Tư lệnh Lục quân khu vực tác chiến Thái Bình Dương được nâng cấp quân hàm từ trung tướng lên thượng tướng 4 sao. Tiểu đoàn 1 trung đoàn kỵ binh 12 sư đoàn kỵ binh 1 vốn đóng tại căn cứ Fort Hood bang Texas được điều động đến đóng quân đồn trú tại Hàn Quốc… Để hưởng ứng chiến lược "Tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương" của chính quyền Ôbama, Bộ Tư lệnh Lục quân khu vực tác chiến Thái Bình Dương của Mỹ đang đang lặng lẽ tiến hành một loạt điều chỉnh và cải cách, nhằm nâng cao mức độ can dự và ảnh hưởng ở cấp chiến lược quốc gia. Những điều chỉnh và cải cách này có việc đã kết thúc, có việc còn đang tiến hành. Chúng ta hãy thử xem xét những động hướng mới này của Lục quân Mỹ khu vực tác chiến Thái Bình Dương.
Môi trường tác chiến liên hợp trên bộ
Quân đội Mỹ nhận định, khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện nay có cả cơ hội và thách thức. Xem xét từ góc độ của Quân đội Mỹ, cục diện phức tạp nhiều biến động của khu vực tác chiến này, ngoài ảnh hưởng từ chiến lược quốc gia “Tái cân bằng châu Á- Thái Bình Dương” do chính phủ Mỹ tích cực thúc đẩy, còn chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những nhân tố khó lường khác ở bên ngoài, như hành động rút quân của Mỹ khỏi Ápganixtan và cắt giảm ngân sách quân sự trong tương lai. Dưới tác động tổng hợp của những nhân tố đó, Quân dội Mỹ đã có lý giải mới về môi trường tác chiến liên hợp trên bộ ở khu vực Thái Bình Dương. Trong bối cảnh này, Lục quân Mỹ tại khu vực tác chiến Thái Bình Dương phải tích cực tìm hướng điều chỉnh, bổ sung lực lượng tác chiến tiên tiến nhằm đáp ứng chiến lược “Tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương”.
Khi bàn đến phương hướng điều chỉnh cải cách, Tư lệnh Lục quân khu vực tác chiến Thái Bình Dương vừa mới nhậm chức, Thượng tướng Brooks sẽ tập trung nhấn mạnh một số phương diện: Xây dựng lực lượng và khả năng tác chiến tương ứng với trình độ sẵn sàng chiến đấu cao đủ để ứng phó với toàn bộ cục diện khu vực; tăng cường hơn nữa an ninh và ổn định khu vực tác chiến; giữ lực lượng tác chiến phản ứng nhanh ở mức độ nhất định; nâng cao năng lực phòng không chống tên lửa của Lục quân; đảm bảo chắc chắn việc thiết lập quan hệ chỉ huy thông suốt trong nội bộ Lục quân tại khu vực tác chiến Thái Bình Dương; Với hệ thống tác chiến liên hợp khu vực, sẽ thắt chặt quan hệ với Lục quân và lực lượng trên bộ chủ yếu của các nước khác ở khu vực này. Đối với Lục quân khu vực tác chiến Thái Bình Dương, nhiệm vụ cấp bách là nắm chắc những thách thức nguy hiểm và cơ hội để khi xảy ra khủng hoảng có thể tích cực và bình tĩnh ứng phó.
Mở rộng chức năng Bộ Tư lệnh Lục quân
Việc điều chỉnh cải cách Lục quân khu vực tác chiến Thái Bình Dương, trước hết được thể hiện về mặt tổ chức chỉ huy, điều chỉnh cụ thể là:
Thứ nhất, Tư lệnh Lục quân khu vực tác chiến Thái Bình Dương từ cấp trung tướng nâng lên cấp quân hàm thượng tướng 4 sao. Chức năng của Bộ Tư lệnh Lục quân khu vực tác chiến Thái Bình Dương được xác định tương ứng với cấp chỉ huy chiến lược, Bộ Tư lệnh dưới quyền thực hiện chức năng chỉ huy cấp chiến dịch và chiến thuật.
Thứ hai, Tập đoàn quân số 8 đóng tại Hàn Quốc hoàn toàn chuyển đổi vai trò tác chiến, còn Bộ Tư lệnh Lục quân khu vực tác chiến Thái Bình Dương là cơ quan chỉ huy quân chủng Lục quân duy nhất, sẽ phụ trách toàn bộ công tác huấn luyện quân sự, tổ chức hành chính và đảm bảo trang bị của toàn bộ lực lượng khu vực tác chiến.
