Việc Philippines tuyên bố tiếp tục duy trì chiến lược công khai thách thức các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông (Philippines gọi là Biển Tây Philippines, còn Trung Quốc gọi là Biển Hoa Nam) nhưng không để xảy ra xung đột trực tiếp đã làm dấy lên những lời kêu gọi áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh. Đặc biệt, một nhà phân tích an ninh nổi tiếng của Mỹ thậm chí còn kêu gọi Washington có những bước đi táo bạo hơn để thể hiện cam kết bảo vệ Philippines.
Raymond Powell, giám đốc SeaLight - một dự án của Trung tâm Đổi mới An ninh Quốc gia Gordian Knot thuộc Đại học Stanford chuyên theo dõi hoạt động của các tàu Trung Quốc ở Biển Đông, đề xuất quân đội Philippines có thể mời quân đội Mỹ thực hiện các hoạt động nhân đạo tại vùng biển tranh chấp, hay hợp tác với một công ty Mỹ để thăm dò dầu khí, nhằm gia tăng áp lực đối với Bắc Kinh.
Những đề xuất này được đưa ra sau khi các quan chức Philippines tuyên bố hôm 5/1 rằng nước này sẽ duy trì chiến dịch minh bạch hóa nhưng không gây leo thang - tập trung vào việc công khai vạch trần và ghi nhận các hoạt động của Bắc Kinh tại Biển Đông nhưng tránh để xung đột trực tiếp leo thang - trong năn nay, đồng thời Manila cũng sẽ ưu tiên bảo vệ lãnh hải của mình.
Trao đổi với chuyên mục This Week in Asia của tờ “South China Morning Post”, ông Powell cho biết mặc dù Trung Quốc đã mở rộng tầm kiểm soát ở vùng biển tranh chấp trong năm qua, song cách tiếp cận minh bạch hóa rất quyết đoán của Manila đã đạt được tiến bộ đáng kể. Theo ông, chiến lược này đã giúp củng cố khả năng tự cường của Philippines trước sự hung hăng của Trung Quốc, thay đổi cách tiếp cận an ninh để tập trung hơn vào việc bảo vệ quần đảo, tái tổ chức lực lượng vũ trang, tăng cường hỗ trợ quân sự từ nước ngoài, đồng thời thắt chặt quan hệ với Mỹ và các đồng minh khác.
Dù vậy, năng lực phòng thủ vùng biển của quân đội Philippines vẫn còn hạn chế do phải cắt giảm ngân sách, khiến chương trình hiện đại hóa giai đoạn 2025 chỉ còn 35 tỷ Peso (tương đương 598,1 triệu USD). Giới chỉ trích cho rằng khoản kinh phí này đã bị chuyển sang các dự án cơ sở hạ tầng địa phương phục vụ cho cuộc bầu cử sắp tới, dẫn đến việc giới chức quốc phòng gặp khó khăn với ít nguồn lực hơn cho hoạt động giám sát trên biển và mua sắm trang thiết bị hiện đại.
Trong bối cảnh quân đội Philippines còn thiếu thốn và khó có khả năng cải thiện ngay, ông Powell nhận định: “Quyết định tránh xung đột (tại Biển Đông) là hợp lý, với tương quan lực lượng quá chênh lệch như hiện nay”. Ông Powell cho biết Philippines đang đối diện với tình hình đặc biệt khó khăn ở Biển Đông so với các nước láng giềng Đông Nam Á. Tại một hội nghị an ninh về vùng biển tranh chấp vào ngày 8/11/2024, ông Powell nhấn mạnh rằng Philippines là nước duy nhất có một căn cứ quân sự lớn của Trung Quốc nằm ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của mình - ám chỉ Bãi Vành Khăn (Mischief Reef) - và cũng bị hạn chế tiếp cận các thực thể quan trọng như Bãi cạn Scarborough và Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) do các hành động của Bắc Kinh. Ông mô tả đây là “một cuộc chiếm đóng trên biển trong vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp của một quốc gia bởi một thế lực nước ngoài thù địch, thậm chí mang tính bành trướng”.
