Trung Quốc đã cảnh báo Washington đang thực hiện “những bước đi nguy hiểm” khi cung cấp gói hỗ trợ quốc phòng mới trị giá 571,3 triệu USD cho Đài Loan, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc “một Trung Quốc” và các điều khoản trong thông cáo chung giữa nước. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Động thái này xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc”. Bắc Kinh cũng cảnh báo sẽ thực hiện “mọi biện pháp cần thiết” để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình, đồng thời coi vấn đề Đài Loan là “lằn ranh đỏ không được vượt qua” trong quan hệ Trung-Mỹ.
Gói hỗ trợ quốc phòng trị giá 571,3 triệu USD cho Đài Loan được Tổng thống Mỹ Joe Biden phê duyệt hôm 20/12 bổ sung cho gói 567 triệu USD mà chính quyền Biden đã phê duyệt hồi tháng 9 cho các mục đích tương tự. Ngoài ra, Lầu Năm Góc cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt thương vụ bán thiết bị hiện đại hóa cho công tác chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc và máy tính trị giá khoảng 295 triệu USD cho Đài Loan. Các hoạt động bán vũ khí và viện trợ quốc phòng của Mỹ nhằm giúp Đài Loan tự vệ và có thể ngăn chặn Trung Quốc phát động một cuộc tấn công.
Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội X rằng hai thương vụ này đã tái khẳng định “cam kết của chính phủ Mỹ đối với quốc phòng của Đài Loan”. Đầu tháng này, các quan chức quốc phòng Đài Loan đã bày tỏ mối lo ngại về việc Trung Quốc triển khai số lượng lớn các tàu chiến và máy bay quân sự, cho rằng động thái tăng cường này có thể dẫn đến chiến tranh khi căng thẳng tiếp tục gia tăng trong khu vực. Các quan chức cho biết Trung Quốc đã điều khoảng 10 tàu và 47 máy bay quân sự đến vùng biển khu vực quanh Eo biển Đài Loan, để chuẩn bị cho các cuộc tập trận sau chuyến công du nước ngoài gần đây của Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (Lai Ching-te), bao gồm các chuyến thăm tới bang Hawaii và vùng lãnh thổ Guam của Mỹ. Chuyến thăm của Lại Thanh Đức diễn ra vài tuần sau khi Mỹ phê duyệt hợp đồng bán vũ khí trị giá 2 tỷ USD cho Đài Loan, bao gồm việc chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến đã được thử nghiệm trong chiến tranh Ukraine và các hệ thống radar. Theo Cục Chính trị-quân sự của Bộ Ngoại giao Đài Loan, thỏa thuận này bao gồm 3 hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến NASAMS và các thiết bị liên quan trị giá tới 1,16 tỷ USD.
Hãng thông tấn AP đưa tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố kêu gọi Mỹ ngừng cung cấp vũ khí cho Đài Loan và chấm dứt cái mà họ gọi là “những động thái nguy hiểm làm suy yếu hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan”. Trung Quốc đã thề sẽ sáp nhập Đài Loan, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết, và liên tục điều tàu và máy bay quân sự đến gần hòn đảo này. Mỹ đã nhiều lần bày tỏ ủng hộ Đài Loan thông qua các thỏa thuận quân sự, hoạt động và tương tác ngoại giao với các quan chức Đài Loan.
Gói hỗ trợ quốc phòng mới không làm giảm mối lo ngại của Đài Loan đối với Trump
Tổng thống “vịt què” Biden đã phê duyệt bán vũ khí cho Đài Loan bất chấp những động thái đe dọa mạnh mẽ từ Trung Quốc và ý định chưa rõ ràng của Tổng thống đắc cử Trump. Trung Quốc cảnh báo Mỹ đang “đùa với lửa” khi cung cấp vũ khí và dịch vụ quân sự mới nhất cho hòn đảo tự trị này. Dư luận ở Mỹ và khu vực lo ngại việc Mỹ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng có thể khiến khu vực này trở thành tâm điểm của căng thẳng địa chính trị toàn cầu với khả năng cuộc chiến ở Ukraine sẽ sớm kết thúc dưới thời chính quyền sắp tới của Trump.
