Cùng với sự thay đổi không ngừng của tình hình thế giới, những nguy cơ tiềm ẩn bên trong nước Mỹ rất nhiều, chiến lược châu Á- Thái Bình Dương của Mỹ cũng đã có những thay đổi, Mỹ đã điều chỉnh một phần việc triển khai chiến lược “rở lại khu vực châu Á- Thái Bình Dương” của mình. Các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippin tuy là những quân cờ quan trọng trong chiến lược này của Mỹ, nhưng họ đều có những toan tính của riêng, bức tường bao vây chống Trung Quốc của Mỹ đã xuất hiện những vết nứt, điều đó cũng sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến chiến lược châu Á- Thái Bình Dương của Mỹ.
Từ năm 2009 trở lại đây, chiến lược châu Á- Thái Bình Dương của chính quyền Obama vẫn đang tiến hành những "điều chỉnh nhỏ". Sự thay đổi này không chỉ thể hiện về mặt từ ngữ là từ "trở lại châu Á" một cách cứng nhắc chuyển thành "tái cân bằng châu Á- Thái Bình Dương" mang đậm tính “mềm mỏng” hơn, mà ngay cả về mặt nội dung cũng thay đổi rất nhiều, từ rất phân tán, trừu tượng trở nên có hệ thống và cụ thể hơn. Đằng sau sự điều chỉnh của chiến lược châu Á- Thái Bình Dương của Mỹ, bao hàm cả nguyên nhân chính trị, kinh tế, địa chính trị sâu xa của nó.
Sự yếu kém của lực lượng Hải quân Mỹ sau khủng hoảng tài chính
Từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009 đến nay, kinh tế Mỹ ở vào tình trạng suy thoái, chi tiêu quốc phòng luôn bị cắt giảm, do đó, những kế hoạch, chương trình quốc phòng trọng yếu không thể không có những thay đổi, điều chỉnh. Giới truyền thông trong và ngoài nước, đặc biệt giới truyền thông Mỹ đang bàn luận về vấn đề ảnh hưởng của cuộc khủng khoảng đến việc thực hiện kế hoạch và chương trình phát triển Hải quân Mỹ đến năm 2035 trong tương lai.
Để tiết kiệm chi phí, trong 22 chiếc tàu tuần dương lớp Ticonderoga, có 11 chiếc đã bị niêm cất trong năm nay. Trên thực tế, thời hạn phục vụ của phần lớn các tàu chiến đã quá 25 năm, sắp phải cho ra khỏi trang bị. Sau năm 2030, dự kiến đưa vào trang bị "Tàu chiến mặt nước tương lai" (FSC), nhưng do giá thành quá cao, do vậy mà số lượng sản xuất sẽ không nhiều.
Tất cả các tàu hộ vệ lớp Perry hiện đang có trong biên chế đều đã dỡ bỏ vũ khí tên lửa, điều này có nghĩa, trên thực tế chúng chỉ là tàu tuần tra chung, đóng vai là tàu phi tác chiến. Trong hai năm 2014 và 2015, chúng sẽ được bán hoặc chuyển nhượng cho hải quân các nước khác. Tàu rà/phá mìn lớp Avenger cũng đã phục vụ được nhiều năm, vấn đề nâng cấp cải tiến loại tàu này thậm chí còn không được đưa vào xem xét.
Do hiệu quả tác chiến của tàu chiến ven bờ không như dự tính, Mỹ đã cắt giảm số lượng tàu chiến đấu ven bờ, từ kế hoạch ban đầu là 52 chiếc cắt giảm xuống còn 32 chiếc. Và tất nhiên, hạng mục xây dựng lực lượng tàu chiến đấu ven bờ cũng buộc phải thu nhỏ. Số lượng tàu chiến được coi là tiên nhất- tàu chiến lớp Zumwalt cũng bị cắt giảm tới 2 chiếc.
Cho dù Mỹ đã cắt giảm lực lượng quân sự của họ tại châu Âu, đưa phần lớn lực lượng quân sự triển khai tới khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Nhưng sự thay đổi của trang bị Hải quân Mỹ trong tương lai sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến việc triển khai lực lượng của Mỹ ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương, kéo theo ảnh hưởng đến chiến lược châu Á- Thái Bình Dương của Mỹ.
Bức tường bao vây chống Trung Quốc của Mỹ xuất hiện kẽ hở
Từ trước đến nay, Mỹ thông qua hợp tác với các đồng minh thân cận ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương để thiết lập nên cái gọi là bức tường bao vây chống Trung Quốc. Nhưng bức tường bao vây này luôn luôn có những kẽ hở. Nhật Bản và Hàn Quốc là cánh cửa phía Bắc của bức tường chống Trung Quốc của Mỹ ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản, không cần phải nói thì chúng ta cũng hiểu đây là một trong những lực lượng trên biển mạnh nhất châu Á thậm chí mạnh nhất thế giới hiện nay. Trong Chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản là cường quốc tàu sân bay, rất có kinh nghiệm trong việc chế tạo tàu sân bay. Thêm vào đó, kinh tế Nhật Bản phát triển, thực lực công nghiệp quốc phòng hùng hậu, nguồn lực chiến tranh rất lớn.