Thứ ba, một số Bộ Tư lệnh cấp dưới và Bộ Tư lệnh chi viện chiến trường chủ yếu được rút từ Trung Đông về, trọng điểm lực lượng quân sự được sử dụng ở khu vực tác chiến Thái Bình Dương.
Thứ tư, trên cơ sở Bộ Tư lệnh Lục quân khu vực tác chiến, Lục quân khu vực châu Á - Thái Bình Dương thiết lập Bộ Tư lệnh lực lượng trên bộ của các đơn vị liên hợp trong khu vực tác chiến. Vào thời chiến, Bộ Tư lệnh trên bộ sẽ thống nhất chỉ huy lực lượng tác chiến mặt đất, bao gồm Hải quân đánh bộ. Điều đó đã mở rộng đáng kể phạm vi chức trách của Bộ Tư lệnh Lục quân khu vực tác chiến Thái Bình Dương.
Thông qua hàng loạt điều chỉnh nêu trên, Lục quân khu vực tác chiến Thái Bình Dương chắc chắn sẽ có sức mạnh tác chiến linh hoạt hơn, rất nhiều tổ chức mới sẽ được thay đổi trong Lục quân Mỹ.
Trong 10 năm qua, Lục quân khu vực tác chiến Thái Bình Dương của Quân đội Mỹ tập trung chủ yếu ở hành động chi viện tác chiến khu vực Tây Nam Á. Chịu ảnh hưởng đó nên mục tiêu của Lục quân chỉ có thể đặt vào việc sẵn sàng chiến đấu đối phó khẩn cấp trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, giới hạn ấy đã thay đổi theo thời gian. Ngày nay, điểm quan tâm tập trung của Lục quân khu vực tác chiến Thái Bình Dương được chuyển sang chi viện sẵn sàng chiến đấu lâu dài cho các lực lượng liên hợp, vấn đề hàng đầu hiện nay là nâng cao năng lực tác chiến hiệp đồng. Đây cũng là nguyên nhân vì sao Tư lệnh Lục quân khu vực tác chiến Thái Bình Dương được nâng cấp quân hàm lên thượng tướng 4 sao. Theo thông lệ của Quân đội Mỹ, đó là cấp quân hàm quan chức chỉ huy lực lượng trên bộ gồm các đơn vị liên hợp trong khu vực vào thời chiến. Vai trò, chức trách của cơ quan chỉ huy lực lượng trên bộ được mở rộng hơn, từ hành động chi viện tác chiến cơ bản theo hướng Đông Bắc Á, đến chức năng mang tính khu vực rộng lớn hơn là xoay quanh nhiệm vụ răn đe và các nhiệm vụ tác chiến khác, đều được bao quát toàn bộ. Lục quân khu vực tác chiến Thái Bình Dương không những phải sẵn sàng bước vào tác chiến bất cứ lúc nào trên bán đảo Triều Tiên, mà còn phải hiệp đồng trợ giúp hoàn thành nhiệm vụ giải quyết xung đột và phản ứng nhanh ở khu vực khác, như hoạt động cứu nạn ở Đông Nam Á. Để có thể hoàn thành tốt hàng loạt nhiệm vụ tác chiến với cường độ cao tại khu vực tác chiến, đòi hỏi phải điều chỉnh hợp lý bố trí nguồn lực trên bộ cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Luân chuyển lực lượng - sự “điều động lớn Đông – Tây”
Đối với Quân đội Mỹ, để thiết lập hệ thống chiến trường đồng bộ đòi hỏi phải có cơ cấu tổ chức lực lượng hợp lý, lại phải có công tác đảm bảo nguồn lực vật chất như con người, trang thiết bị … tương ứng, cùng quyết sách đúng đắn, sử dụng lực lượng tác chiến ở địa điểm và thời gian thích hợp. Hiện nay, để đáp ứng yêu cầu quân sự toàn bộ khu vực tác chiến, phải mở rộng phạm vi chức trách của lực lượng mặt đất, trong khi hệ thống lực lượng trên bộ hiện nay khó đảm nhận được công việc này. Bởi vì lực lượng bố trí phía trước chủ yếu của Lục quân và cơ chế chiến lược hiện nay đều chỉ giới hạn trong đối phó với khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, gây mất cân bằng trong bố trí lực lượng. Vấn đề nổi cộm trong thời gian này là lực lượng phòng không và chống tên lửa của Lục quân đóng tại Hàn Quóc và Nhật Bản thiếu nghiêm trọng, không thể bảo vệ lâu dài, hiệu quả những mục tiêu then chốt ở khu vực khác. Điều đó đòi hỏi Lục quân khu vực tác chiến Thái Bình Dương phải tiến hành điều chỉnh bố trí thích hợp, bao gồm cả lực lượng phía trước trong trạng thái cố định cũng như lực lượng luân chuyển ở trang thái động, để hình thành thế bố trí lực lượng hợp lý.
