Cuộc tập trận kéo dài 2 tuần giữa Trung Quốc với Tanzania và Mozambique hồi tháng 7 và tháng 8 vừa qua đã đánh dấu sự gia tăng đáng kể sự hiện diện của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tại châu Phi.
Trong khuôn khổ cuộc tập trận mang tên “Peace Unity-2024”, binh sĩ Trung Quốc - được triển khai với quy mô tiểu đoàn (khoảng 1.000 quân) - đã tiến hành tuần tra trên biển, tìm kiếm và cứu nạn cũng như tập trận bắn đạn thật với các đối tác Tanzania và Mozambique. Tham gia tập trận có các lực lượng lục quân, hải quân, không quân và thủy quân lục chiến của PLA cùng với khoảng 20 loại vũ khí và thiết bị gồm vũ khí nhỏ, pháo hạng nặng, máy bay không người lái siêu nhỏ cùng nhiều loại xe trinh sát và bộ binh. Đây là lần đầu tiên PLA triển khai tập trận bên ngoài căn cứ ở Djibouti, qua đó cho thấy khả năng triển khai các đơn vị bộ binh, thiết giáp, pháo binh và hỗ trợ trên phạm vi rộng được cải thiện đáng kể, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của châu Phi như một nơi thử nghiệm khả năng triển khai sức mạnh, sự sẵn sàng chiến đấu và khả năng tác chiến của PLA.
Một phần trong tầm nhìn địa chiến lược của Trung Quốc
Chiến lược “Hướng ra ngoài” (Go out hay Go Global) và định hướng “Những sứ mệnh lịch sử mới” của Trung Quốc đã dẫn đến nhiều thay đổi trong học thuyết của PLA và quá trình hiện đại hóa quân đội quốc gia. Được thông qua năm 2000, “Go out” là một sáng kiến nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước (SOE) vươn ra nước ngoài và đảm bảo thị trường cũng như tìm kiếm các nguồn tài nguyên mới. Chiến lược này đặt nền móng cho các sáng kiến do Trung Quốc lãnh đạo, như Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC) được thành lập năm 2000, và Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) ra mắt vào năm 2012. Đến năm 2017, đã có hơn 10.000 công ty Trung Quốc (chủ yếu là SOE) hoạt động tại châu Phi, với 62 dự án cảng và tổng số vốn đầu tư vào khoảng 700 tỷ USD thông qua hình thức cho vay theo BRI từ năm 2013-2023.
Các khía cạnh an ninh và địa chiến lược của sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Phi đã mở rộng các kịch bản chiến lược, học thuyết và huấn luyện của PLA. Hướng dẫn về “Những sứ mệnh lịch sử mới” ban hành năm 2004 yêu cầu PLA phải “tăng cường và bảo vệ năng lực và lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài”. Điều này được hệ thống hóa trong các sách trắng quốc phòng cập nhật vào các năm 2013, 2015 và 2019. “Những sứ mệnh lịch sử mới” là trọng tâm của 3 mục tiêu quân sự mà Trung Quốc đang ưu tiên đến năm 2030.
Mục tiêu thứ nhất là ngăn cản sự tiếp cận và hoạt động của các lực lượng nước ngoài tại Chuỗi đảo thứ nhất và Chuỗi đảo thứ hai ở phía Tây Thái Bình Dương (mở rộng tới Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và Biển Đông, bao quanh quần đảo Kuril và Ryukyu, Borneo, Nhật Bản, Đài Loan và Philippines, đi vào Biển Philippines và Bắc Thái Bình Dương).
Mục tiêu thứ hai là cải thiện khả năng cung cấp dịch vụ công toàn cầu của Trung Quốc như gìn giữ hòa bình, chống cướp biển và ứng phó thảm họa, được PLA coi là “các nhiệm vụ đa dạng”. Trung Quốc trước kia coi đây là sự phô trương nhằm thể hiện sự thống trị của phương Tây, nhưng giờ đây nước này lại sử dụng chúng như phương tiện để thể hiện mình là “cường quốc có trách nhiệm”.
Mục tiêu thứ ba là bảo vệ các lợi ích và năng lực hoạt động ở nước ngoài, như cơ sở hạ tầng, năng lượng, đường biển và công dân Trung Quốc ở nước ngoài.
Việc Trung Quốc tăng cường can dự tại châu Phi phù hợp với tham vọng toàn cầu của nước này. Hiện nay, châu Phi là khu vực Trung Quốc triển khai quân đội nhiều nhất bên ngoài lãnh thổ. PLA duy trì các đội tàu hải quân thường trực, có nhiều binh sĩ tham gia các phái bộ của Liên hợp quốc nhất trong số các ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ và chỉ đứng sau Pháp về công tác đào tạo sinh viên châu Phi. PLA cũng đào tạo nhiều chuyên gia dân sự, quân sự và thực thi pháp luật cho lục địa Đen.
