự thống trị và sử dụng vũ lực tùy ý của các cường quốc phương Tây. Do đó, tuyên bố rằng chế độ pháp lý của UNCLOS hoàn toàn có nguồn gốc từ phương Tây và áp đặt lên các quốc gia không phải phương Tây không có cơ sở lịch sử.
Dựa trên thực tế này, Philippines, quốc gia nhấn mạnh vào pháp quyền ở Biển Đông, có lập trường tương tự với các quốc gia Nam Bán cầu, trong khi Trung Quốc, vốn không muốn bị luật pháp quốc tế ràng buộc trong trường hợp này, lại có quan điểm tương đồng với các nước phương Tây tại thời điểm đàm phán UNCLOS.
Việc hiểu chính xác nguyên nhân xung đột liên quan việc tiếp tế cho tàu Sierra Madre không chỉ dừng lại ở vấn dề Biển Đông mà còn liên quan lịch sử pháp quyền trên biển. Việc Chính phủ Philippines tiết lộ thông tin thông qua PCG chỉ là nỗ lực thực tế nhằm củng cố pháp quyền này, bằng cách đảm bảo thế giới hiểu được cách một nước nhỏ (Philippines) đang chống trả một nước lớn (Trung Quốc) trong khuôn khổ các chuẩn mực quốc tế đã được thiết lập. Ngoài ra, những nỗ lực của Manila nhằm hợp tác với các quốc gia khác về vấn đề Biển Đông, bao gồm tăng cường quan hệ với các đồng minh và các quốc gia có cùng chí hướng, cũng liên quan trực tiếp đến mục tiêu chung là thúc đẩy pháp quyền trên biển./.
Trang mạng nippon.com (Ngày 4/12)