Hiện nay, do ngân sách quốc phòng bị thu hẹp, Quân đội Mỹ không thể không yêu cầu các cấp đơn vị nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí. Ngân sách quốc phòng bị cắt giảm không tránh khỏi gây ra tình trạng đội ngũ tham mưu Bộ Tư lệnh không đủ, hợp tác an ninh và chương trình huấn luyện giảm bớt, trình độ hiện đại hóa khí tài trang bị giảm sút, dẫn đến một số đơn vị khó đảm bảo chất lượng huấn luyện cao. Trước tình hình đó, Lục quân yêu cầu con người phải làm hết sức mình, sử dụng trang bị vật tư phải hiệu quả nhất, thời gian phải tiết kiệm nhất, lựa chọn phương thức hiệu quả cao để ưu việt hóa lực lượng được bố trí. Tiểu đoàn 1 trung đoàn kỵ binh 12 sư đoàn kỵ binh 1 vốn đóng tại căn cứ Fort Hood bang Texas là đơn vị đầu tiên được điều đến bố trí tại Hàn Quốc, được nhận định là việc làm mang tính cột mốc tối ưu hóa bố trí lực lượng trong chiến lược mới của Quân đội Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương. Là một bộ phận trong kế hoạch luân chuyển binh lực nhằm tăng cường sẵn sàng chiến đấu và cơ động tác chiến khu vực của Lục quân Mỹ, tháng 1.2014, hơn 800 binh sĩ tiểu đoàn 1 trung đoàn kỵ binh 12 đã đến Hàn Quốc. Đây là việc bố trí lực lượng đầu tiên được triển khai theo kế hoạch mới năm 2014, cũng là cuộc bố trí lực lượng thứ hai sau khi công bố chương trình này từ năm 2013. Kế hoạch luân chuyển 9 tháng một lần từ lâu đã được nghiên cứu chuẩn bị, không phải là phản ứng vội vàng liên quan đến hành động của Triều Tiên gần đây. Tiểu đoàn tác chiến binh chủng hợp thành này được phối thuộc cho lữ đoàn thiết giáp số 1 sư đoàn bộ binh 2 của Mỹ đóng tại Hàn Quốc. Sư đoàn bộ binh 2 được coi là sư đoàn "độc nhất vô nhị", là sư đoàn thường trú duy nhất bố trí phía trước trên bán đảo Triều Tiên. Các phân đội thuộc tiểu đoàn 1 trung đoàn kỵ binh 12 cùng bộ phận trang bị được đóng tại Gyeonggi-do và căn cứ Stanley, Hàn Quốc. Hai căn cứ này cách giới tuyến quân sự Hàn Quốc - Triều Tiên, nơi có các đơn vị quan trọng đóng giữ chỉ 20km. Thiếu tướng sư đoàn trưởng sư đoàn bộ binh 2 nhận định, tiểu đoàn 1 trung đoàn kỵ binh 12 có ý nghĩa to lớn đối với việc củng cố và tăng cường sức mạnh sư đoàn bộ binh 2, luân chuyển lực lượng này là việc làm quan trọng trong điều chỉnh cải cách Lục quân theo chiến lược “Tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương”. Thông thường, Quân đội Mỹ được chia thành 3 trạng thái là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và sử dụng tác chiến. Tiểu đoàn 1 trung đoàn kỵ binh 12 thuộc giai đoạn chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu sau huấn luyện với sức chiến đấu mạnh nhất. Sau khi được tăng cường cho sư đoàn bộ binh 2, sư đoàn sẽ càng linh hoạt và có sức chiến đấu cao, khi cần thiết có thể cùng Quân đội Hàn Quốc đảm nhận nhiệm vụ phòng thủ.