Không ngừng mở rộng năng lực chiến đấu của PLA ở châu Phi
Theo dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề quân sự Trung Quốc tại Đại học Quốc phòng Mỹ, kể từ năm 2000, các lực lượng vũ trang Trung Quốc đã tiến hành 19 cuộc tập trận, 44 chuyến thăm quân cảng, 276 cuộc trao đổi quốc phòng cấp cao, triển khai 24 nhóm quân y luân phiên tại hơn 48 quốc gia ở châu Phi. Ban đầu, nội dung quân sự của các cuộc tập trận của Trung Quốc còn hạn chế, chủ yếu gửi đi thông điệp chính trị, đối ngoại quốc phòng và định hướng cho bối cảnh an ninh của châu Phi. Cuộc tập trận “Thiên thần hòa bình” với Gabon hồi tháng 6/2009 là cuộc tập trận đầu tiên của Trung Quốc ở châu Phi, tập trung vào sơ tán y tế nhân đạo, minh họa cho dấu chân ban đầu của Trung Quốc ở Lục địa Đen.
Một bước tiến đã diễn ra vào năm 2014 với các cuộc tập trận ở Nigeria (tháng 5), Namibia (tháng 6) và Cameroon (tháng 7), tập trung vào huấn luyện hạm đội, chống cướp biển và các hoạt động cứu hộ. Các cuộc tập trận này diễn ra cùng với các chuyến ghé thăm cảng của Nhóm tàu hộ tống (ETG) số 16 của Hải quân PLA. Sau đó, tần suất các cuộc tập trận đã gia tăng. Một ví dụ là cuộc tập trận trên biển “Beyond 2014”, kéo dài một tháng giữa lính thủy đánh bộ Trung Quốc và Tanzania. Hơn 100 lính thủy đánh bộ PLA đã được triển khai cho cuộc tập trận này, cuộc tập trận lớn nhất vào thời điểm đó.
Tiếp đó là cuộc tập trận hải quân chung giữa PLA và Nam Phi hồi tháng 5/2016. Trung Quốc đã triển khai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Type 052 Thanh Đảo, khinh hạm tên lửa dẫn đường Type 054A Đại Khánh (Daqing) và tàu tiếp tế Type 903A Thái Hồ (Taihu) tham gia cuộc tập trận kéo dài 4 ngày. Để nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc tập trận này, Tư lệnh Hải quân PLA khi đó là Đô đốc Ngô Thắng Lợi (Wu Shengli) đã giám sát cuộc tập trận cùng với người đồng cấp Nam Phi.
Năm 2017, Trung Quốc đã mở một căn cứ hải quân ở Djibouti, bước tiến mới trong việc mở rộng năng lực viễn chinh của nước này. Sau phủ nhận ban đầu về việc đầu tư vào một cảng dân sự sẽ được nâng cấp cho mục đích quân sự, các quan chức Trung Quốc đã tìm cách hạ thấp tầm quan trọng về mặt quân sự của căn cứ này bằng cách viện dẫn những đóng góp của họ trong hoạt động gìn giữ hòa bình, chống khủng bố và chống cướp biển. Tuy nhiên, các thuật ngữ như “phô trương sức mạnh” và “tăng cường hoạt động ngoài khu vực” đã xuất hiện trong các mô tả chính thức và không chính thức của Trung Quốc về căn cứ này.
Chu kỳ huấn luyện 2018-2019 chứng kiến sự gia tăng đều đặn các cuộc tập trận của PLA. Riêng trong năm 2018, PLA đã tiến hành 6 cuộc tập trận, nhiều nhất trong một năm ở châu Phi – cùng với Cameroon, Gabon, Ghana, Nigeria (hai lần) và Nam Phi.
Trung Quốc cũng bắt đầu tham gia các cuộc tập trận đa quốc gia khác. Trong cuộc tập trận “Eku Kugbe” do Nigeria tổ chức hồi tháng 5/2018, tập trung vào an ninh hàng hải ở Vịnh Guinea, Trung Quốc đã triển khai tàu khu trục Type 054 Yenchang tham gia cùng các tàu chiến của Nigeria, Cameroon, Pháp, Ghana và Togo. Cuộc tập trận “Mosi” hồi tháng 11/2019 lần đầu tiên chứng kiến Trung Quốc, Nga và Nam Phi cùng tham gia tập trận an ninh hàng hải. Cuối năm 2019, khoảng 300 binh sĩ thuộc Tập đoàn quân 73 của Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Đông của PLA đã tham gia cuộc tập trận kéo dài 25 ngày tại Tanzania. Lực lượng bộ binh Tanzania và Trung Quốc đã tập trận bắn đạn thật, mô phỏng hoạt động tìm kiếm và cứu hộ, tác chiến bằng máy bay không người lái, rà phá bom mìn. Đây là cuộc tập trận lớn nhất của PLA vào thời điểm đó.
