Do Mỹ là đồng minh quân sự quan trọng nhất của Australia nên việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng sẽ có ý nghĩa quan trọng với chính sách quốc phòng Australia trong tương lai, đặc biệt là “AUKUS” (Hiệp ước an ninh 3 bên giữa Mỹ, Anh và Australia được ký kết vào năm 2021 dưới thời chính quyền Joe Biden).
Đánh giá theo những bình luận ban đầu của một trong những thành viên cao cấp nhất của chính phủ Australia, chắc chắn có mối lo ngại rằng ông Trump có thể tìm cách sửa đổi hoặc thậm chí loại bỏ AUKUS. Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong lưu ý ngay sau chiến thắng của ông Trump rằng: Chúng tôi mong muốn đặc biệt ưu tiên AUKUS trong mối quan hệ của chúng tôi (với chính quyền Trump 2.0) và đây là điều mà chúng tôi tập trung nhất từ trước cuộc bầu cử này.
Đây là một tuyên bố đáng chú ý bởi mới chỉ tồn tại trong hơn 3 năm nhưng giờ đây AUKUS đã trở thành chủ đề thảo luận quan trọng nhất với chính phủ sắp tới của Mỹ đồng thời nó cũng nhận được mức chi cao hơn bất kỳ dự án và hoạt động quốc phòng chung nào khác cũng như mối đe dọa kinh tế toàn cầu do thuế quan tiềm tàng của Mỹ đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Điều này minh họa sự hỗ trợ lâu dài của chính phủ Australia đối với AUKUS và tầm quan trọng của nó đối với chính sách quốc phòng của Canberra cũng như mối lo ngại đáng kể về sự nhiệt huyết này sẽ không được chính quyền Trump 2.0 chia sẻ.
Trump 2.0 có thể tìm cách đàm phán lại
Việc cố gắng dự đoán những gì Trump 2.0 sẽ làm là cực kỳ rủi ro. Và điều này nói lên rằng sự lo ngại của chính phủ Australia dường như có cơ sở. Một chủ đề nhất quán trong chính sách đối ngoại của Trump 2.0 là chỉ trích các đồng minh (gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và các thành viên NATO) mà ông tin rằng đang lợi dụng Mỹ và không chịu chia sẻ kinh phí.
Trong mỗi trường hợp, ông Trump đều muốn đàm phán lại các điều khoản của thỏa thuận. Dưới thời chính quyền Trump 1.0, Mỹ đã cố gắng buộc Hàn Quốc và Nhật Bản đóng góp một phần lớn hơn về chi phí đồn trú của quân đội Mỹ ở nước ngoài. Và với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Trump 1.0 đã đe dọa sẽ từ chối hỗ trợ trừ khi đạt được một số ngưỡng tài chính nhất định. Do đó, một số nhà bình luận cho rằng Australia có thể được yêu cầu đóng góp nhiều hơn vào tổng chi phí của AUKUS. Con số này có thể vượt quá mức 2,4 tỷ bảng Anh (4,6 tỷ đô la Australia) và 3 tỷ USD (4,6 tỷ đô la Australia) mà Australia đã cam kết đầu tư lần lượt vào các căn cứ công nghiệp quốc phòng của Anh và Mỹ.
Với thỏa thuận hiện tại, có rất ít điều có thể ngăn cản Trump 2.0 đưa ra yêu cầu như vậy hoặc thực tế là bất kỳ bên nào (bao gồm cả Australia) từ bỏ thỏa thuận. Nội dung chính thức nhất của thỏa thuận cho đến nay là một dự thảo hiệp ước ba bên được đệ trình tại quốc hội Australia vào tháng 8/2024. Hiệp ước này được thiết kế để cung cấp khuôn khổ pháp lý cho các bên hợp tác trong việc cung cấp thông tin và công nghệ động cơ hạt nhân của hải quân Mỹ và Anh cho Australia.
Cùng với việc được quốc hội Australia thông qua, hiệp ước này đã được trình lên quốc hội Anh vào tháng 9 và được chuyển tới Quốc hội Mỹ vào tháng 8 cùng năm. Sau khi được 3 cơ quan lập pháp phê duyệt, AUKUS sẽ có hiệu lực cho đến ngày 31/12/2075 (trừ khi bị chấm dứt hoặc sửa đổi trước đó).