Đồng thời, việc điều chỉnh luân chuyển bố trí nhất thể hóa với các đơn vị thuộc sư đoàn bộ binh 2 còn có lợi cho duy trì trạng thái phòng ngự chặt chẽ, tăng cường có hiệu quả trình độ sẵn sàng chiến đấu và năng lực tác chiến của đồng minh Mỹ - Hàn Quốc. Sư đoàn trưởng sư đoàn bộ binh 2 cho rằng, đặc điểm nổi bật của việc điều chỉnh này là sử dụng thế bố trí hỗn hợp đa dạng hóa, để lại bài học kinh nghiệm cho việc luân chuyển lực lượng phạm vi lớn hơn, từ đó nâng cao hơn năng lực hiệp đồng tác chiến của càng nhiều đơn vị Quân đội Mỹ với Quân đội Hàn Quốc trên bán đảo Triều Tiên.
Trong thời gian 9 tháng tại Hàn Quốc, nhiệm vụ hàng đầu của tiểu đoàn 1 trung đoàn kỵ binh 12 là nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, nhanh chóng hòa nhập với các đơn vị khác trong sư đoàn 2. Sự hòa nhập này chủ yếu được thể hiện trong huấn luyện hiệp đồng với các đơn vị khác trong cùng một thể chế chỉ huy. Ở bán đảo Triều Tiên, tiểu đoàn này được yêu cầu phải có đủ năng lực tác chiến toàn diện, dó là năng lực tác chiến liên tục, kịp thời cả trong tiến công, phòng ngự, giữ gìn ổn định và chi viện dân sự. Sau khi hoàn thành 9 tháng triển khai lực lượng, tiểu đoàn sẽ trở lại căn cứ Fort Hood, đơn vị khác sẽ thay thế nhiệm vụ của họ. Khi đó những trang bị chủ yếu của tiểu đoàn bao gồm xe bọc thép bánh hơi và bánh xích sẽ để lại nơi đóng quân ở Hàn Quốc để đơn vị được luân chuyển tiếp theo sử dụng.
Mục đích của việc bố trí luân chuyển là để càng nhiều đơn vị Quân đội Mỹ thích ứng với môi trường tác chiến trên bán đảo Triều Tiên, nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu cho từng binh sĩ và cả đơn vị. Binh sĩ đã qua luân chuyển có thể nắm vững kỹ năng và kinh nghiệm tác chiến toàn diện để trong tác chiến khẩn cấp sẽ nhanh chóng bước vào chiến đấu.
Tăng cường hợp tác trong khu vực tác chiến
Sau chiến tranh Irắc và Ápganixtan, hiện nay, Mỹ rất khó tiếp tục triển khai hành động tác chiến trên bộ với quy mô lớn. Để đối phó với mối đe dọa thường xuyên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ đặt trọng điểm ở lĩnh vực trên không và trên biển, đưa ra khái niệm “Tác chiến không – hải”, tìm kiếm khả năng tác chiến lấy ưu thế trên không và trên biển để kiềm chế đối phương, đảm bảo cho Quân đội Mỹ và đồng minh có thể phá được chiến lược “chống tiếp cận/ngăn chặn khu vực”.
Khả năng tác chiến đầy đủ của Lục quân khu vực Thái Bình Dương và biện pháp quân sự có thể lựa chọn là bộ phận quan trọng để thực hiện chiến lược “Tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương”, đồng thời trợ giúp đắc lực cho các đơn vị liên hợp đạt mục tiêu tác chiến. Sự chi viện của Lục quân khu vực đối với các quân chủng khác không những được thể hiện trên bộ, mà còn thể hiện ở lĩnh vực trên không, trên biển và trên vũ trụ. Chức năng chủ yếu bao gồm: Phòng hóa tẩy độc, tâm lý chiến, đảm bảo an toàn đường dây thông tin liên lạc và phòng ngự căn cứ tác chiến phía trước. Ngoài ra, việc thiết lập Bộ Tư lệnh lực lượng trên bộ tác chiến liên hợp đã tạo cơ hội đặc biệt riêng cho Lục quân khu vực tác chiến Thái Bình Dương, để lực lượng này có thể phát huy ảnh hưởng lớn hơn trong lĩnh vực trên bộ ngày càng phức tạp.
