Khi Lào kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cuộc khủng hoảng ở Myanmar vẫn là thách thức số một. Trong bối cảnh đó, xuất hiện các kỳ vọng ngày càng tăng về những đột phá trong các cuộc họp ngày 19–20/12 tại Bangkok, Thái Lan. Các quốc gia giáp biên giới với Myanmar chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi cuộc xung đột đang diễn ra sẽ tập hợp lại để giải quyết các mối quan ngại cấp bách, khẳng định tầm quan trọng của sự hợp tác khu vực và vai trò của ASEAN trong việc giải quyết tình trạng bế tắc.
Cần nhấn mạnh “Đồng thuận năm điểm của ASEAN” (5PC) - khuôn khổ năm 2021 cho cuộc khủng hoảng Myanmar, vẫn là trọng tâm của các cuộc thảo luận vào cuối tuần này. Mặc dù đã đạt được một số tiến triển nhưng vẫn còn những khoảng cách đáng kể để đạt được lệnh ngừng bắn, khởi xướng đối thoại toàn diện và đảm bảo hỗ trợ nhân đạo. Các cuộc họp tại Bangkok sẽ xem xét lại những vấn đề này nhằm mục đích xây dựng sự đồng thuận rất cần thiết về con đường phía trước.
Là nước đăng cai tổ chức cuộc họp, Thái Lan nhấn mạnh sự quan tâm đối với sự ổn định của nước láng giềng. Các quốc gia giáp biên giới Myanmar gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh chia sẻ những lo ngại tương tự về xung khả năng xung đột lan sang lãnh thổ của họ. Các chủ đề chính bao gồm quản lý biên giới, gián đoạn thương mại, tội phạm mạng và các cuộc khủng hoảng nhân đạo do cuộc xung đột kéo dài ở Myanmar gây ra. Sự hiện diện của Than Swe, đại diện từ chính quyền hiện tại của Myanmar dự kiến sẽ tham gia trực tiếp vào các cuộc thảo luận.
Một trong những vấn đề được tranh luận nhiều nhất là cuộc bầu cử được lên kế hoạch của Myanmar vào cuối năm tới. Cộng đồng quốc tế đã lên tiếng lo ngại về tính bao trùm và tính hợp pháp của quá trình này vì cuộc bầu cử có thể đóng vai trò là một chiến lược thoát hiểm cho chế độ quân sự thay vì là một bước đi thực sự hướng tới hòa giải dân tộc, hòa bình và quản trị lấy người dân làm trung tâm.
Những kinh nghiệm từ các cuộc bầu cử trước đây của Myanmar như thời kỳ Tổng thống Thein Sein mang lại một số bài học về việc liệu các cuộc bỏ phiếu có thể mở đường cho một quá trình chuyển đổi có ý nghĩa hay không.
Chưa chắc chắn khả năng chuyển từ chiến trường sang bàn đàm phán
Nhiều bên liên quan gồm Chính phủ đoàn kết dân tộc (NUG) và các Tổ chức vũ trang dân tộc (EAO) đã được củng cố hoặc tăng cường kiểm soát lãnh thổ sau chiến dịch 1027. Các EAO có xu hướng bảo vệ lợi ích các vùng lãnh thổ mà không thỏa hiệp. Trong khi đó, NUG không đại diện cho tất cả các phe phái tại Myanmar. Điều này làm phức tạp thêm các nỗ lực hướng tới một cuộc đàm phán toàn diện.
Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Myanmar đang gia tăng khi Bắc Kinh tập trung vào sự ổn định dọc theo biên giới và bảo vệ lợi ích kinh tế Trung Quốc trong khu vực. Các dự án kết nối và cơ sở hạ tầng đã thúc đẩy Trung Quốc đóng vai trò trung gian, kể cả việc vận động lính Kokang chấm dứt bạo lực.
Bắc Kinh coi cuộc bầu cử là cơ hội để ổn định khu vực
Cách tiếp cận của Trung Quốc phù hợp với lợi ích của các bên liên quan khác trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ và Bangladesh có cùng sự quan ngại về tác động ảnh hưởng bất ổn. Các quốc gia này hướng tới mục tiêu thúc đẩy một giải pháp do Myanmar lãnh đạo, giảm bớt áp lực bên ngoài, đồng thời đảm bảo con đường tiến lên của đất nước vừa toàn diện vừa hòa bình.
Thái Lan đang ở ngã ba đường vừa có thể định hình và tác động đến giải pháp cho cuộc khủng hoảng Myanmar. Là nước chủ nhà và nước láng giềng, Thái Lan có vị thế độc đáo để thúc đẩy đối thoại và giảm bạo lực dọc biên giới. Cuộc họp tại Bangkok mang đến cơ hội mở rộng không gian nhân đạo, hỗ trợ các cuộc bầu cử toàn diện và tạo ra môi trường thuận lợi cho các cuộc đàm phán hòa bình. Vai trò của Thái Lan là then chốt khi xét đến lịch sử làm trung gian hòa giải các cuộc xung đột khu vực và kinh nghiệm bầu cử gần đây của Thái Lan. Mang lại đối thoại, Bangkok có thể khuyến khích các bên liên quan hướng tới hòa giải dân tộc. Cuộc họp tại Bangkok cũng diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với ASEAN khi Malaysia sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch vào tháng 1/2025. Đây là cơ hội để đánh giá lại chiến lược của ASEAN, bao gồm tương lai của 5PC và vai trò của đặc phái viên tại Myanmar.
Để cuộc bầu cử ở Myanmar dẫn đến hòa bình lâu dài, tất cả các bên liên quan, cả trong và ngoài nước, cần phải hợp tác. Trong khi ASEAN đóng vai trò trung tâm, các nước láng giềng như Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh cần hợp tác để đảm bảo cách tiếp cận phối hợp. Mỹ, châu Âu và Nga cần phải tham gia. Sự ổn định của Myanmar là ưu tiên của khu vực tác động đến các điều kiện thương mại, an ninh và nhân đạo xuyên biên giới.
Cuối cùng, tiếng nói chung của ASEAN, kết hợp với sự hỗ trợ của các nước láng giềng, có thể giúp Myanmar tiến gần hơn đến một giải pháp phản ánh nguyện vọng của toàn thể người dân./.
Đài phát thanh và truyền hình công cộng Thái Lan (Thai PBS)