Gói hỗ trợ quốc phòng mới nhất của Mỹ được công bố sau cuộc tập trận hàng hải lớn nhất của Trung Quốc xung quanh Đài Loan kể từ năm 1996. Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết trong một tuyên bố: “Đài Loan và Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ về các vấn đề an ninh để duy trì hòa bình, ổn định và nguyên trạng ở Eo biển Đài Loan”. Do tính nhạy cảm của vấn đề, Đài Bắc từ chối cung cấp thông tin chi tiết về “nội dung” của khoản hỗ trợ “dựa trên thỏa thuận ngầm giữa Đài Loan và Mỹ”.
Một báo cáo gần đây của Lầu Năm Góc cảnh báo Trung Quốc đã “tăng cường” áp lực với Đài Loan trong năm qua, nhấn mạnh mối đe dọa của Bắc Kinh nhằm “thống nhất” hòn đảo này với Đại lục. Theo báo cáo, nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ thị cho Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) phải ở tư thế sẵn sàng tiến hành một cuộc xâm lược Đài Loan vào năm 2027, nếu cần thiết. Mối đe dọa này có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu Trump thực hiện lời hứa áp thuế 60% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, một động thái sẽ gây thêm áp lực cho nền kinh tế vốn đã bấp bênh của Trung Quốc và cho cả Đảng Cộng sản cầm quyền. Trên thực tế, Trung Quốc quyết tâm xây dựng một quân đội “đẳng cấp thế giới” có thể cạnh tranh với quân đội Mỹ vào năm 2049. Với ngân sách quốc phòng hàng năm ước tính 450 tỷ USD, Trung Quốc đang ở vị thế vững chắc để tập trung năng lực quân sự ngày càng mạnh vào Biển Đông và Eo biển Đài Loan – những khu vực mà Bắc Kinh coi là “sân sau” của mình.
Trung Quốc - quốc gia có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, với tới 395 tàu chiến sẽ hoạt động vào năm tới - cũng đang triển khai tên lửa đạn đạo chống hạm DF-27 có thể đe dọa đáng kể đến sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, bao gồm cả tiền đồn chiến lược Guam. Mặc dù tuân thủ chính sách “một Trung Quốc”, công nhận Bắc Kinh là đại diện ngoại giao của cái gọi là “Trung Quốc Đại lục”, Washington cũng có nghĩa vụ giúp ngăn chặn bất kỳ hành động tiếp quản cưỡng ép nào đối với hòn đảo tự trị Đài Loan theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979.
Biden đã nhiều lần hứa sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc dù hai bên không ký hiệp ước phòng thủ chung. Tuy nhiên, có một số lo ngại rằng chính quyền Trump sắp tới sẽ giảm nhẹ cam kết bảo vệ Đài Loan và thậm chí có thể xem xét một thỏa thuận lớn với Trung Quốc gây tổn hại cho chủ quyền (tự tuyên bố) của Đài Loan và an ninh của các đối tác trong khu vực. Các đồng minh chủ chốt của Mỹ là Nhật Bản và Philippines đã tăng cường hợp tác quốc phòng của riêng họ bằng cách phê chuẩn Thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA), nhằm tạo điều kiện cho khả năng tương tác quân sự lớn hơn và tăng cường phản ứng chung trước mọi tình huống bất trắc lớn ở khu vực, bao gồm cả Đài Loan.
Trong khi hy vọng vào sự tiếp nối chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, các bên chủ chốt trong khu vực đang phòng ngừa rủi ro trước việc nhiệm kỳ thứ hai của Trump có khả năng gây gián đoạn. Không phải là một bên thụ động, Đài Loan đang chuẩn bị cho mọi tình huống. Sau khi phê chuẩn ngân sách quốc phòng kỷ lục 20,2 tỷ USD hồi tháng 8, Đài Bắc cũng tăng cường nhập khẩu các hệ thống vũ khí tiên tiến của Mỹ. Trong tháng này, Đài Loan đã nhận được lô 38 xe tăng M1A2T Abrams đầu tiên, cho thấy sự chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh tổng lực có thể xảy ra trong tương lai gần. Những xe tăng mới do Mỹ sản xuất đã được chuyển đến Bộ Tư lệnh huấn luyện thiết giáp ở huyện Tân Trúc, Tây Nam Đài Bắc vào giữa tháng này. Trong năm tới, Đài Loan có kế hoạch phân bổ 70,6 tỷ Đài tệ (2,2 tỷ USD) để mua vũ khí mới của Mỹ. Theo đề xuất do cơ quan lập pháp Đài Loan đệ trình, danh sách mua sắm của Đài Loan gồm 100 hệ thống tên lửa mặt đất Harpoon, 66 máy bay chiến đấu F-16V, 29 hệ thống tên lửa HIMARS và 108 xe tăng M1A2T Abrams. Bộ Quốc phòng Đài Loan tháng trước cho biết Đài Bắc đã ký 21 thỏa thuận mua sắm vũ khí với Mỹ, trị giá tổng cộng 716,6 tỷ Đài tệ, với các khoản thanh toán cuối cùng dự kiến sẽ được thực hiện vào năm 2031.
