Trong 3 thập kỷ qua, Bắc Kinh luôn giữ truyền thống bắt đầu năm mới bằng cách cử Bộ trưởng Ngoại giao của mình đến châu Phi, báo hiệu cam kết của Trung Quốc đối với khu vực này. Nhưng Trung Quốc phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng; ngày càng nhiều thế lực phản dân chủ khác đang để mắt đến các quan hệ đối tác kinh tế, chính trị và quân sự ở châu Phi.
Với sự suy yếu của quyền bá chủ Mỹ, một trật tự quốc tế chia rẽ đã tạo ra những cơ hội mới ở châu Phi cho Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), những nước đã đầu tư mạnh vào các sáng kiến thương mại và phát triển. Những nước mới tham gia bao gồm Hungary, Saudi Arabia và Qatar. Ấn Độ dưới thời nhà lãnh đạo dân túy theo đạo Hindu Narendra Modi cũng đã tập trung sự chú ý vào châu Phi.
Diễn biến này tiềm ẩn những rủi ro, bao gồm cả việc những thế lực nước ngoài có thể củng cố xu hướng phi tự do của một số chính phủ châu Phi. Việc các tác nhân bên ngoài sử dụng tuyên truyền kỹ thuật số và thông tin bị thao túng để phục vụ cho chương trình nghị sự của họ đã làm xói mòn niềm tin của công chúng vào nền dân chủ và chủ nghĩa tự do. Và một số nhóm người châu Phi hiện đang sao chép các chiến thuật như vậy.
Các tác nhân phương Tây quá khích đã gây ra thiệt hại tương tự - mặc dù ở mức độ thấp hơn. Meta đã phá vỡ một âm mưu thông tin sai lệch có liên quan đến Quân đội Pháp và được tạo ra để gây sức ép với các mạng lưới đối thủ của Nga tại Cộng hòa Trung Phi trước cuộc bầu cử năm 2020 của quốc gia này. Trước đó, Cambridge Analytica của Anh đã can thiệp vào cuộc bầu cử của Kenya và Nigeria thay mặt cho các khách hàng tư nhân trước khi bị buộc phải đóng cửa vào năm 2018.
Thông tin sai lệch không phải là điều mới mẻ đối với châu Phi. Các đài truyền hình nhà nước thường thống trị sóng phát thanh, bôi nhọ phe đối lập chính trị và ngụy tạo lợi ích của đảng cầm quyền thành các ưu tiên xây dựng quốc gia. Điểm mới là cách thức lan truyền thông tin sai lệch đã trở nên công nghiệp hóa bởi các tác nhân bên ngoài. Các tác nhân trong nước và quốc tế, chính phủ, các công ty tư nhân và các trung gian kỹ thuật số cũng đều tham gia.
Bất kể ai giật dây, mục tiêu là bẻ cong nhận thức của công chúng, tác động đến kết quả bầu cử và định hình chính sách của chính phủ. Nhiều tác động bao gồm trao quyền khai thác năng lượng và khai thác mỏ hoặc hợp đồng xây dựng mà không có quy trình hợp lệ cho các doanh nghiệp nhà nước hoặc các công ty tư nhân ở nước ngoài. Các thỏa thuận hợp tác quân sự mơ hồ và các thỏa thuận bán vũ khí không rõ ràng được ký kết. Hoặc quyền tiếp cận các cảng và đất nông nghiệp màu mỡ được hợp lý hóa.
Nga là nước tiên phong trong chiến lược này. Trong 5 năm qua, công ty mẹ của Facebook, Meta đã phá hủy một số mạng lưới quảng bá các chủ đề gây tranh luận của Nga, tôn vinh các đảng cầm quyền đồng minh và gieo rắc chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở ít nhất 8 quốc gia châu Phi.
Tác động là rất lớn, tiếp cận hàng triệu người dùng trên khắp các nhóm dân số mục tiêu. Phương tiện truyền thông xã hội ở châu Phi hoạt động như một hình thức phát thanh vỉa hè mới hơn. Mọi người thường tụ tập xung quanh một thiết bị duy nhất để tiếp cận nội dung - mặc dù điều đó chỉ được ghi nhận là một người dùng trong số liệu thống kê phương tiện truyền thông xã hội.
