Cuộc chiến tranh mà Nga phát động ở Ukraine thu hút lại sự chú ý vào tầm quan trọng của việc có một ngành công nghiệp quốc phòng. Vậy Ấn Độ, một trong hai gã khổng lồ châu Á thì sao? Ấn Độ nhập khẩu số lượng lớn hàng quốc phòng, vừa để trang bị cho quân đội quốc gia, vừa để tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Nga, Mỹ, Israel, Pháp và Anh. Qua đó, Ấn Độ tìm cách buộc các cường quốc này đầu tư vào Ấn Độ để phát triển sản xuất quốc gia và có được bí quyết và công nghệ. Đồng thời, Ấn Độ đang cố gắng chinh phục các thị trường quốc tế và thành công một cách khiêm tốn theo hai cách. Đầu tiên, bằng cách xuất khẩu linh kiện cho các nhà cung cấp hoặc các quốc gia khách hàng của họ. Sau đó, bằng cách xuất khẩu các sản phẩm quốc gia đã được quân đội Ấn Độ kiểm chứng và sử dụng. Chiến lược khôn ngoan này cho phép Ấn Độ khẳng định được vị thế trong một thị trường rất khắt khe và tự định vị như một cường quốc cung cấp cho các nước thuộc khu vực xung quanh Ấn Độ Dương và đặc biệt là các nước châu Phi.
Kể từ năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã không ngừng đặt mục tiêu tự chủ chiến lược trong lĩnh vực sản xuất quốc phòng. Năm 2015, tại Triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế Aero India, trước các tập đoàn sản xuất vũ khí trên toàn cầu, ông phát biểu: “Đối với nhiều người trong số các bạn, Ấn Độ là một cơ hội kinh doanh lớn. Chúng tôi nổi tiếng là nhà nhập khẩu thiết bị quốc phòng lớn nhất trên thế giới. Nhưng đó là lĩnh vực mà chúng tôi không muốn trở thành số một”. Năm 2020, trong lễ khánh thành triển lãm Defexpo, ông nhấn mạnh vào sức mạnh tổng hợp có thể được tạo ra giữa Ấn Độ và các nhà cung cấp vũ khí với khẩu hiệu “sản xuất ở Ấn Độ, cho Ấn Độ, cho thế giới”. Ngày 18/7/2022, ông nhắc lại những lợi ích của việc tự chủ về sản xuất quốc phòng: “Không phải là khôn ngoan khi trang bị cho binh sĩ của chúng ta cùng một loại vũ khí được trang bị cho binh sĩ của 10 nước khác. Họ có thể tài năng hơn, họ được đào tạo tốt hơn, họ sử dụng vũ khí tốt hơn. Nhưng tôi còn phải chấp nhận rủi ro này cho đến khi nào đây? Tại sao binh sĩ của tôi phải mang vũ khí giống như những binh sĩ các nước khác?”, và “phụ thuộc vào nước ngoài cho mọi nhu cầu nhỏ của quốc phòng không chỉ là một sự đe dọa nghiêm trọng đến lòng tự trọng của đất nước chúng ta, mà hơn thế còn là một tổn thất kinh tế mang tính chiến lược”. Do vậy, ông coi sản xuất vũ khí là một nhu cầu thiết yếu: “Nếu chúng ta không tôn trọng vũ khí được sản xuất ở Ấn Độ, thì làm sao chúng ta có thể mong đợi thế giới coi trọng chúng? Điều đó là không thể. Chúng ta phải tự bắt đầu và tên lửa Brahmos là một ví dụ về công nghệ bản địa của chúng ta. Các bạn của tôi, Ấn Độ đã phát triển Brahmos và ngày nay cả thế giới đang xếp hàng để mua được nó. Chúng ta nên tự hào về những gì chúng ta phát triển”. Việc tìm kiếm độc lập và xây dựng quyền lực thông qua sự phát triển Cơ sở Công nghiệp và công nghệ quốc phòng Ấn Độ (BITD) đã trở thành mục tiêu kể từ khi giành độc lập vào năm 1947.