Tần suất này trở lại vào năm 2023 sau một thời gian tạm hoãn do đại dịch COVID-19. Cuộc tập trận “Mosi II” được tổ chức vào tháng 2/2023 ngoài khơi Nam Phi, trùng với thời điểm đáng dấu một năm ngày Nga tiến hành cuộc xâm lược vào Ukraine. “Beyond 2023”, cuộc tập trận Trung Quốc-Tanzania lần thứ ba diễn ra vào tháng 9/2023. Tháng 6 năm nay, ETG 46 của Hải quân PLA đã tham gia cuộc tập trận chống cướp biển đa quốc gia do Nigeria tổ chức với sự tham gia của 10 tàu chiến từ Brazil, Cameroon, Trung Quốc và Nigeria. Cuộc tập trận này được xây dựng dựa trên 4 cuộc tập trận Trung Quốc-Nigeria kể từ năm 2014, bao gồm cả đơn phương và đa phương.
Những cuộc tập trận trên cho thấy rõ phần lớn cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc sử dụng để mở rộng dấu chân quân sự ở châu Phi đã được củng cố theo thời gian. Các cơ sở do Trung Quốc xây dựng ở Tanzania, như Căn cứ Hải quân Kigamboni, Căn cứ Không quân Ngerengere và Trung tâm Huấn luyện Mapinga đều đã tổ chức các cuộc tập trận của PLA. Các cảng do Trung Quốc xây dựng ở Cameroon, Ghana, Namibia và Nigeria là nơi Hải quân PLA dừng chân trước các cuộc tập trận chung. Peace Unity-2024, cuộc tập trận lớn nhất của Trung Quốc tính đến nay, cũng phản ánh sự tiến triển dần dần trong quá trình quân sự hóa chính sách châu Phi của Trung Quốc.
Lập trường của Trung Quốc và châu Phi
PLA coi châu Phi là bàn đạp cho “các hoạt động ở vùng biển xa”. Đại tá (đã nghỉ hưu) Châu Ba (Zhou Bo), chỉ huy các cuộc tập trận chống cướp biển của PLA ở châu Phi giai đoạn 2009-2015, cho biết “chúng tôi đang tiến bộ theo cách riêng mà không cần tiến hành chiến tranh”. Trung Quốc đang lợi dụng việc các phương tiện truyền thông toàn cầu và các cường quốc ít chú ý tới châu Phi, điều này giúp PLA dễ dàng mở rộng sự hiện diện quân sự ở châu Phi mà không gây chú ý. Trung Quốc cũng hưởng lợi từ khoảng cách triển khai xa hơn khi tham gia các hoạt động quân sự mở rộng ở châu Phi. Điều này liên quan đến việc triển khai phô trương sức mạnh và thử nghiệm, đồng thời cung cấp cho PLA kinh nghiệm huấn luyện thực tế từ môi trường an ninh phức tạp của châu Phi.
Các chính phủ châu Phi bảo vệ quyết định hợp tác với quân đội Trung Quốc, viện dẫn những lợi ích từ việc học hỏi kinh nghiệm từ PLA đang hiện đại hóa nhanh chóng. Trong khi đó, quan điểm bên ngoài chính phủ mang tính chỉ trích nhiều hơn. Một nhà bình luận người Kenya gọi cuộc tập trận Peace Unity-2024 là “kế hoạch bí mật của Trung Quốc nhằm thiết lập một căn cứ quân sự ở Tanzania”. Một chuyên gia người Tanzania lập luận rằng ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc ở Tanzania có thể làm thay đổi lập trường không liên kết của quốc gia châu Phi này, khiến nước này xích lại gần hơn với phe địa chính trị của Trung Quốc và “xa rời cam kết giải trừ quân bị và hòa bình của Phong trào Không liên kết”.
Nghịch lý ngày càng gay gắt ở châu Phi
Chiến lược quân sự của Trung Quốc ở châu Phi thúc đẩy mục tiêu của Bắc Kinh là đạt được “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa vào năm 2049”. Để đạt được mục tiêu này, PLA được giao nhiệm vụ trở thành “lực lượng mang tầm đẳng cấp thế giới” vào năm 2030 với khả năng chiến đấu và triển khai sức mạnh cần thiết để bảo vệ các lợi ích toàn cầu đang mở rộng của Trung Quốc và giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh trong tương lai gần vùng lãnh hải của nước này.
Trong khi một số quốc gia châu Phi ủng hộ Trung Quốc tăng sự hiện diện quân sự ở châu lục với lý do giúp châu Phi cải thiện năng lực quốc phòng, những quốc gia khác lại cho rằng châu Phi nên quản lý tốt hơn các quan hệ đối tác quân sự của mình để không đưa lục địa này vào trung tâm của các cạnh tranh địa chiến lược mà các chính phủ châu Phi nói rằng họ muốn tránh./.
Trang mạng africacenter.org (Ngày 2/12)