Bối cảnh địa chính trị của Đông Á đã trải qua những thay đổi đáng kể trong những năm gần đây do có sự gia tăng quân sự của các quốc gia chủ chốt trong khu vực. Hiện tượng này bắt nguồn từ những tranh chấp lịch sử, đã trở nên trầm trọng hơn bởi những lo ngại về an ninh hiện nay, những tiến bộ công nghệ và sự thay đổi liên minh.
Khi các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ mở rộng khả năng quân sự, khu vực này có nguy cơ gia tăng bất ổn. Năm 2025, Đông Á được dự báo sẽ phải đối mặt với những thách thức đáng kể, bao gồm khả năng tính toán sai lầm, chạy đua vũ trang gia tăng và suy giảm niềm tin ngoại giao.
Việc tăng cường quân sự ở Đông Á được thúc đẩy bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm: các tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết, chủ nghĩa dân tộc gia tăng và sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Vào năm 2024, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc ước tính đạt 230 tỷ USD, phản ánh mức tăng hằng năm đều đặn trên 7% trong thập kỷ qua. Khoản đầu tư này đã cho phép Bắc Kinh hiện đại hóa quân đội, tập trung vào mở rộng hải quân, phát triển tên lửa siêu thanh và tăng cường khả năng chiến tranh nhờ Trí tuệ nhân tạo (AI).
Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) hiện vận hành 3 tàu sân bay đang hoạt động, tạo thành một hạm đội thách thức các cường quốc hải quân truyền thống cả về quy mô và độ tinh vi. Trong khi đó, Nhật Bản đã cam kết tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP vào năm 2027, giải quyết những lo ngại ngày càng tăng về an ninh khu vực và điều chỉnh học thuyết quốc phòng của mình. Hàn Quốc cũng đẩy mạnh hiện đại hóa quân sự, công bố các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến và máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm được phát triển trong nước “KF-21 Boramae”. Những diễn biến này cho thấy một xu hướng đáng lo ngại trong khu vực Đông Á: một cuộc chạy đua vũ trang ưu tiên ưu thế quân sự hơn là hợp tác an ninh.
Mỹ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong bối cảnh an ninh của Đông Á, với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tập trung vào việc ngăn chặn sự quyết đoán của Trung Quốc. Cam kết của Washington trong việc bảo vệ Đài Loan và tăng cường liên minh với Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines được thể hiện rõ thông qua các cuộc tập trận chung, mua bán vũ khí và triển khai các loại vũ khí tiên tiến. Ví dụ, kế hoạch triển khai máy bay ném bom tàng hình “B-21 Raider” tới Guam vào năm 2024 cho thấy quyết tâm của Mỹ trong việc duy trì ưu thế chiến lược của mình.
Tuy nhiên, những hành động này của Washington đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Bắc Kinh, vốn coi sự tham gia của Mỹ là mối đe dọa trực tiếp đối với chủ quyền và tham vọng của Trung Quốc. Eo biển Đài Loan, một điểm xung đột tiềm tàng, đã chứng kiến mức độ hoạt động quân sự chưa từng có của Trung Quốc trong năm 2024 với hơn 1.000 vụ xâm nhập vào Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của hòn đảo này. Căng thẳng đang diễn ra này không chỉ gây nguy hiểm cho sự ổn định của Đài Loan mà còn có nguy cơ kéo khu vực rộng lớn hơn vào xung đột.
Sự tăng cường quân sự kể trên được củng cố bởi các tranh chấp lịch sử và lãnh thổ lâu đời khiến những căng thẳng càng trở nên trầm trọng hơn. Biển Hoa Đông đặc biệt gây tranh cãi khi Trung Quốc và Nhật Bản tranh giành quyền kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ở Biển Đông, việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa các vùng lãnh thổ tranh chấp đã làm gia tăng mối lo ngại giữa các quốc gia láng giềng và bị cộng đồng quốc tế lên án. Những hành động này, cùng với những tuyên bố mở rộng của Bắc Kinh về cái gọi là “Đường 9 Đoạn”, góp phần làm gia tăng lo ngại về sự đối đầu.
Ngoài ra, chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên còn gây ra sự phức tạp hơn nữa. Năm 2024, Bình Nhưỡng đã tiến hành 16 vụ thử tên lửa (con số kỷ lục), trong đó có một vụ liên quan đến tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có khả năng vươn tới lục địa Mỹ. Những hành động khiêu khích của Triều Tiên thúc đẩy các quốc gia láng giềng tăng cường khả năng phòng thủ, từ đó thúc đẩy quá trình quân sự hóa khu vực.