Để đạt được mục tiêu này, trước tiên Ấn Độ củng cố các liên minh chiến lược thông qua việc nhập khẩu vũ khí có mục tiêu và yêu cầu sản xuất một phần vũ khí ở trong nước, sau đó phát triển sản xuất quốc gia theo mọi hướng và thông qua các đơn đặt hàng quân sự, đưa các công ty sản xuất của Ấn Độ ra thị trường quốc tế.
Số liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) đưa ra đánh giá về nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ, và các nước cung cấp có thể được chia thành 4 nhóm: 1 nhà cung cấp chính (Nga với 62%); 2 nhà cung cấp quan trọng (Mỹ và Israel với lần lượt 15% và 11%), 2 nhà cung cấp phụ (Pháp và Vương quốc Anh với lần lượt 4,5% và 3,2%), và nhóm các nhà cung cấp nhỏ (dưới 1,2%). Chỉ riêng 4 nhóm nhà cung cấp vũ khí lớn nhất đã góp phần tới 95,7% vào hoạt động nhập khẩu của Ấn Độ.
Sở dĩ Ấn Độ tập trung vào Nga, Mỹ, Israel và Anh, đó là vì họ đều cung cấp các vũ khí hữu ích cho quân đội Ấn Độ, nhưng trên hết vì họ có các mối quan hệ lâu đời và cùng chung những lợi ích với Ấn Độ.
Nga
Nga là đối tác lịch sử của Quốc phòng Ấn Độ. Kể từ năm 1962 và thất bại trước Trung Quốc, Ấn Độ có niềm tin vững chắc vào Nga, bởi nước này đã luôn sát cánh cùng Ấn Độ khi xảy ra khủng hoảng trong kỷ nguyên Xôviết. Do đó, kho vũ khí của Ấn Độ gồm những vũ khí được nhập trực tiếp từ Liên Xô, sau đó từ Nga. Một trong những vũ khí gần đây nhất mà Ấn Độ mua của Nga có thể kể đến hệ thống phòng thủ tên lửa S-400. Hệ thống này được Ấn Độ đặt hàng nhân Hội nghị thượng đỉnh song phương Ấn Độ-Nga thường niên lần thứ 19 được tổ chức tại New Delhi vào ngày 5/10/2018. Hệ thống này, được đưa vào sử dụng ở Nga trong năm 2007, có thể tấn công các mục tiêu cách xa 400 km và đạt tới độ cao 30 km. Do đó, nó có thể tiêu diệt một máy bay, một tên lửa và thậm chí cả các cơ sở trên mặt đất. Như Vladimir Putin phát biểu tại Vladivostok nhân hội nghị thượng đỉnh song phương năm 2019, nước Nga là "một người bạn toàn diện và một đối tác tin cậy” của Ấn Độ, và quả thực với 14,5 tỷ đơn đặt hàng trong năm 2019, Ấn Độ không thể bị coi nhẹ. Đổi lại, năm 2019 Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã kêu gọi các nhà sản xuất Nga chuyển một phần hoạt động sản xuất sang Ấn Độ những vũ khí mà nước này mua của Nga. Tháng 11/2019, một vài doanh nghiệp nhà nước và tư nhân Ấn Độ đã tháp tùng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước này đến Nga tham dự hội nghị về hợp tác quân sự và kỹ thuật giữa hai nước. Ấn Độ đã không thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp của Nga và chính Nga đã dành những khoản đầu tư lớn cho ngành công nghiệp Ấn Độ. Ấn Độ cũng gợi ý với đối tác Nga rằng các doanh nghiệp Ấn Độ có thể sản xuất linh kiện, hay thậm chí toàn bộ hệ thống vũ khí của Nga cho một nước thứ ba. Tại Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ-Nga lần thứ 21 tại New Delhi vào ngày 6/12/2021, hiệp ước hợp tác quân sự song phương đã được ký kết cho đến năm 2031.