Quân đội Mỹ nhận định sự tồn tại những nhân tố sau sẽ có lợi cho xây dựng quan hệ hợp tác của Lục quân khu vực tác chiến Thái Bình Dương với bạn bè đồng minh trong khu vực: Một là, năng lực tác chiến đặc thù của Lục quân như hoạt động dân sự, chữa bệnh, công nghệ thông tin, đảm bảo hậu cần và năng lực tác chiến liên tục trên bộ; Hai là, Tư lệnh Lục quân khu vực tác chiến Thái Bình Dương được thăng quân hàm lên thượng tướng 4 sao sẽ mở rộng ảnh hưởng của người chỉ huy Lục quân trong khu vực này; Ba là, đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các quốc gia khác trong khu vực, đặc biệt là gia tăng hoạt động giao lưu với Trung Quốc; Bốn là, trên không và trên biển ẩn chứa nhiều không gian xung đột như Vùng nhận diện phòng không, nhưng trên bộ nói chung không bị hạn chế bởi những trở ngại này, tạo điều kiện nhiều hơn cho lực lượng mặt đát của Quân đội Mỹ giao lưu về các vấn đề phi tác chiến với các đối thủ trong khu vực, như hoạt động trợ giúp nhân đạo và cứu nạn. Trong mấy năm qua, Lục quân Mỹ khu vực Thái Bình Dương đã có nhiều hoạt động giao lưu với Quân đội Trung Quốc về cứu trợ thiên tai, điều này rất được coi trọng trong nhân tố đã trình bày ở trên.
Hiện nay, Lục quân khu vực tác chiến Thái Bình Dương của Quân đội Mỹ đang tích cực khai thác tiềm năng to lớn trong hợp tác với lực lượng Hải quân khu vực, ra sức đề cao khả năng ứng phó của Lục quân đối với mối đe dọa từ chiến lược “chống tiếp cận/ngăn chặn khu vực”. Sự tăng cường khả năng chủ yếu gồm mấy phương diện: Một là, trang bị và bố trí tên lửa đất đối hạm của Lục quân dùng để phòng thủ bờ biển, ngăn cấm tàu chiến địch vào khu vực biển gần; hai là tăng cường năng lực tác chiến của lực lượng không quân trong môi trường trên biển của Lục quân khu vực Thái Bình Dương, trong đó có phát triển lực lượng máy bay không người lái, hòa nhập với lực lượng trên không của các quân chủng khác nhằm nhấn mạnh địa vị, vai trò của khu vực tác chiến trong khái niệm “Tác chiến không – Hải”. Để ủng hộ khái niệm này, Lục quân khu vực đang triển khai tăng cường hòa nhập giữa hệ thống tác chiến trên bộ với hệ thống “Tác chiến không – Hải”, tích cực phát triển và bổ sung hoàn thiện khái niệm này.
Lục quân khu vực sẽ cùng các quân chủng khác phấn đấu xây dựng điều kiện chiến trường mới nhằm đảm bảo có ảnh hưởng tích cực trong thực hiện chiến lược quốc gia. Điều đó đòi hỏi Lục quân khu vực có thế bố trí lực lượng linh hoạt hợp lý, nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu, căn cứ theo yêu cầu khu vực tác chiến để răn đe, ngăn chặn và phản ứng nhanh đối phó với hành động xâm lược có thể xảy ra. Trước đây, Lục quân Mỹ là lực lượng được huấn luyện trước khiến họ đạt đến trình độ sẵn sàng chiến đấu cao nhất, sau đó được dự trữ chờ sử dụng, khi chiến tranh cần đến sẽ đưa vào sử dụng. Phương thức đó gây lãng phí khá nhiều nguồn lực, đòi hỏi các đơn vị có quy mô tương đối lớn phải đảm bảo luân chuyển theo 3 giai đoạn. Trong bối cảnh tài chính eo hẹp hiện nay, Lục quân khu vực tác chến Thái Bình Dương sẽ thay đổi phương thức lãng phí nguồn lực đó, chuyển sang phương thức làm đâu dùng đó, các đơn vị luôn duy trì trình độ sẵn sàng chiến đấu cao, ứng phó với các khủng hoảng có thể xảy ra. Điều này đòi hỏi trong điều kiện không tăng thêm căn cứ ở hải ngoại, bố trí và điều động lực lượng cùng trang bị trong khu vực một cách sáng tạo, thực hiện thế trận tối ưu.
Tóm lại, Lục quân khu vực tác chiến Thái Bình Dương sẽ tiếp tục hợp tác với các quân chủng khác, thông qua hành động hiệp đồng để hình thành khả năng tác chiến nhất thể hóa. Điều then chốt để giành thắng lợi là hiểu biết sâu hơn địa vị chiến lược của lực lượng trên bộ. Là thành viên của lực lượng tác chiến liên hợp, Lục quân khu vực Thái Bình Dương nhất định phải xác định đúng vị trí vai trò cần phát huy trong quân chủng mình một cách nhạy bén./.
- Tác giả: Trương Sách
- Nguồn: T/c “Quân sự thế giới”, số 10.2014
- Người dịch: Nguyễn Hữu Thăng