Trang mạng Viện phân tích quan hệ quốc tế (IARI) của Italy vừa đăng bài viết nhận định việc tái vũ trang tại Trung Đông đã tăng đều đặn kể từ năm 2015, với các mục tiêu là quyền lực, sức mạnh mặc cả, khả năng răn đe và cuối cùng là sở hữu bom nguyên tử.
Theo nội dung bài viết, nếu phân tích dữ liệu mới nhất đến năm 2023 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) liên quan đến chi tiêu quân sự, rõ ràng là chi tiêu cho vũ khí ở Trung Đông đã tăng đáng kể từ những năm 1980 đến năm 2023. Chi tiêu cho vũ khí tăng lên cùng với các tình huống xung đột trong khu vực (ví dụ như trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất), nhưng chưa bao giờ đạt tổng giá trị lớn hơn 100 tỷ USD trước năm 2005 và chưa bao giờ đạt giá trị lớn hơn 200 tỷ USD kể từ năm 2015. Ngay tại Bắc Phi, chỉ trong giai đoạn 2013 - 2017, Algeria cũng đã chi cho 52% tổng lượng vũ khí nhập khẩu vào châu Phi. Một dấu hiệu cho thấy xu hướng tái vũ trang ngày càng tăng.
Không có công ty sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới nào trong số 50 công ty sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới nằm ở một quốc gia thuộc khu vực Trung Đông-Bắc Phi (MENA). Công ty sản xuất vũ khí lớn nhất tại khu vực này là công ty ASELSAN của Thổ Nhĩ Kỳ, đứng ở vị trí thứ 54. Trên thực tế, trong danh sách 100 công ty sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới có 3 công ty của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ASEALSAN còn có Baykar và Turkish Aerospace Industries. Không có công ty nào từ một quốc gia Ả-rập xuất hiện trong danh sách này, thậm chí là từ Iran.
Đây là một trong những lý do đằng sau của việc xuất hiện nhiều Biên bản ghi nhớ (MoU) mới với Ankara trong những năm gần đây, đặc biệt là giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia. Không phải ngẫu nhiên mà hai nước này đã ký MoU vào ngày 3/7/2024 với sự hiện diện của Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia Khalid Bin Salman và Chủ tịch Cơ quan Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ (SSB) Haluk Görgün - người đã giữ chức vụ Tổng giám đốc ASELSAN đến ngày 22/6/2023.
Năm ngoái, Riyadh và Ankara đã đàm phán một thỏa thuận về việc bán máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ cho Saudi Arabia. Tóm lại, Riyadh hữu ích cho Ankara về đầu tư trực tiếp nước ngoài - điều cần thiết cho một Thổ Nhĩ Kỳ đang lạm phát, trong khi Ankara hữu ích cho Riyadh trong cuộc chạy đua vũ trang. Kể từ năm 2015, Saudi Arabia là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất tại Trung Đông. Nếu chuyển từ phân tích chi tiêu quân sự sang phân tích giải quyết vấn đề sức mạnh quân sự, hãy xem Chỉ số sức mạnh hỏa lực toàn cầu năm 2024. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ xếp thứ 8 trong số các cường quốc quân sự, Iran xếp thứ 14, tiếp đến là Ai Cập. Quốc gia Arab đứng đầu vùng Vịnh là Saudi Arabia với vị trí thứ 23, vượt xa Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ở vị trí 51 và Qatar ở vị trí 63. Năm 2022, UAE là cường quốc quân sự đứng đầu vùng Vịnh với vị trí thứ 36.
Nếu so sánh dữ liệu giữa Riyadh và Abu Dhabi sẽ thấy chế độ quân chủ Saudi Arabia đánh bại UAE về mặt quân số, lực lượng bán quân sự, không quân và lục quân. Tuy nhiên, điểm yếu hiện tại của lực lượng quân đội Saudi Arabia chủ yếu liên quan đến lực lượng quân nhân dự bị (một khía cạnh mà UAE đánh bại nước này) và lực lượng hải quân (Saudi Arabia không có tàu ngầm, tàu khu trục, tàu sân bay, tàu sân bay trực thăng). Có nhiều dự đoán rằng quân nhân dự bị và hải quân sẽ là những lực lượng mà Saudi Arabia sẽ tập trung trong những năm tới. Lý do nào dẫn đến việc tái vũ trang trên trong khu vực và chúng ta có thể thấy trước xu hướng nào trong tương lai?
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc tái vũ trang trên là do xung đột ngày càng gia tăng trong khu vực. Trên thực tế, trong 10 năm qua, hầu hết các quốc gia khu vực MENA đều tham gia vào một số cuộc xung đột nội bộ hoặc khu vực. Trong đó, có thể kể đến số ít như xung đột tại Yemen, Syria và Libya, cuộc chiến với Nhà nước Hồi giáo (IS). Nguyên nhân thứ hai là liên quan đến các cuộc cạnh cạnh tranh trong khu vực, trước hết đó là giữa Iran với Saudi Arabia và giữa Saudi Arabia với Qatar. Nguyên nhân thứ ba là sự thờ ơ ngày càng tăng của Mỹ đối với khu vực này.
Mặc dù Washington dự kiến sẽ có cam kết lớn hơn với Trung Đông trong nhiệm kỳ Tổng thống mới của ông Donald Trump, nhưng cam kết này sẽ chủ yếu hướng đến lĩnh vực kinh tế và mục tiêu mở rộng Hiệp định Abraham. Người ta khó có thể tưởng tượng rằng sau các khoản đầu tư đáng kể của chế độ quân chủ, các nước vùng Vịnh sẽ quay lại dựa hoàn toàn vào ô bảo vệ của Mỹ. Ví dụ, vào tháng 5/2024, Saudi Arabia đã ký một thỏa thuận quốc phòng với Mỹ, nhưng theo như cách mà nước này đã ký với Nhật Bản, Philippines và Hàn Quốc. Mục tiêu là đa dạng hóa các hệ thống phòng không mà không vượt quá giới hạn tương thích với các hệ thống của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Việc tái vũ trang sẽ còn tiếp tục gia tăng vì lý do uy tín, quyền lực, sức mạnh đàm phán và răn đe, Tuy nhiên, tất cả những động thái này đều hướng đến mục tiêu chính là sở hữu bom hạt nhân, đặc biệt là đối với Saudi Arabia. Kịch bản này có thể xảy ra vì bản chất tham vọng của Thái tử Saudi Arabia Muhammad Bin Salman và vì nó sẽ cho phép Riyadh giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với Iran (bất chấp vẫn tồn tại các thỏa thuận năm 2023) để trở thành quốc gia hàng đầu trong thế giới Arab. Thật không may cho Riyadh, kịch bản này sẽ phụ thuộc vào mức độ mà Iran quản lý để có được bom hạt nhân. Vì vậy, hiện tại người Saudi Arabia hài lòng với bom hạt nhân của Pakistan, quốc gia có chương trình hạt nhân được chế độ quân chủ Al-Saud tài trợ./.