Nước láng giềng sườn Tây Nhật Bản – Hàn Quốc có lực lượng Hải quân Hàn Quốc đang phát triển rất nhanh chóng. Hải quân Hàn Quốc được xếp thứ 2 thế giới với thực lực ngành công nghiệp đóng tàu hùng hậu. Xưởng đóng tàu của Hàn Quốc có thể đóng những loại tàu đẳng cấp thế giới. Nếu như nói, mấy chục năm sau Chiến tranh thế giới thứ 2 Hải quân Hàn Quốc chủ yếu trang bị tàu cũ đã qua sử dụng của Mỹ, thế nhưng sau khi đất nước thực hiện phát triển nhanh chóng nền kinh tế, toàn bộ tàu thuyền trang bị cho Hải quân Hàn Quốc hiện nay đều được sản xuất trong nước.
Những năm gần đây, ba nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc thường xuyên tổ chức các cuộc diễn tập quân sự hai bên và ba bên ở khu vực biển Viễn Đông. Chưa đợi cuộc diễn tập này kết thúc, thì một cuộc diễn tập khác đã mở màn, điều này giúp nâng cao rất nhiều năng lực hiệp đồng tác chiến cho họ. Từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 6/ 3/ 2014, Hạm đội 7 Hải quân Mỹ và Hải quân Hàn Quốc đã tổ chức cuộc tập trận quân sự chung mang tên ‘Quyết tâm then chốt – 2014”, cuộc tập trận tổng cộng có 6.300 quân tham gia. Từ ngày 21 đến 26/ 3/ 2014, lực lượng trên biển Mỹ - Nhật Bản đã tổ chức cuộc diễn tập bắn tên lửa và pháo mang tên “Multi-Sail 14” trên đảo Guam. Từ ngày 27 tháng 3 đến ngày 7/ 4/ 2014, Mỹ và Hàn Quốc lại tổ chức cuộc diễn tập mang tên ‘Song Long” ở phía Nam Seoul, với sự tham gia của 7.500 quân hải quân đánh bộ Mỹ và 3.500 sĩ quan binh sĩ Hàn Quốc, lực lượng này di chuyển trên 12 tàu đổ bộ để tiến triển khai diễn tập đánh chiếm bãi biển và đổ bộ lên bờ.
Nhưng tất cả những điều đó không có nghĩa là, cánh cửa phía Bắc của bức tường bao vây chống Trung Quốc là vững chãi kiên cố. Vấn đề ở chỗ, cội nguồn lịch sử giữa hai nước Hàn Quốc và Nhật Bản vô cùng phức tạp, hay nói một cách tế nhị là không hữu hảo. Giữa hai nước tồn tại những tranh chấp lãnh thổ, chiếc tàu đổ bộ mang trực thăng lớn nhất của Hải quân Hàn Quốc mang tên ‘Dokdo”, được lấy tên của hòn đảo mà hai nước đang tranh chấp không phải là một sự ngẫu nhiên. Do vậy, hiện nay nếu nói quan hệ đồng minh giữa 3 nước Mỹ - Hàn Quốc - Nhật Bản là khăng khít gắn bó, không thể tách rời, bước đi của ba nước là nhất quán cùng một hướng thì e rằng hơi có chút cường điệu.
Nhiều năm trở lại đây, Đài Loan luôn là điểm tựa của Mỹ ở khu vực Viễn Đông, là cái cớ để gây hấn với Trung Quốc. Mỹ cung cấp cho Đài Loan lượng lớn vũ khí trang bị, bao gồm 12 chiếc máy bay tuần tra cải tiến P-3C “Orion” và tên lửa chống hạm phóng từ tàu ngầm “Harpoon” Block II có tầm bắn 125km.
Cho dù Mỹ đã sử dụng mọi thủ đoạn để mưu đồ lôi kéo Đài Loan, nhưng mối quan hệ giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan đang từng bước được cải thiện. Hai bờ eo biển “cùng tổ cùng tông”, có cội nguồn lịch sử văn hóa sâu đậm. Thêm vào đó, những năm gần đây, các hoạt động giao lưu kinh tế thương mại và văn hóa giữa hai bờ diễn ra thường xuyên, dân chúng Đài Loan ngày càng ủng hộ sự hợp tác với Trung Quốc đại lục, chứ không muốn làm quân cờ của Mỹ để chế áp Trung Quốc.
Một thành lũy khác của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương chính là Philippin, nhưng Philippin lại chính là mắt xích mỏng yếu nhất trong bức tường bao vây chống Trung Quốc mà Mỹ tạo ra. Những trang bị mà Hải quân Philippin sử dụng là những trang bị cũ nát đã quá hạn sử dụng từ lâu được Mỹ thải loại. Ví dụ như tàu hộ vệ Datu Sikatuna, 6 chiếc tàu hộ vệ lớp PCE 827 hạng nhẹ đều được sản xuất trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ 2, 02 chiếc tàu hộ vệ mới nhất lớp Hamilton (tàu chiến đã loại khỏi trang bị của đội cảnh vệ bờ biển Mỹ) cũng là tàu được đưa vào phục vụ từ nửa sau thập niên 60 thế kỷ trước. Hiển nhiên, đảo quốc này thiếu hụt thực lực về nguồn lực hải quân hùng mạnh.