Việc áp dụng nhanh chóng các công nghệ quân sự mới nổi sẽ làm tăng thêm những thách thức này. Những đổi mới về AI, chiến tranh mạng, hệ thống tự động và vũ khí tiên tiến đang làm thay đổi bản chất của xung đột, cho phép đưa ra quyết định nhanh hơn và nhắm mục tiêu chính xác hơn. Tuy nhiên, những tiến bộ này cũng làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm và leo thang ngoài ý muốn. Ví dụ, việc triển khai thiết bị bay không người lái giám sát hỗ trợ AI ở các khu vực tranh chấp có thể gây ra các cuộc đối đầu được hiểu là thù địch. Tương tự, các cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng (dù cố ý hay vô tình) cũng có thể gây nguy hiểm cho các chính phủ và nền kinh tế quốc gia. Việc thiếu các chuẩn mực quốc tế vững chắc liên quan đến các công nghệ này càng làm tăng thêm những tác động gây bất ổn của chúng.
Sự tăng cường quân sự của Đông Á có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh và sự ổn định kinh tế khu vực. Cuộc chạy đua vũ trang leo thang làm chuyển hướng các nguồn lực khỏi các vấn đề quan trọng trong nước như: dân số già, bất bình đẳng thu nhập và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ví dụ: quyết định tăng chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản làm giảm đầu tư vào các chương trình phúc lợi xã hội; Hàn Quốc phải đối mặt với thách thức tương tự trong việc cân bằng nhu cầu an ninh với các ưu tiên kinh tế... Đối với các quốc gia nhỏ hơn ở Đông Nam Á, việc quân sự hóa khu vực sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực duy trì tính trung lập trong khi theo đuổi phát triển kinh tế.
Những khó khăn của ASEAN trong việc tạo dựng một mặt trận thống nhất nêu bật những thách thức trong việc thúc đẩy hợp tác khu vực trong bối cảnh căng thẳng gia tăng. Hơn nữa, sự xói mòn lòng tin giữa các quốc gia Đông Á và các đồng minh của họ cản trở các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết xung đột. Các cơ chế song phương và đa phương (chẳng hạn như các cuộc đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa Triều Tiên) phần lớn đã bị đình trệ, phản ánh sự thiếu ý chí và niềm tin chính trị. Việc thiếu vắng những cuộc đối thoại có ý nghĩa sẽ làm tăng nguy cơ hiểu lầm và tính toán sai lầm, có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc ở một khu vực được đánh dấu bởi sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và cạnh tranh quân sự.
Do Đông Á có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu nên nguy cơ xảy ra xung đột vượt ra ngoài khu vực cũng hiện hữu. Ví dụ, sự gián đoạn ở eo biển Đài Loan hoặc Biển Đông sẽ có tác động sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực: từ sản xuất chất bán dẫn đến vận chuyển năng lượng. Khi bước vào năm 2025, Đông Á sẽ phải đối mặt với một tương lai bấp bênh được định hình bởi sự tăng cường quân sự, sự cạnh tranh địa chính trị và các công nghệ mới nổi. Để giải quyết những thách thức này, các chủ thể khu vực và toàn cầu phải ưu tiên các biện pháp xây dựng lòng tin, các thỏa thuận kiểm soát vũ khí và các cơ chế đối thoại. Các sáng kiến như nối lại các cuộc đàm phán cấp cao Mỹ-Trung đã góp phần mở rộng các diễn đàn do ASEAN dẫn đầu và cơ chế hợp tác 3 bên Mỹ-Nhật-Hàn mở ra những giải pháp tiềm năng để giảm căng thẳng... Ngoài ra, việc tăng cường tính minh bạch trong các hoạt động quân sự và thiết lập các quy tắc liên quan đến việc sử dụng các công nghệ mới nổi có thể giảm thiểu nguy cơ xung đột ngoài ý muốn. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu này đòi hỏi các quốc gia khu vực phải có ý chí chính trị, sự tin cậy lẫn nhau và sự thừa nhận lợi ích chung (những phẩm chất vẫn khó nắm bắt trong môi trường đầy nghi ngờ và cạnh tranh hiện nay).
Tóm lại, việc tăng cường sức mạnh quân sự ở Đông Á là kết quả của sự tác động qua lại phức tạp giữa những bất bình lịch sử, những cân nhắc chiến lược và tiến bộ công nghệ. Bước vào năm 2025, khu vực này phải tìm ra sự cân bằng thận trọng giữa răn đe và ngoại giao, cũng như cạnh tranh và hợp tác. Những thách thức là đáng kể và số tiền cược cũng rất cao. Trong kỷ nguyên liên kết với nhau, sự ổn định ở Đông Á không chỉ là vấn đề khu vực mà là nhu cầu toàn cầu. Việc giải quyết những thách thức do quân sự hóa đặt ra sẽ đòi hỏi những nỗ lực phối hợp nhằm xây dựng lòng tin, quản lý tranh chấp và thúc đẩy ngoại giao để ngăn chặn xung đột. Nếu không làm được điều này, Đông Á có nguy cơ rơi vào vòng xoáy bất an, gây ra những hậu quả sâu rộng cho toàn thế giới./.