Ông Powell cho rằng cách tốt nhất đối với Manila hiện nay là “gây áp lực đối với Bắc Kinh bằng cách dựa nhiều hơn vào liên minh với Mỹ”. Ông cho biết: “Ví dụ, tôi đã đề xuất triển khai một nhóm hành động dân sự-quân sự chung giữa Mỹ và Philippines đến đảo Thị Tứ (Pag-Asa) để hỗ trợ người dân tại đây về y tế và kỹ thuật. Động thái này sẽ gửi đi một thông điệp rõ ràng về cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ đồng minh, đồng thời đem lại sự hỗ trợ thiết thực”.
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của chính phủ Philippines, đề nghị giấu tên, cho biết sự hiện diện của Mỹ trên một hòn đảo đang tranh chấp với sự đồng thuận của Manila có thể “gây phức tạp về mặt ngoại giao cho Mỹ” vì nó hàm ý Washington thừa nhận yêu sách của Philippines đối với hòn đảo “bất chấp lợi ích của các bên khác cũng có yêu sách”. Nhưng quan chức này nói thêm: “Ai mà biết được. Có thể (Tổng thống Mỹ sắp nhậm chức Donald) Trump sẽ phá vỡ tiền lệ”.
Ông Lucio Blanco Pitlo - Chủ tịch Hội Nghiên cứu Trung Quốc của Philippines - nhận xét không có bên yêu sách nào ở Biển Đông “công khai cho phép một bên thứ ba tham gia các hoạt động thường xuyên tại những tiền đồn mà họ đang quản lý, dù đó là nâng cấp cơ sở hạ tầng, luân chuyển quân, tiếp tế hay tuần tra”. Ông Pitlo nói: “Việt Nam xây mới và mở rộng công trình ở Trường Sa, còn Malaysia cũng tự triển khai khai thác khí tại mỏ Kasawari của họ, mà không có sự can thiệp từ bên ngoài. Việc Manila trông cậy vào lực lượng nước ngoài để thực hiện những công việc bình thường trên khu vực mà họ yêu sách có thể gây ấn tượng không tốt. Nguy cơ ở đây là hành động này có thể củng cố quan điểm của Trung Quốc rằng nước láng giềng nhỏ hơn đang tự nguyện để bị lợi dụng làm bàn đạp cho đối thủ của Bắc Kinh”. Ông Pitlo cho rằng Trung Quốc có khả năng sẽ đáp trả chuyến thăm chung tới đảo Thị Tứ bằng cách “điều thêm nhiều tàu Trung Quốc tới khu vực này để giám sát hay quấy nhiễu”.
Ông Chester Cabalza - Chủ tịch sáng lập tổ chức tư vấn Hợp tác An ninh và Phát triển Quốc tế tại Manila - cũng đồng ý rằng kế hoạch triển khai nhóm dân sự chung “sẽ chỉ làm tình hình chiến lược xấu thêm ở Biển Tây Philippines”. Tuy nhiên, ông Cabalza cho rằng chính quyền sắp tới của Trump có thể tiến hành thăm dò khí đốt và gợi ý một mô hình “tay ba” với sự tham gia của Manila, Bắc Kinh và Washington “để giảm căng thẳng”.
Ông Pitlo nhận định nếu một công ty tư nhân Mỹ tham gia, việc đó cần kèm theo những cam kết về rủi ro, đảm bảo không bị Trung Quốc phá hoại hoạt động thăm dò, và có cơ chế giảm thiểu nguy cơ địa chính trị. Ông nói: “Nhiều công ty năng lượng nước ngoài đã rút khỏi các lô dầu khí ở Biển Đông hay không tiến hành công việc đáng kể do lo ngại về an ninh”, chẳng hạn như công ty Repsol của Tây Ban Nha đã rút khỏi dự án ngoài khơi ở Việt Nam. Ông Pitlo bổ sung: “Các động thái gần đây của Trung Quốc, như tập trận hải quân và bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa để phản ứng với những hoạt động của Mỹ-Philippines, cũng cho thấy Bắc Kinh có khả năng sẽ gia tăng áp lực đối với Philippines”./.