Nhận thức rõ sự bất cân xứng về sức mạnh với Trung Quốc, Đài Loan từ lâu đã áp dụng “chiến lược nhím” nhằm làm tăng đáng kể tổn thất cho Bắc Kinh nếu siêu cường châu Á này xâm lược Đài Loan. Nhờ các ngành công nghiệp tiên tiến, ngân sách quốc phòng dồi dào và việc mua sắm các hệ thống vũ khí hiện đại từ phương Tây, một số chuyên gia quân sự đã đề xuất một chiến lược dựa vào việc triển khai các nền tảng hiện đại một cách chủ động và “thông minh” hơn để ngăn chặn bất kỳ hành động xâm lược nào của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump sẽ tạo ra những bất ổn mới liên quan sự ủng hộ của Mỹ đối với chiến lược này. Trump đã nói rõ rằng ông muốn các đồng minh của Mỹ tự gánh vác nhiều hơn trách nhiệm phòng thủ của họ và trả nhiều tiền hơn cho “sự bảo vệ” của Mỹ.
Công bằng mà nói, nhiệm kỳ đầu tiên của Trump để lại ký ức dễ chịu với Đài Bắc - giai đoạn chứng kiến cuộc điện đàm lịch sử giữa hai tổng thống Thái Anh Văn và Donald Trump, sự gia tăng nhanh chóng các cuộc tiếp xúc cấp cao và các chuyến thăm viếng lẫn nhau, cũng như việc Đài Bắc chi 18 tỷ USD để mua vũ khí của Mỹ, nhiều hơn 4 tỷ USD so với 8 năm dưới thời chính quyền Obama. Tuy nhiên, trong bối cảnh người dân Mỹ ngày càng bất mãn với việc tài trợ ồ ạt cho chiến tranh Ukraine, Trump được cho là sẽ áp dụng lập trường “biệt lập” hơn, đặc biệt khi ông không còn bị những nhân vật theo chủ nghĩa đa phương kiềm chế nữa.
Trong suốt năm qua, Trump đã áp dụng những luận điệu chính sách đối ngoại mang tính giao dịch công khai hơn và thậm chí còn đi xa hơn khi chỉ trích Đài Loan chi tiêu quá ít cho quốc phòng. (Đài Loan chi khoảng 2,5% GDP hàng năm cho quốc phòng). Trump tuyên bố bất kỳ sự can thiệp quân sự nào có thể dẫn đến nguy cơ chiến tranh với Trung Quốc là “ngu ngốc”. Đài Loan được cho là cảnh giác với ảnh hưởng của các cố vấn chủ chốt của Trump như tỷ phú Elon Musk, người có lợi ích kinh doanh đáng kể ở Trung Quốc và đã mô tả Đài Loan là “một phần không thể tách rời của Trung Quốc”, phù hợp với quan điểm của Bắc Kinh.
Chen Ming-chi, cựu Cố vấn cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia Đài Loan, cho rằng “hầu hết mọi người đang lo lắng… Vì tính khó lường của Trump, chúng ta không biết Đài Loan sẽ an toàn hơn hay nguy hiểm hơn trong nhiệm kỳ thứ hai của ông ấy”.
Trong khi đó, các đồng minh của Mỹ ở khu vực cũng đang chuẩn bị cho các tình huống bất trắc có thể xảy ra. Nhật Bản cũng tăng cường khả năng tương tác với Philippines trong bối cảnh ngày càng lo ngại về một cuộc chiến tranh Đài Loan. Sau nhiều năm đàm phán, Thượng viện Philippines cuối cùng đã phê chuẩn một hiệp ước theo kiểu “Thỏa thuận lực lượng thăm viếng”, nhấn mạnh sự hội tụ chiến lược ngày càng tăng giữa hai đồng minh chủ chốt của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Không bên nào công khai nhắc đến Trump hay Đài Loan, nhưng giống như các đồng minh quan trọng khác của Mỹ ở khu vực, Tokyo và Manila đều đang tích cực chuẩn bị cho một kỷ nguyên mới của sự bất ổn chiến lược và cạnh tranh cường quốc khốc liệt hơn ở khu vực./.