Sản xuất và điều phối tuyên truyền kỹ thuật số là một thành phần quan trọng trong cái mà các chuyên gia gọi là “gói sinh tồn chế độ” hiện đang được Moskva cung cấp cho các chế độ độc tài mong manh của châu Phi, chẳng hạn như ở Burkina Faso, Cộng hòa Trung Phi, Mali và Sudan. Các yếu tố khác bao gồm hỗ trợ lính đánh thuê, tài trợ cho chiến dịch tranh cử, khoác áo chính trị trong các diễn đàn quốc tế và giúp kiếm lời từ tài nguyên.
Nga đã tránh bị phát hiện bằng cách vận hành một chiến lược nhượng quyền tinh vi. Thay vì Điện Kremlin điều hành các “troll farm” (tổ chức được dựng nên nhằm mục đích tung tin gây rối hay tác động đến quan điểm chính trị) của riêng mình, các hướng dẫn và khoản thanh toán được chuyển đến cư dân địa phương và những người có ảnh hưởng để tạo nội dung bị thao túng trên Facebook, X (trước đây là Twitter), WhatsApp và Telegram. Các bài đăng gây hiểu lầm có vẻ chân thực - khiến các nền tảng, chính quyền và người dùng khác khó phát hiện hơn.
Vài tháng sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga vào tháng 2/2022, nhóm điều tra xã hội dân sự Code for Africa đã xác định ít nhất 175 trang Facebook trên 21 quốc gia châu Phi chịu trách nhiệm cho sự gia tăng đột biến nội dung ủng hộ Nga trên toàn châu lục. Các bài đăng sử dụng thông tin giả mạo nhằm thuyết phục khán giả châu Phi rằng đây là cuộc chiến ủy nhiệm do phương Tây kích động. Người dùng được mời tham gia các nhóm trò chuyện WhatsApp và Telegram riêng tư để trốn tránh kiểm duyệt nội dung.
Trong khi đó, Bắc Kinh đã sử dụng bộ máy truyền thông do nhà nước quản lý rộng lớn để khuếch đại các câu chuyện xét lại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Các mạng lưới truyền thông như kênh truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN), Trung Hoa Nhật báo (China Daily) và Tân Hoa xã đã thành lập hàng chục văn phòng trên khắp châu Phi. Phạm vi đưa tin liên tục của họ bao gồm các bài phát biểu từ Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương ĐCSTQ, một cơ quan nhà nước huy động các hoạt động gây ảnh hưởng trong và ngoài nước.
Ở những nơi khác, Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp các cơ hội tự đào tạo cho các phóng viên và tổ chức truyền thông châu Phi. Liên đoàn các nhà báo châu Phi cáo buộc UAE cố gắng lừa gạt các thành viên của mình để tạo ra những câu chuyện tiêu cực về World Cup 2022 của FIFA tại Qatar, đối thủ của UAE ở vùng Vịnh. Ai Cập, Maroc, Nigeria và Senegal đã phải chịu sự chi phối của các mạng lưới tuyên truyền của Iran.
Những chiến dịch thông tin sai lệch và những “buồng vang thông tin” (thuật ngữ ẩn dụ cho một môi trường nơi người bên trong chỉ tiếp nhận những thông tin, quan điểm giúp phản ánh và củng cố quan điểm sẵn có của họ) này đang tiếp tay cho thông tin sai lệch trong các cử tri châu Phi. Bằng cách trộn lẫn nội dung sai lệch và giật gân với những lời chỉ trích chính đáng về những thất bại trong chính sách của phương Tây, các chế độ phi tự do nước ngoài đã gieo rắc sự nghi ngờ về nền dân chủ. Tất cả những điều này đã mang tính giáo huấn cho những tác nhân phản dân chủ ở châu Phi.