Mỹ
Kể từ khi bức tường Berlin bị dỡ bỏ (năm 1989) và khối Liên Xô sụp đổ, Mỹ đã giành được một số lợi thế so sánh nhất định, khiến cho các sản phẩm của Mỹ được bán ngày càng nhiều cho Ấn Độ. Trước hết, sự gián đoạn nguồn cung các phụ kiện tháo rời của Liên Xô đã ảnh hưởng đến quân đội Ấn Độ trong suốt những năm 1990. Sau đó, ở cấp độ địa chính trị, kể từ năm 2001 và sau vụ khủng bố ngày 11/9, Ấn Độ đã trở thành một đồng minh khách quan của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, do vậy, việc bán vũ khí cho Ấn Độ trở nên dễ dàng hơn.
Trong các nhiệm kỳ tổng thống của Obama và Trump, vai trò của của Ấn Độ không ngừng được cải thiện trong liên minh chiến lược Mỹ-Ấn và do vậy cả trong quan hệ thương mại và lĩnh vực xuất khẩu vũ khí hay các hệ thống tinh vi phục vụ quốc phòng Ấn Độ. Mục tiêu chiến lược của Mỹ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trùng khớp với mục tiêu của Ấn Độ trong không gian Ấn Độ Dương. Tháng 12/2019, trong cuộc đối thoại 2+2 cấp bộ trưởng Mỹ-Ấn, danh sách lợi ích chung của hai nước đã được Ngoại trưởng Michael R. Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark T. Esper cùng những người đồng cấp Ấn Độ, Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh và Bộ trưởng Ngoại giao S Jaishankar, đồng khẳng định. Hai nước mong muốn hòa bình và thịnh vượng cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hợp tác trong lĩnh vực này cùng với Nhật Bản và Australia. Hai nước cũng có mục tiêu ở cấp khu vực đối với Ấn Độ Dương, cụ thể là biến nơi đây thành khu vực lưu thông tự do trên biển, và bảo vệ các vùng đánh bắt cá, chống ô nhiễm và thực hiện thăm dò khoa học biển ở khu vực này. Về mặt chính trị, cả hai nước đều đấu tranh cho hòa bình và tự do, do đó Mỹ ủng hộ Ấn Độ ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Cả hai nước cũng đang chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo dưới mọi hình thức.
Các công nghệ liên quan đến hàng không vũ trụ và vũ khí hạt nhân cũng được quan tâm. Điều này cho phép các hoạt động đầu tư của Mỹ để xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ấn Độ trở nên dễ dàng hơn. Trên thực tế, Ấn Độ đang trở thành đồng minh lớn và khách hàng không thể thiếu của Mỹ. Những công nghệ hiện đại nhất đã được Mỹ bán cho Ấn Độ, do vậy, có thể khẳng định rằng các công ty Ấn Độ sẽ hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia Mỹ.
Israel
Israel là tác nhân mới trong cuộc chạy đua vũ trang của Ấn Độ. Sự hội tụ các yếu tố khiến Ấn Độ trở nên hấp dẫn đối với Israel, điều này giải thích cho các hợp đồng mà các công ty Israel thực hiện với Bộ Quốc phòng Ấn Độ. Ngày 2/6/2022, trong chuyến thăm New Delhi của Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benjamin Gantz, hai nước đã ký kết Tầm nhìn Hợp tác quốc phòng Ấn Độ-Israel. Trong lịch sử, Ấn Độ và Israel cùng đấu tranh chống Đế quốc Anh và hiện đều đối mặt với những mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo. Bên cạnh đó, hai nước còn có chung những giá trị dân chủ ở châu Á. Đại sứ Israel tại Ấn Độ Ron Malka từng phát biểu: “ Nhìn về phía Đông của Israel, Ấn Độ là quốc gia dân chủ đầu tiên và duy nhất. Tương tự, quốc gia dân chủ nhất mà Ấn Độ tìm thấy ở phía Tây của họ là Israel. Bên cạnh những nền văn minh giàu có và lâu đời, hai nước cũng phải đối mặt với những thách thức và mối đe dọa như nhau, điều này khiến Ấn Độ và Israel trở thành những đồng minh tự nhiên, chứ không chỉ là những đối tác chiến lược. Israel nhỏ hơn 150 lần so với Ấn Độ nhưng quy mô hợp tác giữa hai nước là rất lớn". Tiếp đó, ông liệt kê những yếu tố thúc đẩy Ấn Độ trở thành đồng minh đặc biệt của Israel: lực lượng lao động dồi dào, gồm cả lành nghề và không lành nghề, khả năng của Ấn Độ trong việc tháo gỡ hoặc giảm thiểu xung đột với các quốc gia láng giềng, cùng chung cuộc chiến chống khủng bố, cùng tìm cách bảo vệ biên giới bằng những bức tường hay chướng ngại vật không thể vượt qua, cùng nghiên cứu trong những lĩnh vực hiện đại nhất như phòng thủ mạng, viễn thông và không gian vũ trụ. Bán vũ khí cho Ấn Độ không chỉ mang lại sự hấp dẫn về kinh tế, mà trên hết, về mặt chiến lược, đó là một sự đầu tư dài hạn bằng cách tạo ra đồng minh trước những mối đe dọa của Iran đối với sự tồn vong của Israel. Cũng như Nga, Israel không ngần ngại bán công nghệ mới nhất của mình cho Ấn Độ, khách hàng quan trọng nhất cho ngành công nghiệp quốc phòng Israel.