Tuy nhiên, cũng như các hiệp ước an ninh khác của Mỹ, nếu Trump 2.0 quyết định không sẵn lòng tuân thủ các điều khoản trong hiệp ước, thì cuối cùng chính phủ Australia sẽ không thể làm gì nhiều về điều đó. Như thông lệ trong các loại thỏa thuận này, các thành viên chỉ cần đưa ra thông báo rút lui trước 12 tháng. Vì vậy, đây là một bước chính thức quan trọng giữa các đối tác, nhưng cũng như bất kỳ thỏa thuận nào như vậy, sự tồn tại của AUKUS về cơ bản là một câu hỏi về ý chí chính trị.
AUKUS có sự hỗ trợ đáng kể của Mỹ
Mặc dù vậy, vẫn có sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho Australia tại Quốc hội Mỹ cũng như sự ủng hộ rộng rãi dành cho AUKUS nói riêng. Nếu Trump 2.0 tìm cách chính thức từ bỏ hiệp ước hoặc sửa đổi các điều khoản có thể sẽ cần sự chấp thuận của Quốc hội. Và đây không phải là một sự đảm bảo.
Pat Conroy, Bộ trưởng ngành công nghiệp quốc phòng và phát triển năng lực của Australia và Matt Keogh, Bộ trưởng nhân sự quốc phòng, đều nhấn mạnh đến cùng một quan điểm trong các cuộc trả lời phỏng vấn gần đây rằng có sự ủng hộ dành cho AUKUS “của các đảng viên đảng Dân chủ, đảng Cộng hòa và đảng Cộng hòa của Trump”.
Như Conroy đã nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, điều này bao gồm “80% phiếu đồng ý tại Thượng viện được chia đều và 75% phiếu đồng ý tại Hạ viện do đảng Cộng hòa thống trị” đối với 3 phần quan trọng của AUKUS vào tháng 12/2023. Ngoài ra, với việc đề cử những nhân vật nổi tiếng có quan điểm diều hâu với Trung Quốc (Marco Rubio làm Ngoại trưởng và Mike Waltz làm Cố vấn an ninh quốc gia), nhóm chính sách đối ngoại của Trump 2.0 đang bắt đầu tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Và điều này chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng đối với Australia cùng với các đồng minh hiệp ước khác của Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, đây có phải là một vai trò mang lại lợi ích cuối cùng cho Australia hay không lại là một vấn đề khác.
Vì vậy, mặc dù những lo ngại về tương lai của AUKUS là hoàn toàn hợp lý (và nhạy cảm), nhưng những dấu hiệu ban đầu không cho thấy nguy cơ Trump 2.0 sẽ rút khỏi hiệp ước. Việc liên minh này bị vướng vào một cuộc xung đột trong tương lai dường như là mối lo ngại cấp bách hơn việc các thành viên từ bỏ liên minh.
Tương lai nào cho AUKUS
Tuy nhiên, liệu mối quan hệ đối tác hiện tại của AUKUS có được giữ nguyên trong 5, 10 hay 20 năm nữa hay không vẫn là một câu hỏi mở. Cuộc tranh luận về ý định của Trump 2.0 chỉ tập trung vào Trụ cột 1 của thỏa thuận AUKUS (thành phần tàu ngầm) chứ không tập trung vào mảng năng lực tiên tiến đang được phát triển theo Trụ cột 2. Đây thực sự là một thỏa thuận mang tính cách mạng được dự đoán sẽ kéo dài ít nhất nửa thế kỷ. Vào thời điểm đó, sự thay đổi và tiến hóa vẫn có nhiều khả năng xảy ra.
Câu hỏi sau đó sẽ là làm thế nào để quản lý những thay đổi tiềm năng và Australia sẵn sàng “nhún nhường” thêm bao nhiêu nữa trước khi mọi chi phí liên quan trở nên quá cao. Câu hỏi này chắc chắn sẽ tồn tại lâu hơn cả chính quyền Trump./.
Trang mạng asiatimes.com (Ngày 26/11)