Phân tích của các nhà nghiên cứu Phòng nghiên cứu pháp y kỹ thuật số của Hội đồng Đại Tây Dương cho thấy các chiến dịch trên Facebook đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc tập hợp sự ủng hộ của công chúng đối với các cuộc đảo chính quân sự ở Mali, Niger và Burkina Faso. Ở Sudan, Lực lượng hỗ trợ nhanh đã sử dụng X để tự coi mình là tổ chức tốt nhất của nhân dân, bất chấp bằng chứng về tội ác chiến tranh và thảm sát dân thường của họ. Lực lượng vũ trang Sudan dựa vào phương tiện truyền thông nhà nước và các kênh truyền thông ủng hộ chính phủ truyền thống để che đậy những hành vi lạm dụng của chính mình.
Nhìn về tương lai, không gian trực tuyến của lục địa này sẽ trở nên cạnh tranh hơn. Tầm quan trọng địa chính trị ngày càng tăng của châu Phi trùng hợp với sự bùng nổ dự kiến về số lượng người dùng Internet mới.
Việc thiếu những người kiểm duyệt nội dung thông thạo ngôn ngữ địa phương khiến việc kiểm soát thông tin sai lệch trở nên hầu như không thể, ngay cả khi các công ty công nghệ muốn làm như vậy. Nhưng có dấu hiệu cho thấy họ không muốn làm như vậy. Vào đầu tháng 1, CEO của Meta, Mark Zuckerberg đã tuyên bố rằng Facebook sẽ là nền tảng mới nhất cắt đứt quan hệ với các nhóm kiểm tra thông tin của bên thứ ba.
Quyết định của Zuckerberg dường như xuất phát từ mong muốn liên kết công ty của mình với chương trình nghị sự bản địa của chính quyền Trump 2.0. Các công cụ tạo nội dung miễn phí được cung cấp bởi trí tuệ nhân tạo càng làm phức tạp thêm các biện pháp chống lại những lời nói dối được vũ trang hóa.
Đúng là chỉ riêng nền dân chủ không mang lại hiệu quả quản trị và giới tinh hoa tham nhũng ngày càng thao túng nền dân chủ. Nhận thức này đang thu hút được nhiều sự chú ý nhất trong giới trẻ bất mãn. Tuy nhiên, vào năm 2024, Afrobarometer - mạng lưới nghiên cứu khảo sát phi đảng phái trên toàn châu Phi, tiến hành các cuộc khảo sát thái độ của công chúng về dân chủ, quản trị, kinh tế và xã hội – đã báo cáo rằng hầu hết người châu Phi vẫn thích nền dân chủ và nhiều người phản đối các nhà nước độc đảng, chế độ quân sự và chế độ độc tài.
Mong muốn tự quyết của người châu Phi vẫn bền bỉ và nền dân chủ phù hợp nhất để thể hiện mong muốn đó vì nó hứa hẹn sự thay đổi và trách nhiệm giải trình thường xuyên. Do đó, việc bảo vệ tính toàn vẹn của các cuộc bầu cử khỏi sự can thiệp phi tự do là tối quan trọng.
Một báo cáo của Viện Nghiên cứu An ninh có trụ sở tại Pretoria (Nam Phi) xem xét diễn ngôn trực tuyến trong cuộc bầu cử năm 2024 của Nam Phi khuyến nghị rằng các nhà hoạch định chính sách và khu vực tư nhân tăng cường đào tạo về kỹ năng số cho công dân, theo mô hình các chương trình hiện có ở Ghana và Kenya.
Các nhà nghiên cứu nên lập bản đồ về cách những người có ảnh hưởng kỹ thuật số trong khu vực hợp tác. Các nhà tài trợ quốc tế có thể hỗ trợ đào tạo về kỹ năng số cho các nhà báo trong nước, đồng thời tài trợ cho nghiên cứu về sự can thiệp của nước ngoài vào châu Phi. Hơn nữa, các tổ chức từ thiện toàn cầu, các quỹ tư nhân và các tổ chức phi chính phủ có thể giúp đỡ bằng cách tài trợ cho các hãng tin độc lập đáng tin cậy. Và các nhóm bảo vệ quyền kỹ thuật số ở phương Tây phải giúp xã hội dân sự châu Phi vạch trần những câu chuyện giả mạo./.