Năm 2017, Tập đoàn Hàng không vũ trụ Israel (IAI) đã bán hệ thống phòng không Barak 8 cho Ấn Độ với giá 630 triệu USD, và một hợp đồng bổ sung đã được hai bên ký kết năm 2018 trị giá 777 triệu USD. Tháng 8/2019, một nhà máy đã được khánh thành ở thành phố Hyderabad (Ấn Độ) để sản xuất tên lửa chống tăng với sự hợp tác giữa công ty quốc phòng Rafael Advanced Defense Systems của Israel và công ty Astra Microwaves của Ấn Độ. Có thể nhận thấy, liên minh Israel-Ấn Độ hứa hẹn tương lai tươi sáng vì các công ty quốc phòng Israel chấp thuận chuyển nhượng một phần hoạt động sản xuất của họ cho Ấn Độ, và trên hết Israel đã thử nghiệm vũ khí của họ trong chiến đấu và không ngần ngại bán vũ khí đó cho Ấn Độ khi nước này muốn sử dụng chúng để chống lại Pakistan!
Anh
Anh chiếm vị trí đặc biệt trong nhóm các quốc gia xuất khẩu vũ khí cho Ấn Độ. Vào đầu những năm 2020, Anh cung cấp 3% vũ khí nhập khẩu của Ấn Độ và trong triển lãm quốc phòng DefExpo 2020, 13 công ty Anh đã giới thiệu sản phẩm của họ cho quân đội Ấn Độ. Chính phủ Anh tìm cách phát triển việc bán hàng sang Ấn Độ vì những lý do chính trị: hai nước cùng chia sẻ các giá trị dân chủ, cùng chống khủng bố. Ngoài ra còn có những lý do địa chiến lược và kinh tế: phát triển ảnh hưởng của Anh trên quy mô toàn cầu thông qua Ấn Độ, chủ yếu ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Cộng đồng đông đảo người Ấn Độ ở Anh cũng là yếu tố thúc đẩy sự phát triển trao đổi thương mại giữa hai nước.
Tháng 4/2019, hai nước đã ký kết biên bản ghi nhớ nhằm tăng cường sự hợp tác công nghiệp trong dài hạn. Biên bản ghi nhớ này sẽ mang lại lợi ích cho quân đội Anh và Ấn Độ. Ngày 30/4/2019, khi được hỏi tại Hạ viện về chủ đề này, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Stuart Andrews đã trả lời: "Biên bản ghi nhớ nhấn mạnh mong muốn của Anh và Ấn Độ trong việc tăng cường mối quan hệ quốc phòng song phương. Nó sẽ giúp chúng tôi xác định những nhu cầu chung về năng lực quốc phòng và an ninh và từ đó cho phép các ngành công nghiệp quốc phòng và an ninh của chúng tôi tập trung và hợp tác hiệu quả hơn vào các cơ hội sở hữu vũ khí cả ở Anh và ở Ấn Độ. Những cải tiến công nghệ và năng lực công nghiệp có được từ sự hợp tác này sẽ tăng cường an ninh chung và sự thịnh vượng của chúng tôi trong dài hạn”. Biên bản ghi nhớ này cho thấy Anh coi Ấn Độ là một thị trường ưu tiên cần phát triển, và điều này đã được chứng minh vào tháng 4/2022 trong chuyến thăm của Thủ tướng Boris Johnson tới New Delhi khi ông và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi đã khẳng định sẽ đưa quan hệ hợp tác giữa hai nhà nước lên tầm đối tác chiến lược toàn diện với lộ trình đến năm 2030, trong đó hai bên sẽ cùng nhau hợp tác nghiên cứu và sản xuất.