Hải quân Inđônêxia, Hải quân Hoàng gia Thái Lan đều là chắp vá, giống như một “lực lượng đa quốc gia”. Cho dù các nước Đông Nam Á đều đang lo lắng việc Trung Quốc không ngừng tăng cường thực lực quân sự, nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ hy sinh bản thân mình để bảo vệ lợi ích của Washington. Đặc biệt là nhiều nước có quan hệ rất tốt với Trung Quốc, họ tăng cường xây dựng quân sự không phải là để chống lại Trung Quốc mà phần lớn là nhằm ứng phó với sự đối kháng có thể xảy ra giữa các bên với nhau, bởi vì xung quanh các đảo không có người sinh sống giữa các nước này vẫn luôn tồn tại những tranh chấp lãnh thổ không thể nào hòa giải được, nguyên nhân mấu chốt là xung quanh khu vực này có trữ lượng lớn tài nguyên dầu khí. Do vậy, Mỹ không thể xây dựng bức tường bao vây chống Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á.
Mỹ đang thay đổi vai diễn trong an ninh khu vực châu Á- Thái Bình Dương
Với tình hình thay đổi đã nói ở trên, từ năm 2009 đến nay, chiến lược châu Á- Thái Bình Dương của chính quyền Obama đang tiến hành những “điều chỉnh nhỏ”, sự thay đổi này không chỉ thể hiện về mặt từ ngữ của từ "quay trở lại Châu Á" một cách cứng nhắc trước đây mà đã chuyển thành "Tái cân bằng châu Á- Thái Bình Dương" linh hoạt hơn.
Ba năm trước, trợ lý về vấn đề an ninh quốc gia của đời tổng thống trước, ông Tom Donilon lần đầu tiên khái lược “Chiến lược tái cân bằng khu vực châu Á- Thái Bình Dương” thành 5 phương diện: Đẩy mạnh quan hệ đồng minh; làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác với những nước mới nổi; xây dựng quan hệ Trung – Mỹ mang tính ổn định, hiệu quả cao và mang tính xây dựng; tăng cường xây dựng cấu trúc khu vực; giúp đỡ xây dựng vành đai kinh tế khu vực để đảm bảo duy trì cùng nhau phát triển. Điều này rõ ràng không giống với chiến lược châu Á- Thái Bình Dương thời kỳ đầu của chính quyền Obama là “Đột phá quân sự và an ninh”.
Tháng 11 năm 2013, cố vấn về vấn đề an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ, bà Susan Rice trong buổi nói chuyện tại Đại học Georgetown đã giải thích tường tận có hệ thống hơn về chiến lược châu Á- Thái Bình Dương trong nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Obama, chiến lược đó được gọi là “Chiến lược tái cân bằng khu vực châu Á- Thái Bình Dương phiên bản 2.0”. So với bài nói của Tom Donilon, bà Rice sử dụng nhiều lần hơn để nói về vai trò mang tính xây dựng của Trung Quốc, đồng thời đưa ra câu trả lời rõ ràng, chính diện đối với việc xây dựng “Quan hệ nước lớn Trung – Mỹ kiểu mới”.
Tháng 4 năm 2013, trong thời gian thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, tại các cuộc tiếp xúc với nhiều lãnh đạo Trung Quốc ông đều bày tỏ coi trọng xây dựng “Quan hệ nước lớn Trung – Mỹ kiểu mới”. Điều nằm ngoài dự đoán của thế giới đó là, mâu thuẫn Trung – Nhật, tranh chấp biển đảo lại không trở thành tiêu điểm của chuyến thăm, mà ngược lại, hợp tác lại là một nội dung chủ yếu trong thảo luận của hai bên.
Giáo sư Malcolm Cook trường Đại học Flinders, Ôxtrâylia cho rằng, trong nhiệm kỳ đầu của chính quyền Obama, quan hệ Trung - Mỹ sở dĩ liên tục xảy ra sự va chạm phần lớn là vì chính sách ngoại giao khu vực châu Á- Thái Bình Dương của Mỹ khiến cho Trung Quốc cảm thấy bị đe dọa về an ninh. Nếu như trong những hành động cụ thể, chính quyền Obama có thể điều chỉnh một cách mang tính xây dựng "Quan hệ nước lớn Trung - Mỹ kiểu mới" và chiến lược "Tái cân bằng khu vực Châu Á Thái Bình Dương" thì ở một mức độ nhất định sẽ giảm bớt mối nghi ngại của Trung Quốc về sự uy hiếp an ninh, điều này sẽ có lợi cho việc thực hiện chiến lược "Tái cân bằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương" của Mỹ./.
- Tác giả: Ngụy Chí Anh
- Nguồn: T/c “Hải quân đương đại”, 10.2014
- Người dịch: Trịnh Văn Huân