Bản đồ các quốc gia cung cấp vũ khí cho thị trường quốc phòng Ấn Độ cho thấy thị trường này rất hạn chế và chỉ các quốc gia có cùng mục tiêu địa chính trị với Ấn Độ mới lọt vào danh sách các nhà cung cấp. Một số quốc gia, có mặt tại triển lãm quốc phòng Defexpo 2020 nhưng không được Ấn Độ đặt hàng, đang tìm cách khẳng định thâm nhập thị trường nước này, và điều thú vị là trong số những nước này có Australia và Nhật Bản, các đồng minh của Ấn Độ và Mỹ trong khuôn khổ Đối thoại An ninh Bốn bên (Bộ Tứ). Đơn đặt hàng quân sự củng cố quan hệ chiến lược giữa các đồng minh, nhưng cũng kéo theo hoạt động đầu tư vào Ấn Độ vì luật pháp Ấn Độ quy định nhà cung cấp có nghĩa vụ bù đắp công nghiệp khi các hợp đồng vượt quá mức tiền nhất định (296 triệu USD theo Thủ tục Mua sắm Quốc phòng 2016). Công ty bán vũ khí trên thị trường Ấn Độ phải mua các linh kiện ở Ấn Độ, hoặc trực tiếp sản xuất ở nước này thông qua liên doanh bằng cách đầu tư vốn vào một công ty Ấn Độ hay chuyển giao công nghệ. Do vậy, có một nghịch lý là Ấn Độ càng nhập khẩu nhiều thì nước này càng sử dụng sự phụ thuộc này để buộc các nhà cung cấp chuyển giao bí quyết và công nghệ. Tuy nhiên, phương pháp này không thuyết phục lắm đối với sự phát triển công nghiệp của Ấn Độ, bởi những người bán thường đưa ra nhiều cam kết để đủ điều kiện ký hợp đồng bán vũ khí nhưng sau đó dường như họ ít sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ của mình.
So với nhập khẩu, lượng xuất khẩu vũ khí của Ấn Độ không đáng kể, với mức thâm hụt hơn 3 tỷ USD trong năm 2017. Tờ rơi dành cho khách tham quan tại triển lãm quốc phòng Defexpo 2020 trích dẫn 84 quốc gia nhập khẩu sản phẩm quốc phòng của Ấn Độ. Tuy nhiên, số liệu về xuất khẩu của Ấn Độ hoàn toàn không giống với số liệu của SIPRI và đều cao hơn đáng kể.
Người ta nhận thấy rằng ngoài các mặt hàng bảo hộ, mũ bảo hiểm, áo chống đạn, thậm chí xe cộ, các sản phẩm của Ấn Độ thể hiện một trình độ công nghệ ở mức bình thường. Không quốc gia nào sản xuất máy bay, tàu chiến hay tên lửa đặt hàng từ Ấn Độ. Điểm đến các sản phẩm quốc phòng của Ấn Độ thường là những thị trường bị phong tỏa (như Afghanistan và Nepal) – hầu như buộc phải mua sản phẩm của Ấn Độ vì lý do an ninh, các nước láng giềng (như Myanmar, Sri Lanka), các thị trường đảo quốc được tài trợ (Seychelles, Mauritius nhận tàu tuần duyên cho lực lượng bảo vệ bờ biển của họ) – giúp mở rộng ảnh hưởng của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương, và cuối cùng là các nước châu Phi (Mozambique, Namibia) đánh dấu bước mở cửa mới của Ấn Độ đối với thị trường này./.
Trang mạng diploweb.com